Lỗ hổng trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em
Vừa bước vào hè, chúng ta lại giật mình thảng thốt khi liên tiếp nhận được thông tin học sinh bị đuối nước qua các phương tiện truyền thông. Đuối nước đã trở thành tai nạn thương tích ở trẻ em xếp đầu bảng về tỷ lệ tử vong hằng năm. Và đến hẹn lại lên, cứ khi hè về, học sinh nghỉ học là lại xảy ra những vụ đuối nước tập thể vô cùng thương tâm mà chưa có biện pháp kéo giảm.
Đầu hè, liên tiếp đuối nước tập thể
Nắng nóng trên 40 độ mấy ngày qua đã khiến cho trẻ em tìm đến hồ bơi, ao, sông, biển tăng lên đột ngột để “giải nhiệt”. Và đã có nhiều học sinh bị đuối nước vô cùng đau lòng khi vừa bước vào hè. Mới nhất là vụ tử vong của 2 học sinh vào lúc 18h ngày 31/5 tại đập Ba Ra Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đó là em Hoàng Văn Hưng, 16 tuổi và Hoàng Đức Đạt, 15 tuổi, đều trú tại xóm 8, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương buổi chiều rủ nhau ra phía dưới của đập Ba Ra Đô Lương để tắm. Khu vực này nước chảy xiết, nhiều chỗ sâu rất nguy hiểm, sau một hồi vẫy vùng hai em đã bị nước cuốn trôi.
Trẻ em hiện còn đang thiếu rất nhiều kỹ năng bảo vệ chính mình. Ảnh minh họa: Viết Tuấn.
Video đang HOT
Trước đó ba ngày, 4 học sinh ở xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phướccũng đã chết đuối thương tâm tại hồ thủy lợi Đăk Liên. Trong 4 em này thì có 3 em là học sinh lớp 7 Trường THCS Chu Văn An và 1 học sinh lớp 5 (thương tâm nhất là trong đó có 2 chị em ruột) sau khi tan học sáng 28/5 rủ nhau đi mót hạt điều.
Do trời nắng nóng, nên khoảng 11h trưa các em cùng nhau đến hồ thủy lợi Đăk Liên tắm, tập bơi. Do mực nước trong hồ sâu, có chỗ hiểm trở, khi cùng nhau ra xa lại không biết bơi nên các em bị hụt chân và dẫn đến chết đuối.
Ngày 26/5, ba học sinh trú tại thôn 3, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam rủ nhau ra sông tắm thì hai em Phạm Văn Kiệt, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Tiên An và em Phạm Nữ Danh, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Nguyễn Viết Xuân bất ngờ bị nước cuốn trôi. Và đau lòng hơn vào ngày 16/5, tại tỉnh Nghệ An xảy ra 2 vụ đuối nước làm 5 học sinh tiểu học và THCS thiệt mạng…
Những tin tức trẻ em, học sinh đuối nước liên tục xuất hiện trong tháng 5 và đặc biệt tăng lên khi vừa nghỉ hè đã khiến dư luận không khỏi đau xót. Còn gì đau đớn hơn khi các bậc phụ huynh chứng kiến cái chết của con em mình mà lẽ ra có thể phòng ngừa. Những vụ tai nạn thương tâm đó là lời cảnh báo đau xót. Và sau nhiều năm Việt Nam được xếp vào nhóm nước có trẻ em bị đuối nước cao ở khu vực, thì dường như các biện pháp khắc phục vẫn chưa đưa chúng ta thoát ra khỏi con số đáng sợ này.
Cần trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em trong các trường học để phòng chống đuối nước.
Bơi lội cần trở thành môn học chính khóa
Ngành Giáo dục sẽ làm gì khi học sinh vừa nghỉ hè đã liên tiếp gặp đuối nước? Hầu hết các ca tử vong đều rơi vào học sinh không biết bơi. Bơi lội hiện chưa được ngành Giáo dục đưa vào thành môn học chính khóa bởi lý do, hầu hết các nhà trường đều không đủ cơ sở vật chất để trang bị cho học sinh bộ môn này. Do không được học, nên học sinh không biết bơi và không có kỹ năng xử lý tình huống khi gặp phải đuối nước là rất lớn.
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo CAND cho rằng, nếu muốn cơ sở vật chất thật tốt mới học bơi, dạy bơi thì quá khó với một nước nghèo như chúng ta. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc này bằng những cách đơn giản như học bơi trên cạn, học bơi bằng những bể đơn giản, giá rẻ như đã làm mô hình thí điểm ở Đà Nẵng…
Chị Nguyễn Mai Trang ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đọc báo, xem tivi thấy tại một số địa phương miền Trung, miền Nam trẻ đuối nước nhiều, lo lắm. Gần nhà tôi cũng vẫn còn nhiều ao nên tôi rất lo cho sự an toàn của con”. Mong muốn trang bị kỹ năng bơi lội sớm cho con, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đi tìm lớp dạy bơi cho con học. Nhưng trẻ em ở nông thôn, việc được đến lớp học bơi là xa xỉ. Và nhiều phụ huynh do mải mưu sinh nên cũng không để ý tới việc cần phải dạy bơi cho con mặc dù xung quanh nhà nhiều ao hồ.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Bơi là môn học bắt buộc của học sinh lớp 11 và là môn học chính khóa. Thầy Lâm cho biết, bắt đầu vào tháng 6, học sinh lớp 11 đều phải học bơi tại bể Thanh Niên. Nhà trường đăng ký thuê bể ở đó, có đội ngũ giáo viên dạy bơi và quản lý học sinh. Qua một tháng học phải đảm bảo, em nào cũng biết bơi. “Chúng tôi chọn bể bơi ở đây vì có giá thành vừa phải, phù hợp với điều kiện của học sinh” – thầy Lâm cho biết. Cũng theo thầy thì tốt nhất vẫn là dạy bơi cho học sinh từ cấp tiểu học và có thể chia các khối ra học từng năm để tránh quá tải thiếu bể. Nhiều trường tiểu học có giáo viên thể dục, hè đến họ vẫn chiêu sinh mở lớp dạy bơi riêng, tại sao các trường không phát động học bơi như môn học chính khóa bắt buộc và tìm địa điểm để dạy cho học sinh? Thầy Lâm nêu câu hỏi.
Tìm thấy thi thể thiếu niên chết đuối khi tắm biển
Sau nhiều giờ huy động nhân lực, phương tiện rà soát trên diện rộng ven biển Quy Nhơn, đến trưa 31/5 thi thể em Nguyễn Hữu Bảo, 16 tuổi, trú ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn đã được tìm thấy. Trước đó vào chiều 30/5, trong lúc Bảo cùng ba người bạn đang tắm biển gần khu vực eo Nín Thở, không may một đợt sóng lớn cuốn Nguyễn Hữu Bảo cùng em Huỳnh Trà My – học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn ra xa. Ngay sau đó em My may mắn được cứu nạn, đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, trong khi em Bảo mất tích.
Theo KTĐT