Lê Công Tuấn Anh nhận mức cát-xê khó tin trong phim về Trịnh Công Sơn
Bộ phim “ Em còn nhớ hay em đã quên” ra mắt năm 1992 cách đây tròn 30 năm có kinh phí sản xuất là 145 triệu đồng.
Đạo diễn – NSƯT Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, ông mang kịch bản phim “Em còn nhớ hay em đã quên” chào mời khắp các hãng phim, nhưng bị từ chối. “Không ai hiểu tôi sẽ làm gì với kịch bản đó”- đạo diễn nói. Cuối cùng, ông quyết định đi vay tiền khắp bạn bè, gia đình, người thân, để đầu tư làm “Em còn nhớ hay em đã quên”.
“Vì tôi phải đi vay tiền làm phim, nên khi tham gia “Em còn nhớ hay em đã quên”, mọi người đều tham gia trên tinh thần tự nguyện, vui là chính. Đoàn phim giống như gia đình. Chúng tôi lên xe rong ruổi cùng nhau khắp mọi miền đất nước, cứ ở đâu có cảnh đẹp là dừng lại quay, ngay cả khi không hề có trong kịch bản. Vào đến TPHCM, chúng tôi hết sạch tiền. Anh em trong đoàn phim còn phải tháo cả nhẫn, vòng, xem bán được gì thì bán để có thêm chút tiền trang trải cho phim. Tổng số tiền tôi bỏ ra làm bộ phim này là 145 triệu đồng” – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể lại.
Vào thời điểm năm 1992, dòng phim mì ăn liền đang hưng thịnh, phát triển rầm rộ. Khán giả xếp hàng đi mua vé xem phim. Cát-xê diễn viên cao ngất ngưởng. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã đánh liều mời một trong những ngôi sao hàng đầu thời ấy là Lê Công Tuấn Anh.
“Lúc ấy, Lê Công Tuấn Anh rất nổi tiếng, ngang với những tên tuổi hàng đầu dòng phim thương mại là Lý Hùng hay Lê Tuấn Anh. Cậu ấy là diễn viên ăn khách bậc nhất, nhưng không hề hét giá cát-xê hay có đòi hỏi, yêu cầu gì. Ngay khi tôi ngỏ lời mời tham gia bộ phim lấy cảm hứng từ 11 ca khúc của Trịnh Công Sơn, Lê Công Tuấn Anh đồng ý ngay.
Trong ký ức và trí nhớ của tôi, Lê Công Tuấn Anh rất giản dị, hiền lành, tốt tính. Cát-xê của cậu ấy lúc đó rơi vào khoảng 30 triệu đồng/phim. Nhưng cậu ấy đã vui vẻ tham gia “Em còn nhớ hay em đã quên” với mức cát-xê 5 triệu đồng” – NSƯT Nguyễn Hữu Phần kể lại.
Lê Công Tuấn Anh trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”. Ảnh: CMH
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Lê Công Tuấn Anh đã nhận cát-xê rất ít ỏi vì kinh phí của “Em còn nhớ hay em đã quên” hạn hẹp. “Nhiều người trong đoàn phim đã tham gia mà không hề đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì, cũng không hỏi tiền, chỉ nhận chút tiền công gọi là. Tôi rất quý trọng tình cảm của mọi người. Sự gắn bó, chia sẻ của anh em trong đoàn phim chính là điều khiến tôi nhớ mãi”.
Ngay khi ra mắt, “Em còn nhớ hay em đã quên” được một Việt Kiều đề nghị mua lại với giá 5.000 USD, nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từ chối. Quá trình phát hành phim gặp nhiều sóng gió. Sau nhiều đề xuất hợp tác không thành, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần quyết định tự đứng ra phát hành, quản lý vé, nhưng không làm xuể.
Đạo diễn kể lại: “Tôi không phải là người giỏi kinh doanh, nên cuối cùng phim chỉ lãi chút ít. Số lãi vừa đủ để tôi trả lãi cho số nợ đã đi vay để làm phim. Chỉ còn dư không đáng kể. Nhưng đến khi Lê Công Tuấn Anh mất, có hãng phim mua để phát lại, họ đã chuyển tôi thêm tiền bản quyền. Bộ phim cũng đoạt 5 giải Bông Sen Vàng ở Liên hoan phim quốc gia lần thứ 11 ở cả hạng mục phim truyện, đạo diễn, diễn viên… Điều tôi nhớ nhất, trân trọng nhất, là tình cảm và sự chia sẻ của anh em trong đoàn. Ngày ấy, chúng tôi làm phim vui lắm”.
Chính đạo diễn “Em còn nhớ hay em đã quên” là người viết và đọc điếu văn tại tang lễ của Lê Công Tuấn Anh. Ảnh: TL
Và với đạo diễn – NSƯT Nguyễn Hữu Phần, Lê Công Tuấn Anh thực sự là một diễn viên đặc biệt, là người nghệ sĩ ông ấn tượng nhất trong cuộc đời làm phim của mình.
