Lo lớp 1 thiếu chỗ học 2 buổi/ngày
Năm học 2020-2021 sắp tới là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, TP HCM vẫn không thể đáp ứng 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP HCM về tình hình chuẩn bị năm học mới. TP còn thiếu 443 phòng, số phòng học dự kiến xây mới vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, đồng nghĩa tỉ lệ học bán trú tại các quận, huyện vẫn căng thẳng.
Năm học mới tăng gần 54.465 học sinh
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2020-2021, TP HCM tăng 54.465 học sinh (HS). Trong đó, mầm non tăng 3.668 HS, tiểu học tăng 8.989 HS, THCS tăng 27.950 HS, THPT tăng 14.038 HS. Nhìn chung, số HS năm học 2020-2021 tăng nhiều ở cấp THCS, tập trung tại một số quận như 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Vì tốc độ tăng dân số quá nhanh, hiện trên địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường có quy mô trên 40-50 HS/lớp, phần nào hạn chế trong công tác quản lý chất lượng giảng dạy.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Về điều kiện trường, lớp, năm học sắp tới đây, toàn TP dự kiến có khoảng 2.348 trường học với tổng số hơn 1,7 triệu HS và gần 81.000 giáo viên. Theo Sở GD-ĐT TP, riêng năm học 2019-2020, số HS không có hộ khẩu tại TP là 377.769 em. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp (đặc biệt là cấp tiểu học hiện nay có sĩ số HS/lớp cao hơn so với chuẩn quy định), tỉ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm.
Căng mình tìm cách xoay xở
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, điều kiện tiên quyết là HS phải được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, vì số HS tăng “khủng” hằng năm, dù dành mọi ưu tiên cho lứa HS vào lớp 1 sắp tới đây nhưng vẫn không thể 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Tại quận Tân Phú, năm học 2020-2021 sẽ có 7.700 HS vào lớp 1, trong khi số HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học và vào lớp 6 là 6.800 em. Trong số 17 trường tiểu học của quận, chỉ có 5 trường thực hiện được học 2 buổi/ngày với toàn bộ HS lớp 1.
Căng thẳng hơn, tại quận 12, tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của quận mới chỉ đạt 20%, rất thấp so với mức bình quân chung của cả TP. Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của quận, năm học 2020-2021, quận dự kiến có gần 7.500 HS vào lớp 1 tại 22 trường tiểu học công lập. Để đáp ứng học được 2 buổi/ngày cho số HS này, cần có 300 phòng học mới đạt chuẩn 35 HS/lớp. Tuy nhiên, số HS lớp 5 ra trường trong năm học này chỉ tương ứng với 122 phòng học nhưng lại phân bổ không đều giữa các phường.
Video đang HOT
Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, phương án của Phòng GD-ĐT tham mưu cho quận là nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45-50 HS/lớp. Nơi nào không đủ phòng để tổ chức học 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số thì tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy.
Tình hình tương tự tại quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết năm học tới, quận có 2 trường xây mới là Trường Tiểu học Bùi Hữu Nghĩa và Trường THCS Lạc Long Quân với gần 70 phòng học. Thêm một số phòng xây mới tại các trường tiểu học, tổng cộng có 80 phòng học mới.
Năm học này, quận Bình Tân có hơn 12.000 trẻ vào lớp 1, trong khi số HS lớp 5 ra trường khoảng 9.500 em. Với 80 phòng học mới, nếu trung bình mỗi lớp 40 HS thì chỉ đáp ứng được chỗ học cho 3.200 em. Để bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả HS trên địa bàn, quận Bình Tân tiếp tục tổ chức cho 32% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày như năm học 2019-2020, còn lại sẽ học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy, để bảo đảm yêu cầu về số tiết học theo chương trình mới.
TP HCM không tăng học phí
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng 9-7, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đã báo cáo kết quả năm học 2019-2020 và công tác chuẩn bị năm học 2020-2021.
