Lỗ 500 tỷ đồng từ thoái vốn, DXG và LDG nói gì?
Cuối tuần qua, nhóm cổ đông Đất Xanh (mã DXG) bất ngờ công bố bán toàn bộ 88 triệu cổ phần CTCP LDG (mã LDG) đang nắm giữ, tương ứng 36,72% vốn điều lệ tại LDG.
Ảnh Internet
Bất ngờ là bởi LDG hoạt động cùng ngành nghề đầu tư phát triển bất động sản, có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp, có nhiều dự án và khoản đầu tư vào LDG được xem là khoản đầu tư chiến lược của DXG.
Chưa kể, thời điểm thoái vốn diễn ra trong bối cảnh cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 cũng gây nhiều băn khoăn.
Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu LDG đạt hơn 6.300 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 22/7) – thấp hơn giá trị doanh nghiệp, định giá theo P/E chỉ 3,47 lần.
Đáng chú ý, với mức thị giá LDG ở thời điểm công bố thông tin là hơn 6.000 đồng/CP, con số này thấp hơn đáng kể so với mức giá trung bình khi mua vào.
Theo báo cáo tài chính quý I/2020, khoản đầu tư vào LDG có giá trị ghi sổ hơn 1.079 tỷ đồng, tương đương 12.250 đồng/cổ phiếu.
Ngay trong phiên sáng ngày 22/7 (ngày giao dịch đầu tiên theo thời gian đăng ký chuyển nhượng 88 triệu cổ phiếu LDG), xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 40,5 triệu cổ phiếu LDG, với giá trị khoảng 249,6 tỷ đồng, tính ra trung bình là 6.150 đồng/CP.
Video đang HOT
Nhiều khả năng đây là giao dịch thỏa thuận của nhóm Đất Xanh và mức giá này vừa đủ để đảm bảo DXG thoái vốn không dưới 6.000 đồng/CP như đã công bố.
Giả sử, nếu nhóm DXG bán hết 88 triệu cổ phiếu LDG trong thời gian đăng ký, khả năng cao DXG sẽ phải hạch toán lỗ ngay trong quý III.
Nếu sử dụng thuần về giá gốc đầu tư, DXG lỗ từ khoản đầu tư này khoảng 500 tỷ đồng, tương ứng gần 50% con số lợi nhuận kế hoạch 1.034 tỷ đồng năm 2020 của DXG.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về mục đích thoái vốn, đại diện DXG cho biết, chiến lược và phạm vi hoạt động của LDG và DXG cơ bản giống nhau, nên phát sinh các xung đột lợi ích trong quá trình phát triển.
Vì thế, việc thoái vốn tại LDG nhằm loại bỏ yếu tố này, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển của 2 công ty. Ngoài ra, thoái vốn ở giai đoạn này còn giúp Đất Xanh thu về một lượng tiền để phục vụ cho các dự án của Tập đoàn.
Về phía LDG, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, việc thoái vốn này không là tín hiệu xấu, nhưng cũng không hẳn tích cực. Theo ông Khang, với một công ty đại chúng niêm yết, việc một cổ đông lớn sở hữu hơn 35% thoái vốn sẽ có tác động không tốt về mặt tâm lý.
“Chắc chắn nhiều cổ đông, nhà đầu tư cũng tự đặt câu hỏi tại sao DXG thoái vốn LDG lúc này? Liệu có phải có chuyện gì xảy ra với LDG? Tôi xin khẳng định, LDG hiện không có vấn đề gì. Dựa trên danh mục các dự án mà LDG đã công bố đều là dự án lớn, đều đã được sở hữu. Trong hoạt động tài chính, Công ty có thể gặp một chút khó khăn về dòng tiền, nhưng con số nợ không nhiều. Sức khỏe của một doanh nghiệp bất động sản là tài sản (dự án), dòng tiền, nợ và tại LDG, cả 3 yếu tố này đều đang được đảm bảo”.
Cũng theo ông Khang, Công ty đã ghi nhận thông tin về việc nhiều nhà đầu tư trên thị trường cho rằng Đất Xanh luôn có sự chi phối nào đó khiến cổ phiếu LDG bị kìm hãm.
Mặt khác, lâu nay, nhiều ngân hàng cho rằng, LDG nằm trong hệ thống của Đất Xanh, cho nên nếu có vấn đề về vay nợ với bất kỳ với chi nhánh ngân hàng nào thì LDG cũng bị ảnh hưởng. Do đó, việc DXG thoái vốn là tín hiệu tốt để nhà đầu tư cởi bỏ định kiến này.
Liên quan tới khả năng tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty của Ban lãnh đạo LDG khi DXG thoái vốn, ông Khang cho biết chưa có quyết định cụ thể do phụ thuộc yếu tố thị trường.
Ghi nhận ý kiến từ một số nhà đầu tư xung quanh vấn đề thoái vốn của DXG cho thấy, thông thường, ở một số doanh nghiệp tăng trưởng, khi có thông tin thoái vốn thì sẽ có sóng tăng.
