LĐ Việt tại Angola: Những phận người kém may
Đa số người Việt tại Angola đều có việc làm ổn định, thu nhập trung bình từ 800-1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề nổi cộm, khiến nhiều người rơi vào vòng lao lý, mất mạng hoặc phải bán thân.
Đào hầm trốn cảnh sát
Anh Trần Văn Lộc, một chủ thầu xây dựng tại quận Viana (Thủ đô Luanda) cho biết, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng người lao động Việt Nam sang Angola làm nghề xây dựng rất đông. Họ có mặt ở hầu hết 18 tỉnh, thành phố của Angola. Theo anh Lộc, đa số lao động làm đúng công ty nhưng cũng có nhiều người phải sống chui lủi do giấy tờ không hợp pháp. “Để không bị bắt, nhiều nơi, người lao động phải đào hầm để trốn cảnh sát truy quét”, anh Lộc kể.
Tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt đầy sợ sệt của ông Đinh Xuân Phong khi bắt gặp đoàn chúng tôi ở vệ đường. Ông Phong năm nay 52 tuổi, quê ở Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình). Thông qua môi giới, ông Phong được đưa sang Angola làm thợ xây dựng. Sau khi có người đón tại sân bay Luanda, cả quãng thời gian sau đó, ông Phong sống trong sợ hãi.
“Hễ thấy cảnh sát là chúng tôi cắm đầu bỏ chạy vì giấy tờ không hợp lệ”, ông Phong nói. Có lẽ vì thấy trong đoàn chúng tôi có ông Bejami, người phụ trách cảnh sát khu vực Viana nên ông Phong luôn dè chừng. Khi được trấn an, ông Phong mới tiếp tục công việc. “Tôi sang đây mới được hai tháng, kiếm được chừng ngàn đô nhưng cuộc sống khổ lắm vì lúc nào cũng nơm nớp lo bị cảnh sát bắt giữ”, ông Phong nói.
Rất đông lao động Việt Nam tại Angola làm việc không hợp pháp
Làm việc với ông Phong hôm đó còn có Mai Xuân Lưu. Dù đã làm thợ xây dựng hai năm tại Angola, nhưng chưa ngày nào anh Lưu được yên. Lúc nào đầu cũng căng như dây đàn vì lo sợ bị cảnh sát phạt tiền. Theo anh Lưu, muốn sang Angola làm việc phải biết chút ít tiếng Bồ Đào Nha và quan trọng nhất là phải có người thân quen lo chỗ ăn chỗ ở và chỗ làm. “Những ai không có người quen, tốt nhất không nên đi vì sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, cạm bẫy. Ngoài việc bị cảnh sát bắt giữ, sống lang bạt dễ bị sốt rét mất mạng lúc nào không biết”, anh Lưu cho biết.
Video đang HOT
Vì giấy tờ không hợp lệ nên ông Đinh Xuân Phong luôn lo lắng
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng Thủ đô Luanda, bà Đào Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Angola tỏ ra buồn lòng khi thông tin, gần đây tại Luanda bắt đầu xuất hiện một số phụ nữ Việt bị bán vào ổ mại dâm. Theo bà Hương, nhiều lao động nữ vì không có người thân ra đón khi nhập cảnh vào Angola nên đã bị lừa, bị đem bán vào các động mại dâm. Cho đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh về nội dung tin nhắn của một số người không may bị lừa vào các động này. Biết đoàn nhà báo Việt Nam sang Angola (thông tin đăng trên trang web của cộng đồng người Việt), chị H.T. đã chủ động nhắn tin cho biết, chị là nạn nhân bị bán qua nhiều động mại dâm tại Angola. Qua tin nhắn, chị H.T. kể, chị bị lừa sang Angola bằng hộ chiếu của người khác. Khi sang Angola, chị bị bán với số tiền 8.000 USD. Từ tháng 9/2012 đến nay, chị H.T. đã bị bán nhiều lần. Hiện, chị H.T. đang ở tỉnh Lobango, rất muốn về Việt Nam nhưng không biết làm giấy tờ như thế nào.
Cùng cảnh ngộ, T. (quê Nghệ An) cũng bị lừa qua Angola để làm gái. Trong tin nhắn gửi cho tôi, T. viết: “Anh có thể giữ bí mật giùm em được không? Em không biết mấy về đất nước Angola. Trước khi đi, người ta bảo em qua bán quán, nhưng sang đây họ đã bắt em làm gái. Em chỉ một thân một mình bên này không biết làm gì cả. Giờ thấy bản thân mình nhục nhã. May có người thương đã đưa em ra với khoản tiền chuộc lên đến 10 nghìn USD. Em mong muốn các anh tìm hiểu thật kỹ những trường hợp như em để về cung cấp đầy đủ thông tin cho chị em tránh bị các đường dây đưa người xuất khẩu lao động trái phép tiếp tục lừa những người muốn đổi đời”.
