Linh hoạt dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19
Linh hoạt cả về địa điểm, thời gian, phương thức, cả phụ huynh và các nhà trường đang cùng nỗ lực để hỗ trợ học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19.
Học sinh học trực tuyến qua Internet. (Ảnh: PM/Vietnamplus)
Học sinh ở nhà học online trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, nhiều gia đình đã phải linh hoạt cách sinh hoạt để đảm bảo việc học cho con. Giáo viên, nhà trường cũng phải linh hoạt về phương thức và thời gian dạy học phù hợp với nhiều đối tượng học sinh.
Phụ huynh tìm cách thích nghi
Một tuần qua, vợ chồng chị Nguyễn Minh Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà trông hai con, một bé đang học lớp ba và một bé học mầm non, khi các con phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
“Nhưng không thể cứ nghỉ làm mãi nên tuần này gia đình tôi đã phải mời bà nội lên hỗ trợ. Sau một tuần học online, con đã thành thạo hơn với các thao tác trên máy tính khi học trực tuyến nên không cần bố mẹ ở bên con vẫn con có thể tự học,” chị Thu chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình anh Vũ Trường Huân (Thanh Trì, Hà Nội) lại chọn giải pháp cho con về quê. “Nhà ông bà cũng có kết nối Internet nên tôi cho hai con về quê, vừa có không khí trong lành, vừa yên tĩnh, vợ chồng tôi cũng yên tâm đi làm còn ông bà cũng vui khi có các cháu ở cùng,” anh Huân cho hay.
Cũng theo anh Huân, sáng nay anh đã phải tức tốc ra bến xe gửi thêm sách vở về quê cho con vì trước khi về con để quên. “Trong buổi học trực tuyến hôm qua, cô giáo phát hiện rất nhiều bạn học chay, không có sách vì các con về quê nhưng lại quên mang sách vở, đồ dùng học tập. Cô đã nhắc nhở các con đồng thời nhắn tin Zalo cho các phụ huynh,” anh Huân kể.
Với chị Đỗ Bích Liên (Hà Đông, Hà Nội), do làm kinh doanh ở cửa hàng riêng nên việc con tạm dừng đến trường không quá nhiều khó khăn. Từ khi con nghỉ học trên lớp, ngày ngày hai mẹ con đèo nhau đến chỗ làm, mẹ làm việc, con học trực tuyến.
Nhà trường linh hoạt phương thức, thời gian dạy học
Để tạo điều kiện cho học sinh học trực tuyến thuận lợi hơn, nhiều địa phương đã yêu cầu các nhà trường bố trí thời gian học linh hoạt, đặc biệt là với tiểu học. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các trường phải chọn khung giờ dạy phù hợp, không gây khó khăn cho học sinh tiểu học. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh việc các trường lưu ý chọn thời gian dạy trực tuyến phù hợp với học sinh lớp 1 vì các em còn nhỏ, đa số chưa thể tự học trực tuyến mà cần có sự kèm cặp của phụ huynh.
Video đang HOT
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo trên, nhiều trường tiểu học đã bố trí khung giờ dạy học trực tuyến vào ngoài giờ hành chính. Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) bố trí khung giờ học trực tuyến vào 19 giờ15 hằng ngày. Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội) dạy qua ứng dụng Zoom hai tiếng mỗi ngày, từ 17 giờ đến 19 giờ.
Nhà trường linh hoạt thời gian, phương thức dạy học để tạo điều kiện cho học sinh. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều trường linh hoạt giờ dạy theo từng khối lớp. Với các học sinh lớp lớn 3, 4, 5 dạy học ban ngày trong khi các học sinh nhỏ hơn, lớp 1, 2 học buổi tối như Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).
Không chỉ linh hoạt về thời gian, phương thức dạy học cũng được các trường đa dạng hóa để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường. Nhiều giải pháp dạy học qua Internet đã được các trường triển khai như dạy trực tuyến; xây dựng video clip bài giảng rồi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của nhà trường để học sinh học tập; trao đổi, giải đáp thắc mắc qua Facebook, Zalo, Viber; dạy trực tiếp qua ứng dụng Zoom; kết hợp học trên phần mềm học trực tuyến của VNPT với dạy trực tiếp qua Zoom để kịp thời giải đáp các thắc mắc của học sinh.
