Lộ tin nhắn đe dọa chị “Nguyệt Hoài Đức”
Trong khi phiên xử phúc thẩm vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức còn đang bị hoãn thì chị “Nguyệt Hoài Đức” và các đồng nghiệp khác thường xuyên bị nhắn tin khủng bố, đe dọa.
Những tưởng mọi việc đã được khép lại khi vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm” tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được đưa ra khởi tố, xét xử. Thế nhưng, khi phiên phúc thẩm còn đang tạm hoãn thì hầu hết những người có liên quan đến vụ án “vẫn làm việc bình thường” trong Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, còn chị Nguyệt và những người đứng lên chống tiêu cực, dũng cảm phanh phui sự thật thì vẫn thường xuyên bị nhắn tin đe dọa trả thù.
Những nội dung tin nhắn “hiền nhất” gửi tới chị “Nguyệt Hoài Đức” (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trao đổi với phóng viên Infonet.vn vào chiều 4/8, chị “Nguyệt Hoài Đức” cho biết, những tin nhắn đe dọa, chửi bới, làm nhục chị bắt đầu từ thời điểm phiên xử sơ thẩm vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm” tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức diễn ra.
Trong thời gian khoảng hơn 1 tháng nay, chị Nguyệt thống kê đã có tổng cộng gần 200 tin nhắn chửi bới, đe dọa chị với những lời lẽ chợ búa, vô văn hóa, đến mức làm cho người ta phải phát nôn mỗi khi đọc. Số lượng tin được gửi bằng “sim rác” và được sử dụng nhiều lần cho đến khi hết tiền lại chuyển sang sim khác.
Hằng ngày, chị “Nguyệt Hoài Đức” vẫn bị “khủng bố” tin nhắn đe dọa trả thù.
Các đồng nghiệp của chị Nguyệt đứng lên tố cáo trước kia như chị Oanh cũng thường xuyên bị nhắn tin “khủng bố”. Thậm chí, các đối tượng giấu mặt mà chị Nguyệt luôn biết được là ai còn nhắn tin “chờ mọi cái lắng xuống rồi trả thù”, “sẽ trả thù thành nhiều đợt”, và còn đe dọa “giết, trả thù con cái trong gia đình”…
Trong hầu hết các tin nhắn gửi đến chị “Nguyệt Hoài Đức”, các đối tượng giấu mặt luôn dùng những ngôn từ chợ búa. Được sự đồng ý của chị Nguyệt, chúng tôi xin trích một số tin nhắn (đã lược bớt những từ ngữ tục tĩu) đã gửi vào điện thoại của chị:
“…phen này ông phải cho chúng bay một trận mất đường về quê…”
“…hai con kia chúng mày mà còn sủa nữa thì không còn răng mà nhai c. đâu”
“…Ông mà gặp chúng mày ở đâu thì đừng có trách ông mày…”
“…mày làm cho con cháu tao mất cơm ăn việc làm ngày tận số của mày sắp đến rồi đấy…mày nhìn con trai độc nhất của mày đi kẻo một ngày tới đây bố mày xin một chân một tay bố mày cho nó nhá”.
Video đang HOT
Theo chị Nguyệt, hầu hết các bị cáo trọng vụ án được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm vẫn đang làm việc bình thường tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
Điều mà chị Nguyệt và các đồng nghiệp khác thấy khó hiểu là, mặc dù vụ án đã đưa ra xét xử sơ thẩm và chưa đến giai đoạn xử phúc thẩm, song tất cả những người có liên quan đến vụ án đều vẫn đang làm tại bệnh viện, với các vị trí chức vụ như trước kia.
Còn chị Nguyệt hiện tại đã không còn làm ở khoa xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức nữa, mà chị đã chuyển sang tổ kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dược ở cùng bệnh viện.
Liên tục bị nhắn tin, nháy máy “khủng bố” gây ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng và cuộc sống của mình, chị “Nguyệt Hoài Đức” đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an nhờ can thiệp.
