Liên lạc và giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên tại Mỹ như thế nào?
Một trong những khía cạnh khó và nhạy cảm của nghề giáo là xử lý mối quan hệ, giao tiếp giữa người với người, đặc biệt là giữa phụ huynh và giáo viên.
LTS: Là một giáo viên dạy tiểu học tại Hoa Kỳ, cô giáo Đinh Thu Hồng mong muốn chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về mối liên lạc và giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên tại Mỹ thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Một trong những khía cạnh khó và nhạy cảm của nghề giáo là xử lý mối quan hệ, giao tiếp giữa người với người, đặc biệt là giữa phụ huynh và giáo viên.
Nếu xử lý không khéo thì thay vì thầy cô có đồng minh, đối tác, và trợ thủ thì sẽ có người phản đối và không hợp tác.
Nếu mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên tốt đẹp thì dẫn đến nhiều điều tốt đẹp, trong đó quan trọng nhất là cùng một bên “chiến tuyến”, cùng quan điểm và cách tiếp cận trong việc dạy đứa trẻ, giúp đứa trẻ thành công.
Tất nhiên trong quá trình một năm học không thể tránh những hiểu lầm, những sự cố đáng tiếc khiến mối quan hệ phụ huynh – giáo viên căng thẳng.
Khi điều này xảy ra, thầy cô cần đặt mình trong vai trò của ông bố bà mẹ, nhìn nhận sự việc khách quan hơn và tuân theo quy tắc ứng xử chuyên nghiệp của trường, học khu.
Thầy cô cũng cần lắng nghe con tim mình vì chỉ yêu thương mới hoá giải được căng thẳng, đối đầu.
Tôi có may mắn trong suốt 6-7 năm dạy học vừa qua, chỉ 2-3 lần phải làm việc với vài phụ huynh quá đòi hỏi, khó tính và bất hợp tác.
Còn lại thì các phụ huynh của học sinh lớp tôi đáng yêu vô cùng, năng nổ nhiệt tình, luôn hợp tác với cô trong mọi chuyện (từ đọc sách cho con theo cách cô chỉ, giúp con học tại nhà theo nguồn tài liệu cô đưa, đến thu xếp thời gian ở chỗ làm để gặp gỡ cô, để giúp cô trang trí bản tin hay mua đồ cho lớp…)
Một quy tắc bất thành văn tại các trường học tôi từng dạy qua hay biết đến là khi mối quan hệ giữa thầy cô với phụ huynh không suôn sẻ, có sự cố thì hiệu trưởng luôn đứng về phía giáo viên, từ trường có tổ chức công đoàn đến không có công đoàn.
Thường có những cách liên lạc và giao tiếp sau:
Hàng ngày/Daily: cách phổ biến nhất và tôi hay dùng nhất là qua cuốn sổ lịch (agenda book/student planner.
Trong cuốn sổ này, các em có thể viết bài tập mỗi ngày được giao, cảm nhận hay suy nghĩ về ngày hôm đó (vui hay không vui, thích môn hay tiết học nào nhất, hôm nay ra chơi ngoài sân hay trong lớp, ngày học đó có gì đặc biệt…).
Nhiều bạn nhỏ lớp tôi hay viết bày tỏ tình cảm với cô, rất đáng yêu.
Bố mẹ mỗi ngày xem sổ rồi ký tên, coi như chứng nhận rằng đã xem và biết về ngày học của con, về bài tập của con. Bố mẹ và con cũng có thể ghi lại thời gian và tên cuốn sách con đọc tại nhà mỗi tối.
Ngược lại, thầy cô giáo nếu cần nhắn bố mẹ điều gì thì sẽ viết vào đó hoặc dập ghim tờ thông báo vào trang của ngày đó.
Trong Agenda còn có nhiều thông tin khác nữa cho các bạn như bản đồ, bảng cửu chương, những hình vẽ về chống nạn bắt nạt học đường… Mỗi trường in Agenda riêng cho học sinh trường mình.
Video đang HOT
Giáo viên trao đổi, liên lạc hàng ngày với phụ huynh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Nếu tìm mẫu chung chung, mọi người có thể tham khảo vài mẫu sau trên Amazon: https://amzn.to/2M71wy0 ; https://amzn.to/2M6sG88 ; https://amzn.to/2M6QsRA(Pokemon)
Gửi thư điện tử hay email: Nguyên tắc là email ngắn gọn, không dài quá, chỉ đề cập đúng vấn đề cần hỏi/đáp.
Tránh những rắc rối về sau như những gì thầy cô viết nếu dài quá lại thành không giải thích được rõ vấn đề, và có thể là bằng chứng cho những kiện tụng về sau nếu trường hợp xấu đi.
