Lo ngại tính khách quan trong thẩm định SGK
Bộ GD-ĐT cho rằng có một sự tuyển lựa khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định sách giáo khoa, là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học. Vấn đề là việc chọn sách giáo khoa có thực sự là do thực tiễn dạy học không?
Việc giao cho cấp tỉnh chọn SGK đã khiến dư luận lo lắng – NGỌC DƯƠNG
Hội đồng thẩm định cần đa dạng thành phần hơn
Thảo luận về dự luật Giáo dục sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, nội dung thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được nhiều đại biểu QH quan tâm. Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH đề xuất: Nên cân nhắc hội đồng thẩm định quốc gia chương trình SGK, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ thành lập sẽ đa dạng thành phần hơn. Thời gian qua dư luận xã hội rất quan tâm về tính khách quan khi thẩm định, nhất là xã hội hóa trong biên soạn sách.
Bà Phạm Thị Thu Trang, đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi, cũng lo lắng: Liệu có tình trạng mỗi năm học nhà trường cũng có thể sử dụng sách khác nhau, học sinh lớp sau không sử dụng được của học sinh lớp trước, gây lãng phí cho xã hội. Vấn đề này cần được giải trình cụ thể.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên -Nhi đồng của QH, đã báo cáo giải trình tại QH mong muốn SGK sẽ đa dạng hơn, dần dần chúng ta sẽ xã hội hóa phần viết sách. Tuy nhiên, luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chương trình phổ thông và SGK phổ thông.
“Không phải ai viết cũng ban hành được, chỉ Bộ trưởng ban hành mới được sử dụng và như thế thì có một hội đồng cấp tỉnh và hội đồng cấp quốc gia”, ông Bình nói.
Lý giải vì sao có hội đồng cấp tỉnh trong lựa chọn SGK, ông Phan Thanh Bình giải thích: “Vì trong chương trình sắp tới 80% là chương trình thống nhất của cả nước và 20% để địa phương bổ sung đặc thù của địa phương. Ngay chương trình 20% này cũng phải Bộ trưởng GD-ĐT thông qua. Với những thay đổi trong thời gian tới, các em có thể học theo một bộ SGK chuẩn của Bộ, cũng có thể học bằng nhiều cách khác”.
Giáo viên không được chọn SGK
Bộ GD-ĐT cho rằng Hội đồng thẩm định SGK cấp quốc gia chỉ đánh giá đạt hay không đạt chứ không xếp hạng các SGK. Như vậy, có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các hội đồng, đó là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục, điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Chính sự tuyển lựa này sẽ bảo đảm cho uy tín và vị thế lâu dài của những SGK được biên soạn với chất lượng cao nhất. Sự thành công, hiệu quả của một bộ sách sẽ được thể hiện chính ở bước tuyển lựa và đánh giá này.
Video đang HOT
Luật Giáo dục 2019 đã được ban hành có sự điều chỉnh so với Nghị quyết 88, đó là UBND các tỉnh, thành phố sẽ có quyền quyết định lựa chọn cho địa phương mình. Tuy nhiên, việc giao cho cấp tỉnh chọn đã khiến dư luận lo lắng, khi nhiều người kỳ vọng chính giáo viên (GV) sẽ được quyền lựa chọn SGK phù hợp nhất với học sinh của mình.
Có ý kiến cho rằng, nhà trường chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, về “đầu ra” nhưng lại không được quyền chọn sách để giảng dạy cho phù hợp với học sinh của mình thì rất bất cập. Hơn nữa, việc chọn SGK nếu thu hẹp vào một hội đồng với số ít thành viên sẽ gây lo ngại về “lợi ích nhóm”.
