Lo lắng lớp 1 quá nặng, phụ huynh đổ xô tìm lớp tiền tiểu học cho trẻ lên 5
Một bộ phận phụ huynh có con là học sinh năm cuối mẫu giáo cũng bắt đầu lo lắng tìm kiếm các lớp tiền tiểu học nhằm chuẩn bị trước kiến thức cho con mình.
Trước tình hình phụ huynh học sinh lớp 1 vật vã cùng con học tiếng Việt, nhiều phụ huynh của trẻ mầm non 5 tuổi bắt đầu lo lắng tìm các lớp tiền tiểu học. Họ hy vọng sẽ giúp con và bản thân không rơi vào cảnh mẹ khóc, con khóc như phụ huynh lớp 1 năm nay .
Tiền tiểu học, lớp học cần phải có?
Trước những băn khoăn của rất nhiều bạn bè của mình về việc có nên cho con tham gia lớp tiền tiểu học hay không, chị Đoàn Trà Mi (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ quá trình bước vào năm học mới của con chị năm nay.
Theo chị, bé nhà chị nếu không học trước lớp tiền tiểu học sẽ không thể bắt kịp được chương trình.
“Cho con đi học trước không chỉ chuẩn bị cho con những kiến thức nền cơ bản trước để con vào tiểu học khỏi bỡ ngỡ mà còn chuẩn bị tâm lý cho con trước khi con bước vào môi trường mới.
Đối với mình, môi trường cấp tiểu học khác hoàn toàn so với môi trường mầm non. Buộc các con phải vừa có ý thức và vừa có kiến thức.
Chương trình năm nay thay đổi, việc này đã được dự đoán trước nên mình chuẩn bị cho con học bằng việc cho con tham gia lớp tiền tiểu học.
Mình thực sự thấy hiệu quả và cũng đã góp ý cho nhiều mẹ có con năm nay là học sinh mẫu giáo lớn.
Muốn con và gia đình không vất vả khi vào năm học thì nên cho con làm quen trước với chữ cái, số đếm, các phép tính và vần ghép đơn giản. Mình đón nhận việc con vào lớp 1 khá nhẹ nhàng chứ không quá vất vả”, chị Mi chia sẻ.
Nội dung chương trình lớp 1 năm nay mang lại nhiều luồng thông tin cho dư luận. Việc áp dụng sách mới đối với từng đối tượng cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Việc học sớm, học trước chương trình và tạo áp lực học tập cho con được xem là không hiệu quả. Nhưng đối với rất nhiều phụ huynh, chương trình và những “bài học kinh nghiệm” của các phụ huynh lớp trước truyền đạt lại thì tiền tiểu học là lớp học “không có không được”.
Thế nên, tổ chức các lớp học tiền tiểu học những năm gần đây đáp ứng “đúng” nhu cầu, mong muốn “rèn” con trước của phụ huynh có con em kết thúc chương trình mầm non.
Là người mẹ có con trai năm cuối cấp mầm non, chị Trần Minh Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang hoang mang với những thông tin về dư luận trái chiều gần đây về sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là môn tiếng Việt. Chị cho biết:
Video đang HOT
“Đến thời điểm này mình vẫn đang chưa cho con học thêm lớp nào, để con tự phát triển tư duy như vốn dĩ vợ chồng mình đã bàn bạc trước đó.
Thế nhưng vì những thông tin gần đây về sách giáo khoa cải cách, chương trình nặng, nếu không học sẽ không nắm bắt kịp nên mình bắt đầu hoang mang.
Việc rèn ý thức cho con, mình tôn trọng con bằng cách cho con làm quen bút màu, bút chì, các nét cơ bản theo sở thích.
Nhưng nếu đã vào chương trình học bắt buộc phải theo một lớp học hoàn thiện từ đầu đến cuối để con có thể đọc, viết cơ bản.
Điều đó có thể sẽ đỡ vất vả cho con vào đầu năm học, nhưng đánh mất một khoảng thời gian mà đáng nhẽ con chưa cần phải thu nạp kiến thức nhiều. Đó là áp lực”.
Chị Trần Minh Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng về áp lực học tập khi con chuẩn bị vào lớp 1.(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Việc tham gia các lớp học tiền tiểu học hay không trước khi bước vào lớp 1 là hoàn toàn tự nguyện và đáp ứng nhu cầu, điều kiện của từng gia đình.
Không nên áp lực lên học sinh trước khi bước vào lớp 1
Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết “Mẹ chợt nhận ra sai lầm và con nói con yêu mẹ rất nhiều”. Nội dung bài viết chính chia sẻ bài học về những phụ huynh áp lực con cái trong chuyện học hành sai phương pháp và sai thời điểm.
