Lãnh đạo trường cấp 2 Đống Đa kêu khó xử lý giáo viên dạy thêm ngoài trường
Theo lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Đống Đa, giáo viên đủ điều kiện được dạy thêm bên ngoài, còn họ dạy ai như thế nào do trung tâm, trường khó xử lý.
Triển khai nhiệm vụ đầu năm học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội nhiều lần quán triệt về việc dạy thêm, học thêm ở cấp trung học cơ sở. Lãnh đạo Sở khẳng định, hiệu trưởng trường nào nếu để diễn ra việc dạy thêm học thêm trái với quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng lưu ý một số trường hợp biến tướng cần phải được chú trọng, trong đó có việc một số giáo viên đưa học sinh ra học thêm ở trung tâm mà mình trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tạo nên một số vấn đề tiêu cực không đáng có.
Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những quy định cấm giáo viên đưa học sinh chính khóa ra trung tâm dạy thêm và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng quán triệt rất rõ, nhưng vẫn nạn dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan tại không ít trường trung học cơ sở trên địa bàn Thủ đô.
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, nhiều giáo viên Trường Trung học cơ sở Đống Đa “kéo” học sinh chính khóa ra ngoài trung tâm bên ngoài trường dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong phụ huynh.
Đáng nói, phụ huynh khối 6 Trường Trung học cơ sở Đống Đa bức xúc trước việc giáo viên chủ nhiệm “tiếp thị” phụ huynh ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm học về lớp bồi dưỡng văn hóa 1 tuần 4 buổi với mức học phí 120 đồng/buổi thời gian 1,5 giờ.
Tình trạng không ít giáo viên Trường Trung học cơ sở Đống Đa đưa học sinh ra học thêm ở trung tâm mà mình trực tiếp đứng lớp giảng dạy không phải chỉ một địa điểm mà xuất hiện trong nhiều ngõ, ngách quanh ngôi trường này.
Trở lại câu chuyện dạy thêm, học thêm tại Trường Trung học cơ sở Đống Đa, thông tin mới nhất phóng viên có được, phụ huynh một số lớp xác nhận, nhiều lớp dạy thêm phụ huynh đã nhận được thông báo dừng học thêm từ giáo viên chủ nhiệm, trung tâm dạy thêm.
Phóng viên cũng liên hệ với cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đống Đa về việc có nắm được việc giáo viên của trường dạy thêm tại một số địa chỉ không biển bảng, có dấu hiệu trung tâm trá hình.
Cô Đinh Thị Vân Hồng, người chịu trách nhiệm cao nhất lại không trả lời mà đề nghị phóng viên làm việc với Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Một địa điểm tổ chức dạy thêm cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đống Đa trong ngõ phố Lương Định Của. Ảnh: V.P.
Làm việc với phóng viên, cô Đặng Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đống Đa xác nhận một số hình ảnh phóng viên cung cấp giáo viên dạy thêm bên ngoài trung tâm là giáo viên của trường.
Lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Đống Đa cho rằng, theo quy định giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, có chuyên môn, năng lực sẽ được nhà trường tạo điều kiện được dạy thêm tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Cô Đặng Thanh Phúc cho rằng: “Bên ngoài nhà trường, Ban giám hiệu rất khó kiểm soát đối với giáo viên của trường tham gia dạy tại trung tâm dạy học sinh chính khóa hay không.
Cũng có thể học sinh thấy giáo viên dạy trên lớp có dạy ở trung tâm nên đăng ký học giáo viên đó. Học sinh đăng ký tự nguyện với trung tâm.
Chính vì vậy khó cho nhà trường, ban giám hiệu không có chức năng hay thẩm quyền đi kiểm tra những trung tâm dạy thêm mà giáo viên đăng ký tham gia”.
Video đang HOT
Học sinh lớp 7A11 Trường Trung học cơ sở Đống Đa học thêm tại địa chỉ số 12 ngách 5/2 phố Hoàng Tích Trí. Ảnh: V.P.
Lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Đống Đa cũng cho hay, nhà trường cũng khó xử lý nếu không có chứng cứ giáo viên ép buộc hay đưa học sinh chính khóa ra trung tâm dạy thêm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhà trường đồng ý cho bao nhiêu giáo viên ra ngoài trung tâm dạy thêm, cô Đặng Thanh Phúc cho biết, nội dung này hiệu trưởng nhà trường nắm rõ, văn phòng nhà trường không lưu.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như phụ huynh cung cấp thông tin, tại địa chỉ số 12 ngách 5/2 phố Hoàng Tích Trí (Ba Đình, Hà Nội) được cho là trung tâm Tràng An tổ chức dạy thêm.
