Liên tiếp 2 vụ học sinh đi dã ngoại tử vong, làm sao để đừng lặp lại?
Dù có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia dã ngoại nhưng vẫn có học sinh bị tử nạn khi trường tổ chức các hoạt động này.
Liên tiếp học sinh bị tử nạn
Liên tiếp trong ngày 13 – 14/1 năm 2021, hai học sinh ở các địa phương khác nhau đã tử nạn khi tham gia các hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức.
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 13/1, Trường Âu Dương Lân, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh của trường đi ngoại khóa ở tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương).
Thời gian đi từ sáng tới chiều, với mức phí đóng hơn 200 nghìn đồng/em. Một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khiến một em học sinh khối 4 của trường tử vong. (1)
Ngày 14/1, tại Phú Thọ, một tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy).
Trong quá trình chạy, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến ít nhất 3 người ngồi trên toa rơi xuống đất. Hậu quả làm 1 người tử vong, 2 người nhập viện.
Xác minh ban đầu cho thấy, những người gặp nạn là học sinh của trường Trung học phổ thông Đông Anh.
Sự việc xảy ra khi 3 học sinh này đang tham gia hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức. (2)
Tàu lượn siêu tốc tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, nơi xảy ra vụ việc. (Nguồn: Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh)
Trao đổi với Tạp chí Giáo dục Việt Nam, một vị lãnh đạo của trường Trung học phổ thông Đông Anh xác nhận học sinh tử vong là học sinh của trường. Hiện nhà trường đang cùng với gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự cho học sinh xấu số.
Cũng theo thông tin từ phía nhà trường, 2 em học sinh bị thương còn lại không nguy hiểm đến tính mạng. Chuyến đi này theo chương trình của nhà trường đã được Sở cấp phép.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên khu du lịch Đảo Ngọc Xanh xảy ra sự cố.
Trước đó, vào tháng 4/2014, trò chơi thảm bay của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cũng bất ngờ rơi xuống đất trong lúc 12 học sinh Trung học cơ sở đang chơi.
Video đang HOT
Khi đó đang có 12 học sinh ngồi trên chiếc đu quay. Chiếc đu quay từ trên cao hạ xuống sát mặt đất rồi tiếp tục định bay vút lên thì gặp sự cố vỡ tuyô thủy lực nên chỉ lên cao được khoảng 2m thì bị rơi tự do xuống mặt đất ở khu vực trò chơi này. Vụ việc khiến 6 học sinh bị thương.
Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh được xây dựng trên bãi nổi La Phù – nằm giữa sông Đà, phần lớn thuộc địa phận các xã của huyện Thanh Thủy và một phần thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội).
Khu du lịch này do Công ty cổ phần Ao Vua xây dựng và quản lý. Khu du lịch có nhiều trò chơi mạo hiểm như tháp xoay khí nén, tàu điện siêu tốc, thảm bay hai chiều, vũ trụ bay…
Theo một người dân sống gần khu vực Đảo Ngọc Xanh cho biết, đây là địa điểm học sinh ở Hà Nội thường xuyên đến để tổ chức dã ngoại.
Ngày 15/1, cơ sở vui chơi giải trí này đã bị ngừng hoạt động.
Phương án đảm bảo an toàn vẫn chỉ trên giấy?
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, hoạt động ngoại khóa mang lại nhiều lợi ích cho các em, một trong số đó là xả stress, mang lại sự thoải mái.
Hoạt động ngoại khóa rất đa dạng để các em học sinh, phụ huynh, nhà trường tham gia lựa chọn. Mỗi hoạt động mang lại những lợi ích khác nhau, song đều có điểm chung là rèn luyện một số kỹ năng như năng động, nhanh nhẹn, sáng tạo và nâng cao thể lực…
Tuy nhiên, việc lựa chọn các hoạt động ngoại khóa như thế nào để đảm bảo vừa an toàn, vừa bổ ích cần có sự chỉ đạo quan tâm sát sao hơn của các cấp các ngành trong giáo dục.
Những vụ việc học sinh tử vong khi đi ngoại khóa đều đã gây đau đớn tột cùng cho người ở lại.
Trường Tiểu học Âu Dương Lân. Ảnh: VD
Ngày 8/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, trong đó có nêu rõ cần: “…chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón, tham quan, dã ngoại…”
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã có thông tư Số: 38/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 hướng dẫn hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mỗi năm học, các Sở, ban ngành đều có công văn cho yêu cầu các trường các đối tác đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia các hoạt động dã ngoại đảm bảo an toàn.