Trăn trở của ngài Đại sứ
Trong câu chuyện về đời sống người Việt Nam tại Angola, ông Đỗ Bá Khoa – Đại sứ Việt Nam tại Angola nói với tôi rằng, đã đến lúc cần phải tổ chức lại để có điều kiện bảo vệ tốt hơn cho cộng đồng người Việt. Sở dĩ xảy ra những chuyện không vui gần đây vì đó là hệ quả của một thời kỳ đưa lao động đi ồ ạt và không được tổ chức bài bản.
Ông Đỗ Bá Khoa – Đại sứ Việt Nam tại Angola
Mong mỏi lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Angola là hai nước sớm đi đến ký kết Hiệp định hợp tác lao động để họ yên tâm làm ăn lâu dài, vừa đóng góp công sức tái thiết đất nước Angola vừa làm giàu cho bản thân, gia đình. Ông Đỗ Bá Khoa – Đại sứ Việt Nam tại Angola
Theo Đại sứ Khoa, đối với người lao động làm nghề xây dựng, việc quan trọng nhất là người đưa đi và người tiếp nhận phải đảm bảo được việc làm và thu nhập cho họ. “Hai bên phải có ràng buộc với nhau, có như vậy khi xảy ra vấn đề gì, Đại sứ quán mới có biện pháp để bảo vệ người lao động”, ông Khoa nói.
Điều khiến ông Khoa day dứt nhất là việc thời gian qua đã có tới gần 50 người Việt Nam tại Angola không may thiệt mạng do bị sốt rét. Theo ông Khoa, nếu họ được cảnh báo sớm về bệnh sốt rét khi ở Việt Nam cũng như bệnh thương hàn, bệnh tả, chắc chắn sẽ không bị chết oan uổng như vậy. “Viện phí ở Angola rất đắt đỏ (khoảng 800 USD/ngày) nên lao động muốn sang Angola làm việc nhất thiết phải có sức khỏe. Khi đến Angola, nằm ngủ phải nhớ mắc màn để tránh bị muỗi đốt”, ông Khoa khuyên.
Ông Khoa cho biết, mới đây, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Angola, chúng ta đã đề xuất việc tiến tới ký kết Hiệp định về hợp tác lao động với bạn. Có một thực tế, tại Angola hiện nay, số người bị mất hộ chiếu và có giấy tờ không hợp pháp rất nhiều. Vì sang Angola bằng visa du lịch đã hết hạn nên nhiều người phải sống chui lủi, luôn lo sợ bị cảnh sát xử lý. Do đó, ông Khoa cho rằng, nếu hiệp định được ký kết, sẽ tạo ra cơ hội lớn cho người lao động Việt Nam yên tâm làm ăn lâu dài tại Angola. “Angola là một đất nước nhiều tiềm năng. Cơ hội việc làm rất lớn, lương cao. Nhưng muốn sang đây làm việc, người lao động phải cân nhắc kỹ lưỡng vì không phải ai cũng có cơ hội trở thành triệu phú đô la”, ông Khoa nói.
Sau cái bắt tay chặt, chúng tôi nói lời tạm biệt Đại sứ Khoa, tạm biệt cộng đồng người Việt tại Angola để lên đường ra sân bay về Việt Nam. Khi máy bay sắp cất cánh, tôi thấy mặt trời châu Phi mọc đỏ lừ ở phía Tây. Thầm ước, những bất ổn hiện nay rồi sẽ sớm qua, tương lai của những phận người Việt nơi đất khách sẽ tươi sáng để khi về nước, ai cũng ấm no, hạnh phúc.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Angola cho biết, hiện có khoảng 2-3 nghìn người Việt Nam tại Angola tham gia Hội. Dù chưa có số liệu chính xác, nhưng theo ước tính, tổng số người Việt tại Angola hiện vào khoảng 45-50 nghìn người. Ngoài các chuyên gia giáo dục, y tế, số đông còn lại là lao động tự do (làm ảnh, buôn bán, xây dựng…). Đa số lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định từ 800-1.000 USD/tháng. Số lao động bị mất giấy tờ hoặc giấy tờ bất hợp pháp chiếm một phần rất nhỏ. Điều lo lắng với cộng đồng người Việt là hiện nay tại Angola xuất hiện một số nhóm người Việt có tay chân người bản địa thực hiện một số vụ cướp có vũ trang gây hoang mang trong cộng đồng. Một số tệ nạn cũng bắt đầu xuất hiện như các ổ nhóm mại dâm, buôn bán thuốc lắc. Hiện, cộng đồng và Đại sứ quán đã vạch mặt được các cá nhân và đang tìm các biện pháp để xử lý. “Ngoài việc hai nước tiến tới ký Hiệp định về hợp tác lao động, Angola sẵn sàng hợp tác với Việt Nam ký Hiệp định dẫn độ tội phạm. Việc này cần triển khai sớm để Hội và Đại sứ quán có cơ sở phối hợp và bảo vệ người lao động Việt Nam tại Angola”, ông Đức nói.
