Lo ngại của Mỹ ở lục địa đen
Cường quốc số một phương Tây đã bắt đầu lo ngại cho mảnh đất giàu tài nguyên châu Phi giữa cuộc “tranh phần” của các nước lớn phương Đông.
Ở châu Phi, Trung Quốc (TQ) chi mạnh tay trong các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường, trong khi Nga mở rộng ảnh hưởng quân sự trên khắp châu lục. Lúc này Mỹ bắt đầu “lo sợ” cán cân quyền lực ở lục địa đen sẽ nghiêng về phương Đông.
Từ khoản đầu tư khổng lồ của TQ
Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ hiện trải rộng qua ba châu lục và vươn tới 60% dân số thế giới, theo trang Africa Center for Strategic Studies. Ở châu Phi có tới khoảng 20 trong tổng số 65 nước trên thế giới đã ký kết tham gia. Chủ tịch Tập Cận Bình đảm bảo châu Phi sẽ hưởng lợi từ dự án, do sáng kiến sẽ khắc phục cơ sở hạ tầng yếu kém và giúp lục địa này phát triển hơn.
Cùng với các khoản đầu tư khổng lồ, Bắc Kinh cũng đưa sức mạnh quân sự đến châu lục. Chỉ sau một thập niên, hải quân TQ đã duy trì năm tàu chiến và một số tàu ngầm liên tục tại khu vực Ấn Độ Dương. Các đội quân chống cướp biển của TQ ở châu Phi cũng đã phát triển về phạm vi và độ tinh vi kể từ khi ra mắt vào năm 2009.
Theo luật TQ, các doanh nghiệp tư nhân được yêu cầu thiết lập cơ sở đảng trong bộ máy điều hành của họ. Mối quan hệ này được thắt chặt bởi việc tuyển dụng binh sĩ đã xuất ngũ và cựu lực lượng đặc biệt, tình báo và cảnh sát. Ngày nay, khoảng 3.000 cựu thành viên quân đội được tuyển dụng trong các dự án của sáng kiến Vành đai và Con đường trên toàn thế giới. Các công ty an ninh tư nhân TQ như DeWe Security và Frontier Services Group cũng có mặt ở nhiều nước châu Phi như Angola, Ethiopia, Nigeria, Sudan, Nam Sudan, Zimbabwe và gần đây là Somalia.
Theo một nghiên cứu do Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Phi tài trợ, xuất khẩu Đông Phi có thể tăng tới 192 triệu USD hằng năm nếu các dự án trong sáng kiến được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, một số nước châu Phi bắt đầu phàn nàn về thiệt hại kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa TQ ở châu lục. Số lượng lớn xi măng nhập khẩu từ TQ đã khiến xuất khẩu xi măng của Kenya vào khu vực này giảm 40% trong năm 2017. Năm đó, Ngân hàng Thế giới cảnh báo năng lực cạnh tranh kinh tế của Kenya đang suy giảm do hàng hóa dư thừa của TQ ở Tanzania và Uganda, điểm đến xuất khẩu chính của Kenya.
Bẫy nợ cũng là một nỗi lo đặc biệt của các nước Đông Phi. Theo nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), các nước Đông Phi nợ TQ khoảng 29 tỉ USD sau khi thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng. Trong một báo cáo năm 2017, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết nợ công của Djibouti đã tăng từ 50% lên 85% GDP trong hai năm trước đó. Nước này và Kenya, vốn đang vướng những khoản nợ xấu với TQ, lo ngại về viễn cảnh phải hoán đổi cảng của họ để xóa nợ như trường hợp đã xảy ra với Sri Lanka và Pakistan.
Cảng Doraleh là cảng đa năng có thiết bị đầu cuối để xử lý dầu, hàng rời và container. Cảng cách 5 km về phía Tây của thủ đô Djibouti, châu Phi. Ảnh: BLOOMBERG
Đến ảnh hưởng quân sự của Nga
Video đang HOT
Theo báo The New York Times, Nga đã liên tục mở rộng ảnh hưởng quân sự trên khắp châu Phi với việc tăng cường bán vũ khí, ký kết thỏa thuận an ninh và chương trình đào tạo cho các quốc gia. Tháng 1 năm nay, Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir đã dùng lính đánh thuê Nga để củng cố sự cai trị của mình chống lại các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Trong khi đó, chính phủ Cộng hòa Trung Phi đang bán quyền khai thác vàng và kim cương để thuê huấn luyện viên và mua vũ khí từ Moscow. Mùa xuân năm ngoái, năm quốc gia châu Phi cận Sahara là Mali, Niger, Chad, Burkina Faso và Mauritania đã kêu gọi Moscow giúp đỡ quân đội và lực lượng an ninh của họ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và al-Qaeda.
Cũng trong năm 2018, Nga đã ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với một số quốc gia châu Phi như Guinea, Burkina Faso, Burundi và Madagascar. Ngoài ra, chính phủ Mali đã nhờ cậy Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố, bất chấp hàng ngàn binh sĩ Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đang đóng tại nước này.
