Lo ngại phát sinh luyện thi khi thay đổi kỳ thi THPT 2020
Những thay đổi về kỳ thi THPT 2020, đang khiến giáo viên lo ngại việc luyện thi, học sinh phải di chuyển nhiều để dự thi vào các trường ĐH.
Giáo viên dạy online trong những ngày học sinh chưa đến trường vì dịch Covid-19 – B.THANH
Có khả thi khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm rất cao?
Trước thông tin về kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp, giáo viên Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM đưa ra ý kiến: “Đứng dưới góc độ học sinh thi tốt nghiệp chỉ để lấy tấm bằng thì Bộ nên cân nhắc việc giảm số môn thi so với năm 2019 để giảm áp lực cho học sinh. Điều chỉnh khâu tổ chức thi để phù hợp với tình huống các trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19″.
Còn ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng có kỳ thi tốt nghiệp, về mặt tích cực vẫn đảm bảo được chuẩn đầu ra của lớp cuối cấp theo chuẩn chung của cả nước; giúp học sinh duy trì động lực học tập và quan trọng đảm bảo công bằng cho học sinh.
Video đang HOT
Tuy nhiên phải nhìn nhận là bên cạnh những cái được sẽ có nhiều vấn đề phát sinh: Thứ nhất là sự đồng thuận từ phía phụ huynh và học sinh không cao, bởi nếu duy trì một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp là không khả thi trong khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm rất cao, kinh phí tổ chức một kỳ thi trên toàn quốc rất tốn kém. Chắc chắn các trường ĐH tốp trên sẽ phải tổ chức thêm kỳ thi để chọn học sinh (bên cạnh xét học bạ và có thể xét điểm một số môn trong bài thi THPT). Như vậy những học sinh có thể sẽ phải tham gia thêm một kỳ thi ĐH, việc này sẽ tốn thêm kinh phí từ phụ huynh như ăn ở, ôn thi, di chuyển… Chưa kể các trường ĐH tổ chức thi riêng thì lại phát sinh vấn đề học luyện thi, công tác tổ chức – quản lý thi…
Thứ hai là khi tổ chức kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp thì công việc của nhà trường sẽ giảm nhiều, áp lực của việc giảng dạy cũng sẽ giảm, nhưng bên cạnh đó lại không có một đầu mối chung dẫn đến công tác đăng ký dự thi và hướng dẫn học sinh sẽ khó khăn hơn. Học sinh phải chủ động hơn trong công tác đăng ký, nộp hồ sơ và tiếp cận thông tin về tuyển sinh.
Bộ cần quan tâm đến nội dung đề thi
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) bày tỏ quan điểm, trong tình hình này quyết định về kỳ thi đảm bảo đúng luật giáo dục. Vì thay đổi mục tiêu chỉ còn để xét tốt nghiệp nên Bộ cũng cần quan tâm đến nội dung ra đề thi do học sinh học học trực tuyến trong thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế, có thể không ra phần “nâng cao” trước đây dùng để phân hóa học sinh xét vào ĐH.
Cũng theo ông Phú, Bộ cần tính toán đến việc giảm số cột điểm để học sinh hoàn tất năm học, cho kiểm tra lấy điểm bằng hình thức dạy online, cho phép thừa nhận kết quả dạy trực tuyến.
Khi kỳ thi THPT giao cho địa phương tổ chức, ông Phú cho rằng để tránh tiêu cực, Bộ cần tăng cường vai trò giám sát, nhất là tại các tỉnh đã xảy ra tiêu cực trong những lần thi trước…
Bích Thanh
Hướng nghiệp thời Covid-19: Giáo viên kết nối qua mạng xã hội với học sinh
Học sinh bị gián đoạn việc học, không thể đến trường do dịch Covid-19 nên các trường thường xuyên kết nối để hướng nghiệp, giúp các em chuẩn bị cho việc chọn ngành, chọn trường.
Giáo viên Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) hướng nghiệp cho học sinh qua các nhóm trên mạng xã hội - Văn Lê
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng công tác hướng nghiệp diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, học sinh (HS) và nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Do thời gian tạm nghỉ dài, công tác hướng nghiệp cho HS bị gián đoạn, nhà trường tập trung cho việc ôn tập. Chính vì thế, nhà trường triển khai công tác này thông qua giáo viên chủ nhiệm các lớp.
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm của Trường THPT Nguyễn Du thường xuyên nhắc nhở phụ huynh, HS xem thông tin trên báo, chương trình Tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên để nắm bắt tình hình tuyển sinh.
Thêm vào đó, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay từ 3 năm trở lại đây, nhà trường triển khai cho HS cùng phụ huynh thực hiện phần mềm khảo sát năng lực. Kết quả khảo sát này sẽ cho HS biết khuynh hướng nghề nghiệp trong tương lai, nghề, ngành học, môn thi, các trường trong và ngoài nước.
Tương tự, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay nhà trường tận dụng tối đa và khai thác hiệu quả các nhóm trên mạng xã hội hiện có giữa giáo viên chủ nhiệm và HS. Nhà trường sẽ tìm hiểu nhu cầu của HS để kết nối và hướng nghiệp theo nhóm ngành nghề HS đăng ký.
Cũng trong bối cảnh HS gián đoạn việc đến trường do dịch bệnh, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay đang thực hiện kết nối chặt chẽ giữa nhà trường với giáo viên và phụ huynh, HS, vừa giao các nhiệm vụ học tập vừa giải đáp, tư vấn việc chọn ngành, chọn trường cho tương lai.
Còn theo ông Trần Đình Hương, Ban Tư vấn hướng nghiệp Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nhà trường có bộ trắc nghiệm chọn ngành nghề nên thường xuyên cho HS tham khảo và thực hiện. Đồng thời, ban tư vấn còn sưu tầm, lựa chọn những bài trắc nghiệm tính cách, sở thích giới thiệu cho HS. Nhiệm vụ của giáo viên là tìm những thông tin hữu ích để giới thiệu cho HS.
Ông Hương cho biết HS thường có thắc mắc về thông tin tuyển sinh của những trường các em quan tâm, thông tin dự báo ngành nghề, cơ hội việc làm và công việc thực tế của các ngành mà các em dự định xét tuyển. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, các thành viên ban tư vấn luôn hỗ trợ với nhiều hình thức, qua email, mạng xã hội làm sao để đạt mục đích là giải đáp nhanh nhất, kịp thời cho HS.
Bích Thanh
Kỳ thi THPT chủ yếu xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học sẽ như thế nào? Vì dịch Covid-19, kỳ thi THPT năm 2020 chủ yếu tập trung cho việc xét tốt nghiệp. Nhiều trường đại học phải tìm phương án thay thế để chủ động tuyển sinh. Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT nhưng tập trung cho mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước....