Lào Cai duy trì phương châm “3 cần” giữ ấm cho học sinh vùng cao
Các biện pháp này đã được triển khai có hiệu quả giúp đảm bảo sức khỏe cho các em khi tới trường, đồng thời duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần trong những ngày mưa rét.
Để đảm bảo việc dạy và học được diễn ra bình thường trong điều kiện thời tiết giá lạnh đặc trưng của vùng cao, các trường vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp để giữ ấm cho học sinh theo phương châm “3 cần”, đó là: Cần kín gió, cần ăn uống nóng và cần ngủ ấm.
Các biện pháp này đã được triển khai có hiệu quả giúp đảm bảo sức khỏe cho các em khi tới trường, đồng thời duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần trong những ngày mưa rét.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi nhiệt độ dưới 10 độ C, học sinh sẽ được nghỉ học. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo đúng quy định này, số ngày nghỉ của học sinh ở nhiều địa phương của Lào Cai sẽ rất lớn, không bảo đảm đủ số tiết học trong năm. Do đó, các địa phương vùng cao như Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai… buộc phải áp dụng linh hoạt quy định này tùy theo tình hình thời tiết và thực tế cơ sở vật chất ở trường học.
Ngày 18/12, khi nhiệt độ trên địa bàn dao động trong khoảng từ 5-8 độ C, chỉ có một trường duy nhất trên địa bàn huyện Sa Pa phải cho học sinh nghỉ học là Trường Tiểu học Sa Pa với 35 lớp gồm 1.229 học sinh. Tại các trường học khác trên địa bàn thị xã, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường.
Học sinh được trang bị khăn mũ ấm khi đến trường.
Theo ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, việc cho học sinh nghỉ tránh rét do các trường chủ động trên cơ sở nắm bắt tình hình thời tiết thực tế: “Bởi vì ở Sa Pa có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, ví dụ như khu vực từ xã Mường Hoa trở xuống thường ấm hơn. Chính vì lẽ đó, UBND thị xã có văn bản chỉ đạo vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 6 độ C, Hiệu trưởng các trường sẽ chủ động quyết định việc nghỉ học, thông báo tới phụ huynh học sinh đồng thời, báo cáo cho Phòng Giáo dục và UBND thị xã nắm bắt”.
Video đang HOT
Ông Tân cho biết thêm, một số trường học, mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn duy trì việc dạy và học bình thường, bởi nhà trường được trang bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất thậm chí học sinh đi học còn đảm bảo giữ ấm tốt hơn ở nhà và không làm đảo lộn thời gian, công việc của phụ huynh. Do vậy, trong những ngày rét đậm, rét hại trên địa bàn Sa Pa, tỷ lệ chuyên cần học sinh các khối Trung học cơ sở, Tiểu học giảm không đáng kể với khoảng 0,3%.
Để làm được điều đó, ông Đỗ Văn Tân cho biết, công tác phòng, chống rét cho học sinh đã được ngành Giáo dục và Đào tạo Sa Pa quan tâm và chủ động từ đầu năm học. Cụ thể, từ nguồn đầu tư của thị xã Sa Pa và Sở Giáo dục và Đào tạo, hơn 10 tỷ đồng đã được Sa Pa dùng để duy tu sửa chữa phòng học như: Cửa sổ, cửa chính, lợp lại mái, lát lại nền và các hạng mục cơ bản trường lớp trong công tác phòng, chống rét.
Cùng đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đã sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn vận động xã hội hóa để bổ sung các trang thiết bị giữ ấm cho học sinh đặc biệt tại các trường vùng cao, khó khăn như: Chăn, ga, đệm, gối… chỉ đạo các đơn vị trường học không cho học sinh tập trung ngoài trời, hoạt động học tập chủ yếu diễn ra trong lớp.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết giảm sâu tại Sa Pa, ngành Giáo dục thị xã đã cải tạo nâng cấp hạ tầng điện cho các trường, bổ sung thiết bị sưởi ấm cho học sinh nhất là học sinh mầm non.
Hiện nay, tất cả các điểm trường có điện lưới tại Sa Pa đều được Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp lò sưởi ấm trong lớp học, giúp học sinh không bị lạnh rét trong quá trình học tập trang bị xốp trải nền lớp học cho tất cả các điểm trường bậc mầm non để học sinh không bị lạnh trong quá trình sinh hoạt tại lớp. Trong các bữa ăn, nhà bếp giữ ấm thức ăn bằng cách khi học sinh ngồi vào bàn ăn mới múc thức ăn…
Huyện Si Ma Cai hiện có gần 4.000 học sinh bán trú, nội trú, chiếm khoảng 50% tổng số học sinh. Thực hiện chống rét theo phương châm “3 cần”, tại các địa bàn khó khăn, các thầy cô tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để trang bị thêm quần áo ấm, mũ len, khăn quàng, giày ủng cho học sinh. Các trường có học sinh nội trú, bán trú quan tâm xây dựng thực đơn, đảm bảo chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, nước uống phải đủ nóng phòng ngủ không để gió lùa, có đủ chăn ấm. Các điểm trường phối hợp cùng với phụ huynh dự trữ củi để sưởi ấm cho các em.
Cùng với đó, các khu bán trú cũng được cấp thêm chăn, chiếu và che chắn các cửa sổ bảo đảm nhiệt độ phòng. Nhờ vậy, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng tỷ lệ chuyên cần của nhiều trường học những ngày qua vẫn được đảm bảo, các hoạt động dạy và học của thầy trò các nhà trường vẫn diễn ra bình thường.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai chia sẻ: những ngày rét đậm, rét hại, tỷ lệ chuyên cần của học sinh toàn huyện vẫn đạt ở mức cao (mầm non đạt 97,5% Tiểu học 99,3% Trung học cơ sở 97,7%), chưa có trường học nào phải cho học sinh nghỉ học vì nhiệt độ xuống thấp.