Những lo lắng của phụ huynh trong việc kỳ vọng vào kết quả học của con em mình thật tốt là điều dễ hiểu và ai cũng mong mỏi. Tuy nhiên, nếu gây áp lực quá hoặc sai phương pháp sẽ tạo nên “hiệu quả ngược”.
Là giáo viên có kinh nghiệm tổ chức các lớp học sớm dành cho học sinh đầu cấp tiểu học trước 2-3 tháng, nhằm chia sẻ với phụ huynh những căng thẳng, vất vả khi có con chuẩn bị vào lớp 1, cô giáo Bùi Thu Thủy Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết:
“Mình là người thường tổ chức các lớp đầu tiên để các con làm quen chữ cái và con số cũng như môi trường cấp tiểu học mà các mẹ thường gọi là tiền tiểu học.
Việc tham gia trước các lớp tiền tiểu học đối với bản thân mình là bổ sung trước cho học sinh những kĩ năng phản xạ, để các em không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới.
Tuy nhiên, mình nhận học sinh và không yêu cầu hay áp lực gì quá lớn ở giai đoạn này. Quá trình này phải đúng mục đích là để các con làm quen. Nên kết hợp giữa chơi và học để học sinh cảm thấy thoải mái, không căng thẳng”.
Theo chia sẻ của cô Linh, việc nhận học sinh chỉ diễn ra trước thời gian năm học mới từ 3-4 tháng. Không quá ngắn để lạc lõng với chương trình mới, nhưng cũng không quá dài để học sinh ỷ lại những gì đã biết, gây nhàm chán giờ học chính thức…
Cô Linh cũng cho rằng, “việc học tiền tiểu học cũng không cần thiết bắt buộc học sinh phải tham gia hoặc trải qua. Do nhu cầu của gia đình và mức độ tiếp thu của học sinh trong quá trình học cấp mầm non. Vì chính các trường mầm non cũng đã cho học sinh làm quen chương trình trước.
Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, bởi nếu quá căng thẳng kỳ vọng vào học tập của con cái sẽ gây ra “hiệu quả ngược” không đáng có. (Ảnh C.K.A)
Do đó, việc áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh đối với vấn đề học trước cấp tiểu học là không nên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ khi chuẩn bị bước vào một môi trường thay đổi, mà việc nhận thức và thay đổi đối với cấp tiểu học cần diễn ra nhẹ nhàng”.
Đồng quan điểm với cô Linh, phụ huynh Vũ Thanh Loan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Dù rất lo lắng cho con mình vì sang năm bé lên lớp 1, mà chương trình năm nay lại nhận được rất nhiều thông tin là “nặng” nhưng mình vẫn tự động viên bản thân bằng cách sẽ thoải mái và đồng hành cùng con trải qua năm học đầu tiên nhẹ nhàng nhất và không áp lực cho con. Mình tin phương pháp hiệu quả nhất trong truyền đạt là lắng nghe và chia sẻ cùng con”.
Liên quan đến việc tổ chức các lớp học tiền tiểu học để học trước các chương trình, trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thùy Ly (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ:
“Dạy trước, học trước các chương trình hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cấm nên không được thực hiện công khai tại các trường.
Tuy nhiên, việc chỉ dẫn để học sinh làm quen, thích nghi thay đổi giữa các môi trường khác nhau là việc nên làm nhưng không nên làm quá để tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Tại cấp mầm non, học sinh đã được làm quen cơ bản trước, nhưng thực tế hai môi trường này hoàn toàn khác nhau nên không thể nào không có thời gian thích nghi mà học sinh có thể mang lại hiệu quả tốt nhất trong chương trình học được”.
Cô Ly cho biết thêm, dù nhà trường hay bản thân các giáo viên trường cô không tổ chức các lớp tiền tiểu học nhưng trước năm học mới 3-4 tháng cũng rất nhiều phụ huynh có nguyện vọng mở lớp và cho con tham gia nếu có.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm thì các trường và giáo viên chấp hành nhưng lớp tiền tiểu học phần nào đó cũng là mong muốn của phụ huynh khi con em bước vào năm học mới không bỡ ngỡ, chỉ có điều thời gian của một lớp tổ chức không quá dài và đúng tính chất “làm quen”.