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho biết có 13% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga đến châu Phi trong năm 2017. Riêng Algeria mua gần 80% các hợp đồng quân sự Nga trên lục địa, theo Lầu Năm Góc. Một đồng minh của Mỹ là Tunisia cũng có mối liên hệ với Nga về năng lượng, chống khủng bố và mạng lưới tình báo. Ai Cập, một đồng minh khác của Mỹ, cũng dần trở thành khách hàng thân thiết của Nga. Tờ Kommersant xuất bản tại Moscow đưa tin nước này đã ký một thỏa thuận về chiến đấu cơ Su-35 trị giá 2 tỉ USD cuối năm ngoái.
Sau năm 1991, Nga rút khỏi thị trường lục địa đen. Nhưng trong hai năm qua, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã khơi lại quan hệ với các khách hàng thời Liên Xô như Mozambique và Angola, đồng thời tạo mối quan hệ mới với nhiều nước châu Phi khác. Kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước châu Phi tăng 26%, đạt 17,4 tỉ USD trong năm 2017. Đặc biệt, một hội nghị thượng đỉnh giữa Nga với các nước châu Phi sẽ diễn ra cuối năm nay.
Hợp tác giữa TQ và châu Phi tạo ra nhiều kết quả tốt đẹp trên khắp lục địa, mang lại lợi ích thiết thực trong mọi khía cạnh của cuộc sống người dân. Chính người dân châu Phi mới có khả năng tốt nhất để đánh giá hiệu quả của các dự án hợp tác này.
CẢNH SẢNG, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ
Và Mỹ “lo sợ” cải tổ
Cuối năm 2018, Nhà Trắng đã cải tổ các chính sách kinh tế và an ninh đối với châu Phi, bao gồm những kế hoạch tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án trên lục địa, theo The New York Times. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Lầu Năm Góc đã chuyển sang đối trọng với Nga và TQ thay vì tập trung vào các tổ chức khủng bố.
Mới đây, tướng Tod Wolters, hiện là tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, cho rằng các tổ chức khủng bố vẫn là mối đe dọa hàng đầu ở châu Phi nhưng Nga và TQ sẽ là thách thức lớn đối với lợi ích của Mỹ tại đây. Ông Wolters bày tỏ lo ngại về cách Nga sử dụng các công ty quân sự tư nhân như Wagner Group ở châu Phi, trong khi tiếp tục quan sát các động thái của TQ trong quá trình thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường, theo báo The Washington Post.
Trong một bài phát biểu tháng 12-2018, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã cáo buộc TQ sử dụng hối lộ và bẫy nợ để o ép các nước châu Phi tuân theo yêu cầu và mong muốn của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng đã lên tiếng phản bác, coi những lời quy buộc đó là vô căn cứ.
Ông Bolton còn cảnh báo nếu các thương gia TQ giành quyền kiểm soát cảng container Doraleh ở Djibouti thông qua việc hoán đổi nợ lấy vốn, cán cân quyền lực ở vùng sừng châu Phi sẽ nghiêng về Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Aboubaker Omar Hadi, Chủ tịch cảng Djibouti và cơ quan quản lý khu vực tự do, khẳng định chính quyền của ông có đầy đủ chuyên gia bản địa và sẽ không để các nước khác nắm quyền điều hành cảng của mình.
TQ không phải là nước duy nhất có sự hiện diện quân sự ở Djibouti, nút thắt giao thông ở vùng sừng châu Phi. Camp Lemonnier, một cơ sở viễn chinh hải quân thuộc Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ là căn cứ thường trú duy nhất của Washington ở lục địa này, theo hãng tin Bloomberg. Khoảng 6.000 lính Mỹ và 1.000 dân thường hoặc nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc trong nhiều nhiệm vụ khác nhau trên khắp châu Phi.
Tranh giành châu Phi giữa các cường quốc
Theo báo The Economist, đây không phải là lần đầu tiên châu Phi trở thành “miếng mồi” béo bở trong cuộc tranh giành giữa các cường quốc.
Từ giữa thế kỷ 19 tới năm 1914, ngoại trừ Ethiopia, nhà nước Dervish và Liberia, toàn bộ châu Phi đã bị bảy nước châu Âu chia nhau làm thuộc địa. Cuộc tranh giành thứ hai xảy ra khi hai bên Đông-Tây quyết lấy được sự trung thành của các nước châu Phi trong cuộc Chiến tranh lạnh.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở châu Phi
Đúng như kế hoạch ban đầu, các cảng, đường ống, đường sắt và nhà máy điện được các doanh nghiệp TQ xây dựng đã biến Đông Phi thành một ngôi sao sáng của dự án. Với tuyến đường sắt tiêu chuẩn nối TP biển Mombasa đến thủ đô Nairobi, Kenya ghi nhận mức đầu tư lớn nhất vào nước này kể từ khi độc lập.
Một tuyến đường sắt điện khác nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với Djibouti. Đây là nút giao thông quan trọng trên chuyến hành trình của khoảng 1/3 số tàu hơi nước trên thế giới đến kênh đào Suez, Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên của TQ cũng được thành lập tại quốc gia này.