Trong ký ức và câu chuyện của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ông dành rất nhiều tình cảm cho nam diễn viên: “Lê Công Tuấn Anh làm việc rất chuyên nghiệp. Cậu ấy luôn đến đúng giờ, tự chuẩn bị mọi thứ, luôn sẵn sàng với một ba-lô lỉnh kỉnh đủ mọi đồ. Lê Công Tuấn Anh là người thú vị, sáng tạo, nhanh nhạy, nhạy cảm… Và cô đơn tận cùng. Tôi có duyên với Lê Công Tuấn Anh. Bộ phim cuối cùng của cậu ấy cũng là phim tôi làm – “Ngọt ngào và man trá”.
Mỗi khi ra Hà Nội quay, Lê Công Tuấn Anh đều vào nhà tôi ở. Chúng tôi đã nói chuyện và tâm sự rất nhiều. Tôi cũng là người viết và đọc điếu văn trong tang lễ của Lê Công Tuấn Anh. Tôi viết cho cậu ấy những dòng tận đáy lòng…
Tôi mong Lê Công Tuấn Anh yên nghỉ, bởi điều quan trọng nhất trong cuộc đời cậu ấy đã làm được, đó là khi còn sống – chúng ta để lại được gì cho cuộc đời này? Lê Công Tuấn Anh đã để lại rất nhiều, những vai diễn đáng nhớ, những tình cảm đáng nhớ, và một nhân cách đẹp”.
Lê Công Tuấn Anh - tài tử được Trịnh Công Sơn yêu thích khi đóng "Trịnh"
Nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành lời khen khi anh đóng vai nhân vật Quang Sơn (ẩn dụ về Trịnh Công Sơn) trong bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên".
Cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh hoá thân rất giống với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: CMH
Hai bộ phim "Trịnh Công Sơn", "Em và Trịnh" đồng loạt ra rạp đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Giữa những luồng thông tin xoay quanh những bộ phim này, khán giả Việt bất ngờ tìm lại thông tin về bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" ra mắt vào năm 1992.
Bộ phim do đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn thực hiện với kinh phí chỉ vỏn vẹn 130 triệu đồng. Nhưng "Em còn nhớ hay em đã quên" vào thời điểm phát hành đã khiến người xem ấn tượng với nhân vật nam chính do cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh thủ vai.
Vai chính Quang Sơn được lấy cảm hứng từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quang Sơn của Lê Công Tuấn Anh có gương mặt hiền, luôn mỉm cười trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi người yêu đi lấy chồng hay bị giam giữ vì biến cố thời cuộc.
Ở "Em còn nhớ hay em đã quên", Quang Sơn có mối tình day dứt với Bích Diễm (Trương Ngọc Ánh) và Huyền Mi (ẩn dụ về Khánh Ly) do Hoàng Hồng Nhị vào vai.
Cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên". Ảnh: CMH
Trailer Em và Trịnh
Bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" ra mắt thời điểm 1992 đã có được thành công nhất định. Phim sử dụng nhiều nhạc phẩm bất hủ của Trịnh và lấy cảm hứng chính từ câu chuyện giữa Trịnh và Khánh Ly trong quãng thời gian ở Đà Lat.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã bật mí về ý kiến của Trịnh Công Sơn khi xem "Em còn nhớ hay em đã quên": "Anh Sơn bảo: 'Ơ, cái thằng này (chỉ Lê Công Tuấn Anh) trông giống tôi ngày bé ra phết. Và cái câu chuyện trong phim cũng giống đời tôi lắm. Nó không phải là tôi nhưng rất giống tôi".
Ở thời điểm đó, thập niên 1990, Lê Công Tuấn Anh đang ở đỉnh cao danh vọng. Cho đến bây giờ, nhiều thế hệ khán giả vẫn dành sự yêu mến cho Lê Công Tuấn Anh, xót xa diễn viên tài hoa nhưng bạc mệnh.
Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ông từng dẫn Lê Công Tuấn Anh đến gặp nhạc sĩ họ Trịnh.
Khi nam diễn viên qua đời, Trịnh Công Sơn chia sẻ rằng: "Thời điểm gặp Lê Công Tuấn Anh, tôi nhìn thấy ở cậu ấy một người nghệ sĩ. Một nghệ sĩ vô cùng cô đơn".
Năm 1997, giới nghệ sĩ chấn động khi Lê Công Tuấn Anh tự kết thúc cuộc sống của mình. Anh ra đi trong sự tiếc thương và là cú sốc lớn với đông đảo nghệ sĩ, khán giả. Cho đến bây giờ, Lê Công Tuấn Anh vẫn là gương mặt tiêu biểu, là tài tử sáng giá bậc nhất của điện ảnh Việt giai đoạn thập niên 1990 thế kỷ trước.
Về phim "Em còn nhớ hay em đã quên", nội dung chỉ tham khảo về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng đã truyền tải được câu chuyện, nhân vật và một "âm hưởng" rất Trịnh. Phim giành được 4 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI, trong đó có giải Phim hay nhất.
Không phải Em Và Trịnh, đây mới là phim có nam chính giống Trịnh Công Sơn nhất Bộ phim này hoàn toàn không mang mục đích tái hiện cuộc đời của Trịnh Công Sơn, mà chỉ lấy cảm hứng, "chắp vá" từ nội dung của 11 ca khúc do vị nhạc sĩ sáng tác. Sau một thời gian chiếu sớm với tận 2 phiên bản phim, Em Và Trịnh đang nhận về luồng ý kiến trái chiều từ khán giả....