Lo cấu trúc đề thi
Việc ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang gặp khó khăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm nay sẽ không công bố cấu trúc đề thi
Tại Hà Nội và TP HCM, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không có hướng dẫn cụ thể về đề thi nhưng các trường THPT đã bắt đầu ôn tập cho học sinh.
Gấp rút ôn, thi thử
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) – cho biết đã bắt đầu ôn tập cho học sinh. “Ngay sau khi có quy chế thi, chúng tôi đã tổ chức thi thử đợt 1, kết quả sơ bộ cho thấy khá tốt. Đợt thi thứ hai chúng tôi tổ chức trong vòng nửa tháng nữa và đợt cuối cùng sẽ tiến hành khi các em chuẩn bị bước vào kỳ thi chính thức. Việc tham gia những kỳ thi thử thế này giúp học sinh rất nhiều trong việc chuẩn bị tâm lý cũng như kiến thức trước kỳ thi quan trọng” – PGS Văn Như Cương nhấn mạnh. Ông cho biết thêm do những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia nên năm nay trường tổ chức 2 đợt ôn tập: đợt 1 kéo dài đến hết tháng 5, đợt 2 bắt đầu từ sau tháng 5 đến khi các em bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Video đang HOT
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP HCM) trong giờ ôn luyện môn văn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), sau khi học hết chương trình 10 môn vào cuối tháng 3, trường sẽ tập trung ôn tập cho học sinh với 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Các môn tự chọn là lý, hóa, sinh, sử, địa sẽ tổ chức các lớp ôn tập riêng cho các thí sinh. Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia tổ chức muộn hơn mọi năm 1 tháng nên thí sinh sẽ có nhiều thời gian để ôn tập.
Tuy nhiên, đại diện các trường cho biết việc bộ không công bố đề thi gây khó cho cả thầy lẫn trò. Lãnh đạo một trường THPT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết do không có hướng dẫn cụ thể về đề thi nên giáo viên và học sinh khó có thể chủ động được mức độ phân hóa giữa các yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT yêu cầu đề thi có bốn mức độ phân hóa nhưng giáo viên vẫn chưa hình dung ra kiến thức như thế nào ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vì thế tương đối khó cho việc ôn tập.
Chọn môn thi khối A, A1 chiếm ưu thế
Khảo sát của các trường THPT tại TP HCM cho thấy bên cạnh 3 môn thi bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) thì học sinh đăng ký thi nhiều ở các môn khoa học tự nhiên.
Ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho rằng bản thân 3 môn thi bắt buộc cũng đủ để thí sinh xét tuyển khối D vì vậy thí sinh chỉ cần chọn thi thêm 1 hoặc 2 môn nữa để xét tuyển thêm các khối khác. Theo khảo sát gần đây của trường, đa phần thí sinh chọn thi thêm các môn phù hợp với khối A cũ (tổ hợp môn toán – lý – hóa) và khối A1 (toán – lý – tiếng Anh) sau đó mới đến khối B (toán- hóa- sinh), không có khối C. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một nhóm khoảng 7 thí sinh muốn chọn thi thêm các môn phù hợp khối C.
Tại Trường THPT Gò Vấp, tỉ lệ chọn thi môn vật lý chiếm tới 70% học sinh khối 12 của trường. Theo bà Tô Hạ Uyên, hiệu trưởng nhà trường, chủ yếu học sinh vẫn tập trung thi vào 2 khối A1 và A.
Còn tại một cơ sở của Trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến, học sinh vẫn tập trung đăng ký môn thi khối A, D và B.
Đại diện các trường cho biết kỳ thi THPT quốc gia dù có nhiều nét mới song nhiều trường vẫn giữ nguyên khối xét tuyển vào các ngành, nghề như những năm trước. Một số trường có bổ sung tổ hợp môn thi mới để xét tuyển vào các ngành nhưng khối thi truyền thống vẫn dành phần lớn chỉ tiêu nên thí sinh chọn chủ yếu theo khối thi truyền thống.
Thông tin từ các trường cho biết thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP HCM, năm nay các trường vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh trong tháng 6 do lịch thi dời về đầu tháng 7. Chi phí tổ chức ôn tập do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận.
Theo nld.vn