Lầu Năm Góc nói nhiều quốc gia sẽ gửi thêm vũ khí công nghệ cao cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết gần 50 nhà lãnh đạo quốc phòng trên khắp thế giới đã nhất trí chuyển giao thêm nhiều vũ khí tiên tiến hơn tới Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (trái) và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, trả lời phỏng vấn sau cuộc họp trực tuyến hôm 23/5 tại Washington. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, tại cuộc họp trực tuyến của Nhóm liên lạc quốc phòng về Ukraine tại Lầu Năm Góc hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từ chối công khai thông tin Mỹ có chuyển giao các bệ phóng tên lửa di động công nghệ cao cho Ukraine hay không. Tuy nhiên, ông Austin hé lộ rằng khoảng 20 quốc gia đã cam kết gửi các gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 3.
Cụ thể, ông cho biết Đan Mạch đã đồng ý gửi một bệ phóng và tên lửa chống hạm tầm xa Harpoon đến Ukraine để giúp Kiev bảo vệ bờ biển quốc gia. Theo hãng tin này, Hải quân Nga đã sử dụng tàu chiến bắn tên lửa hành trình tầm xa phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Tàu Nga cũng ngăn chặn các tàu thương mại cập cảng Ukraine.
Ngoài ra, ông Austin cho biết thêm rằng Cộng hòa Séc gần đây đã viện trợ trực thăng tấn công, xe tăng và tên lửa cho Ukraine. Italy, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan đã công bố các khoản viện trợ mới cho Ukraine gồm các hệ thống pháo và đạn dược.
Tại cuộc họp, giới chức Ukraine cũng trình bày rõ nhu cầu an ninh của nước này. Bộ trưởng Mỹ nhận định tất cả yêu cầu này đều phù hợp với những gì mà phương Tây đang viện trợ cho Kiev trong vài tuần gần đây, như hệ thống tên lửa và pháo tầm xa, tàu sân bay xe bọc thép và thiết bị bay không người lái.
Kết thúc cuộc họp, ông Austin cho biết: “Chúng tôi đã hiểu rõ hơn về các yêu cầu ưu tiên của Ukraine và tình hình trên chiến trường. Nhiều quốc gia đang tài trợ đạn pháo vô cùng cần thiết, hệ thống phòng thủ bờ biển và xe tăng, phương tiện bọc thép khác cho Kiev. Những nước khác đưa ra cam kết mới về việc huấn luyện binh sĩ Ukraine”.
Hiện Mỹ và nhiều quốc gia khác đang huấn luyện lực lượng Ukraine ở các nước châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AP
Trong khi đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cuộc thảo luận cấp thấp vẫn đang diễn ra, liên quan đến cách thức Mỹ có thể điều chỉnh việc huấn luyện các lực lượng Ukraine và liệu nước này có nên điều một số binh sĩ tới Ukraine hay không.
Mỹ đã rút một lượng binh sĩ của mình ở Ukraine trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giếng vào cuối tháng 2. Hiện Lầu Năm Góc chưa có kế hoạch đưa quân trở lại nước này. Tuy nhiên, bình luận của ông Milley để ngỏ khả năng quân đội Mỹ có thể quay trở lại đảm bảo an ninh cho đại sứ quán hoặc một vai trò phi chiến đấu khác.
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã mở cửa trở lại một phần và đang tăng nhân lực trở lại. Động thái này làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu Mỹ có cử lực lượng an ninh Thủy quân lục chiến đến bảo vệ đại sứ quán, hoặc có nên xem xét các lựa chọn khác hay không.
Tại cuộc họp, Tướng Milley cũng cung cấp thông tin chi tiết nhất từ trước đến nay về việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu kể từ cuối tháng 2. Theo đó, mùa thu năm ngoái, Mỹ có khoảng 78.000 binh sĩ tại châu Âu và con số này hiện tăng lên 102.000, trong đó bao gồm các thành viên tại 24 tàu chiến, 4 tàu ngầm, 12 phi đội tiêm kích, 2 đơn vị tác chiến không quân, 6 lữ đoàn lục quân, cùng các chỉ huy sư đoàn và quân đoàn.