Về công tác chuẩn bị năm học mới 2020-2021, ông Lê Hồng Sơn cho biết dự kiến trong năm 2020 có 1.371 phòng học mới được đưa vào sử dụng. “Năm học 2020-2021, TP vẫn bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn (kể cả trường hợp không có hộ khẩu TP) đủ chỗ học” – ông Lê Hồng Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng lo lắng với số dân tăng cơ học cao, việc đáp ứng chỗ học 2 buổi/ngày cho HS vẫn gặp nhiều khó khăn. Chuẩn bị năm học 2020-2021, số phòng học của HS lớp 5 ra trường là 3.107 phòng nhưng số phòng học dự kiến cho lớp 1 là 3.550 phòng (cần thêm 443 phòng học); số phòng học dự kiến xây mới vẫn chưa đáp ứng được mong muốn 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày. Liên quan đến học phí năm học mới 2020-2021, ông Lê Hồng Sơn thông tin sẽ tiếp tục thực hiện mức thu học phí bằng với năm học 2019-2020.
P.Anh
Góc thắc mắc: Tại sao Bộ GD-ĐT không thu học phí tiểu học nhưng phụ huynh vẫn phải đóng tiền học 2 buổi/ngày?
Ngoài các khoản tiền đầu năm học như phục vụ bán trú, bảo hiểm y tế, học phẩm... thì phụ huynh phải đóng thêm TIỀN HỌC 2 BUỔI/NGÀY.
Trong Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều) có điều 99 về học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo ghi rõ: học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí.
Và theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, học sinh các trường công lập tại Hà Nội sẽ đóng góp những khoản tiền vào đầu năm học là:
- Tiền phục vụ bán trú
- Tiền học phẩm
- Tiền học phẩm
- Tiền nước uống học sinh
- Tiền bảo hiểm y tế học sinh
- Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu
Ngoài ra, mặc dù theo quy định không thu học phí cấp tiểu học nhưng hiện tại trong các trường học vẫn thu một khoản tiền có tên là "TIỀN HỌC 2 BUỔI/NGÀY".
Ngoài việc dạy đủ số tiết, số buổi theo quy định, giáo viên hiện nay phải dạy tăng tiết và đi dạy cả ngày - Ảnh minh họa.
Tại sao miễn học phí lại thu TIỀN HỌC 2 BUỔI/NGÀY?
Nhiều phụ huynh thắc mắc không biết TIỀN HỌC 2 BUỔI/NGÀY là khoản tiền gì và tại sao phải đóng khi học sinh được miễn học phí... Khoản tiền này được giải thích như sau:
Hiện nay, thay vì học 1 buổi thì học sinh các cấp gần như học cả 2 buổi trên trường. Vì thế, ngoài việc dạy đủ số tiết, số buổi theo quy định, giáo viên phải dạy tăng tiết và đi dạy cả ngày. Thế nên các địa phương đã thống nhất thu tiền hỗ trợ từ phụ huynh.
Với học sinh tiểu học: Tối đa 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Với học sinh trung học cơ sở: Tối đa 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Số tiền này sẽ được chi trả cụ thể như sau:
1. Chi cho giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày: 60%
2. Chi bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể: 20%.
3. Chi mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng dạy học, vật rẻ mau hỏng, điện nước, vệ sinh, tăng cường cơ sở vật chất...17%.
4. Phục vụ công tác chỉ đạo thanh kiểm tra: 3%. Trong đó nộp Phòng Giáo dục 2%, nộp Sở Giáo dục và Đào tạo 1% (nộp qua Phòng Giáo dục).
Như vậy, TIỀN HỌC 2 BUỔI/NGÀY sẽ dùng để bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia dạy 2 buổi/ngày, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể, mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, điện, nước, vệ sinh...
Ninh Kiều công bố tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2020-2021 Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều vừa công bố Kế hoạch huy động trẻ mầm non ra lớp và tuyển sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2020-2021. Giờ hoạt động góc của các bé Trường Mầm non 2 tháng 9, quận Ninh Kiều. ảnh: B.NG Năm học 2020-2021, quận đảm bảo huy động tối đa trẻ trong độ tuổi...