‘Lỗ hổng’ trong thẩm định và thực nghiệm sách giáo khoa
Sách giáo khoa xã hội hóa được các nhóm tác giả biên soạn và nhà xuất bản là các công ty cổ phần thực nghiệm thay vì Bộ GD&ĐT trực tiếp tổ chức.
Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình phổ thông và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Đây cũng là năm đầu tiên, ngành giáo dục thay đổi phương thức tiếp cận SGK phổ thông. Việc thực hiện SGK mới có những điểm rất khác so với trước, đó là chương trình trở thành pháp lệnh và SGK là tài liệu. Quá trình biên soạn SGK được xã hội hóa hoàn toàn.
Thực nghiệm chưa đến nơi đến chốn
Xã hội hóa biên soạn SGK là đúng hướng, thông qua xã hội hóa sẽ có nhiều sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất, giảm gánh nặng cho Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, qua một tháng triển khai thực tế bắt đầu xuất hiện những vấn đề liên quan đến chất lượng sách. Dư luận thời gian qua tập trung vào Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều. Những “hạt sạn”, sai sót của sách khiến dư luận đặt không ít câu hỏi và nghi ngại khi thực hiện xã hội hóa biên soạn, phát hành sách giáo khoa, nhất là quá trình thực nghiệm.
TS Lê Thống Nhất – chuyên gia giáo dục.
Theo TS Lê Thống Nhất – chuyên gia giáo dục, Bộ GD&ĐT trước đây chỉ đạo thực nghiệm sách giáo khoa trên một quy mô và đối tượng khá rộng. Sau hai năm điều chỉnh, hội thảo liên tục chúng ta mới áp dụng đại trà. Tuy nhiên khi lần đầu tiên xã hội hóa, việc thực nghiệm này lại được giao cho các nhóm tác giả và các công ty xuất bản, mà phần lớn là các công ty cổ phần. Vì vậy họ không thể có điều kiện thực nghiệm theo đúng khoa học giáo dục, họ cũng chỉ dạy ở một vài bài ở một vài nơi, không thể đánh giá được toàn bộ chất lượng SGK.
“Với thời gian ngắn, điều kiện công ty cổ phần như vậy thì không thể nào thực nghiệm giống chương trình năm 2000 là hai năm, rồi tổng kết chỉnh sửa, mới đưa vào đại trà. Hơn nữa, vai trò của Hội đồng thẩm định Quốc gia chưa tới. Họ chỉ khuyến cáo, không bắt sửa nội dung chưa hoặc không phù hợp, không để ý quá trình thực nghiệm “đến nơi đến chốn chưa”, nếu thực nghiệm theo đúng quy trình khoa học giáo dục, những “hạt sạn”, sai sót sẽ không có”, ông Lê Thống Nhất cho biết.
Video đang HOT
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng, những gì dư luận quan tâm, báo chí phản ánh về những lỗi sai sót, “hạt sạn” trong sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều vừa qua là hoàn toàn đúng, không thể biện minh được. Điều này cho thấy việc thẩm định và thực nghiệm sách giáo khoa chưa nghiêm túc, chưa đến nơi đến chốn đã áp dụng đại trà. Việc không có sự giám sát các nhóm tác giả, các nhà xuất bản thực nghiệm sách sẽ “thả trôi” chất lượng sách giáo khoa.
“Việc đưa quá nhiều mà lại đưa phỏng theo các truyện ngụ ngôn, các đoạn văn của các nhà văn nước ngoài vào, các nhà biên soạn chỉ chỉnh sửa lại, đoạn văn đọc lên nó vừa vô cảm, không có cảm xúc, nói chung nó không thành câu. Một phương tiện như vậy không thể truyền tải vào cảm xúc của trẻ được”, Nhà văn Quang Vinh nói về những “hạt sạn” trong sách Tiếng Việt 1 của nhóm biên soạn Cánh Diều.
Một bài Tập đọc trong sách Tiếng Việt 1 của nhóm tác giả Cánh diều gây nhiều tranh cãi.
Nói về sách Cánh diều Tiếng Việt 1, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 1 cũng bức xúc và cho rằng SGK mới phải được thực nghiệm trong khoảng thời gian nhất định, tổng kết, đánh giá kết quả mới nên áp dụng đại trà.
Anh Hoàng Trung Kiên, ngụ Quận 8, TP.HCM có con đang học lớp 1 cho hay: “Tôi đề nghị với Bộ GD&ĐT là nên xem xét lại và nếu cần phải đình chỉ ngay sách Tiếng Việt 1 nhiều lỗi. Cần thực nghiệm một huyện hoặc một tỉnh nào đó, lấy đó làm căn bản chứ không thể lấy đại trà ngay, áp lực lên thế hệ trẻ bây giờ, tôi thấy tội cho phụ huynh và học sinh “.
Không thực nghiệm toàn bộ chương trình mới
Trước những phản ánh và dư luận có ý kiến trái chiều về chất lượng cũng như việc biên soạn SGK, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, để đảm bảo nâng cao chất lượng, Bộ dự kiến trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc kiểm soát quá trình thực nghiệm sách.