Điều chỉnh để cả thầy và trò cùng thích ứng với chương trình GDPT mới
Trước những ý kiến về chương trình, SGK lớp 1 mới, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch hoạt động dạy học, sao cho cả thầy, cả trò đều không quá tải, đáp ứng được mục tiêu của chương trình mới.
Thận trọng trước ý kiến về chương trình "nặng" hay "nhẹ"
Qua một tháng đầu dạy học với các bộ SGK mới của chương trình lớp 1, có nhiều ý kiến cho rằng, môn Tiếng Việt quá "nặng" đối với trẻ mới đến trường, ngay cả giáo viên cũng gặp lúng túng nhất định. Nhiều phụ huynh phản hồi rằng con phải "viết nhiều lắm".
Trong cuộc họp báo quý 3 của Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đã trả lời về vấn đề này rằng: Để nói chương trình "nặng" hay "nhẹ" trong thời điểm này là chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương tình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).
Thực tế là học sinh lớp 1 năm nay có 4 bộ sách, tùy thuộc vào quyết định chọn sách của từng trường. Nên việc đánh giá "nặng" hay "nhẹ" thời điểm này theo nhiều chuyên gia cần có sự cân nhắc. Và chưa thể đủ cơ sở để kết luận. GS.TS Đỗ Việt Hùng - Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" cho rằng: Các bộ SGK đều phải tuân thủ chương trình, nên khó hay dễ còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. SGK cụ thể hóa chương trình nên tùy từng nhóm tác giả của từng bộ sách, có thể có cách thể hiện khác nhau.
Đánh giá chương trình "nặng" hay "nhẹ" phải có cơ sở khoa học và có tiêu chí cụ thể. Có thể nhiều phụ huynh dạy con 1 - 2 bài thấy căng thẳng nên vội kết luận là chương trình "nặng". Đó là cách hiểu không đầy đủ. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thì: Chương trình Tiếng Việt lớp 1 nào cũng dạy số vần, số chữ như nhau, với yêu cầu cuối năm học sinh phải biết đọc, biết viết nên không có chuyện chương trình nào "nặng" hơn chương trình nào. Còn về SGK, mỗi quyển một khác, cần đánh giá cụ thể quyển nào "nặng" ở đâu để cơ quan chuyên môn có biện pháp điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch hoạt động dạy học, sao cho cả thầy, cả trò đều không quá tải với chương trình GDPT mới. Ảnh: P.T
Điều chỉnh để cả cô và trò không căng thẳng
Theo Bộ GD&ĐT, ngay sau khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường.
Các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nền nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, SGK mới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Các địa phương cũng đang nhanh chóng điều chỉnh, Sở GD&ĐT TP HCM đã thông báo về kết luận chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở GD&ĐT TP tại hội nghị xây dựng kế hoạch giáo dục cấp tiểu học năm học 2020-2021. Theo đó, các cơ sở giáo dục tiểu học cần phải xác định chương trình GDPT 2018 là cơ hội để đổi mới toàn diện; cần tranh thủ mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức, khó khăn ban đầu, nhất là cấp tiểu học.
Sở cũng khẳng định, giáo viên được quyền quyết định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động dạy học, các nội dung dạy học và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng, hiệu quả giáo dục của từng học sinh trong lớp.
Còn tại Hà Nội, TP huy động tối đa mọi nguồn lực về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lựa chọn những giáo viên tốt nhất để đảm nhận việc dạy học lớp 1 năm học 2020-2021. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, học sinh Hà Nội đã đáp ứng tốt với chương trình, SGK mới.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để việc dạy - học lớp 1 theo chương trình mới được thuận lợi, hiệu quả, trước hết, giáo viên cần dạy đúng yêu cầu của chương trình; thực hiện quyền chủ động của mình ví dự như: Tăng số tiết cho những bài học còn khó đối với số đông học sinh; thực hiện dạy học phân hóa; giảm bớt những hoạt động không thiết thực... Trong trường hợp có những bài trong SGK chưa phù hợp, thì cơ quan quản lý giáo dục cần hướng dẫn tác giả, nhà xuất bản để điều chỉnh.
Cắt bài về nhà, đầu ra vẫn 'thần tốc': Trẻ lớp 1 chật vật học kiểu 'nhồi vịt' Việc tăng số tiết mà ép trẻ ngay từ ngày đầu đã phải học nhiều chữ hơn và độ phức tạp lớn hơn, dồn hết cả bảng chữ cái vào học trong 1 tháng đầu tiên thì khác gì nhồi nhét Sách giáo khoa lớp 1 mới Sau ý kiến phản ánh của các phụ huynh có con vào lớp 1 về chương...