Liên đội phó học giỏi, đa tài ở TP Hà Tĩnh
Liên đội phó học giỏi, đa tài – Võ Tá Hoàng Dũng (lớp 5A Trường Tiểu học Bắc Hà) vừa vinh dự được nhận danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” của thành phố Hà Tĩnh.
Võ Tá Hoàng Dũng hiện là học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh
Là một trong những đội viên tiêu biểu được vinh danh tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP Hà Tĩnh vừa qua, Võ Tá Hoàng Dũng được biết tới là một cậu học trò đa tài, khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực, nổi bật ở bộ môn cờ vua.
Em cho biết, từ những ngày mới bước vào môi trường tiểu học, thấy các bạn chơi cờ, em cảm thấy hứng thú, học cách chơi và cứ thế, ngày càng bị cuốn hút vào những bước đi của các quân cờ.
Nhận thấy con có năng khiếu, bố mẹ đã đưa Hoàng Dũng tham gia CLB kiện tướng tý hon ở Hà Tĩnh. Đây cũng là cái nôi để em học hỏi, cọ xát và trưởng thành.
Cả 2 anh em nhà Hoàng Dũng đều yêu thích môn cờ vua.
Đến nay, bên cạnh nhiều năm liền giành giải nhất cờ vua cấp trường, Hoàng Dũng còn tham dự và đạt giải tại nhiều giải đấu cờ vua trong khu vực như các giải kiện tướng tý hon mở rộng được tổ chức tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình…
Không chỉ thể hiện năng khiếu ở bộ môn cờ vua, Võ Tá Hoàng Dũng còn học chơi đàn guitar được 2 năm và có khả năng chơi tốt nhiều bài nhạc cổ điển, đệm hát.
Mỗi ngày, em đều đặn dành 30 phút tới 1 tiếng sau giờ học để luyện tập cờ vua cùng bạn bè hoặc qua mạng internet, học các bài đàn mới, vừa nâng cao “tay nghề” và cũng là một cách thư giãn, giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Video đang HOT
Với cách cân đối thời gian hợp lý, học ra học, chơi ra chơi, 5 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Hoàng Dũng là một MC tự tin và năng nổ trong nhiều hoạt động của liên đội nhà trường
Bên cạnh đó, em còn là một người dẫn chương trình tự tin, một liên đội phó xuất sắc, tiên phong, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.
Hoàng Dũng cũng có trong tay khá nhiều thành tích khi tham gia các cuộc tranh tài như: giải nhì cuộc thi “Viết về mẹ – người chiến sĩ Công an nhân dân” do Bộ Công an Tổ chức; lọt top 5 Cuộc thi “Đọc sách vì tương lai” lần thứ 3 do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức và nhiều giải thưởng về tài năng, tiếng Anh do các trung tâm năng khiếu trên địa bàn tỉnh tổ chức…
Ước mơ của Võ Tá Hoàng Dũng sau này là được khoác lên mình màu áo lính để góp phần bảo vệ bình yên cho quê hương, Tổ quốc.
Các trường học Hà Tĩnh gấp rút nghiên cứu, lựa chọn SGK chương trình giáo dục phổ thông mới
Hiện tại, 4/5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã về với các trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh. Để kịp tiến độ chốt việc lựa chọn bộ sách sẽ dạy, học vào cuối tháng 3/2020, các trường học đang gấp rút triển khai nghiên cứu SGK mới.
Cơ hội mở trong lựa chọn sách
Theo Thông tư 01/2020/TT-BDGĐT, ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông thì việc lựa chọn sách phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Đó là cơ hội mở cho các giáo viên, các trường trong việc nghiên cứu, lựa chọn sách. Bởi hơn ai hết họ là những người trực tiếp giảng dạy, nắm vững đặc điểm tâm sinh lý học trò, vì thế, việc lựa chọn phù hợp sẽ giúp các giáo viên chủ động trong đổi mới phương pháp.
Sách giáo khoa mới đã về với các trường tiểu học ở Hà Tĩnh
Cô Phạm Thị Khuyên - Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Ngay sau khi nhận được sách mới, từ 2 tuần nay, chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu. Tiếp cận ban đầu tôi thấy các bộ sách đều bắt mắt cả kênh hình lẫn kênh chữ, màu sắc cũng hài hòa, lượng kiến thức phù hợp và có nội dung đổi mới phương pháp dạy học.
So với SGK chương trình hiện hành, chương trình mới có sự kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Kiến thức, phát triển năng lực và vận dụng vào thực tiễn. Hiện tại, các tổ chuyên môn của trường cũng đang tiến hành góp ý để sắp tới trình hội đồng nghiên cứu và thẩm định của trường".
Việc nghiên cứu sách đang được giáo viên các trường gấp rút thực hiện
Không riêng ở thành phố Hà Tĩnh, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng đang chạy đua với thời gian.
Cô Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (Can Lộc) cho biết: "Sách được chuyển về trùng dịp học sinh nghỉ tránh dịch Covid-19 nên giáo viên có nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu. Riêng với trường chúng tôi, mỗi bộ sách đều được đưa ra thảo luận công khai. Cùng với đó, các giáo viên, tổ chuyên môn cũng có những ý kiến đánh giá cụ thể. Hiện, chúng tôi đã hoàn thành việc đánh giá, tuy nhiên để đưa ra quyết định lựa chọn cần phải có thời gian và tham khảo ý kiến của một số đơn vị có điều kiện, hoàn cảnh tương tự".
Xúc tiến tổ chức hội thảo
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu ban đầu, hầu hết các trường học, các giáo viên đánh giá cao bởi tính ưu việt của chương trình và độ phù hợp với tuổi. Thế nhưng, nhiều nhà quản lý giáo dục cũng bày tỏ băn khoăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn. Bởi, SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới có 32 tên sách thuộc 5 bộ được phê duyệt.
Đó là 24 tên sách thuộc 4 bộ SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm: "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo", "Cùng học để phát triển năng lực"; "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" đã được chuyển về cho các trường tiểu học ở Hà Tĩnh. Bộ "Cánh diều" của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tuy chưa có bản cứng, nhưng một số trường học cũng đã tiếp cận nghiên cứu qua đường link.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bậc tiểu học
Số lượng tên sách nhiều, trong khi quyền lựa chọn thuộc về các cơ sở giáo dục, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi huyện, thị, thành sẽ có khả năng hình thành nhiều nhóm trong lựa chọn. Và cũng trên tinh thần Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT, các nhà trường có thể sử dụng 1 trong 5 bộ sách nói trên hoặc cũng có thể lựa chọn 1 bộ phù hợp được chọn lọc từ cả 5 bộ.
Một cán bộ quản lý giáo dục cho biết: "Vẫn biết nội dung, kiến thức của các bộ sách trong chương trình mới đều bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình Bộ GD&ĐT quy định, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy, mỗi bộ sách có một phương pháp tiếp cận khác nhau. Vì thế, để có sự đồng nhất trong quá trình kiểm tra, đánh giá, giám sát, chỉ đạo... sẽ rất khó".
Cơ sở vật chất trường lớp ở Hà Tĩnh cơ bản đáp ứng với chường trình giáo dục mới
Cùng quan điểm ấy, ông Trần Đình Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê cho biết: "Nếu một cấp học mà chọn nhiều đầu sách của nhiều bộ sách sẽ gây khó khăn trong vấn đề chỉ đạo chuyên môn. Tuy nhiên, việc lựa chọn vẫn là quyền chủ động của các trường".
Việc các trường có sự lựa chọn bộ sách khác nhau, hoặc trong từng bộ sách sẽ lựa chọn đầu sách khác nhau không chỉ là điều mà các phòng giáo dục băn khoăn trong chỉ đạo chuyên môn mà đây cũng là yếu tố khó khăn trong công tác tập huấn giáo viên.
Theo thông tư, việc lựa chọn sách dựa trên ý kiến từ cấp trường, tuy nhiên ở góc độ định hướng, Sở GD&ĐT cũng đã có những động thái nhằm hướng dẫn các trường trong việc lựa chọn sách.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: "Cùng với việc tổ chức hội nghị toàn ngành triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện tại, Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh về quy chuẩn lựa chọn SGK phù hợp với từng địa bàn, đồng thời, xúc tiến việc tổ chức hội thảo về SGK mới".
Theo baohatinh
Cô giáo đổi mới phương pháp dạy và học môn Địa lý Cô Nguyễn Thị Mai là giáo viên, đảng viên trẻ, chuyên môn vững vàng, nhiệt tâm, nhiệt tình trong mọi công tác, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Về Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn (tỉnh Hà Tĩnh), tìm hiểu mô hình áp dụng công nghệ vào quản lý giáo án bằng phần mềm chuyên dụng, thay...