Ngay sau khi thông tin phụ huynh phản ánh đến cơ quan báo chí, tại địa điểm tổ chức dạy thêm này đã tạm dừng hoạt động dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại địa điểm trên tổ chức cho một số lớp khối 6, khối 7 Trường Trung học cơ sở Đống Đa học thêm không thấy công khai lịch học, lớp học, học phí, giáo viên như theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại một số địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm trong những ngõ, ngách một số tuyến phố quanh Trường Trung học cơ sở Đống Đa như phố Lương Định Của, phố Phương Mai cũng không khai lịch học, lớp học, học phí, giáo viên.
Địa điểm tổ chức dạy thêm tại số 12 ngách 5/2 phố Hoàng Tích Trí có một bảng biển trung tâm bôi dưỡng văn hóa sau bụi cây. Ảnh: V.P.
Tìm hiểu của phóng viên cũng như phụ huynh Trường Trung học cơ sở Đống Đa cung cấp mức học phí 120.000 đồng/ca/1,5 giờ. Bình quân một lớp dao động từ 20-25 học sinh.
Như vậy, tính ra số tiền một ca trung tâm và giáo viên sẽ thu về từ từ 2,4 triệu đồng đến 3 triệu đồng cho thời gian giảng dạy 1,5 giờ.
Nếu như theo lịch học thêm của một học sinh lớp 6A7 Trường Trung học cơ sở Đống Đa học thêm tại Trung tâm Tràng An do giáo viên trên lớp trực tiếp dạy tại trung tâm, một tuần sẽ học 4 buổi. Như vậy, một học sinh sẽ phải bỏ ra số tiền 480.000 đồng/tuần, một tháng sẽ là trên 1,9 triệu đồng tiền học thêm.
Phụ huynh cấp 2 Đống Đa bức xúc vì giáo viên "kéo" học sinh ra ngoài dạy thêm
Ngay buổi họp đầu năm học, phụ huynh ngỡ ngàng khi được giáo viên tiếp thị cho các con học 4 môn chính Toán, Văn, Anh ở trung tâm bên ngoài trường.
Giáo viên tiếp thị dạy thêm học thêm
Đầu năm học mới không ít phụ huynh khối trung học cơ sở tại Hà Nội khó nghĩ vì được giáo viên chủ nhiệm tiếp thị về học thêm, dạy thêm tại trung tâm. Không đăng ký cho con học thì sợ con bị trù dập, rồi bị phân biệt đối xử giữa bạn đi học và bạn không.
Để yên thân cũng như lấy lòng giáo viên, nhiều phụ huynh đành gật đầu đăng ký cho con học thêm những môn như Toán; Văn; Anh tại trung tâm do chính giáo viên dạy chính khóa dạy.
Phụ huynh bức xúc nhưng chẳng biết kêu ai vì có kêu cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề mà có khi còn bị để ý.
Tình trạng giáo viên vừa dạy ở trường, vừa "kéo" học sinh ra trung tâm dạy thêm thời gian qua gây bức xúc dư luận, phụ huynh không hài lòng, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.
Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Đống Đa (quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) bức xúc trước việc đầu năm học giáo viên chủ nhiệm đứng ra chèo kéo phụ huynh đăng ký cho con học thêm bên ngoài trường.
Một phụ huynh có con học lớp 6 bức xúc trước việc con mới bước vào lớp 6 mà ngay buổi họp phụ huynh đầu tiên tại trường đã được giáo viên chủ nhiệm "tiếp thị" học thêm bên ngoài trường.
Theo phụ huynh này, mức học phí 120.000 đồng/buổi diễn ra 1,5 giờ. Học sinh sẽ học các môn văn hóa gồm Toán; Văn; Anh; Lý.
Học sinh học vào buổi sáng các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 5. Buổi sáng sẽ có 2 ca gồm ca 1 từ 7h30 đến 9h; ca 2 từ 9h đến 10h30. Riêng môn Văn của cô giáo chủ nhiệm sẽ học 2 ca vào sáng ngày thứ 4.
Nhiều ngõ ngách quanh Trường Trung học cơ sở Đống Đa xuất hiện các lớp dạy thêm, học thêm. Ảnh: Vũ Phương.
Không chỉ phụ huynh khối 6 của Trường Trung học cơ sở Đống Đa bức xúc trước việc con bị "nhồi" đi học thêm mà học sinh lớp 7 của trường này cũng phải đi học thêm ngoài trường từ năm lớp 6.
Phụ huynh Trường Trung học cơ sở Đống Đa thông tin thêm, ngày học thêm bắt đầu từ tháng 8/2020.
Đáng chú ý, phụ huynh cũng cho hay, giáo viên dạy thêm còn bố trí, tổ chức dịch vụ ăn bán trú tại cơ sở dạy thêm đối với học sinh có nhu cầu.
