Liên kết để đại học Việt Nam cùng lớn lên
Sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng, không thể đứng ngoài thế giới.
Ảnh minh họa
Chúng ta là một phần của thế giới ngày càng mở hơn. Đối với giáo dục, đặc biệt GDĐH thì yêu cầu hội nhập càng bức xúc. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu, rộng hơn thì những thách thức mà GDĐH Việt Nam phải đối mặt càng lớn trên nhiều bình diện: đường lối, chính sách, cơ chế quản lý, quản trị đại học, nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn tài chính và con người… Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế là vấn đề đặt ra tại hội thảo giáo dục 2018 mới đây do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Thông tin từ hội thảo cho thấy, còn khá nhiều việc phải giải quyết để đưa GDĐH Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới.
Chất lượng và hiệu quả GDĐH đang được đặt ra cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng tự chủ đại học là chìa khóa cứu cánh cho GDĐH Việt Nam nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia thì tự chủ chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, trong mấy năm qua, mức độ tự chủ được gia tăng nhiều cho các trường đại học công lập, nhưng chưa phải trường nào cũng đã sử dụng hết quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của mình. Minh chứng rõ nhất là các trường đại học ngoài công lập mức độ tự chủ cao hơn rất nhiều so với trường công lập, nhưng cũng chỉ có một số trường lớn mạnh từng ngày qua năm tháng, còn không ít trường rất chật vật để tồn tại. Vậy nguyên do chính là từ đâu?
Trong bối cảnh hội nhập và điều kiện nguồn lực xã hội còn hạn chế, hầu hết các trường đại học vốn cạnh tranh không bình đẳng nên rất khó hợp tác với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp, lợi thế của mỗi trường. Xã hội phát triển trong nền kinh tế chia sẻ, không một quốc gia nào đứng một mình có thể phát triển bền vững được. Trong khi chúng ta đang kêu gọi sự hợp tác giúp đỡ từ các chuyên gia bên ngoài thì chúng ta lại chưa có đường lối liên minh các trường đại học ở trong nước để tạo ra sức mạnh, sẵn sàng đáp ứng với đòi hỏi từ nền kinh tế, xã hội vốn mang các yếu tố tích hợp liên ngành. Đôi khi chúng ta làm ngược với logic của thế giới về huy động nhân tài cho các trường đại học. Đơn cử, việc mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đòi hỏi phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên cơ hữu là rất trái logic về quản lý nguồn nhân lực và vẫn nặng tư duy coi trọng đầu vào hơn là đầu ra. Khoa học công nghệ vốn mang bản chất liên ngành, mà một trường đại học đôi khi không thể “tự túc tự cấp” được, đòi hỏi phải khai thác chuyên gia từ đại học khác ở trong nước và trên thế giới. Tư duy giảng viên cơ hữu đã bóp nghẹt ý muốn sáng tạo đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu.
Trong lý thuyết quản lý hiện đại rất cần phải tạo ra các mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống. Bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong các cuộc kháng chiến của đất nước là minh chứng rõ nhất về sự hợp tác, cộng hưởng các sức mạnh. Vì thế, để hội nhập với thế giới, trước hết các trường đại học của Việt Nam nên hội nhập với nhau để có sức mạnh và tiếng nói chung. Mặt khác, sức mạnh của hệ thống GDĐH Việt Nam cũng không thể trông chờ vào nguồn lực nhà nước nhiều hơn mà vào nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, sự ứng xử chưa thật bình đẳng giữa trường công và trường tư, cũng như chính sách phát triển trường tư chưa thật rõ ràng đã cản trở sự trưởng thành của các trường đại học ngoài công lập. Những lợi thế tự nhiên của đại học công lập như: có danh tiếng từ lâu, được Nhà nước đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con người, lại có những vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, học phí thấp… nên đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa trường công và trường tư về tuyển sinh, nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân này cũng làm cho GDĐH Việt Nam khó lớn lên được. Ngay trong mô hình đại học quốc gia hay đại học vùng, chúng ta cũng quên đi phát huy thế mạnh của từng trường thành viên cùng hợp tác, chia sẻ để cùng sáng tạo ra tri thức mới mà vẫn để các trường “độc lập, tự chủ”, thiếu sự điều phối nên vừa qua đã có ý kiến đề nghị xóa bỏ đại học vùng.
Việc tăng cường sự tự chủ GDĐH là công việc phải làm, khi ấy, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì nếu không phải là cơ quan chú ý nhiều hơn đến thiết kế chính sách, điều phối nguồn lực, cung cấp thông tin định hướng và thanh tra, giám sát chất lượng, đảm bảo các trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Sức mạnh của một hệ thống GDĐH phải là phép cộng véctơ đồng phương và cùng chiều sức mạnh của các trường đại học của một quốc gia, hình thành một liên minh mạnh mẽ với văn hóa hợp tác cùng chia sẻ. GDĐH nếu làm được như vậy sẽ cùng lớn lên mà không ngại sự cạnh tranh từ bên ngoài.
TS HOÀNG NGỌC VINH (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam)
Video đang HOT
Theo www.sggp.org.vn
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đề xuất giải thể đại học vùng
Nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc cấp bách quy hoạch trường sư phạm để "siết" chất lượng, số lượng nguồn giáo viên. Đồng thời, cân nhắc giải thể mô hình đại học vùng, đã thử nghiệm được 24 năm bộc lộ nhiều cản trở trong phát triển của các đại học thành viên tại Hội thảo Giáo dục 2018 mới đây.
Mô hình đào tạo sư phạm truyền thống gây lãng phí?
