Lịch sử – môn học yêu thích nhất
TT – Tôi kỳ vọng trong 20 năm tới, giới trẻ sẽ nhận thức đúng đắn về lịch sử Việt Nam, và lịch sử trở thành môn học được yêu thích nhất trong trường học.
Bài học lịch sử sống động: học sinh Trường tiểu học Lê Lai, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ghi lại thông tin lịch sử khi đến xem triển lãm “Hoàng Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” – Ảnh: Hữu Khá
Nếu như năm 2015 số lượng thí sinh chọn môn lịch sử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chỉ là 15% (thấp nhất trong tám môn dự thi) thì đến năm 2035 con số này đã đạt 100% thí sinh đăng ký dự thi.
Đây thật sự là một con số ấn tượng đối với những người làm công tác giáo dục nói chung và giảng dạy bộ môn lịch sử nói riêng. Đồng thời, lần thứ năm liên tiếp cuộc thi “Em yêu sử Việt” được phát sóng trên truyền hình và nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo học sinh – sinh viên khắp cả nước.
Và phần thưởng xứng đáng cho thí sinh đoạt giải nhất của cuộc thi sẽ trở thành “đại sứ văn hóa – du lịch” đại diện cho Việt Nam quảng bá nền văn hóa, văn hiến và du lịch của đất nước hơn 4.000 năm lịch sử. Đây là một vinh dự rất lớn dành cho người chiến thắng.
Để tạo được những thành công đáng ghi nhận như ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại những giải pháp đã được thực hiện một cách triệt để và kịp thời trong 20 năm qua:
Video đang HOT
Đầu tiên, đưa lịch sử vào trong thực tế: đừng biến những sự kiện lịch sử thành những con số nhàm chán và khô khan mà hãy biến nó thành những “thực thể” sinh động gắn với thực tế.
Có nghĩa là thay vì thói quen đọc – chép trong các tiết sử hiện nay thì hãy tổ chức cho các em được đến những địa danh gắn liền với lịch sử có thật ngay tại địa phương.
Với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ cần các em được “mục kích sở thị” và kết hợp với cách thuyết minh cung cấp thông tin “vừa phải” của giáo viên thì học sinh sẽ nắm bắt nhanh và nhớ được lâu hơn.
Một số trường đã áp dụng có hiệu quả nhưng vẫn còn e ngại về kinh phí thực hiện cho các em đi tham quan thực tế. Gia đình và nhà trường cùng nhau kết hợp.
Thậm chí gia đình, doanh nghiệp, nhà trường và các cơ quan ban ngành liên quan (quản lý di sản) cần phối hợp để thống nhất kế hoạch tổ chức với mức kinh phí vừa phải mà các bên đều có thể tạm hài lòng, nhưng đừng quên là các bên đang hoạt động vì mục đích giáo dục lâu dài.
Thứ hai, tránh áp đặt tư tưởng lên người học: lịch sử của một quốc gia là điều không thể thay đổi được. Dĩ nhiên thế hệ ngày nay phải chấp nhận nếu không muốn nói là bắt buộc chấp nhận những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Nhưng không được đánh đồng giữa chấp nhận và áp đặt, mà phải để tự người học nói lên ý kiến của bản thân về những vấn đề lịch sử hoặc những vấn đề xảy ra ngay tại thời điểm hiện nay.
Có học sinh cho rằng chính sách “bế quan tỏa cảng” bắt đầu hình thành từ thời vua Minh Mạng, trải qua đời Thiệu Trị và đặc biệt được thi hành triệt để và bổ sung dưới thời vua Tự Đức là một trong hai chính sách sai lầm của các vua nhà Nguyễn dẫn đến việc mất nước.
Nhưng dưới góc độ khác thì cho thấy đây cũng là cách “phòng vệ” chính đáng của nhà Nguyễn trước sự thách thức rất lớn của phương Tây, đặc biệt là thực dân Pháp, mặc dù sau đó (1858) Pháp nổ phát súng đầu tiên chính thức xâm lược Việt Nam.
Từ ý kiến của học sinh nêu ra, giáo viên có thể nâng cao, đi sâu hơn nội dung này cho tập thể học sinh cùng phân tích thay vì khẳng định chính sách này là sai hoàn toàn, như thế là bỏ lửng và chưa giải quyết triệt để vấn đề phát sinh trong tiết học.
Thứ ba, tích cực học tập lịch sử địa phương: lịch sử Việt Nam là một bức tranh khổng lồ với nhiều mảng màu khác nhau, nhưng từng mảng nhỏ ấy lại xuất phát từ chính các địa phương – các em đã sinh ra, trưởng thành và học tập tại nơi đây.
Những thứ gần gũi và dễ thấy trong cuộc sống sẽ là nguồn thông tin cập nhật hữu hiệu nhất mà các em có thể chủ động tiếp cận.
Trong mấy năm gần đây, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành có cung cấp, phân phối và hướng dẫn thực hiện các tiết dạy “lịch sử địa phương” cho học sinh nhưng vô tình “nhồi nhét” thêm những điều mà bản thân các em không thích.
Điều đó vô tình phản tác dụng và tăng dần khoảng cách giữa học sinh với môn học. Thiết nghĩ sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành nên biên soạn lại những kiến thức trọng tâm và gắn liền trong phạm vi một địa phương (xã, huyện, thành phố) thay vì quy mô cấp tỉnh, đừng nên dàn trải và thiếu tính ứng dụng.
Cuối cùng, diễn kịch (sân khấu hóa) các tích truyện lịch sử: biến lịch sử thành diễn ca, dùng lối văn chương bình dân truyền khẩu, phù hợp với đời sống dân chúng, thường khi lao động nông tang, chèo đò, kéo lưới vẫn hát xướng, hò vè cho quên những nhọc nhằn đã được ghi lại trong tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca của sử gia Lê Ngô Cát dưới thời vua Tự Đức.
Nếu lựa chọn hình thức biểu diễn phù hợp thì người xem và người diễn sẽ cùng nhau “cộng hưởng” tiếp nhận và dễ khắc sâu kiến thức.
Mặt khác, ngày nay các phương tiện nghe, nhìn đang chiếm trọn thời gian giải trí của các em, đồng nghĩa nếu chúng ta không thay đổi phương pháp truyền đạt thì chúng ta có phải đang lạc hậu so với thời đại?
Hãy tạo điều kiện cho học sinh được chủ động lên ý tưởng, kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, lời thoại… nói cho đúng hơn là để các em tự do trong sáng tạo các câu chuyện lịch sử dưới sự cố vấn chuyên môn của thầy cô. Những chỗ chưa hợp lý, chưa chính xác sẽ được sửa chữa ngay để tạo nên những vở diễn độc đáo nhưng không làm mất đi cái “lõi” lịch sử.
Thậm chí, từ những vở diễn trong phạm vi trường học có thể giúp các em hình thành và tạo lập những kỹ năng làm phim lịch sử sau này. Một trong những điều đang là nỗi trăn trở của nền điện ảnh dã sử Việt Nam khi ta đã “núp bóng” quá lâu dưới những bộ phim hoành tráng, công phu của Trung Quốc.
Theo TTO