Gọi điện thoại: giáo viên chỉ dùng số điện thoại của trường khi cần liên lạc với phụ huynh. Và khi phụ huynh muốn liên lạc với thầy cô bằng điện thoại trong giờ học, văn phòng sẽ ghi lại tên, lời nhắn và số điện thoại của phụ huynh, rồi chuyển thông tin đó cho thầy cô.
Đại đa số trường học khuyến cáo thầy cô không cho phụ huynh số điện thoại di động của mình.
Trường hợp thầy cô nhắn tin dùng số cá nhân chỉ khi cần thiết như đi tham quan có phụ huynh đi cùng (chaperones) phụ thầy cô quản lý lớp.
Nếu có chuyện xảy ra ở trường như học sinh bị đau (do ngã lúc giờ ra chơi hay bị bạn đánh) thì giáo viên gọi điện thông báo cho phụ huynh hoặc viết lời nhắn đính vào cuốn sổ lịch.
Một quy tắc chung của các trường học bên này là thầy cô phải phản hồi lại cuộc gọi, tin nhắn (qua hệ thống của trường hay học khu), email của phụ huynh trong vòng 1-2 ngày.
Hàng ngày khi bố mẹ đưa con đi học hay đón con về, tranh thủ lúc trước hoặc sau giờ học, nếu muốn gặp trực tiếp thầy cô để hỏi hay nói điều gì, phải thông qua văn phòng ban giám hiệu. Văn phòng gọi báo thầy cô, thầy cô đồng ý, bố mẹ mới được đi vào lớp.
Sở dĩ có những quy tắc và quy định chi tiết và cẩn trọng như trên vì ở Mỹ rất tôn trọng luật pháp và quyền tự do cá nhân.
Có những trường hợp học sinh có bố mẹ ly dị hay hoàn cảnh gia đình đang trong tranh chấp quyền nuôi con, trường và thầy cô phải tuân theo phán quyết của toà.
Hàng tuần/Weekly newsletter: bản tin lớp, khối. In ra hoặc gửi qua email, bản tin thông báo, cập nhật tình hình học tập của lớp và các hoạt động của lớp, của trường.
Giáo viên trao đổi hàng tuần với phụ huynh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trong bản tin khối lớp nhỏ (như 1-3) hay có danh sách các từ mới các em cần học thuộc trong tuần (spelling words), rồi ngày sinh nhật của các bạn trong lớp vào tuần đó.
Ở các khối lớp cuối cấp 1 (lớp 4, 5), thầy cô có thể không dùng sổ lịch liên lạc mỗi ngày mà chọn tờ theo dõi hành vi và bài tập theo tuần (weekly report).
Mỗi quý/Quarterly (interim report & progress report): một năm học chia bốn quý (quarter), mỗi quý gồm 9 tuần. Cứ giữa quý (mỗi 4 tuần rưỡi) lại có bảng điểm gọi là interim report.
Cứ hết mỗi quý (sau 9 tuần) thì có bảng điểm kèm nhận xét về hành vi, đạo đức (comments and codes of conduct).
Bảng điểm này thường được in ra, cho vào phong bì và yêu cầu chữ ký của bố mẹ.
Họp phụ huynh/Parent conference: một năm 2 lần, dịp 2 tháng đầu năm học (học kỳ 1) và dịp gần cuối năm học (học kỳ 2)/Fall & Spring conferences.
Họp phụ huynh học sinh hoàn toàn riêng rẽ, phân bổ thời gian cho từng người/phụ huynh, không họp chung cả lớp.
Với những “ca khó” (có thể bị đúp, phải tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, hành vi vô kỷ luật…), giáo viên hoàn toàn có thể trông cậy ai đó trong ban giám hiệu (hiệu trưởng, hiệu phó…) ngồi cùng lúc họp với cha mẹ.
Để chuẩn bị cho dịp họp phụ huynh, các thầy cô thường:
Lên kế hoạch đăng ký, sắp xếp lịch gặp: các thầy cô trường tôi sử dụng trang signupgenius.com. Ngoài sử dụng cho mục đích đăng ký đi họp, Trang Sign up Genius rất thuận tiện cho những hoạt động khác như đăng ký mang đồ đóng góp cho tiệc liên hoan lớp, hay đăng ký giờ đến dự hội chợ sách… tuỳ cách mình thiết lập nội dung và khung giờ. Trang này hoàn toàn miễn phí.
Cứ mỗi phụ huynh được gặp thầy/cô đúng 15 phút. Không gặp trực tiếp thì gọi điện thoại. Trong ngày họp phụ huynh, các em học sinh sẽ được về sớm (học nửa ngày), thời gian từ trưa đến chiều muộn là để thầy cô gặp gỡ bố mẹ.
Các trường trung bình dành 2-3 ngày cho dịp họp phụ huynh, tuỳ số lượng học sinh.
