Lo ngại tình trạng cung vượt cầu, giá dầu châu Á giảm mạnh phiên 1/4
Dự trữ dầu thô lớn hơn dự kiến của Mỹ và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) càng làm gia tăng lo ngại của thị trường về tình trạng cung vượt cầu.
Một cơ sở lọc dầu của Aramco ở Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giá dầu tiếp tục đi xuống tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 1/4, sau khi khép lại tháng giảm mạnh nhất và quý giảm sâu nhất từ trước tới nay.
Dự trữ dầu thô lớn hơn dự kiến của Mỹ và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) càng làm gia tăng lo ngại của thị trường về tình trạng cung vượt cầu, qua đó càng tạo sức ép giảm giá “vàng đen.”
Chiều phiên giao dịch này, tại thị trường Tokyo, giá dầu ngọt nhẹ giao kỳ hạn giảm 35 xu Mỹ (1,7%) xuống 20,13 USD/thùng, đánh mất đà tăng ở đầu phiên khi khởi động thị trường cho một quý mới.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 1,02 USD (3,9%), xuống 25,33 USD/thùng.
Video đang HOT
Giá dầu thế giới đang tiệm cận mức thấp nhất kể từ năm 2002, giữa bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do COVID-19, khiến kinh tế thế giới giảm tốc và nhu cầu dầu giảm mạnh.
Giá dầu thô kỳ hạn khép lại quý 1/2020 giảm 70%, sau khi chứng kiến mức giảm kỷ lục trong tháng Ba.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 38,76 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn 36% so với mức 60,63 USD/thùng đưa ra hồi tháng Hai.
Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 10,5 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 27/3), vượt xa dự báo tăng 4 triệu thùng của giới phân tích.
Không khí của thị trường năng lượng càng nặng nề hơn khi sự rạn nứt trong OPEC ngày càng lớn.
Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC đã không thể đi đến một thỏa thuận vào ngày 31/3 để tiếp tục nhóm họp vào tháng Tư nhằm thảo luận về tình hình lao dốc của giá dầu.
Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đang phớt lờ đề xuất liên minh với Saudi Arabia để kiểm soát thị trường dầu mỏ./.
Minh Trang
Giá dầu thế giới bật tăng trở lại
Giá dầu thô tại thị trường châu Á đã bật tăng mạnh trở lại sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua.
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 31/3, giá dầu West Texas của Mỹ đã tăng 7,3% lên mức 21,5 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 3,3% lên 23,5 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng giá dầu bật tăng mạnh do hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều tung ra gói cứu trợ nhằm hỗ trợ nền kinh tế - vốn bị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tàn phá, trong đó có gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD của Mỹ.
Bên cạnh đó, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 30/3 bàn về giá dầu cũng góp phần đẩy giá dầu tăng.
Ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu của AxiCorp, cho rằng cuộc điện đàm của Tổng thống Trump có thể nhằm thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán với Saudi Arabia hoặc thậm chí xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Moskva. Theo ông, bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Moskva và Riyadh gạt bỏ bất đồng đều là tích cực. Tuy nhiên, vẫn có những cảnh báo cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa do các kho dự trữ trên khắp thế giới hiện đều hết công suất.
Ngày 30/3, giá dầu thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) xuống dưới 20 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm là do hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kéo theo nhu cầu giảm sút.
Giá dầu càng sụt giảm sâu hơn sau khi cuộc đàm phán giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về đề xuất tiếp tục giảm nguồn cung không đạt thỏa thuận, gây ra một cuộc chiến về giá. Nga và Saudi Arabia tiếp tục tăng sản lượng. Mới đây nhất, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 5.
Ngọc Hà
Giá dầu châu Á tăng khoảng 4% Giá dầu tăng khoảng 4% trong phiên ngày 24/3 tại thị trường châu Á nhờ hy vọng rằng Mỹ sẽ sớm đạt được thoả thuận về gói cứu trợ khổng lồ để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó giúp hỗ trợ nhu cầu dầu. Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 14 giờ 32 phút (theo...