Lo ngại Trump thua cuộc có thể kích động bạo lực ở Mỹ
Những cáo buộc gian lận của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump có thể kích động tâm lý bạo lực đối với các cử tri ủng hộ trong trường hợp ông thất bại trước bà Hillary Clinton với cách biệt sít sao.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử đã bị sắp đặt gây bất lợi cho ông. Ảnh: AP
Trong một nỗ lực nhằm khuấy động tâm lý nghi ngờ về tính công bằng của quy trình bầu cử năm nay, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 16/10 đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter những bình luận cáo buộc cuộc bầu cử vào ngày 8/11 tới bị sắp đặt và gian lận.
Động thái này của tỷ phú bất động sản làm dấy lên lo ngại rằng ông đang ngầm khuyến khích cử tri ủng hộ tiến hành các cuộc tuần hành phản đối quyết liệt vào ngay sáng sau ngày bầu cử, nếu ông thất bại trước ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo AFP.
Nhà tài phiệt New York còn kêu gọi người ủng hộ tới các điểm bỏ phiếu tại những khu vực có đông cử tri ủng hộ đảng Dân chủ như Philadelphia để giám sát và ngăn chặn tình trạng gian lận phiếu trong ngày bầu cử.
Đây là lần đầu tiên một ứng viên tổng thống cáo buộc cuộc bầu cử gian lận tại thời điểm nó còn chưa diễn ra, trong khi Mỹ là quốc gia có hệ thống giám sát rất chặt chẽ và âm mưu gian lận dường như không thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump ngày càng giảm, nếu bà Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, nhiều khả năng những cáo buộc vô căn cứ của ông Trump có thể kích động tình hình theo hướng tiêu cực.
“Tôi cho rằng ông Trump đang đùa với lửa, và ông ấy đã làm như vậy từ nhiều tháng qua. Tình hình chắc chắn sẽ phức tạp hơn”, Matt Dallek, chuyên gia chính trị thuộc Đại học George Washington nhận định.
Theo ông Dallek, hiện chưa thể khẳng định liệu bạo lực có xảy ra hay không, nhưng tại một quốc gia mà mỗi người dân đều sở hữu ít nhất một khẩu súng thì chỉ một phần tử ủng hộ Trump có tư tưởng cực đoan cũng có thể tạo ra thảm kịch.
Chiến dịch tranh cử vốn được cho là dựa trên luật pháp và trật tự của ứng viên đảng Cộng hòa thường xuyên lên án tầng lớp trung lưu, những người da trắng ít học đồng thời chỉ trích người nhập cư, người Hồi giáo và nhiều cộng đồng cư dân khác.
Đối tượng mà tỷ phú bất động sản muốn thu hút là những người cảm thấy bị bỏ rơi trong nền kinh tế toàn cầu hóa và ủng hộ kế hoạch “trả lại sự vĩ đại” cho nước Mỹ, mà ông cho là đang rơi vào tình trạng lộn xộn, quản lý yếu kém, đồng thời phải đối mặt với những đe dọa từ Hồi giáo cực đoan và vấn nạn nhập cư trái phép.
Video đang HOT
Cử tri ủng hộ Donald Trump tại một cuộc mít tinh. Ảnh: AFP.
Một số cử tri này gần đây cũng tỏ ra lo lắng về những điều xảy ra nếu bà Clinton thắng cuộc.
“Tôi không muốn khẳng định cử tri ủng hộ Trump sẽ có các hành động bạo lực, nhưng tôi cho rằng họ sẽ rất bực mình và không hài lòng”, Joseph Wells, một sinh viên 18 tuổi, ủng hộ Trump tuyên bố với AFP.
Bên cạnh đó, ứng viên đảng Cộng hòa thường dùng những ngôn ngữ mạnh để chỉ trích cử tri phản đối ông. Tranh cãi quyết liệt đã xảy ra giữa đám đông ủng hộ và những người phản đối Trump trong nhiều hoạt động tranh cử.