Trao đổi với phóng viên, một phụ huynh có con học lớp 6 Trường Trung học cơ sở Đống Đa thẳng thắn cho rằng: "Nếu như gia đình tôi có nhu cầu cho cháu đi học thêm sẽ tự tìm đến các giáo viên giỏi, phù hợp với con tôi để đăng ký theo học.
Tuy nhiên, việc giáo viên dạy chính khóa lại chèo kéo học sinh ra trung tâm dạy thêm do chính mình dạy là không đúng với quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ cũng như của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội".
Lớp 6A7 Trường Đống Đa học thêm cô giáo chủ nhiệm (mũi tên đỏ) tại một trung tâm gần trường. Ảnh: Vũ Phương.
Dạy thêm có cả dịch vụ bán trú
Phụ huynh này cũng đặt vấn đề: "Nếu con tôi không đi học thêm giáo viên dạy trên lớp có dạy ở trung tâm, vậy con tôi có được đối xử công bằng như các bạn cùng lớp theo giáo viên học ở trung tâm hay không.
Đa phần tâm lý phụ huynh thấy những bạn học cùng lớp con đi học thêm thầy cô dạy ngoài trung tâm mà con mình không đi sẽ rất e ngại cũng như sợ con bị trù nên đăng ký".
Phụ huynh này cũng thẳng thắn cho rằng: "Việc các thầy cô đi dạy thêm ngoài trung tâm bồi dưỡng văn hóa là nhu cầu chính đáng.
Nhưng việc các thầy cô kéo học sinh chính khóa ra trung tâm để dạy thêm sẽ khó đảm bảo tính khách quan, công bằng rằng giáo viên sẽ đối xử với học sinh đi học thêm và không đi học thêm".
Một phụ huynh khác nêu quan điểm: "Việc dạy thêm học thêm cũng là một nhu cầu có thật của một số phụ huynh, học sinh. Nhưng hãy để phụ huynh tự chọn thầy cô giáo phù hợp với con mình để theo học.
Còn việc học thêm, dạy thêm học sinh chính khóa chủ yếu là do o ép, do điểm số hoặc do phong trào học cho vui. Như vậy, rất lãng phí thời gian tiền bạc của phụ huynh và cũng khiến môi trường giáo dục méo mó".
Để tìm hiểu về việc dạy thêm, học thêm như phản ánh của phụ huynh Trường Trung học cơ sở Đống Đa, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt tại địa chỉ trên phố Hoàng Tích Trí.
Lịch học thêm, ảnh do phụ huynh cung cấp.
Địa chỉ học thêm trên chỉ cách Trường Trung học cơ sở Đống Đa vài phút đi bộ. Theo quan sát của phóng viên, địa điểm dạy thêm được tổ chức tại ngôi nhà của một người dân hơn là một trung tâm bồi dưỡng văn hóa.
Sau khi học sinh vào học, cánh cổng nơi tổ chức dạy thêm được đóng chặt. Hết giờ có một người phụ nữ lớn tuổi ra mở cửa cho học sinh về.
Chia sẻ với phóng viên sau giờ học thêm, nhiều học sinh lớp 7A11 Trường Trường Trung học cơ sở Đống Đa cho biết, học ở trung tâm chính là thầy cô dạy chính khóa trên lớp. Tại lớp học thêm không có học sinh nào khác học sinh lớp 7A11.
Một buổi học thêm khác cũng tại địa điểm này. Đó là lớp 6A7 Trường Trường Trung học cơ sở Đống Đa học thêm môn Văn.
Học sinh lớp 6A7 học ở trường thầy cô nào, sẽ học tại trung tâm thầy cô đó các môn Toán; Văn; Anh; Lý.
Theo quan sát của phóng viên, hết giờ dạy thêm, giáo viên dạy môn Văn của lớp này còn đứng ngoài cổng hỏi nay có em nào ăn bán trú thì đăng ký.
Không chỉ tại địa điểm trên tổ chức dạy thêm cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đống Đa, nhiều địa điểm khác trong ngõ ngách phố Lương Định Của cũng có các lớp học thêm tương tự cho một số lớp khối 7 và khối 8.
Theo thông tư số 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ tại Điều 4 quy định về các trường hợp không được dạy thêm.
Trong đó, Điểm b, Khoản 4 của Điều 4 đã nêu rõ "Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó".
Như vậy, việc nhiều giáo viên Trường Trung học sở Đống Đa dạy thêm tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa lại dạy học sinh chính khóa là vi phạm Thông tư số 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đắk Lắk: Kiểm tra việc dạy thêm, học thêm ở hàng loạt trường THPT Tuần tới, đoàn công tác của Sở GDĐT Đắk Lắk sẽ đi kiểm tra việc dạy thêm, học thêm ở một loạt trường THPT ở tỉnh... Ngày 28.6, ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk cho biết: "Sau vụ việc trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) tiến hành tăng tiết, cắt tiết...