90 phút cuối "căng như dây đàn" ở Lầu Năm Góc khi Mỹ rút khỏi Afghanistan
Giới chức quân sự Mỹ nín thở theo dõi những phút cuối cùng của chiến dịch di tản khỏi Afghanistan đêm 30/8 chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley (Ảnh minh họa: AP).
Theo hãng tin AP , tối 30/8, tại một căn phòng ở tầng hầm của trụ sở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã lặng lẽ theo dõi những thời khắc cuối cùng chiến dịch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan.
Một quan chức cho biết, họ nín thở theo dõi mọi hoạt động của chiến dịch di tản trong 90 phút cuối cùng từ chi tiết binh sĩ kiểm tra đường băng, vô hiệu hóa các hệ thống phòng vệ cho đến khi bước lên các máy bay vận tải quân sự C-17 rời Afghanistan trong đêm. Quan chức này mô tả, không khí bên trong căn phòng căng thẳng đến mức chỉ một tiếng động nhỏ cũng có thể nghe thấy. Chỉ đến khi máy bay C-17 cuối cùng cất cánh khỏi đường băng ở sân bay Hamid Karzai ở Kabul, các tướng lĩnh quân đội Mỹ mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Chiến dịch rút quân của Mỹ hoàn tất lúc 23h59 ngày 30/8, chỉ sớm hơn một phút trước thời hạn 31/8. Người lính Mỹ cuối cùng lên máy bay rời Afghanistan là Thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy sư đoàn không vận 82. Tướng Donahue đã được triển khai đến Afghanistan trong tháng này để đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul khi Mỹ đẩy nhanh nỗ lực rút quân và sơ tán trước hạn chót 31/8.
Quân đội Mỹ đã để lại một số thiết bị để Taliban tiếp quản điều hành sân bay Kabul gồm 2 xe cứu hỏa, thang lên máy bay, xe chất hàng lên máy bay.
Trong khi đó, AFP dẫn lời Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ, cho biết lực lượng quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa 73 máy bay cùng nhiều xe thiết giáp, các hệ thống phòng không công nghệ cao tại sân bay Kabul trước khi rời đi. "Những máy bay này không thể cất cánh được nữa. Chúng không bao giờ có thể vận hành lại được nữa", ông McKenzie nói.
Thiếu tướng Chris Donahue bước lên máy bay vận tải C-17 cuối cùng của Mỹ rời khỏi Kabul, Afghanistan vào ngày 30/8 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).
Quan chức này cho biết thêm, Lầu Năm Góc đã huy động gần 6.000 binh sĩ để kiểm soát và vận hành sân bay Kabul khi chiến dịch không vận bắt đầu từ ngày 14/8. Quân đội Mỹ đã bỏ lại khoảng 70 xe thiết giáp chiến thuật MRAP, mỗi chiếc trị giá lên tới 1 triệu USD, và khoảng 27 xe quân sự Humvee. Các xe thiết giáp chiến thuật này đều được vô hiệu hóa trước khi quân đội Mỹ rút đi.
Ngoài ra, Mỹ cũng bỏ lại hệ thống phòng không C-RAM vốn dùng để bảo vệ sân bay Kabul khỏi các cuộc tấn công bằng rocket. Hôm 30/8, hệ thống này đã đánh chặn một số rocket khi ít nhất 5 quả rocket phóng về phía sân bay Kabul. "Chúng tôi duy trì các hệ thống này cho đến tận phút cuối cùng. Việc vô hiệu hóa các hệ thống này vô cùng phức tạp. Chúng tôi đã quyết định vô hiệu hóa để chúng không thể sử dụng được nữa", ông McKenzie nói.
Chiến dịch không vận kéo dài hai tuần qua chính thức khép lại sự hiện diện quân sự kéo dài gần 20 năm của Mỹ tại Afghanistan sau khi hơn 2.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, và Washington đã tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến tại đây.
Máy bay Mỹ cuối cùng rời Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử
Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu cải tổ tránh gây thương vong cho dân thường Ngày 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã yêu cầu giới chức Lầu Năm Góc tiến hành cải tổ nhằm giảm số dân thường thiệt mạng trong các vụ không kích của quân đội nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN Động thái này được đưa ra sau khi xảy ra loạt...