Liệu Android, iPhone có “chết cứng” như BlackBerry?
Người dùng smartphone BlackBerry trên khắp thế giới vừa trải qua một sự cố “ chết cứng” dịch vụ. Theo các chuyên gia viễn thông, sự cố này sẽ không xảy ra với iPhone hay điện thoại Android.
Người dùng BlackBerry trên toàn cầu vừa trải qua sự cố gián đoạn dịch vụ. Theo các chuyên gia, điện thoại Android và iPhone sẽ không gặp phải vấn đề này. Ảnh: CNN
Và đây là một bí mật nhỏ mà BlackBerry không muốn ai biết:
Video đang HOT
Theo các chuyên gia di động, về mặt kỹ thuật, tất cả điện thoại iPhone hay Android đều không thể gặp phải sự cố gián đoạn dịch vụ 4 ngày liền trên toàn cầu như BlackBerry trong tuần qua. Tại sao? Câu trả lời nằm ở chi tiết kỹ thuật việc Research in Motion – công ty sản xuất smartphone BlackBerry – xử lý email và tin nhắn. RIM đóng vai trò như một người trung gian, đứng giữa tất cả email và tin nhắn trên BlackBerry. RIM thu thập tin nhắn từ các nhà mạng và chuyển chúng qua cho người nhận. Còn Android và iPhone không phải là cầu nối trung gian của email và tin nhắn.
Chính hệ thống chuyển tiếp BlackBerry đã bị “sập” vào hôm thứ Hai tuần trước (10/10), đã tiêu hủy hoặc làm chậm trễ dịch vụ email và tin nhắn của hàng triệu người ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á, Trung Đông và châu Phi. Sự cố kéo dài đến 4 ngày.
“Đó là do cách RIM đã thiết lập cơ cấu mạng lưới”, Sean Armstrong, người phụ trách truyền thông không dây tại một công ty công nghệ lớn, nói. “Khi mọi thứ suôn sẻ, đây là một hệ thống tuyệt vời. Nhưng khi gặp trục trặc, nó là hệ thống thất bại”.
Và với sự cố vừa qua, không có gì oan ức khi nói hệ thống trên của BlackBerry là một thất bại lớn. Trên các trang mạng xã hội, một số người dùng BlackBerry đã nói họ rất buồn vì dịch vụ “chết cứng” – sự cố lớn nhất trong lịch sử công ty – và người dùng phải chuyển qua dùng thiết bị iOS của Apple hoặc Google Android. Mức độ hài lòng khách hàng với BlackBerry đã giảm.
Điều này không phải để khẳng định rằng Android và iPhone sẽ không bao giờ xảy ra sự cố sập mạng như BlackBerry. Nhưng sự cố của Android và iPhone sẽ không xảy ra trên toàn cầu, mà sẽ là với một nhà mạng cụ thể nào đó – chẳng hạn tại Mỹ là AT&T, Sprint, Verizon hay T-Mobile, hoặc trên một hệ thống tin nhắn cụ thể, như Gmail, Hotmail hay iMessage; chứ không phải trách nhiệm của nhà sản xuất điện thoại. Tất cả những điều này khiến sự cố với Android và iPhone chỉ xảy ra cục bộ.
“Tất cả vấn đề đều do cách BlackBerry vận hành hệ thống”, Nan Palmero, một thành viên tham gia trên trang BlackBerryCool.com, nói về cách BlackBerry xử lý email và tin nhắn. Cách làm đó khiến mạng lưới BlackBerry toàn cầu bị ảnh hưởng, anh nói, và sự cố đó sẽ không xảy ra với iPhone hay Android.
Tuy nhiên, RIM lại có lý giải khác với các nhà phân tích. Đồng tổng giám đốc Mike Lazaridis của Rim nói: “Tôi nhận thấy nói như thế thật không công bằng cho BlackBerry. Chúng tôi điều hành một mạng lưới bảo mật, toàn cầu, cung cấp dịch vụ tin nhắn tức thời giúp BlackBerry trở nên nổi tiếng và giá trị đến thế”.
RIM lọc email và tin nhắn BlackBerry qua hàng rào máy chủ của hãng – một hệ thống máy chủ khổng lồ – để đảm bảo về bảo mật. “Quá trình để kiểm tra email của người dùng BlackBerry được thực hiện bởi các máy chủ của RIM”, Sean Armstrong nói. “Vì thế RIM sẽ xử lý tất cả mọi thứ trong inbox (hộp thư) của người dùng, và tìm kiếm email mới. Nếu phát hiện có email mới, nó sẽ thông báo ngay lập tức”.
Nhưng quy trình này tạo ra rủi ro sập mạng toàn cầu. Armstrong cho rằng thực tế hệ thống trung gian không phải là một hệ thống yếu kém, bởi xét cho cùng không có một hệ thống nào hoàn toàn hoàn hảo.
Rich Miller, người điều hành blog Data Center Knowledge, cho rằng rõ ràng BlackBerry chưa chuẩn bị để đối phó với một sự cố như thế. “Từ đó, có thể thấy rằng RIM chưa có một hệ thống thay thế để phòng bị cho một sự cố kiểu này”, ông nói.
RIM cũng đã cho biết sự cố tuần qua do trục trặc tại một trong những máy chủ xử lý tin nhắn của hãng ở châu Âu, và nó kéo theo cả hệ thống dự phòng.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng sự cố BlackBerry tuần qua có thể xảy ra thường xuyên hơn khi mọi người ngày càng lưu nhiều dữ liệu – từ ảnh đến âm nhạc đến tài liệu – trên đám mây, nghĩa là trên những chiếc máy chủ từ xa chứ không phải lưu trữ tại nhà. Điều này sẽ tăng gánh nặng cho mạng lưới khi phải “chuyên chở” chúng 24/7.
Theo ICTnew