Chuẩn bị tinh thần:bao gồm cả thái độ, quan điểm, lý lẽ nếu cần. Điều giáo viên cần ghi nhớ là cả mình lẫn phụ huynh đều làm mọi việc vì đứa trẻ/học sinh, do đó hãy luôn cố thuyết phục phụ huynh đứng cùng phía với mình.
Chuẩn bị các thông tin chi tiết liên quan đến học sinh/cá nhân đó, nhiều nhất có thể: từ bảng điểm gần nhất, bài kiểm tra, vở, bài làm tại lớp.
Nói có sách, mách có chứng, nên bắt đầu buổi họp với phụ huynh bằng những nhận xét tích cực về đứa trẻ. Nên nhớ rằng bất cứ học sinh nào cũng có mặt tốt, không về học lực thì cũng về thái độ, hoặc tâm tính. Nhiều khi chỉ đơn giản như đi học đều, đúng giờ, hay phát biểu…
Thông thường các trường ở khu dân cư có thu nhập thấp, bố mẹ bận làm 2-3 nơi, ít có thời gian quan tâm chăm sóc con cái thì tỷ lệ phụ huynh học sinh đến họp với thầy cô thấp.
Ngược lại, ở những học khu hay trường học có thu nhập và dân trí cao hơn thì bố mẹ chăm sóc quan tâm việc học của con cái hơn, tỷ lệ đi họp phụ huynh rất cao.
Dù giao tiếp hay liên lạc bằng cách nào thì giáo viên cũng nên nhớ vài quy tắc sau: Luôn chân thành, lịch sự, luôn cảm ơn bố mẹ/quý vị phụ huynh đã gửi gắm con cho mìn.
Không đợi đến khi có chuyện tiêu cực hay học sinh hư mới liên lạc với bố mẹ. Hãy tạo ấn tượng tốt, tích cực với những liên lạc về quan sát nhỏ hàng ngày về hành vi tốt của học sinh.
Chẳng hạn như hôm nào thấy một em học sinh bớt nói chuyện hơn mọi khi thì cũng khen ngợi động viên em đó đồng thời báo cho bố mẹ em biết.
Như thế, thầy cô gây dựng mối liên hệ tình cảm, tin tưởng không chỉ với học sinh mà cả phụ huynh học sinh.
Thu Hồng
Theo giaoduc.net.vn
Nỗ lực cho lớp học tiếng Việt tại Hà Lan
Câu chuyện của hai cháu Ly và My và thực trạng tiếng Việt hạn chế của con em Việt kiều tại Hà Lan đã thúc đẩy tôi đi đến quyết định mở một lớp dạy tiếng Việt tại Đại sứ quán cho con em người Việt ở Hà Lan.
Năm 2017, Đại sứ quán giới thiệu hai cháu gái (Ly và My) con em của Hội người Việt tại Den Haag (La Haye) về Việt Nam tham dự trại hè thanh thiếu niên do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Các cháu chia sẻ vui và rất thích được tham dự trại hè và hào hứng kể về các kỷ niệm trong thời gian ở trại hè. Tuy nhiên các cháu bày tỏ thấy tiếc là do tiếng Việt hạn chế nên việc giao tiếp còn khó khăn và mong muốn được biết tiếng Việt nhiều hơn. Tôi nghĩ nhiều về mong ước của các cháu, một điều ước tưởng là đơn giản nhưng lại không dễ dàng chút nào.
Qua tìm hiểu, tôi được biết thế hệ thứ hai của người Việt tại Hà Lan biết rất ít tiếng Việt, do vậy ngại nói và giao tiếp bằng tiếng Việt (đây cũng là một cản trở đối với các cháu khi về Việt Nam). Nguyên nhân là do Hà Lan không có lớp học tiếng Việt. Trước đây ở một số nơi Chính phủ Hà Lan có hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp học tiếng Việt song đã ngừng do vậy lớp học tiếng Việt cũng không còn nữa. Các phụ huynh đa phần bận rộn công việc và cũng không đủ khả năng và quyết tâm để dạy tiếng Việt cho các con. Vì vậy, nguy cơ không duy trì được tiếng Việt cho thế hệ thứ hai là rất thực tế.
Câu chuyện của hai cháu Ly và My và thực trạng tiếng Việt hạn chế của con em Việt Kiều tại Hà Lan đã thúc đẩy tôi đi đến quyết định mở một lớp dậy tiếng Việt tại Đại sứ quán cho con em người Việt. Ý tưởng của tôi được Hội người tại Den Haag và một số phụ huynh ủng hộ. Vậy là lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan ra đời.
Hôm khai giảng lớp học (16/10/2017), ngoài các cháu và phụ huynh còn có đại diện Hội người Việt tại Den Haag và đặc biệt là có cả nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Trần Quang Hoan (lúc đó đang có mặt tại Hà Lan) cũng đến dự và phát biểu dộng việc các cháu cũng như Đại sứ quán và cộng đồng.
