Lầu Năm Góc tìm giải pháp an toàn cho vali hạt nhân
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, vali hạt nhân của nước Mỹ đã nhiều lần rơi vào tình huống mất an toàn, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ suýt lọt vào tay nhóm bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1 năm nay.
Chiếc vali hạt nhân theo sát cựu Tổng thống Trump trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2019, dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ảnh: AP
Theo CNN, Cơ quan giám sát của Lầu Năm Góc hôm 20/7 cho biết họ sẽ đánh giá các giao thức an toàn xung quanh “vali hạt nhân” của tổng thống – thiết bị bí ẩn chứa các mã cần thiết cho một cuộc tấn công hạt nhân – sau khi một chiếc cặp như vậy suýt rơi vào tay những kẻ bạo loạn xông vào Điện Capitol hôm 6/1.
Trong một thông báo ngắn gọn, văn phòng Tổng Thanh tra thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ đánh giá mức độ mà các quan chức Lầu Năm Góc có thể phát hiện và ứng phó nếu “Cặp Khẩn cấp Tổng thống” bị “mất, bị đánh cắp hoặc bị xâm phạm”. “Chúng tôi có thể thay đổi sau khi tiến hành đánh giá”, thông báo cho hay.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết những lo ngại liên quan đến cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021 đã thúc đẩy việc đánh giá lại giải pháp an toàn cho “vali hạt nhân” (hay cặp hạt nhân). Đúng vào ngày đó, Phó Tổng thống Mike Pence đang có mặt tại Điện Capitol cùng với một phụ tá quân sự mang theo một vali hạt nhân dự phòng, thì toà nhà bị đám đông ủng hộ Tổng thống khi đó Donald Trump xông vào náo loạn. Chiếc vali này chứa những mật mã mà Tổng thống Mỹ (hoặc Phó tổng thống trong trường hợp Tổng thống ở trong tình trạng không thể thực thi vai trò) sẽ sử dụng để xác thực lệnh phóng tên lửa hạt nhân nếu ông không có mặt tại Nhà Trắng.
Đoạn phim từ máy quay an ninh được công khai trong phiên tòa luận tội sau đó nhằm vào cựu Tổng thống Trump cho thấy ông Pence và phụ tá – người giữ chiếc túi – được đưa đến nơi an toàn khi người biểu tình tiến gần hơn đến vị trí của họ.
Nghị sĩ Stacey Plaskett cho biết tại phiên toà luận tội ông Trump: “Khi những kẻ bạo loạn lên đến đầu cầu thang, họ đã ở trong bán kính 30 mét từ nơi Phó tổng thống đang trú ẩn cùng gia đình, và họ chỉ cách một trong những cánh cửa dẫn vào phòng này vài bước chân”. Trong một video được xem xét tại toà, có thể nghe thấy những tiếng hét lớn “Treo Mike Pence lên” khi những kẻ bạo loạn đứng trước một cánh cửa mở toang trong Điện Capitol.
Vali hạt nhân bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy. Chiếc vali này mđi kèm với mã kích hoạt hạt nhân để Tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào.
Cựu Tổng thống Kennedy (trái) và phụ tá mang theo chiếc vali hạt nhân đầu tiên.
Chiếc vali nhỏ được bao bọc bởi một chiếc cặp da đen trông rất thời trang nhưng bên trong là cả một hệ thống điều khiển các tên lửa hạt nhân của nước Mỹ. Vali nặng khoảng 20 kg, có kích thước 45×35x25 cm, được chế tạo bằng hợp kim titan giúp bảo vệ các thiết bị bên trong an toàn trong những điều kiện bất lợi nhất.
Video đang HOT
“Vali hạt nhân” luôn luôn được giữ ngay gần Tổng thống Mỹ. Ngoài ra có một chiếc vali dự phòng luôn sát cánh với phó tổng thống trong trường hợp tổng thống không thể thực hiện trách nhiệm phóng hạt nhân của mình. Bên cạnh các thiết bị, chiếc vali còn chứa những giấy tờ ra quyết định mà tổng thống, hoặc phó tổng thống sẽ cần xác thực mệnh lệnh để phát động một cuộc tấn công hạt nhân.