Theo Phong Cầm (Tiền Phong)
XKLĐ "chui" và nỗi ám ảnh kinh hoàng
An ninh bất ổn, công việc không ổn định, nỗi ám ảnh về bệnh sốt rét, xuất huyết,... những vấn đề nóng hổi đã được các lao động Việt tại Angola trao đổi trực tiếp với PV.
"Chưa sốt rét chưa biết Angola!"
Cộng đồng người Việt ở Angola trên facebook quy tụ gần 4.000 thành viên, chủ yếu là các công dân Việt đang sinh sống, làm việc tại quốc gia này.
Đây là diễn đàn chia sẻ những thông tin về tình hình bà con tại Angola, kết nối các lao động Việt Nam xa xứ.
Đây cũng chính là diễn đàn đã kêu gọi người dân Việt Nam tại Angola chung tay quyên góp tiền bạc để giúp đỡ, di chuyển các thi thể lao động xấu số về nước trong thời gian qua.
Phóng viên VietNamNet đã kết nối với Admin của diễn đàn cũng như nhiều thành viên, để cùng trao đổi những vấn đề nóng hổi trong công việc và cuộc sống của lao động Việt tại đây.
Anh Bùi Phi Long (xã Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết anh sang Angola đã được 1 năm, làm nghề xây dựng cho chủ thầu người Việt ở thủ đô Luanda.
"Lao động sang đây chủ yếu làm xây dựng, một số ít kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết đều sống tạm bợ, công trình nước sạch hiếm hoi, vấn đề ăn uống rất khó khăn" - anh Long cho biết.
Còn anh Phạm Ngọc Ánh cho hay: "Tôi qua đây 2 năm rồi, hiện làm ở Luanda. Cuộc sống ở đây rất khó khăn, ăn uống kham khổ, rau xanh không có, thực phẩm toàn đồ đông lạnh như gà Gô Trung Quốc nhưng không phải lúc nào cũng có. Thậm chí 2, 3 ngày anh em không có thức ăn để nấu nướng, phải ăn cơm trắng, cháo trắng để đi làm".
Thi thể lao động Việt bị cướp giết chết ở Angola - Ảnh: Cộng đồng người Việt ở Angola
Điều kiện sống khắc nghiệt nên bệnh tật luôn hoành hành tại Angola. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với lao động Việt Nam là bệnh sốt rét.
Thời tiết Angola chia thành mùa mưa và mùa khô. Anh Lương Ngọc Tuấn (SN 1991, quê Hà Tĩnh) cho biết, hiện tại Angola đang bắt đầu vào mùa khô, bệnh sốt rét rất phổ biến.
"Em qua đây được 3 năm, rất nhiều lần mắc sốt rét. Bọn em ở đây đều nói vui với nhau là "chưa sốt rét chưa biết Angola" - Tuấn cho hay.
"Bệnh sốt rét không phải là ám ảnh mà là nỗi kinh hoàng của người lao động. Số người chết vì sốt rét còn nhiều hơn cả do cướp bóc" - anh Phạm Ngọc Ánh kinh hãi cho biết.
Làm chui lủi, ở tạm bợ
Lao động Việt Nam đến quốc gia này chủ yếu làm các công việc như xây dựng, photocoppy, đánh máy, bán quần áo, sửa chữa xe máy, kẻ móng tay chân.
Đặc biệt gần đây xuất hiện các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam qua Angola bán dâm cho người Việt và cả người bản địa.
Người Việt chủ yếu tập trung ở thủ đô Luanda và một vài thành phố khác. Phần lớn các lao động tập trung vào ngành xây dựng, làm công nhân cho các chủ thầu người Việt.
"Anh em ở đây thường chia làm nhiều nhóm cạnh tranh với nhau, bề ngoài thì vui vẻ nhưng bên trong thì giữ miếng với nhau, nhiều lúc đã xảy ra xô xát, dằn mặt nhau về công việc làm ăn".