“Nếu như trước đây các nhà xuất bản phối hợp với tác giả đi thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia của Bộ GD&ĐT trong việc phối hợp chỉ đạo. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường khâu thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản trước khi gửi bản mẫu hoàn thiện lên Bộ thì phải tổ chức thẩm định sơ bộ. Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng của các bản mẫu trước khi gửi lên hội đồng thẩm định quốc gia” , ông Độ nói.
Cung theo Thứ trưởng, cần mở rộng đối tượng để có thể thêm các ý kiến đóng góp rộng rãi hơn, từ đó chắt lọc nhiều ý kiến tốt cho quá trình chỉnh sửa. Hiện chương trình mới xây dựng theo hướng mở và thực nghiệm chương trình mới không phải là toàn bộ như trước, mà chỉ là thực nghiệm những nội dung, phương pháp, cách thức tiếp cận mới của chương trình để đảm bảo rằng nếu đưa vào thì có tính khả thi và đáp ứng mục tiêu đặt ra.
Xã hội hóa biên soạn SGK là chủ trương đúng đắn, huy động được nguồn lực nhân dân đầu tư cho giáo dục, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tránh độc quyền trong phát hành sách, trong quá trình cạnh tranh sẽ tạo ra được những bộ sách tốt nhất. Nhưng việc thẩm định, thực nghiệm sách không được thực hiện tốt sẽ ‘thả trôi’ chất lượng sách, hệ lụy là thế hệ sau phải gánh chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai đất nước.
Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh quy trình ban hành sách giáo khoa mới
Bộ sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnamplus)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đang nghiên cứu để bổ sung các quy định liên quan đến việc ban hành sách giáo khoa mới.
Sẽ chặt chẽ hơn trong thực nghiệm?
Cụ thể, Bộ sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách khi hội đồng thẩm định đánh giá đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa mới có được thực nghiệm và kết quả thực nghiệm là một phần trong hồ sơ gửi hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc thẩm định do nhóm tác giả tự tổ chức thực hiện.
Theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Bộ sách Cánh diều đã được nhóm tác giả báo cáo về việc dạy thực nghiệm và Hội đồng thẩm định cũng đã kiểm tra rất kỹ các thông tin như thực nghiệm bao lâu, ở trường nào, kết quả ra sao. "Việc thực nghiệm là do các tác giả và nhà xuất bản chứ không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo," ông Chừ nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bộ sách Cánh diều dù đã được thực nghiệm trong trường học nhưng khi chỉ sau vài ba tuần áp dụng đại trà lại bộc lộ những hạn chế và buộc phải điều chỉnh đã cho thấy việc thực nghiệm chưa hiệu quả.
Sách giáo khoa Cánh diều khiến dư luận "dậy sóng" vì cách chọn và trình bày ngữ liệu chưa hợp lý. (Ảnh: PM/Vietnamplus)
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ Victory, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bộ sách mới có thời gian thực nghiệm quá ngắn, chỉ vài ba tháng nên khó tránh khỏi những "hạt sạn". "Các sách giáo khoa theo chương trình năm 2000 đều có thời gian thực nghiệm lên đến vài năm," ông Thành cho hay.
Mở rộng kênh phản biện
Bên cạnh vấn đề dạy thực nghiệm, việc công khai bản mẫu sách giáo khoa để dư luận cùng góp ý cũng là một chủ trương được nhiều người quan tâm. Trong việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1, tất cả mọi thông tin về bản thảo sách, biên bản thẩm định... đều được giữ kín. Ngay cả sách đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành, người dân vẫn chưa được biết bản mẫu sách mà phải đợi đến tận khi sách được in bán đại trà trước thềm năm học mới.
Tiến sỹ Giáp Văn Dương cho rằng sau sự cố sách Cánh diều, bài học quan trọng với Bộ Giáo dục và Đào tạo là thẩm định sách giáo khoa cần bài bản, khoa học, minh bạch hơn. Bản thảo của các bộ sách cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của người dân, nhất là các phụ huynh, chuyên gia giáo dục bên cạnh ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định.
Với các phân tích trên, các chuyên gia giáo dục nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh trong quy trình ban hành sách giáo khoa mới sẽ góp phần quan trọng để có sách giáo khoa chất lượng hơn cho học sinh, trước mắt là với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.
Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 33 bản mẫu sách của đầy đủ 9 môn học lớp 2 và 43 bản mẫu sách của đầy đủ 11 môn học lớp 6 đang được thẩm định. Hội đồng thẩm định của các sách này đã hoàn thành vòng một và sẽ hoàn thành thẩm định vòng hai vào cuối tháng 10 với lớp hai và vào trung tuần tháng 11 với lớp 6. Các sách này sau khi đạt thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành sẽ được triển khai đại trà trong các nhà trường trên cả nước bắt đầu từ năm học 2021-2022./.
Cần có phản biện kín khi thẩm định sách giáo khoa Sau những ồn ào về SGK Tiếng Việt 1, TS Lê Thống Nhất cho rằng khâu thẩm định SGK cần có thêm phản biện kín, xin ý kiến các chuyên gia giáo dục, giáo viên và sớm công bố sách để dư luận góp ý. Sau những ồn ào và phản ứng của dư luận về một số ngữ liệu trong sách Tiếng...