Ông Stephen Schwartz, một thành viên cấp cao ktại Bản tin Các nhà khoa học nguyên tử, nói với CNN: “Không một đánh giá nào như vậy đã từng được thực hiện trước đây. Một cuộc nổi loạn bạo lực trong nước gần như chắc chắn không nằm trong kịch bản các mối đe dọa của Bộ Quốc phòng và Sở Mật vụ cho đến sự kiện sáu tháng trước, và đó là sự kiện duy nhất được biết gần đây đặt vali hạt nhân vào nguy cơ tiềm ẩn đáng kể, dẫn đến mức độ lo ngại như thế này”.
Một chiếc vali hạt nhân “nghỉ hưu” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh: Guardian
Theo các quan chức Mỹ, ngay cả khi những kẻ bạo loạn kiểm soát chiếc vali, bất kỳ lệnh tấn công hạt nhân nào vẫn cần được quân đội xác nhận và xử lý.
Tuy nhiên, sự cố ngày 6/1 chỉ là một trong số nhiều lần an toàn của chiếc vali hạt nhân bị đặt dấu hỏi trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Vào tháng 11/2017, khi ông Trump đang ở Bắc Kinh ăn trưa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thì ở phòng khác, một quan chức an ninh Trung Quốc đã xô xát với phụ tá quân sự Mỹ mang theo chiếc vali.
Chánh văn phòng Nhà Trắng lúc bấy giờ là John Kelly, một tướng về hưu cao lớn, oai phong đã can thiệp “thể chất” với quan chức Trung Quốc để đảm bảo chiếc cặp hạt nhân không bị tách khỏi viên phụ tá quân sự. Đây là tiết lộ từ một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Trump. “Nói với họ rằng họ có thể đến xin lỗi tôi ở Washington”, ông Kelly nói sau sự việc, theo lời kể của nguồn tin trên.
Một phụ tá mang “cặp hạt nhân” bước lên trực thăng Marine One cùng cựu Tổng thống Donald Trump trước khi bay từ Nhà Trắng đến Florida ngày 8/5/2019. Ảnh: Reuters
Vào ngày 20/1 năm nay, ông Trump đã nhất quyết rời Washington trước lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, đồng nghĩa là chiếc vali hạt nhân sẽ phải đi cùng ông cho đến khi người kế nhiệm Biden tuyên thệ nhậm chức. Ông Trump đã được một phụ tá quân sự tháp tùng mang chiếc cặp hạt nhân đến Palm Beach, Florida, và giữ nó gần ông cho đến khi nhà tỉ phú không còn là tổng thống nữa.
Theo CNN, Chủ tịch Tiểu ban An ninh quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện Stephen Lynch và Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng Chiến lược thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Jim Cooper đã hoan nghênh quyết định của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng trong việc đánh giá các thủ tục an toàn với vali hạt nhân sau những gì xảy ra vào ngày 6/1. Trong một tuyên bố chung cả hai cho biết: “Cuộc nổi loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 không chỉ là một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ của chúng ta mà còn khiến an ninh quốc gia gặp nguy hiểm nghiêm trọng.Theo các báo cáo công khai, khi Phó Tổng thống Pence vội vã sơ tán đến nơi an toàn cùng với một phụ tá quân sự mang theo Cặp Khẩn cấp, hay còn gọi là “vali hạt nhân, các quan chức Lầu Năm Góc không biết rằng chiếc va li có khả năng sẽ rơi vào tay một đám đông vô pháp chỉ trong vài giây”.
Mặc dù vali hạt nhân không bị tổn hại trong cả hai vụ việc, nhưng nó đã đặt ra câu hỏi liệu các quy trình, thủ tục liên quan đến thiết bị này có hiệu quả và an toàn hay không.
Chân dung Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Việt Nam
Tướng Lloyd Austin, người da màu đầu tiên trở thành "ông chủ" Lầu Năm Góc, sẽ đến thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhằm tái khẳng định cam kết của Washington với khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: Getty).
Lầu Năm Góc ngày 19/7 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Singapore, Việt Nam và Philippines từ ngày 23/7. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ông Austin dự kiến thăm chính thức Việt Nam từ 28-29/7/2021 để thúc đẩy, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước.
