LHQ kêu gọi Israel chấm dứt xây khu định cơ mới tại Bờ Tây
Ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc Israel dừng và hủy bỏ quyết định xây gần 800 nhà định cư mới tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Công trường xây dựng khu định cư Ramat Shlomo của Israel tại Jerusalem, ngày 18/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh quyết định trên của Israel là trở ngại lớn đối với việc đạt được giải pháp hai nhà nước, cũng như nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện tại Trung Đông. Ông nêu rõ việc thành lập các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, không có giá trị pháp lý và là hành động vi phạm rõ ràng theo luật quốc tế.
Ngày 17/1 vừa qua, Israel đã phê duyệt xây dựng 780 nhà định cư mới tại Bờ Tây. Ước tính có khoảng 450.000 người định cư Israel sống tại Bờ Tây cùng khoảng 2,8 triệu người Palestine. Phần lớn cộng đồng quốc tế coi các khu định cư Do thái tại Bờ Tây là bất hợp pháp. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng việc Israel nhanh chóng quyết định xây thêm hàng trăm nhà định cư mới tại Bờ Tây cho thấy Chính phủ Israel đang chạy đua với thời gian để xây thêm khu định cư trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hết nhiệm kỳ và Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Do đó, ông Shtayyeh kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các khu định cư của Israel đồng thời chia sẻ trách nhiệm bảo vệ giải pháp hai nhà nước.
Liên quan đến các cuộc bầu cử của Palestine, Thủ tướng Shtayyeh yêu cầu Israel tuân thủ các thỏa thuận, theo đó cho phép người Palestine ở Đông Jerusalem tham gia bầu cử, bao gồm cả hoạt động ứng cử và bỏ phiếu. Ông cũng để nghị Liên minh châu Âu (EU) cử quan sát viên tới giám sát các cuộc bầu cử sắp tới của Palestine, đặc biệt tại khu vực Đông Jerusalem.
Ngày 15/1 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ban hành một sắc lệnh ấn định tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp các vùng lãnh thổ Palestine vào ngày 22/5 tới và bầu cử tổng thống vào ngày 31/7. Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza đã hoan nghênh sắc lệnh này. Các cuộc bầu cử này được cho là đánh dấu một bước tiến lớn hướng tới hòa giải giữa phong trào Fatah của Tổng thống Abbas hiện hoạt động tại vùng Bờ Tây và phong trào Hamas.
Israel lâu nay phản đối hoạt động của Chính quyền Palestine tại Đông Jerusalem. Cuối năm 2019, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ chối ra sắc lệnh tổ chức bầu cử trước khi Israel bảo đảm người Palestine tại Đông Jerusalem được đi bỏ phiếu.
Lần gần đây nhất Palestine tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp là vào năm 2006, trong đó Hamas giành số ghế áp đảo. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất của Palestine diễn ra vào tháng 1/2005, sau khi nhà lãnh đạo Yasser Arafat qua đời vào tháng 11/2004. Ông Abbas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.
Palestine công bố đề xuất đối trọng với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh ngày 9/6 cho biết Palestine đã trình nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) một bản đề xuất được cho là đối trọng với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh chủ trì cuộc họp nội các tại thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại họp báo, ông cho biết đề xuất của Palestine bao gồm việc thành lập một "Nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự" với "những thay đổi nhỏ về đường biên giới". Theo ông, đề xuất này dự báo một số thỏa thuận hoán đổi đất đai giữa hai nhà nước tương lai trên cơ sở đồng thuận.
Trước đó, cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một kế hoạch mang tên Thỏa thuận Thế kỷ, trong đó có nhắc đến giải pháp hai nhà nước và một kế hoạch phát triển kinh tế cho Palestine, song có nhiều điểm gây tranh cãi như coi thành phố linh thiêng Jerusalem là thủ đô của Israel, đòi Palestine công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư trên các phần lãnh thổ chiếm đóng, và cắt đứt quyền trở về quê hương của người tị nạn Palestine... Văn kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đã "đổ thêm dầu vào ngọn lửa" căng thẳng trong cuộc xung đột Israel - Palestine.
LHQ: Israel phá dỡ nhà của người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 12/12, chính quyền Palestine đã hoan nghênh báo cáo mới của Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) về việc Israel phá dỡ các tòa nhà của người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Một ngôi nhà của người Palestine bị Israel phá dỡ tại làng Dar...