Lo cho đầu vào đại học
Một trong những điểm mới được quy định tại Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 là việc giao địa phương tổ chức kỳ thi này. Địa phương chịu trách nhiệm quản lý đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở ĐH,CĐ năm nay hoàn toàn “đứng ngoài”, không tham gia coi thi, chấm thi.
Ảnh minh họa
Nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra, làm sao để kỳ thi đảm bảo tính công bằng? Làm sao để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, bởi nhiều trường cho biết mùa tuyển sinh này họ vẫn sử dụng kết quả thi THPT làm căn cứ xét tuyển.
Ý kiến từ các chuyên gia giáo dục cho thấy họ đều lo lắng với Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ GDĐT. Theo phân tích, bài học từ gian lận thi cử tại các điểm nóng như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vẫn còn đó…vậy thì việc giao cho các địa phương tổ chức một kỳ thi quan trọng như thế, mà không có vai trò của các trường ĐH thì lấy gì đảm bảo sự cho sự khách quan, trung thực… Liệu có chuyện nới lỏng coi thi hay không? Làm sao để kỳ thi đạt được sự tin cậy và có độ phân hóa cao để các trường sử dụng xét tuyển?
Video đang HOT
Trong một cuộc làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng cũng bày tỏ mong muốn Bộ phải có giải pháp để đảm bảo khách quan, công bằng cho kỳ thi, khi vẫn sử dụng kết quả thi để tuyển sinh vào các trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội bày tỏ lo lắng khi đưa ra giả thuyết nếu ở Hà Nội học sinh tham gia kỳ thi nghiêm túc nhưng ở một địa phương khác lại coi thi, chấm thi lỏng lẻo thì một bộ phận thí sinh sẽ bị thiệt thòi…
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie – Hà Nội cũng băn khoăn về nỗi lo mang tên “địa phương”. Theo phân tích của ông, những ngày qua, các vụ án gian lận thi cử năm 2018 ở các địa phương đang được đưa ra xét xử.
Qua cáo trạng và các lời khai của những người vốn “cầm cân nảy mực” trong kỳ thi này ở một số địa phương đã khiến dư luận một lần nữa bất bình, sự lũng đoạn của cán bộ giáo dục địa phương đã làm khủng hoảng niềm tin của xã hội, dư âm đến bây giờ (sau 2 năm) vẫn còn nóng. Những bản án nghiêm khắc đã được tuyên.
Bài học kinh nghiệm phải trả cái giá quá đắt trong khi các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường ĐH với địa phương (với tỉ trọng 50 – 50) cả 3 khâu in sao đề thi, coi thi và chấm thi. Còn theo Dự thảo Quy chế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không có sự tham gia của các trường ĐH, giao toàn bộ cho địa phương. Có thể yên tâm được không?
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tăng cường giám sát, phòng ngừa tất cả các tình huống
Với việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho địa phương tổ chức, giáo viên địa phương coi thi, ý kiến từ nhiều trường ĐH cho rằng, với công tác coi và chấm thi dù năm trước đã làm tốt, năm nay càng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Năm 2020, sẽ giao UBND tỉnh,TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả...); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần tăng cường nhiều biện pháp giám sát để đảm bảo tính nghiêm túc, minh bạch của kỳ thi. Ảnh: Khánh Huy
Kết quả của kỳ thi cũng được nhiều trường ĐH làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, nên có rất nhiều câu hỏi đặt ra rằng: Liệu có chuyện nới lỏng coi thi hay không? Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở GD&ĐT; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ GD&ĐT.
Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết thêm, sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đề nghị, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, để các trường ĐH yên tâm xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi này.
"Có hai việc quan trọng là coi thi và chấm thi. Năm ngoái chúng ta đã làm rất tốt hai việc này. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có giao trách nhiệm cho địa phương, nên cần tăng cường giám sát, để phòng ngừa tất cả những điều không mong muốn xảy ra" - GS.TS Tạ Thành Văn nói.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường và đôn đốc hơn nữa khâu thanh tra, giám sát, hậu kiểm. Còn GS Phạm Hồng Quang, GĐ ĐH Thái Nguyên đề xuất, năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo, vì năm ngoái, Bộ đã hỗ trợ các trường rất tốt công đoạn này.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng, an toàn; các trường ĐH cần xắn tay vào cuộc. Có thể tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp nhịp nhàng với địa phương. Thanh tra không phải để tạo ra áp lực mà đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm: Tinh thần chung là, làm sao để công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an yên tâm, dư luận đồng tình. Trên tinh thần đó, Quy chế tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Vừa có tính kế thừa, vừa có cập nhật thực tế để phù hợp với thực tiễn của năm nay.
"Quy chế tuyển sinh phát huy tối đa quyền tự chủ của trường ĐH, nhưng các trường cần lưu ý đến trách nhiệm giải trình. Vì thế phải rà soát thật kỹ các thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh trước khi công bố công khai. Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra nội dung này" - Thứ trưởng nói.
Thi tốt nghiệp THPT: Lo ngại nơi coi lỏng, nơi coi chặt Thay vì cử cán bộ, giảng viên các trường ĐH về coi thi, chấm thi ở các địa phương như năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giao cho địa phương tổ chức, giáo viên địa phương coi thi. Điều này khiến nhiều người lo ngại về tính công bằng, khách quan của kỳ thi khó có thể đảm bảo....