Các lao động Việt Nam qua Angola chủ yếu bằng đường du lịch, bất hợp pháp.
Các lao động Việt Nam qua Angola chủ yếu bằng đường du lịch, bất hợp pháp. Nguồn tin cho biết tại Angola, Cơ quan quản lý người nước ngoài (De Far) thường xuyên truy quét người nhập cư bất hợp pháp, do đó lao động Việt luôn sống, làm việc trong nơm nớp sợ hãi có thể bị bắt và trục xuất bất cứ lúc nào.
"Ở đây mỗi ngày có chừng 10 người Việt Nam bị bắt giữ. Hiện có hơn 500 lao động Việt bị giam giữ tại nhà tù Viana (Luanda) chờ trục xuất về nước. Đối với những người hết hạn Visto, muốn ra khỏi nhà tù phải nộp từ 5.000 - 7.000 USD, những người chưa hết hạn cũng phải đóng khoảng 3.000 USD để được ở lại làm việc.
Các lao động Việt Nam sang đây được hứa hẹn sẽ nhận khoảng 800 - 1.000 USD/1 tháng. Nhưng thực tế không phải như vậy khi tiền lương chủ yếu tính theo ngày làm trong khi công việc và cả chỗ ở cũng không ổn định. Chủ thầu lại không trả lương trong 5 - 7 tháng đầu nên ai nấy đều lâm vào cảnh khốn đốn. Nhiều vụ xung đột giữa lao động và chủ thầu đã xảy ra" - anh Phạm Ngọc Ánh cho biết.
Một nỗi lo lắng thường trực của lao động Việt là nạn cướp bóc. Thủ phạm thường là những người bản địa. Các lao động còn thuật lại những việc kinh hoàng khi bị người bản địa xông vào tận nhà cướp, ban đêm ít ai dám ra đường.
"Sang đây nhiều cái phải sợ: cảnh sát, cướp bóc, bệnh tật, chủ không trả lương, thất nghiệp không có việc làm... Tôi qua 1 năm mà chưa nhận được lương, chán lắm" - anh Thái Duy Chuẩn (quê Nghệ An) cho biết.
"Thư gửi mẹ" từ nửa vòng trái đất
Trong cộng đồng người Việt ở Angola, anh Nguyễn Soạn là lao động khá đặc biệt. Anh từng là chủ của một doanh nghiệp với 30 nhân công.
Tuy nhiên, đam mê kinh doanh sớm thất bại, anh nhập vào dòng người đổ xô sang Angola làm việc kiếm tiền trả nợ.
Sang xứ người chưa được nửa năm, anh chia sẻ: "Cuộc sống ở Angola gần giống với cuộc sống ở những... bãi vàng".
Trước những áp lực bệnh tật, cướp bóc, bắt bớ xảy ra hàng ngày, người đàn ông "tam thập" này đã viết một bài thơ gửi về cho mẹ khiến cả cộng đồng ở đây xúc động:
"Nợ người cũng lớn chứ không Nghĩ nhiều cũng chẳng nên công trạng gì Đành bay sang xứ châu Phi Trước nhẹ đầu óc, sau vì tương lai .... Khó khăn tủi nhục nổi chìm Gian khó phải chịu cấm tìm rút lui Đêm nằm nhớ mẹ bùi ngùi Nhớ lời cha dạy sụt sùi tiếc thay Giàu ba mươi tuổi chớ hay Khó ba mươi tuổi thì mày đừng lo
Bây giờ chẳng lấy gì so Lời cha mẹ dạy còn to hơn trời Nghĩ về cha mẹ lệ rơi Cầu Phật cha mẹ được vơi nỗi buồn Nơi này con vẫn luôn luôn Thương cha nhớ mẹ buồn nhiều hơn vui Ngày qua đêm lại giật lùi Con luôn cố gắng đẩy lùi khó khăn... "
Và đó âu cũng là tâm trạng của hầu hết lao động Việt trên đất Angola, đang ngày ngày cố gắng "bám trụ", chui lủi kiếm tiền gửi về trả nợ.
Theo 24h
Đi XKLĐ "chui": Trở về chỉ nắm tro tàn Chỉ trong vài tháng, lao động quê Nghệ An liên tiếp tử vong tại Angola. Những vùng quê nghèo xao xác. Nỗi đau buốt lòng. Vành tang trắng thêm nặng trĩu bởi nỗi lo nợ nần của thân nhân người quá cố. Đi trai tráng, về trong quan tài! Như những thước phim đẫm nước mắt, chiếu chậm tại các làng quê nghèo...