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dẫn số liệu cho biết, tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có 235 đại học, học viện. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện có 58 đại học, 57 cao đẳng, 40 trung cấp, trong đó có 14 đại học, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm.
Năm 2017, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đã có những thống kê cơ bản về đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo không còn cao như cách đây hai thập kỷ.
"Trong thực tế, với số lượng các cơ sở đào tạo giáo viên như trên và với thực trạng tuyển sinh khá lớn, thiếu kiểm soát của các trường nhóm ngành Sư phạm sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, hệ quả không chỉ gây lãng phí tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội", đại diện này bày tỏ quan ngại.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo giáo dục ngày 17/8.
Ngoài ra, việc tổ chức và chất lượng đào tạo của các trường đang không đồng nhất, điều đó tác động không tích cực đến sự phát triển giáo dục vì muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có người thầy giỏi.
Theo GS. TS Nguyễn Văn Minh, hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập. Trong điều kiện khó khăn, nền kinh tế - xã hội, khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống trường Sư phạm cồng kềnh như hiện nay. Ngược lại, việc kiểu đầu tư dàn trải không tạo được một sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.
Từ thực tế đó, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hơn bao giờ hết, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay là rất cấp bách nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đất nước trong thời kỳ mới.
Ông Minh dẫn chứng mô hình cung cấp nguồn giáo viên ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Mạng lưới các trường đào tạo sư phạm ở quốc tế có xu hướng gọn nhẹ. Một mặt củng cố mô hình đào tạo sư phạm truyền thống, một mặt chuyển dần mô hình đào tạo giáo viên truyền thống thành trường đa ngành/đa lĩnh vực, linh hoạt về đầu ra.
Chẳng hạn ở một số bang của Mỹ, chỉ gần một nửa giáo viên mới vào nghề là sinh viên Sư phạm tốt nghiệp từ các trường sư phạm theo kiểu truyền thống. Sự phát triển các chương trình đào tạo giáo viên linh hoạt được Nhà nước Mỹ ủng họ, vì chúng thu hút một lực lượng đông đảo mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động giáo dục ở nhiều loại hình cơ sở giáo dục khác nhau. Chương trình tự chọn linh hoạt khẳng định được hiệu quả, có thể nâng số lượng giáo viên cùng lúc với việc duy trì hoặc thậm chí cải tiến chất lượng giảng dạy. Một số nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng các trường Sư phạm và các chương trình đào tạo giáo viên truyền thống đã tỏ ra thất bại trong việc tạo ra những "sản phẩm" chất lượng cao theo yêu cầu được nêu trong Luật. Do đó, việc rập khuôn đào tạo giáo viên theo mô hình sư phạm truyền thống tỏ ra lãng phí và không hiệu quả.
Ở Úc, đào tạo giáo viên cũng linh hoạt theo yêu cầu của xã hội và dịch chuyển nghề nghiệp; ví dụ nếu tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học cơ bản có thể học thạc sĩ giáo dục để trở thành giáo viên. Nước này hiện có tới 62 trường đại học có khoa học ngành đào tạo giáo viên.
Singapore chỉ có một đơn vị đào tạo giáo viên trực thuộc Đại học Nanyang. Nhật Bản có 56 cơ sở đào tạo đều thuộc các trường.
Ông Minh cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình, chương trình đạo tạo giáo viên của các nước phát triển, đặc biệt là các nước châu Á lân cận.
Đại diện này đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 đến 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Mặt khác, các cơ sở khác, các trường cao đẳng Sư phạm thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương.
Ở phiên thảo luận "Quản lý nhà nước và Quản trị đại học" tại Giáo dục 2018 , nhiều đại biểu đề xuất quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, giải thể đại học vùng.
"24 năm thử nghiệm, mô hình đại học vùng không đạt hiệu quả"
GS Từ Quang Hiển - nguyên Giám đốc Trường Đại học Thái Nguyên thẳng thắn đề xuất giải thể mô hình đại học vùng. Theo ông, mô hình này thử nghiệm được 24 năm, cho thấy cản trở sự phát triển của các trường đại học thành viên.
"Vô tình chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Nó như cấp tổng cục hiện nay vậy. Tôi từng là hiệu trưởng đại học thành viên cũng là giám đốc đại học vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của đại học vùng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất", ông Hiển kiến nghị.
Theo đại biểu này, nếu không giải thể đại học vùng thì trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học thành viên và có cơ chế chính sách cho đại học vùng tương đương như đại học quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đại học vùng, đại học quốc gia cũng cần có những đổi mới để có thể phát huy năng lực, vai trò của các trường thành viên.
"Tôi kiến nghị thay đổi cách quản lý của đại học quốc gia và đại học vùng giống như quản lý university system của nước ngoài, có nghĩa là đại học không phải là cấp quản lý trung gian (tổng cục), cũng không phải là cấp trên của các trường đại học thành viên; thực hiện được như vậy thì đại học và các trường thành viên đều phát triển bền vững. Có cơ chế mở về đại học quốc gia/vùng, các trường đại học độc lập đóng cùng địa bàn với đại học quốc gia/vùng có thể tham gia đại học với tư cách trường thành viên, ngược lại các trường thành viên của đại học cũng có thể tách ra thành trường đại học độc lập", GS Từ Quang Hiển phát biểu tại hội thảo.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Bộ GDĐT: Trường nâng điểm chuẩn để "đánh trượt" thí sinh chỉ là giải pháp tình thế Liên quan đến sự việc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai bất ngờ nâng điểm chuẩn để "đánh trượt" thí sinh duy nhất đăng ký vào ngành Ngữ văn của trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và trường không vi phạm quy định...