Cho rằng, việc những người có liên quan đến vụ án mà vẫn đang làm việc tại bệnh viện bình thường là điều khó chấp nhận, chị Nguyệt cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện, sở đề nghị đưa ra ý kiến về sự việc này.
Ngay sau khi sự việc được phanh phui, Sở y tế Hà Nội đã trao giấy khen và số tiền thưởng 320.000 đồng cho 3 nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vì đã dũng cảm tố cáo sai phạm tại bệnh viện. 3 người được Sở Y tế Hà Nội khen thưởng là chị Hoàng Thị Nguyệt, cùng 2 người khác là Phan Thị Nam Đông và Khuất Thị Định. Lúc đó, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên “tin rằng những người được vinh danh cũng không quan trọng vấn đề tiền thưởng. Yếu tố ghi danh những hành động dũng cảm là quan trọng nhất”.
Theo Thành Nam (Infonet.vn)
Vụ Hoài Đức: Không nghiêm trọng, chỉ mất mặt ngành y tế
Chiều 7/3, phiên tòa xử những bị cáo vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại BV Đa khoa Hoài Đức khép lại với hầu hết án treo và cảnh cáo.
Hàng nghìn kết quả khống, 9 bị cáo, 1 án tù giam
17h ngày 7/3, Hội đồng xét xử vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã công bố bản án tuyên phạt các bị cáo.
Bản án do Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Bích Ngân nêu rõ hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến uy tín của bệnh viện đa khoa Hoài Đức và ngành y tế, làm giảm niềm tin của nhân dân vào ngành y tế.
Cụ thể, hội đồng xét xử tuyên phạt:
Vương Thị Kim Thành (55 tuổi, Trưởng khoa xét nghiệm bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức) lãnh 12 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng lãnh án về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ:
Nguyễn Thị Ngà (30 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng
Nguyễn Thị Thu Trang (24 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng
Nguyễn Thị Hồng Nhung (24 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm), 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng
Nguyễn Đồng Sơn (25 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm), 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng
Nguyễn Thị Xuyên (53 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm) 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng
Vương Thị Lan (26 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm) 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng.
Xử phạt Nguyễn Trí Liêm (52 tuổi, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức) cảnh cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Thị Nhiên (55 tuổi, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức) 10 tháng cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Về trách nhiệm dân sự, tại tòa Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức yêu cầu bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức trả lại số tiền hơn 16 triệu đồng là số tiền Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức đã thanh toán cho các phiếu xét nghiệm khống. Bệnh viện đa khoa Huyện Hoài Đức đã chuyển số tiền trên cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức.
Tuy nhiên theo HĐXX, sự việc xảy ra có một phần lỗi của Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức, đã không kiểm tra kỹ hồ sơ thanh toán bảo hiểm gây thất thoát số tiền trên. HĐXX tuyên buộc Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức phải nạp lại số tiền hơn 16 triệu đồng xung công quỹ nhà nước.
Như vậy, với cả nghìn kết quả xét nghiệm của người dân đến bệnh viện điều trị, khám chữa bệnh bị làm giả, tổn thất duy nhất là 16 triệu đồng cùng với sự mất uy tín. Ngoài ra, trong 9 bị cáo, chỉ có một án tù giam, còn lại là tù treo, cải tạo. Giám đốc bệnh viện chỉ bị cảnh cáo nhắc nhở.
Do nể nang nên làm khống giấy xét nghiệm
Trong phần xét hỏi diễn ra tại phiên tòa buổi sáng ngày 7/3/2014, các bị cáo có những lời khai đầy tính bi hài.