Tại Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, học sinh học trực tiếp với giáo viên qua ứng dụng Zoom hai tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, do thời gian học hạn chế nên học sinh chỉ học với giáo viên chủ nhiệm với hai môn học chính là tiếng Việt và toán. Tương tự, Trường Tiểu học Thành công B cũng chỉ thiết kế dạy học trực tuyến các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ trong thời gian này.
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh học tất cả các môn theo thời khóa biểu hàng ngày với các bài giảng trên phần mềm học trực tuyến của VNPT, làm bài tập và gửi qua điện thoại cho giáo viên chấm. Chủ nhật mỗi tuần, giáo viên sẽ có buổi dạy trực tiếp qua Zoom để nhận xét việc học của học sinh trong tuần đồng thời giải đáp các thắc mắc nếu có.
Sẵn sàng ứng phó với dịch
Trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch để kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp.
Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng chỉ đạo sớm ban hành Thông tư Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên
Bộ trưởng cũng yêu cầu các sở giáo dục, các cơ quan liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông… phục vụ cho hoạt động dạy và học; có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Trên cơ sở kế thừa tối đa hệ thống bài giảng điện tử hiện có, Bộ trưởng chỉ đạo, các vụ bậc học tiếp tục bổ sung bằng cách huy động giáo viên từ các địa phương thực hiện các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số với đầy đủ các môn học ở bậc phổ thông. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng những bài giảng mẫu tốt và đăng tải qua kênh youtube rất phù hợp với những bậc học, lớp học khó triển khai dạy học trực tuyến như mầm non hay lớp 1./.
Không internet, không máy tính, làm sao học trực tuyến?
Mỗi ngày, cứ đến buổi học theo thời khóa biểu là Hoài Nam, sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chuẩn bị cặp sách để đi học trực tuyến.
Không phải học sinh nào cũng có điều kiện về máy tính, internet để tham gia học trực tuyến - ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhưng quãng đường 10 km của Nam không phải từ nhà trọ đến giảng đường mà từ căn nhà khuất sau núi của mình ở tỉnh Đắk Lắk đến một quán cà phê trong thị trấn.
Hỗ trợ sinh viên học lại khi trở lại trường
Sở dĩ Nam phải di chuyển như vậy vì khi dịch Covid-19 bùng phát lại trong thời gian vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã quyết định chuyển từ học tập trung sang học trực tuyến trong vòng 2 tuần. Nhưng nhà Nam lại ở khu vực hẻo lánh, chưa có đường truyền internet, sóng điện thoại cũng rất chập chờn. Không còn cách nào khác, mỗi lần đến giờ học, Nam phải đi ra quán cà phê để dùng mạng wifi của quán.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trong mỗi đợt học trực tuyến từ năm ngoái đến năm nay, ông đều nhận được báo cáo về các trường hợp khó khăn về máy tính hoặc đường truyền internet như vậy. Ở các tỉnh đồng bằng, điều kiện về đường truyền internet khá tốt nhưng sinh viên (SV) ở các tỉnh miền núi xa xôi thì lại khá khó khăn. Nhà trường sẽ hỗ trợ SV học lại, thi lại nếu gặp bất cứ vấn đề nào.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết SV gặp khó khăn về đường truyền internet do nhà ở vùng sâu, vùng xa, trường sẽ cho đăng ký học phần để học lại khi học tập trung. Nếu SV không thể tham gia thi trực tuyến thì có thể đăng ký thi lại.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mỗi lần tổ chức học trực tuyến, với số lượng SV đông đảo, sẽ luôn xảy ra một số trường hợp SV không có máy tính hay điện thoại thông minh, ở vùng khó khăn, không có đường truyền internet, thậm chí sóng điện thoại chập chờn, không thể tham gia học. Theo đó, một số trường hợp SV ở vùng không có sóng điện thoại, đường truyền internet hoặc thiết bị máy tính thì sẽ gửi thư về nhà trường, trường sẽ tổ chức dạy bù cho SV khi quay lại trường học tập trung.