Các thông tư, chỉ thị, văn bản đều yêu cầu đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia dã ngoại.
Các Sở đều có có một bộ phận rà soát lại đề án của trường, phê duyệt rồi cấp phép thì nhà trường mới được tổ chức hoạt động dã ngoại. Thế nhưng, cứ lơ là một chút là xảy ra những tai nạn thương tâm.
Rõ ràng, đã đến lúc cần tính toán cân nhắc các hoạt động ngoại khóa thiết thực, phù hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh tránh lặp lại những câu chuyện đau lòng như trên.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-lop-4-gap-nan-khi-di-ngoai-khoa-o-khu-du-lich-dai-nam-da-khong-qua-khoi-post214921.gd
(2) https://vovlive.vn/su-co-tau-luon-lam-3-hoc-sinh-thuong-vong-dinh-chi-hoat-dong-khu-dao-ngoc-xanh-54332.html
Kỹ năng sinh tồn khi tham quan, dã ngoại của giới trẻ đang quá kém?
Vụ việc 27 học sinh trường THPT Chuyên Bắc Kạn mắc kẹt trên núi, thêm lời cảnh tỉnh về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động ngoài nhà trường.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Cần đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh
Theo TS. Vũ Thu Hương - Trung tâm kỹ năng Cá Siêu Quậy: Chuyện học sinh, sinh viên gặp nạn hoặc gặp các sự cố ngoài mong muốn khi đi tham quan, dã ngoại hoặc tham gia hoạt động tình nguyện không phải chuyện hiếm. Câu chuyện 27 em học sinh TPHT ở Bắc Kạn lạc trong rừng nhiều giờ trong chuyến dã ngoại đã cho thấy "khoảng tối" về kĩ năng sống của giới trẻ hiện nay. Rõ ràng, những kĩ năng đơn giản nhất như tìm đường, xác định phương hướng thông qua các tín hiệu từ mặt trời, hướng núi của các em là quá kém.
Điều này hoàn toàn khác biệt với giới trẻ của nhiều nước trên thế giới. Ngay từ lớp 1, học sinh đã được cô giáo đưa vào rừng để dã ngoại, tìm đường về và tìm cách tự lo thân, tự xử lý các vấn đề cá nhân. Lớp 3, 4 trẻ đã tham gia vào chương trình trao đổi học sinh, sang nước khác, thành phố khác để học tập trong thời gian chừng 1, 2 tháng không có phụ huynh theo kèm. Khi học cấp 2, học sinh đã tự đăng kí, xin visa để đi du lịch tại các quốc gia khác một mình hoặc cùng nhóm bạn.
Trong tình huống của 27 học sinh 15 tuổi bị lạc cho thấy kĩ năng sinh tồn và xử lý tình huống của các em rất hạn chế. Bên cạnh đó, thầy giáo lại không nắm rõ hiện trạng kiến thức kỹ năng xử lý tình huống của các em nên để mặc cho các em tự xử lý vấn đề.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, để tổ chức cho trẻ những chuyến đi dã ngoại an toàn, bổ ích, rõ ràng cần phải có 1 chương trình rèn luyện kĩ năng cho học sinh hết sức hoàn chỉnh và cụ thể theo từng cấp học, lớp học cũng như các chương trình rèn kĩ năng tại gia đình. Trang bị các kỹ năng cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết và cần phải bồi dưỡng thường xuyên liên tục, đồng thời là trách nhiệm không chỉ của riêng nhà trường.
Ở đây, vai trò giáo dục kỹ năng tại gia đình rất quan trọng. Cha mẹ có thể chia sẻ cho con cái các câu chuyện liên quan đến các tình huống thường gặp trong các chuyện đi dã ngoại. Cả những cách thức để giúp trẻ có thể xử lý những tình huống cơ bản khi gặp trong chuyến đi. Những kiến thức từ các câu chuyện sinh động của bố mẹ sẽ giúp trẻ dần hình thành lượng kiến thức và sẽ trở thành kỹ năng khi gặp trong thực tế.
27 học sinh đã được hỗ trợ trở về an toàn sau chuyến dã ngoại đầy sóng gió tại núi Khau Mồ, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn.
Chú trọng khâu chuẩn bị
Chuyên gia kỹ năng sinh tồn Đinh Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng New world cho rằng: Để có một chuyến đi dã ngoại thành công, bổ ích và an toàn, nhất thiết nhà trường, các thầy cô, phụ huynh và các em học sinh cần chú trọng khâu chuẩn bị.