Cho đến nay lớp học đã được hơn 1 năm, nhìn lại thấy sự nghiệp "gieo con chữ" tại Hà Lan thấy vất vả chẳng khác nào ở vùng sâu vùng xa của Việt nam: không có giáo trình tiếng Việt phù hợp, giáo viên là cán bộ Đại sứ quán và sinh viên thiếu kỹ năng sư phạm, các cháu lứa tuổi khác nhau nên trình độ và khả năng tiếp thu khác nhau. Ngoài ra còn phải kể đến sự vất vả của các phụ huynh hàng tuần đưa con đi học...
Nhưng rồi sự nhiệt tình của cả "thầy" và "trò" đã vượt lên tất cả những khó khăn đó và giúp lớp học tiếp tục duy trì. Lớp học cũng luôn nhận được sự quan tâm của Hội người Việt tại Den Haag đặc biệt là bác Chung, người nhiều tuổi nhất trong Hội (87 tuổi) và cũng là người nhiệt huyết nhất. Bác thường xuyên ra lớp học để xem các cháu học thế nào và để động viên nữa. Còn bố mẹ các cháu thì là những học viên "dự thính" tích cực nhất. Có nhà chỉ có 1 con học nhưng thường xuyên có cả hai bố mẹ đưa con đi học và ngồi chờ con học xong lại đưa về.
Sau hơn 1 năm học, kết quả còn rất khiêm tốn những cũng đã có những thành tích đang mừng. Đó là các cháu đã bắt đầu biết đọc, biết viết (dù còn ngọng và sai nhiều lỗi chính tả) và đã nói tiếng Việt nhiều hơn. Đặc biệt là các cháu thích hát tiếng Việt và đã thuộc nhiều bài tiếng Việt.
Trong chuyến thăm Hà Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 3/2018), các cháu lớp tiếng Việt đã rất vinh dự được tặng hoa, đọc lời chúc mừng bằng tiếng Việt và hát bài hát tiếng Việt cho Chủ tịch Quốc hội và đoàn. Những việc này đối với các cháu thiếu nhi ở Việt Nam là rất bình thường và đơn giản nhưng đối với các cháu (những đứa trẻ Việt sinh tại Hà Lan) lại là một sự cố gắng và nỗ lực lớn. Các cháu và phụ huynh đã rất vui khi được Chủ tịch quốc hội khen là "hát hay" và nói tiếng Việt " rõ". Đó là một sự động viên rất lớn đối với các cháu.
Tôi còn nhớ hình ảnh chị Hạnh, mẹ của cháu Hồng Khánh đã nhất định đưa cháu đến gặp Chủ tịch Quốc hội giới thiệu cháu là học sinh lớp tiếng Việt và đề nghị được chụp ảnh cùng Chủ tịch để gửi về khoe với bà ngoại cháu đang ở Việt Nam.
Trong dịp hè 2018, các cháu lớp tiếng Việt đã được tham dự trại hè do Đại sứ quán tổ chức, được giao lưu với đoàn học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội. Các cháu đã được tham gia nhiều trò chơi dân dã của Việt Nam như: kéo co, chuyền bóng... thú vị nhất là thả bóng bay mang thư điều ước do chính các cháu viết bằng tiếng Việt. Trại hè đã là một sân chơi và cơ hội để các cháu tiếp xúc và làm quen với văn hóa Việt Nam.
Công cuộc duy trì tiếng Việt mà Đại sứ quán đang làm còn có quá nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên tôi vẫn luôn có niềm tin rằng với sự quyết tâm của các cháu cũng như của phụ huynh và sự hỗ trợ của cộng đồng, lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán sẽ tiếp tục có những bước tiến đến gần hơn với con chữ Việt. Tôi cũng hy vọng rằng lớp học sẽ là một hình mẫu và là một sự nhắc nhở để cộng đồng người Việt tại Hà Lan có ý thức hơn trong việc duy trì và giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ con cháu mình.
Nếu nói điều gì là quan trọng nhất trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc thì tôi cho rằng đó là cần phải giữ gìn tiếng Việt - "tiếng mẹ đẻ" (mother language). Chắc vì vậy mà thế giới đã có Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được tổ chức hàng năm vào 21/2 nhằm tôn vinh tiếng mẹ đẻ của các quốc gia và đã được Liên hợp quốc công nhận.
Ngô Thị Hòa
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan
Theo baoquocte
Sinh viên ở TP.HCM chế tạo robot tư vấn tuyển sinh Robot Mi A do nhóm sinh viên bộ môn Cơ điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chế tạo, có thể giao tiếp, phục vụ, dạy học, tư vấn tuyển sinh, chụp ảnh. Nguồn: Zing