Bị cáo Vương Thị Kim Thành, nguyên Trưởng khoa xét nghiệm phủ nhận mình không trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền in khống kết quả xét nghiệm mà giao cho KTV trưởng Phan Thị Oanh trực tiếp điều hành công việc hằng ngày. Bị cáo cũng trực tiếp cho một số người thân quen của nhân viên trong BV kết quả "khống" vì lý do "nể nang". Còn với bệnh nhân thì làm xét nghiệm rồi in ra để tăng thêm thu nhập.
Bị cáo Thành cũng khai một lần do người nhà một cháu nhỏ 2 tuổi xin không làm kết quả xét nghiệm nên đã lấy một kết quả xét nghiệm của người 57 tuổi cho cháu bé này.
Chị Hoàng Thị Nguyệt (áo đen) - người dũng cảm tố cáo những sai phạm có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng. (Ảnh: VTC)
Bị cáo Xuyên khai rằng do nể nang đồng nghiệp nên làm và tự bị cáo làm. "Khi tôi làm thì nhân viên các khoa khác tới xin, Lãnh đạo khoa không biết. Chỉ đơn giản là xin giấy sức khỏe nên in giấy xét nghiệm", bị cáo Xuyên khai.
Bị cáo Sơn, khai Phan Thị Oanh là kỹ thuật viên trưởng của bệnh viện, chỉ đạo bị cáo in ra. Bị cáo cũng khai nhận không lấy mẫu màu nào in ra rồi vứt đi. Sơn cũng khai nhận mình là nhân viên hợp đồng nên phải làm theo vì lo sợ...
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Vương Thị Lan (26 tuổi) khai công việc hằng ngày tại khoa là tiếp đón bệnh nhân, lấy máu và làm các xét nghiệm. Bị cáo thừa nhận đã in khống hơn 200 phiếu kết quả xét nghiệm.
"Bị cáo biết là sai nhưng vẫn phải làm theo chi đạo của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh (người đã được miễn truy tố). Tôi được bảo làm thế để sau tăng thêm thu nhập cho nhân viên trong bệnh viện", bị cáo Lan khai.
Bị cáo Nguyễn Đồng Sơn (25 tuổi) khai Phan Thị Oanh là kỹ thuật viên trưởng của bệnh viện, chỉ đạo bị cáo in ra. Bị cáo cũng khai nhận không lấy mẫu màu nào in ra rồi vứt đi. Sơn cũng khai nhận mình là nhân viên hợp đồng nên phải làm theo vì lo sợ...
Giám đốc bệnh viện tự tin biện minh trước vành móng ngựa. (Ảnh: Thanh niên)
Là người có nhiều năm làm ở khoa, bị cáo Nguyễn Thị Xuyên (53 tuổi) khai do "Nể nang đồng nghiệp, nhân viên trong các khoa ai đến xin thì cho" nên đã in khống khoảng 18 phiếu xét nghiệm. Bị cáo phủ nhận hành vi lấy máu bệnh nhân rồi bỏ đi.
"Thưa tòa, các bị cáo đã làm hết trách nhiệm nhưng người ta làm giấu thì làm sao mà quản lý và biết được. Sau khi có đơn thư, bị cáo đã kiểm tra nhưng cũng không phát hiện ra gì. Bị cáo nghĩ với với cương vị là một giám đốc bị cáo chỉ không làm tròn trách nhiệm của một người quản lý toàn diện, quản lý chung, chứ không thể khởi tố hình sự với bị cáo được", bị cáo Liêm nói trước tòa.
Cuối cùng, bị cáo Liêm nhận mức án mang tính "cảnh cáo".
Theo Đất Việt
Chị Nguyệt 'Hoài Đức' và hơn 300 ngày giông bão Chị mang biệt danh "Nguyệt Hoài Đức" từ khi tố cáo lãnh đạo Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) nhân bản kết quả xét nghiệm. Vụ án vừa được đưa ra xét xử khiến xã hội lại thêm một lần nhắc nhớ tới chị, người phụ nữ dám vượt qua mọi bão giông để giữ lại sự trong sạch của tấm áo blouse...