Lebanon – quốc gia đã ‘ngã quỵ’ vì khủng hoảng chồng chất
Chết chóc và đổ nát, Lebanon vừa trải qua vụ nổ như “bom nguyên tử ở Nhật Bản”, giữa lúc quốc gia này điêu đứng vì khủng hoảng triền miên.
“Vụ nổ tương tự những gì đã xảy ra ở Nhật Bản, ở Hiroshima và Nagasaki. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự tàn phá lớn như thế. Đây là một thảm hoạ quốc gia, một thảm hoạ với Lebanon”, Thống đốc Beirut Marwan Abboud bật khóc khi mô tả vụ nổ tàn phá thủ đô của Lebanon hôm 4/8.
Xe cứu thương rú còi inh ỏi cố lao nhanh qua các giao lộ kẹt cứng, trong khi nhiều người cuống cuồng tìm cách thoát ra khỏi căn nhà nay chỉ còn là đống đổ nát. Khung cảnh hoang tàn bao trùm bến cảng và nhiều khu vực lân cận ở thủ đô Beirut sau vụ nổ mạnh ngang 240 tấn TNT.
“ Cảng Beirut bị phá hủy hoàn toàn”, nhân chứng Bachar Ghattas nói, mô tả cảnh tượng giống “ngày tận thế”.
Người đàn ông ôm đầu khi chứng kiến cảnh tượng sau vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8. Ảnh: AFP.
Vụ nổ khủng khiếp xảy ra giữa lúc Lebanon đang “tê liệt” vì khủng hoảng liên tiếp, từ đại dịch Covid-19, biểu tình đến nền kinh tế kiệt quệ. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực.
Lebanon đã báo cáo hơn 5.000 ca nhiễm và 65 trường hợp tử vong vì Covid-19, đại dịch khiến gần 18,7 triệu người nhiễm và gần 703.000 người chết tại 213 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dù con số của Lebanon tương đối thấp so với nhiều nước khác, giới chức địa phương cho biết số ca nhiễm đang gia tăng gần đây và lan sang nhiều khu vực mới của đất nước.
Lệnh phong tỏa của chính phủ kéo dài 5 ngày vừa kết thúc, nhưng các bác sĩ cảnh báo hệ thống y tế mong manh của quốc gia này “đang vượt quá giới hạn”.
“Phòng hồi sức tích cực ở Bệnh viện Đại học Rafik Hariri đã kín chỗ và nếu tình hình vẫn duy trì trong vài ngày tới, bệnh viện sẽ không thể tiếp nhận thêm các ca cần chăm sóc đặc biệt”, Osman Itani, bác sĩ chuyên khoa tim phổi và hồi sức cấp cứu, nói với Arab News hôm 2/8.
“Số ca hiện tại đang vượt mức 100 mỗi ngày và đây là vấn đề lớn mà hệ thống y tế của chúng tôi không thể giải quyết được bởi đã quá tải”, bác sĩ Itani nói thêm.
Bộ Y tế Lebanon cho rằng số ca nhiễm mới tăng nhanh là do người dân phớt lờ biện pháp phong tỏa, tiếp tục tham gia các bữa tiệc, đám cưới, cầu nguyện và tụ tập nơi công cộng.
Đại dịch tấn công Lebanon giữa lúc tình hình chính trị của quốc gia này cũng có nhiều bất ổn. Tháng 10 năm ngoái, người dân ở ít nhất 70 thành phố trên khắp đất nước biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính phủ, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, như nước máy không đảm bảo và thường xuyên mất điện.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã làm tê liệt quốc gia này và khiến thủ tướng Saad Hariri phải từ chức. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện, khi tình trạng mất điện trở nên nghiêm trọng hơn, kinh tế chìm sâu trong khủng hoảng và giá thực phẩm tăng vọt 80%.
Khủng hoảng kinh tế kéo dài không chỉ khiến người dân phẫn nộ và biểu tình phản đối chính phủ, nó còn khiến nhiều người rời bỏ quê hương, đi tha phương cầu thực khắp nơi.
Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp.
Hồi tháng 3, lần đầu tiên trong lịch sử, quốc gia này tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ chính phủ của Lebanon hiện là 92 tỷ USD, gần 170% GDP và là một trong số mức nợ cao nhất thế giới.
Beirut hồi tháng 5 tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đảm bảo gói trợ cấp quan trọng theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế mà chính phủ thông qua. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.
Theo bài viết trên Guardian tháng trước, nhiều người ở Lebanon đang đối mặt với tương lai ảm đạm.
“Từ tháng 3, giá của hầu hết hàng hóa đã tăng gần ba lần, trong khi giá trị của đồng nội tệ lao dốc 80% và phần lớn hoạt động của quốc gia đã đình trệ. Những người đi làm đang cố gắng sống sót qua từng tháng. Các trung tâm thương mại trống rỗng. Nghèo đói tăng vọt, tội phạm tăng và tình trạng bạo loạn xuất hiện trên các đường phố”, bài viết có đoạn.
Lebanon cũng phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung lương thực. Tobias Schneider, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách công Toàn cầu ở Berlin, Đức, cho biết Beirut phải nhập khẩu tới 90% lượng lúa mì mà quốc gia này tiêu thụ.
Vụ nổ tại thủ đô Beirut hôm 4/8. Video: CTGN.
Không chỉ trong nước bất ổn, Lebanon cũng thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. Cuộc nội chiến đẫm máu và phức tạp giữa các phe chính trị và giáo phái nổ ra từ năm 1975 đến 1990 đã giết chết 120.000 và khiến một triệu người lưu vong, trước khi nhiều khu vực của Lebanon bị chiếm đóng bởi Syria và Israel, hai quốc gia có chung đường biên giới Beirut, gần hai thập kỷ. Năm 2005, binh lính nước ngoài mới rút khỏi đất nước này.
Phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã có cuộc chiến với Israel hồi năm 2006, nổi lên như một phong trào chống lại chiếm đóng của Tel Aviv ở Lebanon.
Năm 2013, Hezbollah thông báo sát cánh cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến bối cảnh chính trị ở Lebanon càng thêm chia rẽ và dẫn tới nhiều lệnh trừng phạt, giảm lượng tiền tệ từ Vùng Vịnh chảy vào quốc gia này, thông qua du lịch và tiền gửi.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng tác động lớn đến tiền gửi, nguồn thu nhập quan trọng đối với Lebanon, khi số dân nước này sống ở nước ngoài nhiều hơn trong nước, cũng như các khoản viện trợ.
Cuộc xung đột Syria cũng dẫn tới nhiều cuộc tấn công làm rung chuyển Beirut và nhiều khu vực khác. Nhưng tác động rõ ràng nhất của chiến tranh Syria ở Lebanon, quốc gia 4,5 triệu dân, là dòng người di cư ước tính 1,5 triệu người. Beirut cùng nhiều tổ chức quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về gánh nặng kinh tế – xã hội mà dòng người tị nạn Syria đem tới cho quốc gia nghèo đói này.
Khi khó khăn chồng chất khó khăn, vụ nổ xé toạc cảng Beirut hôm 4/8 có thể trở thành tai họa mới khiến Lebanon, quốc gia đang bị khủng hoảng bủa vây, phải đầu hàng.
Người dân Beirut trắng tay sau vụ nổ
Hàng nghìn gia đình vội vã rời khởi Beirut tìm nơi an toàn, nhưng nhiều người khác không còn nơi nào để đi sau vụ nổ ở bến cảng.
Vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 với sức mạnh tương đương một trận động đất 3,5 độ đã làm ít nhất 100 người thiệt mạng, khoảng 4.000 người bị thương phải nhập viện điều trị và hàng nghìn người rơi vào cảnh không nhà.
Phần lớn cảng Beirut bị san phẳng và toàn bộ các khu dân cư gần đó cũng bị phá hủy. Lực lượng an ninh đã phong tỏa khu vực rộng lớn quanh vị trí xảy ra vụ nổ, ngăn người dân tiếp cận nhà của họ để kiểm tra thiệt hại. Nhiều người không còn nơi nào để đi, hoặc không nỡ lòng để lại ngôi nhà đổ nát của mình cho những kẻ hôi của.