Đáng lo ngại hơn, vào tháng 8 vừa qua, ông Trump, trong một bài phát biểu, đã gợi ý rằng những người ủng hộ ông có thể dùng “quyền sở hữu súng” ngăn chặn đối thủ Hillary Clinton thắng cử và lựa chọn một người ủng hộ việc kiểm soát súng là thẩm phán mới cho Tòa án tối cao.
“Bà Hillary muốn bãi bỏ Tu chính án số 2. Nếu bà ấy được quyền chọn các thẩm phán theo kiểu của mình, bạn không thể làm gì cho những người thân”, ông Trump tuyên bố.
Timothy Frye, Chủ nhiệm khoa chính trị Đại học Columbia, cho rằng nguy cơ xảy ra bạo lực hậu bầu cử có thể sẽ giảm bớt nếu bà Clinton chiến thắng với cách biệt lớn và nếu đảng Cộng hòa công khai tuyên bố cuộc bầu cử trong sạch.
“Một trong những điều mà chúng ta cần theo dõi sát sao chính là cách hành xử của các chính trị gia khác”, ông Frye khẳng định, ám chỉ ứng cử viên Phó Tổng thống Mike Pence của đảng Cộng hòa, người cam kết sẽ tôn trọng các kết quả cuộc bầu cử.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Tranh luận lần ba - cơ hội cuối lật thế cờ của Trump và Clinton
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump có thể chọn chiến thuật đối lập nhau tại cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh luận tổng thống thứ ba và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào 9h tối 19/10, theo giờ địa phương (8h sáng 20/10 giờ Hà Nội), tại Đại học Nevada, thành phố Las Vegas, bang Nevada, theo Politico.
Cuộc đối đầu được phát trực tiếp trên hầu hết các kênh truyền hình lớn ở Mỹ như Fox News, CNN hay MSNBC, cũng như trên mạng xã hội Youtube và Twitter. Phiên tranh luận diễn ra trong 90 phút.
Chris Wallace, người dẫn chương trình Fox News Sunday, sẽ đảm nhận vai trò điều phối viên. Wallace từng ba lần đoạt giải Emmy ở hạng mục người dẫn chương trình xuất sắc nhất nước Mỹ. Ông nổi tiếng với phong cách chất vấn quyết liệt.
Tranh luận 6 chủ đề
Thể thức cuộc tranh luận ngày 19/10 giữa hai ứng viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ giống với cuộc tranh luận đầu tiên. Nó được chia làm 6 phần cho 6 chủ đề, mỗi phần kéo dài 15 phút.
Wallace đã chọn các chủ đề tranh luận gồm chính sách nhập cư, các chương trình phúc lợi và nợ công, tòa án tối cao, kinh tế, chính sách ngoại giao và tình trạng sức khỏe cũng như khả năng của mỗi ứng viên để làm tổng thống.
Bà Clinton và ông Trump có hai phút để trả lời câu hỏi từ Wallace lúc mở đầu mỗi phần tranh luận. Sau đó, họ sẽ tung ra các lập luận phản đáp đối thủ. Trong thời gian còn lại, Wallace sẽ mở rộng chủ đề phần tranh luận bằng những câu hỏi.
Theo Heavy, tại cuộc tranh luận tổng thống lần cuối cùng này, lần đầu tiên, các ứng viên phải trả lời những câu hỏi khó về những tin tức gần đây liên quan đến họ. Trump sẽ đối mặt với các chất vấn về việc có đến 9 phụ nữ công khai cáo buộc ông tấn công tình dục. Trong khi đó, Clinton sẽ phải giải thích về nội dung các cuộc nói chuyện được trả thù lao của bà cùng những lãnh đạo tài chính Phố Wall mà tổ chức Wikileaks vừa tung ra.