Người da màu đầu tiên trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Ngày 22/1, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Thượng viện Mỹ đã phê duyệt đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng cho ông Austin. Đây được xem là dấu mốc lịch sử khi ông trở thành người da màu đầu tiên nhận trọng trách đứng đầu Lầu Năm Góc.
Ông Austin, 67 tuổi, từng nắm giữ nhiều vị trí cao trong quân đội Mỹ như Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ. Ông về hưu năm 2016 sau 41 năm phục vụ trong quân ngũ. Sau đó, ông tham gia vào hội đồng giám đốc của Raytheon - một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất tại Mỹ.
Vị tướng 4 sao về hưu được xem là một chỉ huy mẫu mực, cẩn trọng, có năng lực. Trong sự nghiệp quân ngũ, ông Austin từng nhiều lần đạt được cột mốc "đầu tiên". Ông là tướng da màu đầu tiên chỉ huy một sư đoàn quân trong chiến đấu và giám sát toàn bộ các hoạt động tác chiến. Ông cũng là người da màu đầu tiên lên chức phó tham mưu trưởng lục quân.
Hồi đầu năm, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông Austin, khi đó là ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, tuyên bố rằng sẽ tập trung vào sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc.
"Tầm quan trọng của Đông Nam Á"
"Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin cho thấy tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á cũng như vai trò thiết yếu của ASEAN trong kiến trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với chính quyền Biden - Harris", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong thông báo tuần trước.
"Chuyến thăm sẽ nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN", ông Kirby cho hay.
Trên Twitter, ông Austin cho biết "các quan hệ đối tác và liên minh mạnh mẽ là chìa khóa để hỗ trợ trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương" và đây là lý do để ông tới thăm các quốc gia Đông Nam Á.
Trong thông điệp được đăng tải trên trang web Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Austin cho biết: "Tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác về việc chúng ta sẽ cập nhật và hiện đại hóa năng lực của chúng ta cũng như của họ như thế nào để cùng nhau giải quyết những động thái gây hấn và ép buộc mà chúng ta đang chứng kiến. Tôi sẽ trao đổi với các bạn bè của Mỹ về cách chúng ta sẽ hợp tác để theo đuổi tầm nhìn về động thái răn đe tổng hợp".
Ông Austin hôm 21/7 cũng nhấn mạnh rằng, tự do hàng hải và tự do hàng không là rất quan trọng với Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Ông cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục các nhiệm vụ nhằm đảm bảo mục tiêu trên trong khi tuân thủ luật lệ quốc tế. "Ông chủ" Lầu Năm Góc nhấn mạnh, thông điệp mà ông mang tới khu vực là các đối tác và đồng minh của Mỹ có thể tin tưởng vào Washington trong tương lai.
Sau 6 tháng kể từ khi nhậm chức, ông Austin đã đến châu Âu 2 lần, và cũng đến thăm châu Á khi tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, đây là lần đầu ông tới với Đông Nam Á. Trước đó, ông từng có kế hoạch tới khu vực này hồi tháng 6 để tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore nhưng sự kiện này đã bị hủy vì dịch Covid-19.
Giới quan sát đánh giá, trong 6 tháng qua, chính quyền Biden đã thể hiện quan điểm với Trung Quốc tương đồng với chính quyền tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, trong khi Washington tập trung vào nhóm "Bộ tứ Kim cương" gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, Mỹ dường như chưa đẩy mạnh các hoạt động cụ thể ở Đông Nam Á.
Vì vậy, theo chuyên gia Renato de Castro từ Đại học De La Salle (Philippines), chuyến công du của ông Austin lần này sẽ thể hiện rằng, chính quyền Biden đánh giá cao tầm quan trọng của Đông Nam Á.
Chuyên gia Satu Limaye, Giám đốc trung tâm Đông Tây ở Washington (Mỹ), cũng nhận định rằng, chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden đang chú trọng hơn tới Đông Nam Á.
7 nghi phạm vụ ám sát Tổng thống Haiti từng được Mỹ huấn luyện Lầu Năm Góc xác nhận 7 nghi phạm có liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Haiti từng được Mỹ huấn luyện quân sự. Các nghi phạm vụ ám sát Tổng thống Haiti bị bắt giữ (Ảnh: Reuters). "Cho đến nay, chúng tôi đã xác định được 7 cá nhân là cựu thành viên của quân đội Colombia từng tiếp nhận một...