Để chủ động công tác phòng chống rét đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu hiệu trưởng các đơn vị trường học tổ chức tuyên truyền phụ huynh học sinh để giữ ấm cho học sinh khi đến trường học tập và sinh hoạt (đi học phải có giày dép, áo ấm, mũ len…).
Phòng lưu ý căn cứ vào điều kiện mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học tập hợp lý, không bắt học sinh phải mặc đồng phục nếu không đủ ấm hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời. Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh đi học đều và đi đến nơi về đến chốn, tránh bị nhiễm lạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trường học trong mùa rét, trong công văn chỉ đạo phòng, chống rét cho học sinh mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trường học bên cạnh việc nghiêm túc triển khai thực hiện nhiều nội dung phòng, chống rét cho học sinh cần đặc biệt lưu ý việc phòng, chống cháy, nổ khi sử dụng các thiết bị/bếp sưởi ấm cho học sinh.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho thấy, mùa Đông Xuân năm 2020-2021, Lào Cai sẽ trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại nặng hơn so với nhiều năm trở lại đây. Hiện, không khí lạnh vẫn đang tăng cường xuống Lào Cai nên trong một vài ngày tới, nhiệt độ các khu vực trong tỉnh vẫn sẽ tiếp tục giảm sâu.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để điều chỉnh, bố trí lịch học và khung giờ học phù hợp.
Giữ ấm cho học sinh vùng cao
Những ngày này, hầu hết các tỉnh miền Bắc nước ta, nhất là các tỉnh vùng núi cao, như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... đang chìm trong giá rét.
Nhiều nơi nhiệt độ ban ngày hạ xuống khoảng 10 độ C, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt thường nhật và lao động sản xuất của bà con. Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thời tiết rét buốt là các em học sinh.
Thấu hiểu sự vất vả và có phần cực nhọc của các em học sinh trong mùa đông lạnh giá, nhiều nhà trường, thầy cô giáo ở các địa phương miền núi phía đã có những việc làm, giải pháp sáng tạo góp phần phòng, chống giá rét cho học sinh. Một trong những sáng kiến điển hình là hệ thống công nghệ tạo nước nóng phục vụ học sinh sinh hoạt hằng ngày do đội ngũ giáo viên Trường THCS-THPT Bát Xát (Lào Cai) thiết kế.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Hệ thống tạo nước nóng gồm 3 nồi lớn được ủ bằng trấu suốt cả ngày lẫn đêm rồi chảy theo ống giữ nhiệt ra các bể nước, mỗi ngày có thể tạo ra khoảng 4.000 lít nước nóng đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tắm giặt cho hơn 300 em học bán trú tại trường.
Chi phí chỉ hết hơn 20 triệu đồng, thiết kế giản đơn, tiện lợi, nguyên liệu đầu vào dễ kiếm, rẻ tiền nên sáng kiến này được đánh giá rất kinh tế, hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở các trường miền núi. Nhưng ý nghĩa hơn, nhờ có sáng kiến của thầy cô mà từ mùa đông năm ngoái và trong mùa đông năm nay, hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số học bán trú tại Trường THCS-THPT Bát Xát đã có nước nóng để sinh hoạt, tắm giặt hằng ngày. Nhờ đó, các em không còn phải lặn lội đi lên rừng kiếm củi hay cuối tuần về nhà lấy củi mang đến trường để đun nước nóng như trước đây.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục, cùng sự chung tay góp sức giúp đỡ của các ngành, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện, hầu hết các điểm trường, nhà trường ở các địa phương vùng cao, biên giới xây dựng được trường, lớp kiên cố, khang trang nên cơ bản đã xóa được nhà tranh tre mái lá, lớp học tạm bợ.
Đại đa số học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn học hằng tháng. Vào mỗi mùa đông giá buốt, rất nhiều tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái đã tổ chức vận động được hàng nghìn bộ quần áo ấm, chăn bông để mang hơi ấm đến học sinh vùng cao.
Tuy vậy, do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện kinh tế gia đình, kinh tế địa phương còn rất khó khăn mà một bộ phận học sinh ở vùng cao vẫn phải đối mặt với nhiều vất vả, thiệt thòi. Để đến trường, bám lớp thường xuyên, một bộ phận học sinh dân tộc thiểu số vùng núi cao vẫn chưa hết cảnh co ro vì giá rét. Vì vậy, bất cứ việc làm thiết thực, giải pháp, sáng kiến nào mang lại sự no đủ, ấm áp cho các em đều rất đáng ghi nhận, khuyến khích.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết mùa đông năm nay sẽ rét buốt đậm hơn, kéo dài hơn so với mùa đông năm ngoái. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, chống rét cho học sinh vùng cao cần phải được coi là giải pháp ưu tiên hàng đầu để bảo đảm sĩ số lớp học, đồng thời góp phần giữ vững chất lượng dạy học ở các nhà trường.
Giữ ấm cho học sinh vùng cao không đơn thuần chỉ là một biện pháp giữ gìn sức khỏe cho các em trong mùa đông giá rét, mà còn nhen lên ngọn lửa tình yêu học đường và nuôi dưỡng niềm tin hướng tới tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ.
Đảm bảo sức khỏe cho học sinh vùng cao Yên Bái trước rét đậm, rét hại Đã một tuần qua nhiệt độ tại tỉnh Yên Bái luôn ở mức thấp, đặc biệt là đối với các địa phương vùng cao về đêm và sáng sớm trời rét đậm, rét hại. Đã một tuần qua nhiệt độ tại tỉnh Yên Bái luôn ở mức thấp, đặc biệt là đối với các địa phương vùng cao về đêm và sáng sớm...