Từ Djibouti, TQ nối các cụm cảng của mình ở các nước châu Phi khác như Sudan, Mauritania, Senegal, Ghana, Nigeria, Gambia, Guinea, São Tomé và Príncipe, Cameroon, Angola và Namibia. TQ cũng nối Djibouti với Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và Hong Kong. Vòng cung cuối cùng nối vịnh Walvis ở Nam Phi với các cụm cảng TQ ở Mozambique, Tanzania và Kenya trước khi kết nối với TP cảng Gwadar của Pakistan.
Theo PLO
Thỏa thuận hòa bình ở CH Trung Phi bị đe dọa
Thỏa thuận hòa bình được ký mới đây tại Cộng hòa (CH) Trung Phi đang bị đe dọa nghiêm trọng, sau khi nhiều nhóm vũ trang lên tiếng rút khỏi văn kiện này, hoặc không công nhận sự thay đổi của chính quyền mới.
Đại diện các bên ở Cộng hòa Trung Phi sau khi đàm phán ký thỏa thuận hòa bình.
Nhằm tránh thỏa thuận đổ vỡ, Liên hợp quốc (LHQ) tích cực kêu gọi thế giới cùng hành động, hỗ trợ thực thi hiệu quả thỏa thuận.
Sau quá trình đàm phán nhằm chấm dứt nhiều năm giao chiến khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại CH Trung Phi, đầu tháng 2 vừa qua, tại thủ đô Ban-ghi, đại diện Chính phủ CH Trung Phi và lãnh đạo 14 nhóm vũ trang đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ quốc gia châu Phi này ký thành công thỏa thuận hòa bình. Đây được đánh giá là một "bước đi" tích cực, một "lối thoát" hòa bình cho tất cả người dân CH Trung Phi. Trước đó, thỏa thuận được đàm phán tại thủ đô Khắc-tum của Xu-đăng, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU) và LHQ.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại CH Trung Phi (MINUSCA) cho biết, Ủy viên của AU về hòa bình và an ninh X.Séc-ghi đánh giá cao sự hợp tác tích cực của các bên tại cuộc đàm phán; khẳng định, ngày ký kết thỏa thuận là thời khắc tuyệt vời đối với tất cả người dân CH Trung Phi. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ CH Trung Phi Ph.En-grê-ba-đa nhấn mạnh, sự ủng hộ của người dân nước này đối với thỏa thuận sẽ giúp CH Trung Phi bắt tay vào con đường hòa hợp và phát triển.
Thực tế, trong quá trình thực thi thỏa thuận, không ít mâu thuẫn xảy ra giữa các nhóm dân quân và Chính phủ CH Trung Phi. Trong một phát biểu mới đây, Liên minh vì hòa bình tại CH Trung Phi (UPC), một trong những nhóm vũ trang do ông A.Đa-rát-xa lãnh đạo cho biết, thỏa thuận đang bị "đe dọa" nếu Chính phủ không thay đổi lập trường một cách rõ ràng. Trong khi đó, nhóm Mặt trận dân chủ nhân dân CH Trung Phi (FPDC) tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận để phản đối, với lý do Chính phủ không thực thi các điều khoản đã ký kết. Một số nhóm vũ trang cũng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì bất bình với danh sách các Bộ trưởng trong Chính phủ mới.
Phản ứng trước những đòi hỏi của các nhóm dân quân, Thủ tướng CH Trung Phi Ph.En-grê-ba-đa ngay lập tức lên tiếng chỉ trích những yêu sách "quá đáng" của các nhóm vũ trang, đồng thời cam kết Chính phủ tuân thủ các quy định ghi trong thỏa thuận. Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ mới chỉ có 36 thành viên, do đó không thể thực hiện yêu cầu về việc mỗi nhóm có năm đại diện trong Chính phủ.
Có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, song CH Trung Phi vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới. Kinh tế của quốc gia châu Phi này bị tàn phá nghiêm trọng sau cuộc nội chiến năm 2013, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để tránh bạo lực. Các nhóm phiến quân hiện kiểm soát đến 80% diện tích đất nước, bất chấp sự hiện diện của 12 nghìn binh lính MINUSCA. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), năm 2019, khoảng 2,9 triệu người, chiếm hơn 63% số dân CH Trung Phi cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo.
Trong bối cảnh người dân CH Trung Phi cần hòa bình và ổn định để thoát nghèo, LHQ tích cực kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế góp phần thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa bình mới đạt được ở CH Trung Phi. Mới đây, ông G.La-croa, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động hòa bình đã kêu gọi thế giới cùng chung tay hành động, nhằm đem lại kết quả thiết thực trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình giữa các bên tại CH Trung Phi.
THỂ TRẦN
Theo NDĐT
Tham vọng Nga "vẫy vùng" châu Phi : Bước ngoặt bồi thêm lo lắng với Mỹ? Nhiều động thái của Moscow tại châu Phi tiết lộ tham vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cường vị thế siêu cường của Nga trong khu vực này. Nga gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi Moscow liên tục gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu, Trung Đông, kiểm soát vũ khí và không gian mạng. Điều này không ngạc nhiên...