"Tôi cho rằng, người giữ vai trò quan trọng nhất của một chuyến đi thuộc về người trưởng đoàn. Cụ thể, trường hợp của 27 học sinh Bắc Kạn, người trưởng đoàn phải được đào tạo hoặc tìm hiểu kỹ các kiến thức và kỹ năng đi rừng, sinh tồn trong rừng. Đơn giản như: Biết xác định hướng, biết sơ cứu khẩn cấp, biết phân công công việc cụ thể cho các phó đoàn đến các đội trưởng từng nhóm nhỏ. Có như vậy, mới có thể yên tâm phần nào cho các thành viên của chuyến đi.", chuyên gia Đinh Văn Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia Đinh Văn Hưng cho rằng, địa điểm dã ngoại cần phải được khảo sát trước. Các thông tin cần thiết như: có suối, hồ, hoặc gần nhà dân hay trạm y tế hay không phải được xem xét cụ thể để huy động sử dụng khi có tình huống bất ngờ. Trong đoàn cần có người được phân công và được tập huấn chu đáo về công tác sơ cấp cứu khi có tình huống tai nạn thương tích cho các thành viên.
Trước khi đi, nhà trường cần chia sẻ trước với học sinh về địa điểm dã ngoại bằng hình ảnh cụ thể và đưa ra được quy định cũng như hành trình cho các em nắm rõ. Cùng với đó, cần xây dựng các tình huống tai nạn thương tích có thể xảy ra tại địa điểm dã ngoại và hướng xử lý để học sinh nắm rõ.
"Một trong những điều tối quan trọng để có một chuyến đi an toàn chính là chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị và hướng dẫn học sinh cách tìm sự trợ giúp bằng các trang thiết bị khi bị lạc. Khi gặp tình huống phát sinh ngoài dự kiến, các em cần bình tĩnh tìm phương án tháo gỡ, tránh tâm lý hoảng loạn khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn.", chuyên gia Đinh Văn Hưng khuyến cáo.
Ông Sầm Văn Du - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc các em đi dã ngoại là tự phát, không có giáo viên cùng đi lên đỉnh Khau Mồ. Thầy giáo đưa học sinh bị mệt xuống núi chỉ là người mang nước lên khi được các em nhờ giúp đỡ.
Trước đó, sáng 22/11, nhóm 29 học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường THPT Chuyên Bắc Kạn tổ chức đi dã ngoại tại núi Khau Mồ, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn.
Sau khi leo lên đến đỉnh núi, do 2 học sinh có dấu hiệu mệt mỏi nên gọi điện nhờ thầy Nguyễn Xuân Thái - giáo viên Vật lý, Bí thư đoàn trường đưa về trước, 27 học sinh còn ở lại trên núi. Đến chiều muộn, do sương mù, trời tối, các em bị lạc trong rừng, không tìm được đường về.
Nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng, chia làm nhiều nhóm tìm kiếm tại khu vực núi Khau Mồ (phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn). Đến 21h cùng ngày, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tiếp cận được 27 học sinh, kiểm tra sức khỏe, lên phương án di chuyển xuống núi an toàn.
Được biết, do khi xuống núi, các em không đi theo đường lên lúc đầu mà đi theo lối tắt. Tuy nhiên trời nhanh tối, lại có sương mù nên các em mất phương hướng, dẫn đến bị lạc. Khi lực lượng PCCC&CNCH xác định và tiếp cận được vị trí của 27 học sinh, các em đã ở gần hướng thủy điện Nặm Cắt (cách chân núi Khau Mồ chừng 7km).
Một chuyến đi thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào khâu chuẩn bị có chu đáo, cẩn thận hay không. Nhà trường và các thầy cô cần lưu ý lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong chuyến đi. Nhất thiết phải cảnh báo các nguy cơ để học sinh nắm rõ và lưu ý thực hiện. Có như vậy dã ngoại mới có ý nghĩa và không trở thành mối lo của các bậc phụ huynh học sinh.
Nhật Bản: Trường học "chuộng" dã ngoại ảo vì Covid-19 Đại dịch đã tác động lớn tới cách thức học tập của trẻ em, từ việc học trực tuyến đến cha mẹ "gánh vác" công việc giảng dạy. Học sinh Trường THCS Nagaizumikita ở tỉnh Shizuoka tham quan trực tuyến. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, các trường học đang trông cậy vào Internet để duy trì một truyền thống được nhiều người yêu...