Bởi lẽ, tái cơ cấu cổ đông là tín hiệu cho thấy ở góc độ nào đó, cổ đông mới có nhu cầu đầu tư và gắn bó với doanh nghiệp, tức họ nhìn nhận doanh nghiệp còn tiềm năng tăng trưởng. Với cổ đông cũ, việc thoái vốn nhằm hiện thực hóa lợi nhuận sau thời gian đầu tư vào doanh nghiệp và theo đó có thỏa thuận để chuyển nhượng.
Giá thỏa thuận thường cao hơn thị giá trên sàn. Tuy nhiên, với trường hợp của LDG và DXG có thể sẽ khác, khi lĩnh vực bất động sản thời điểm hiện tại chưa tích cực, trong khi cả DXG và LDG đều đang “vật lộn” với khó khăn, nhất là về vấn đề pháp lý.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá của cả DXG và LDG cùng biến động mạnh sau khi thông tin thoái vốn được công bố (ngày 17/7). Cụ thể, cổ phiếu LDG đã giảm 11,8% về mức 5.900 đồng sau 2 phiên 20 và 21/7 (trong đó có 1 phiên giảm sàn), trước khi tăng kịch trần trong phiên 22/7 lên mức 6.310 đồng. Tương tự, cổ phiếu DXG giảm 9,1% về mức 10.150 đồng, trước khi tăng trở lại (2%) lên 10.350 đồng trong phiên 22/7.
Một yếu tố khác tác động lên thị giá cổ phiếu DXG và LDG là kết quả kinh doanh kém tích cực. Với DXG, trong quý II/2020, Công ty ghi nhận lỗ ròng hơn 29 tỷ đồng – quý lỗ đầu tiên trong 4 năm trở lại đây. Còn LDG chỉ lãi ròng vỏn vẹn 2 tỷ đồng trong quý này, giảm đến 99% so với cùng kỳ 2019, bất chấp doanh thu tăng gần 10 lần.
Đất Xanh lỗ 29 tỷ trong quý 2 trước khi nhận thêm khoản lỗ khi thoái vốn khỏi LDG
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) báo lỗ 29 tỷ đồng trong kỳ, dẫn đến luỹ kế bán niên chỉ thu lãi 38 tỷ đồng và thực hiện chưa đến 4% kế hoạch đặt ra.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 2 giảm đến 43% so cùng kỳ và đạt 478 tỷ đồng, lãi gộp cũng giảm mạnh đến 25% về còn 357 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh từ 228 tỷ đồng xuống chỉ còn 13 tỷ đồng do không còn khoản thanh lý đầu tư đến 220 tỷ đồng như cùng kỳ. Trong khi đó chi phí lãi vay tăng cao khiến chi phí tài chính tăng mạnh từ 50 tỷ đồng lên 101 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh liên kết báo lỗ 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.
Kết quả, DXG báo lỗ đến 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 249 tỷ đồng, đây là lần thứ 3 Công ty phải báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DXG đạt 1.080 tỷ đồng doanh thu thuần giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, lãi ròng chỉ đạt 38 tỷ đồng, giảm đến 93% so bán niên 2019.
Năm 2020, Đất Xanh đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, lãi ròng đạt 1.034 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 16% và 15% so với kết quả năm 2019. Như vậy, DXG mới thực hiện được 22% mục tiêu về doanh thu và chưa đến 4% mục tiêu về lợi nhuận.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng tài sản tại ngày 30/6 đạt 21.005 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng đáng kể từ 793 tỷ đồng ở đầu kì lên hơn 1.266 tỷ đồng.
Hàng tồn kho ghi nhận giá trị 8.844 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản. Phần lớn hàng tồn kho của công ty là giá trị dở dang tại 19 dự án với hơn 8.558 tỷ đồng. Trong đó, hai dự án chiếm giá trị lớn nhất gồm Gem Sky World (3.289 tỷ đồng), Gem Riverside (1.580 tỷ đồng).
Mới đây, DXG cùng công ty con là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng đăng ký thoái vốn hoàn toàn tại CTCP Đầu tư LDG, cụ thể sẽ bán ra 88 triệu cổ phiếu LDG.
Theo thông báo, giá chuyển nhượng cho cả 2 giao dịch trên dựa vào giá thị trường nhưng không thấp hơn 6.000 đồng/cp. Như vậy, tối thiểu Đất Xanh có thể thu về được hơn 378 tỷ đồng, còn công ty con Hà Thuận Hùng sẽ thu về hơn 150 tỷ đồng sau khi giao dịch trên hoàn tất.
Hiện tại, giá cổ phiếu LDG đang quanh mốc 6.100 đồng/cp. Trên báo cáo tài chính quý 2/2020 của Đất Xanh, khoản đầu tư vào LDG có giá trị ghi sổ là 1.068 tỷ đồng, tương đương mức giá hơn 12.136 đồng/cp.
So ra, thị giá hiện tại thấp hơn 50% so với giá trị ghi sổ mà DXG ghi nhận khi đầu tư vào LDG. Như vậy, Đất Xanh sẽ chịu mức lỗ hàng trăm tỷ đồng cho khoản đầu tư vào LDG.
Đất Xanh được vinh danh trong "Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2019" Tối 10.7, Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đã được Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư vinh danh ở vị trí thứ 5 trong "Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2019". Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Đất Xanh được vinh danh ổ bảng xếp hạng này. Tập đoàn Đất Xanh gây ấn...