Học sinh đến trường để... học trực tuyến!
Ở bậc tiểu học hay phổ thông, việc học trực tuyến cũng gặp khó khăn tương tự khi bố mẹ không có điều kiện cho con tham gia các lớp học vì thiếu máy tính hoặc không có internet tại nhà.
Ngay trong hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện việc giảng dạy trực tuyến trong thời gian học sinh (HS) ngừng học tập trung tại trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường và HS, giáo viên có thể sử dụng nhiều biện pháp, ứng dụng khác đáp ứng được nhu cầu học tập, rèn luyện kiến thức của HS. Đối với các địa phương, các khối lớp còn khó khăn thì giáo viên có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác hoặc in sao trên giấy và gửi đến cho phụ huynh HS.
Chẳng hạn tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), giáo viên chủ nhiệm của từng lớp đã kết nối, tìm hiểu, nắm bắt thông tin những HS không thể học trực tuyến. Lãnh đạo trường này cho biết, trên cơ sở thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường sẽ đề nghị giáo viên bộ môn soạn bài, in sẵn tài liệu, phụ huynh HS có thể đến trường nhận tài liệu về cho con em học. Sau khi trở lại trường, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian để giải đáp thắc mắc cho học trò nếu có nhu cầu.
Kế hoạch của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) cũng đưa ra phương án với HS không có điều kiện cơ sở vật chất tham gia học trực tuyến thì các tổ chuyên môn xây dựng những bài giảng gửi cho HS.
Trung tâm GDTX Chu Văn An là nơi có nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn so với các trường khác tại TP.HCM. Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm, cho biết trường đã triển khai các công việc để giảng dạy trực tuyến và sẽ bắt đầu học từ ngày 22.2. Tuy nhiên, tại trung tâm có những HS không đủ điều kiện tham gia lớp học khi ở nhà nên vẫn phải chuẩn bị tất cả phương án hỗ trợ. Trong ngày 18.2, mỗi HS sẽ sử dụng tài khoản của mình để đăng nhập, tham gia vào các lớp với giáo viên chủ nhiệm. Những HS nào không có máy tính, không có đường truyền internet sẽ đăng ký với giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, giáo viên sẽ gọi điện cho phụ huynh xác nhận, đề nghị phụ huynh làm đơn xin học tại trường cho HS.
Theo ông Hoàng, với những HS này, trường sẽ mở 4 phòng máy tính để HS đến trường tham gia học trực tuyến. HS sẽ ngồi giãn cách theo đúng khoảng cách an toàn.
HS ở nông thôn sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến so với HS tại các thành phố lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (TX.Gò Công, Tiền Giang), nếu HS nào gặp khó khăn về máy tính, điện thoại thông minh, internet thì trường sẽ cho học nhóm khoảng 2 - 3 em. Nếu không, trường sẽ sử dụng phòng máy tính để HS đến trường học với số lượng hạn chế.
Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông... phục vụ cho hoạt động dạy và học; có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, HS các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Tuệ Nguyễn
Không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến
Ngày 21.4.2020, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có tuyên bố cho biết trên 43% thanh thiếu niên không được tiếp cận internet tại nhà. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 826 triệu HS, SV không có máy tính và khoảng 706 triệu người không được tiếp cận internet vào thời điểm học trực tuyến là lựa chọn duy nhất khi nhiều trường học tại 191 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đóng cửa vì dịch Covid-19.
Trong tuyên bố, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng việc dạy và học không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến mà nên ủng hộ những phương án khác, trong đó có phương tiện phát thanh và truyền hình, cũng như sự sáng tạo trong mọi phương thức học tập.
Đăng Nguyên
Phụ huynh TP.HCM than khó khăn khi con học trực tuyến thời COVID-19 Học trực tuyến đang là phương pháp học tốt nhất để phòng dịch COVID-19, tuy nhiên, nhiều thầy trò và phụ huynh ở TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn trong dạy và học. Học sinh tiểu học khó mà tự học Sau Tết, chị Phan Thị Hoàng Oanh, giáo viên tại một trường tiểu học (Quận 10, TP.HCM) trở nên bận rộn...