Khu vực gần cảng Beirut bị phá huỷ nặng nề sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AFP
Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn về đêm do thiếu điện, vốn đã chập chờn ở phần lớn thành phố trước cả khi thảm hoạ xảy ra.
"Chúng tôi đã sống những ngày đen tối ở Lebanon nhiều năm qua nhưng đây là điều gì đó khác hẳn", Rami Rifai, một kỹ sư 38 tuổi, nói tại bệnh viện nơi hai con gái của anh đang được điều trị sau khi bị thương, dù ở cách hiện trường 500 mét.
Ở những khu vực gần bến cảng nhất, vụ nổ trong chớp mắt đã tàn phá các tòa nhà trong bán kính hàng trăm mét. Một người dân sống tại Mar Mikhail, một trong những khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kể rằng bà đã nhìn thấy những thi thể nằm rải rác giữa đường phố, dường như bị hất văng khỏi ban công và mái nhà.
Một cư dân bị thương sau vụ nổ ở Beirut hôm 4/8. Ảnh: Sky News
Johnny Assaf, một nhân viên bất động sản có cả nhà và văn phòng bị phá huỷ, cho hay anh đã mất mọi thứ, chỉ giữ lại được mạng sống.
"Ban đầu tôi nhìn thấy đám mây hình nấm, sau đó sóng xung kích từ vụ nổ quét qua văn phòng của tôi. Nó khiến tôi văng ra giữa phòng và đập đầu vào chiếc máy in", anh kể, ôm lấy cánh tay được băng bó sơ sài. "Ở bệnh viện, họ khâu cho tôi mà không có thuốc tê và sau đó bỏ dở vì có quá nhiều người bị thương nặng được chuyển tới. Tôi nhìn thấy nhiều người chết trước mặt mình".
Các bệnh viện, vốn đã kiệt quệ vì số ca Covid-19 gia tăng những ngày gần đây, giờ phải đón thêm làn sóng người bị thương, đã buộc phải từ chối tiếp nhận điều trị cho nhiều người có thương tích nhẹ hơn. Bệnh viện Saint-Georges bị phá huỷ nghiêm trọng và mất đi nhiều y bác sĩ do vụ nổ.
Hội Chữ thập đỏ lo ngại số người chết có thể tăng lên đáng kể. Ở một đất nước nơi người dân từ đầu năm nay đã không thể rút tiền từ ngân hàng, hy vọng được bồi thường vì mất nhà cửa là rất mong manh.
Vụ nổ được ví như "bom nguyên tử ở Nhật" tại Beirut, Lebanon, ngày 4/8. Video: CNN.
Chìm trong nợ nần và tê liệt về chính trị, Lebanon dường như không thể ứng phó với cuộc khủng hoảng mới này. Tuy nhiên, sự đoàn kết trong gốc rễ vẫn tồn tại với những sáng kiến nhanh chóng được thành lập trên mạng xã hội nhằm giúp đỡ mọi người tìm kiếm người thân và hỗ trợ các nạn nhân chỗ ở miễn phí.
"Chúng tôi đang trải qua khủng hoảng kinh tế, một chính phủ nhiều tham nhũng và Covid-19. Tôi nghĩ mọi thứ không thể tồi tệ hơn, nhưng bây giờ tôi không biết liệu đất nước này có thể gượng dậy được nữa hay không. Mọi người sẽ cố gắng rời đi. Tôi sẽ cố gắng rời đi", Rami Rifai nói, giọng nấc lên nghẹn ngào.
Beirut ban bố tình trạng khẩn cấp Nội các Lebanon ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần ở Beirut, trao quyền kiểm soát an ninh tại thủ đô cho quân đội. Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad hôm nay thông báo quyết định tại Beirut. Ông cho biết nội các Lebanon yêu cầu quân đội quản thúc tại gia tất cả quan chức phụ trách lưu...