Một GV dạy lớp 1 ở trường tiểu học tại Hà Nội, cho biết việc chọn SGK không đơn giản là đọc qua hoặc nhìn hình ảnh bắt mắt là có thể chọn được mà phải có thực tế dạy học. Do vậy, nếu giao cho GV hoặc chí ít là nhà trường trên cơ sở đề xuất của tập thể GV để chọn SGK thì tính thực tế sẽ cao hơn.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế này, dự kiến khi có các SGK được phê duyệt, chúng tôi sẽ mua tất cả để dạy thử và chọn sách nào phù hợp nhất với học sinh của mình. Tuy nhiên, theo luật Giáo dục mới ban hành thì cấp tỉnh sẽ chọn sách cho chúng tôi dạy và chúng tôi sẽ bị động”, cô giáo này nói.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ đang nghiên cứu để ban hành thông tư về việc thành lập hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK cho các địa phương. Mỗi tỉnh sẽ có một hội đồng để tham vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc quyết định lựa chọn, trong đó, ngoài các nhà khoa học, cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 1/3 là GV giảng dạy ở cơ sở. Đây là những người hiểu kỹ về chương trình, hiểu học sinh của từng trường, từng vùng để chọn những cuốn SGK phù hợp nhất. Các GV này sẽ phải đại diện cho cả vùng thuận lợi và khó khăn để chọn sách sát với thực tế, tránh trường hợp vùng thuận lợi chọn SGK cho học sinh vùng khó khăn và ngược lại”.
Theo Thanh niên
Thẩm định SGK mới: Có cần thêm kênh lấy ý kiến giáo viên?
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) hiện đang tích cực làm việc để lựa chọn các bộ SGK lớp 1 chất lượng, phù hợp cho chương trình mới.
Thông tin bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nhận đánh giá 'không đạt' của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK ngay từ vòng 1 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, sức sống của giáo dục chính là thực tiễn, do vậy bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định SGK cũng cần có thêm những kênh khác như lấy ý kiến của giáo viên về các bộ SGK để đảm bảo sự khách quan, công bằng.
"Sẽ rất đáng tiếc nếu sách Công nghệ giáo dục không còn được đưa vào giảng dạy"
Sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1 xuất phát từ đề tài khoa học cấp Nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương. Ra đời từ 40 năm trước, trải qua nhiều lần thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia, bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua và hiện có khoảng 931.000 học sinh theo học.
Đặc biệt, một số tỉnh miền núi đã khá thành công khi áp dụng cuốn sách này, tỷ lệ học sinh bị "tái mù" cũng giảm hẳn. Theo kết quả đo kiểm của Trung tâm Công nghệ giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam, trong lần đo kiểm thứ nhất về khả năng đọc và viết của học sinh lớp 1 vào tháng 5-2015 tại Lào Cai, Hải Phòng với 417 học sinh cho thấy, đối với kỹ năng đọc được đo nghiệm trên 305 em cho thấy tỷ lệ học sinh đạt chuẩn đầu ra là rất cao với 99,02%.
Với trình độ viết, tỷ lệ học sinh đạt chuẩn viết đầu ra cũng tương đối cao là 96,40%. Kết quả đo kiểm cũng cho thấy, chất lượng viết của học sinh lớp 1 học theo sách Công nghệ giáo dục là tương đối chắc chắn và không phụ thuộc quá nhiều vào địa bàn. Nhiều địa phương hiện nay vẫn lựa chọn sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên, phụ huynh, học sinh là Lào Cai, Hải Phòng, Nghệ An...
Việc thẩm định sách giáo khoa cho năm học mới vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa CTV.
Cô Lê Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), người có nhiều năm dạy sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho biết: "Đây là tài liệu có phương pháp dạy hay, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh học nắm chắc âm vần và chính tả, phát âm, nắm được các tiếng nói hàng ngày được cấu tạo như thế nào một cách rõ ràng. Đặc biệt, tình trạng viết sai chính tả được cải thiện rõ rệt".
Cũng theo chia sẻ của cô Liên, nếu sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục không vượt qua vòng thẩm định và có nguy cơ không được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2020-2021 khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một điều đáng tiếc.
Thầy Bùi Bá Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) cũng đánh giá cao cách dạy và học theo sách công nghệ giáo dục. Theo thầy Mạnh, đối với học sinh miền núi, dân tộc, việc dạy tiếng Việt sẽ rất vất vả nếu dạy theo cách đại trà. Trong khi đó, khi thí điểm áp dụng Tiếng Việt-Công nghệ giáo dục thì các em nắm rất chắc về ngữ âm, học đến đâu chắc đến đó, việc viết sai chính tả được hạn chế rất nhiều.