Chris Wallace, người dẫn chương trình Fox News Sunday sẽ điều khiển cuộc tranh luận. Ảnh: Fox News
Cơ hội cuối
Bình luận viên Gerald F. Seib từ Wall Street Journal nhận định cuộc tranh luận tổng thống ở Las Vegas là cơ hội cuối để các ứng viên công bố những thông điệp mạnh mẽ có thể làm thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều đặc biệt ở cuộc tranh luận này sẽ là sự đối lập sâu sắc trong cách lựa chọn chiến thuật cũng như động lực của ông Trump và bà Clinton.
Vấn đề đặt ra với tỷ phú Trump là liệu các chiến thuật ông áp dụng tuần trước, gồm tấn công tổng lực trực tiếp nhằm vào đối thủ, đồng thời công kích tính hợp pháp của hệ thống bầu cử tổng thống có thực sự tạo ra lợi thế cho ông trong cuộc tranh luận hay không.
Đối với Clinton, vấn đề của cựu ngoại trưởng Mỹ là liệu bà nên "đấu" trực tiếp với Trump như từng làm trong cuộc tranh luận tổng thống lần hai hay phớt lờ những công kích rồi tìm cách khéo léo đáp trả để cố gắng giành lấy một vị thế cao hơn so với đối thủ trong bối cảnh cuộc đua sắp khép lại.
Theo F. Seib, Trump dường như đã đặt cược rằng chiến thuật duy nhất còn lại dành cho ông là phải truyền lửa cho những người ủng hộ chủ chốt bằng cách nói lên những thứ mà họ muốn tin: Clinton không trung thực, truyền thông Mỹ đang hỗ trợ Clinton và ông sẵn sàng đơn thương độc mã chống lại thiết chế cầm quyền trên mọi mặt trận. Chiến thuật này được cho là nhằm kích thích tối đa lòng nhiệt huyết của những người ủng hộ và đẩy các cử tri còn dao động ra xa khỏi Clinton.
Trump đã nỗ lực dồn sức cho chiến lược trên nhưng theo các kết quả khảo sát, nó chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, ông vẫn có khả năng quay lại với các lập luận về kinh tế rằng hệ thống kinh tế và thương mại đang chống lại người lao động Mỹ.
Với Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ đã chứng tỏ rằng bà sẵn sàng tấn công trực diện tỷ phú Trump bởi trong hai lần tranh luận đầu tiên, bà không hề tỏ ra ngần ngại khi chỉ trích nhà tài phiệt New York về cách ông ứng xử thô thiển với phụ nữ, về những lời nhận xét ông đưa ra xúc phạm đến người Mỹ gốc Tây Ban Nha hay về công việc kinh doanh cũng như hồ sơ thuế khuất tuất của ông.
Sau cuộc tranh luận đầu tiên, bà Clinton đã nới rộng khoảng cách với ông Trump trong các cuộc khảo sát. Một cuộc thăm dò mới đây do Wall Street Journal/NBC News thực hiện cũng cho thấy số cử tri nói hai cuộc tranh luận đầu tiên khiến họ ủng hộ Clinton cao hơn số cử tri nói không ủng hộ bà.
Tuy nhiên, theo Gerald F. Seib, cách thể hiện dấu ấn của bà Clinton trong phiên tranh luận cuối có thể sẽ khác các lần trước. Bà có lẽ sẽ chứng tỏ rằng mình là một ứng viên am hiểu chính sách hơn là tìm cách báng bổ đối thủ.
Giới quan sát nhận định, trong lần này, Clinton sẽ phải quyết định liệu có nên thực hiện khẩu hiệu "khi họ hèn mọn, chúng ta thanh cao" mà bà mượn từ phát biểu của đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ hay không.
Ông Trump và bà Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp lần hai. Ảnh: Reuters
Hồng Vân
Theo VNE
Người Trung Quốc vẫn cuồng Trump bất chấp bê bối dồn dập Trong khi nhiều cử tri Mỹ giận dữ với Donald Trump sau một loạt bê bối, đông đảo người dân Trung Quốc vẫn thể hiện thái độ ủng hộ tỷ phú bất động sản. Người Trung Quốc tụ tập xem cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ. Ảnh: SCMP Chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của tỷ phú Mỹ...