"Nếu sách công nghệ giáo dục không tiếp tục được lựa chọn đưa vào nhà trường sẽ là một thiệt thòi cho học sinh dân tộc, miền núi"-thầy Mạnh nói.
Tuy vậy, cũng có nhiều địa phương ngay từ đầu đã không chọn thí điểm sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Ông Trần Xuân Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Ngay từ những ngày đầu cho đến nay, Yên Bái đã không chọn thí điểm sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Lý do là sách công nghệ giáo dục chỉ có ở lớp 1, sau khi lên lớp 2 học sinh lại học theo chương trình SGK hiện hành của Bộ GD&Đ, không đảm bảo tính liên tục, thống nhất nên sau nhiều lần đưa ra bàn thảo, cân nhắc, ngành giáo dục Yên Bái đã đưa ra quyết định là không lựa chọn thí điểm.
Một số thành phố lớn khác như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng không chọn sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục với lý do SGK hiện hành giúp học sinh học được nhiều kỹ năng hơn và đảm bảo tính liên tục, thống nhất.
Đề xuất thêm kênh thẩm định SGK mới
Chia sẻ với báo chí ngay sau khi bộ sách Công nghệ giáo dục bị "trượt" khỏi vòng thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: "15 người trong hội đồng hơn hay 930.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục hơn"?
Câu hỏi của GS Hồ Ngọc Đại cũng là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thẩm định SGK mới được tiến hành bám theo các tiêu chí phù hợp với chương trình mới là tất yếu. Tuy vậy, nếu các tiêu chí đưa ra quá cứng nhắc cũng sẽ dễ gạt đi những cuốn sách chọn cách tiếp cận và trình bày khác biệt. Kết quả là sẽ chọn ra được những bộ sách có nội dung, hình thức na ná nhau và chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ không còn đúng nghĩa với tính đa dạng trong thống nhất.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Về cơ cấu, Hội đồng thẩm định SGK mới bao gồm các GS đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên. Thành viên chuyên gia đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam, gồm cả thành thị và vùng sâu, xa để đánh giá SGK có tính chất đa dạng vùng miền.
Ảnh minh họa: Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới.
"Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới"- ông Tài nói.
Dù không nghi ngờ về trình độ chuyên môn cũng như sự công tâm của các thành viên Hội đồng thẩm định bởi hầu hết Chủ tịch các Hội đồng đều là các GS hàng đầu của các lĩnh vực. Tuy nhiên, qua việc sách Tiếng việt công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá "không đạt" với lý do không phù hợp với các tiêu chí SGK theo chương trình mới, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định, nên chăng cần thêm một kênh đánh giá khác là ý kiến của giáo viên dạy lớp 1 về các bộ SGK mới.
PGS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: "Sức sống của giáo dục chính là thực tiễn. Bộ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được giáo viên và học sinh cả nước đón nhận và đánh giá cao trong suốt 40 năm qua. Điều này cho thấy bộ sách đã có sức sống nhất định. Do vậy, bên cạnh đánh giá của Hội đồng thẩm định cũng cần thêm một kênh khác là lấy ý kiến của giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục trên phạm vi cả nước".
Ở góc độ khác, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Để việc thẩm định SGK mới đảm bảo khách quan, công bằng với mục tiêu cuối cùng là chọn được những bộ SGK có chất lượng tốt nhất, Hội đồng thẩm định phải đại diện cho cộng đồng xã hội, chứ không chỉ đại diện cho Bộ GD&ĐT.
Hội đồng này nên độc lập và không nên có quan chức của Bộ GD&ĐT. Sau khi có kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT chỉ ký ban hành văn bản công nhận sách, như vậy mới không tạo sự nghi ngờ về lợi ích nhóm trong dư luận xã hội.
Huyền Thanh
Theo CAND
SGK công nghệ bị loại: GS Hồ Ngọc Đại cũng nên... Lấy lý do nội dung vượt chương trình khung trong trường hợp này chưa thật sự thuyết phục Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ngày 12/9 cho biết, ba bản thảo sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm: Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ...