Lãnh đạo tỉnh, thành phố chọn SGK lớp 2, lớp 6 cho chương trình mới
Tổng kết sau một học kỳ thực hiện chương trình GDPT mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đa số học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ ngày; kiểm tra định kỳ 2 môn Toán, Tiếng Việt các em đạt kết quả tốt.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương chuẩn bị thực hiện chương trình mới năm tiếp theo từ lớp 2, lớp 6, trong đó SGK do UBND các tỉnh, TP lựa chọn.
Một giờ học của cô trò Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội).
SGK gây khó khăn ban đầu cho giáo viên lớp 1
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020 -2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học với 16.323 điểm trường. Các địa phương đã sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp để mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm. Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0.98 ; trong đó phòng học kiên cố đạt 79.5%; phòng học bán kiên cố đạt 18.5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%.
Năm nay, toàn quốc tăng 152.301 học sinh so với năm học trước nhưng các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp. Vẫn còn các địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.
Ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã tiến hành các đoàn kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình ở một số địa phương, qua đó cho thấy, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp. Bộ cũng nhận được một số ý kiến về việc chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học, đặc biệt các nội dung liên quan đến sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, có một số nội dung chưa phù hợp và đã có chỉ đạo điều chỉnh, phủ hợp.
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận ngành đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt một số nội dung liên quan SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, giáo viên gặp khó khăn ban đầu trong quá trình tổ chức dạy và học. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Chất lượng giáo dục vẫn còn khoảng cách giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Một số đơn vị có tỷ lệ học sinh được học ngoại ngữ (Tiếng Anh) và Tin học còn thấp do thiếu GV (nếu có, đa số chỉ là GV hợp đồng). Số học sinh trên lớp ở một số nơi sĩ số cao ảnh hưởng chất lượng dạy học.
Chuẩn bị thực hiện SGK mới lớp 2, lớp 6
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, năm học 2020- cả nước triển khai đại trà chương trình GDPT 2018, bắt đầu với lớp 1.
Trước đó, Bộ có một buổi họp với tất cả các Sở GD&ĐT, đặt mục tiêu là cả nước sẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho học sinh lớp 1, giáo viên tốt nhất, điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện chương trình thành công. Bộ đánh giá các địa phương đều đã ưu tiên dành những giáo viên tốt nhất, có tâm huyết, có trình độ năng lực, trách nhiệm được tập huấn để tổ chức dạy lớp 1. Thứ hai là tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật, ưu tiên để các em học sinh được học ở lớp 1 với sĩ số phù hợp.
Đánh giá ban đầu sau 1 học kỳ triển khai, ông Độ khẳng định đã có sự chuyển biến tích cực từ cả học sinh và giáo viên. “Học sinh đã có thể đọc trơn một cách thuận lợi, một số em còn có thể đọc văn bản thành thạo. Các học sinh đặc biệt tự tin hơn, chủ động và có nhiều ý kiến được đưa ra phản biện. Sự đổi mới phương pháp dạy học đã phát huy được tính tự chủ, sáng tạo cho các em. Báo cáo của các địa phương đã cho thấy kiểm tra định kỳ 2 môn Toán, Tiếng Việt học sinh đạt kết quả khá cao”, ông Độ nói.
Ông Độ cũng cho rằng, khi thực hiện chương trình mới đã thấy rõ sự quan tâm tới học sinh lớp 1 của các địa phương. Từ việc còn nhiều tỉnh thành phố bố trí dạy 25 tiết/tuần đến nay không còn tỉnh nào để học sinh lớp 1 học 25 tiết/tuần mà đều học 2 buổi/ngày. Chúng ta tiếp tục chèo chống để thực hiện với lớp 2 và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 4 để học 2 buổi/ngày.
Thứ trưởng cũng đề nghị, một số tỉnh còn bố trí học sinh học ở điểm lẻ, cần quan tâm để hạn chế lớp ghép tiểu học, dành những gì tốt nhất cho học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1. Sĩ số trung bình học sinh/ lớp cả nước có 31,5 học sinh tiểu học/lớp nhưng một số địa phương như các TP lớn, tập trung khu công nghiệp, thì số lượng học sinh/lớp đông hơn, khiến chất lượng ảnh hưởng. Điều này rất cần các địa phương tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện chương trình mới năm tiếp theo từ lớp 2, lớp 6. Các địa phương phải tập huấn kỹ SGK và chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho giáo viên lớp 2. kế hoạch của SGK lớp 2 trước ngày 15/3 phải giới thiệu sách xong, trước 31/7 phải tập huấn xong để phát hành. Hai mốc thời gian này đề nghị các Sở, NXB phối hợp thực hiện tốt. Bộ sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phù hợp.
Bộ GD&ĐT cho biết, thẩm quyền quyết định lựa chọn SGK năm tới sẽ thuộc về UBND tỉnh, thay vì Thông tư 01 có thẩm quyền lựa chọn là các nhà trường. Địa phương nào có nhu cầu lựa chọn lại SGK lớp 1 thì gửi đề nghị lên UBND tỉnh để lựa chọn lại theo quy định của Thông tư 25.
Bất ngờ vì con đọc thông, viết thạo sau một học kỳ
Nhận tin con đạt điểm 10 Tiếng Việt, anh Quang Thạch, 37 tuổi, sửng sốt vì chỉ vài tháng trước đã nghĩ "không biết bao giờ con biết đọc, biết viết".
Đi họp phụ huynh sau khi con kết thúc học kỳ I năm học đầu tiên cấp tiểu học, anh Quang Thạch, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phấn khởi vì con trai nằm trong nhóm đạt 9-10 điểm hai môn Toán và Tiếng Việt. Lớp có 36 học sinh, 30 em đạt thành tích như vậy. Chỉ 6 em đạt 7-8, không em nào dưới 7.
Trước đó anh Thạch đã rất vui khi con đọc vanh vách câu chữ trong sách Cánh Diều, có thể đọc các bài tập đọc dài ở sách tập hai mà con chưa học tới. Thử đọc một câu cho con viết, anh ngạc nhiên thấy con viết được chữ nhỏ và khá nhanh dù chưa đẹp. Việc con có thể đọc thông, viết thạo chỉ sau 4 tháng học lớp 1 khiến ông bố bất ngờ bởi trước đó từng rất lo lắng trước thông tin tiêu cực về chương trình và sách giáo khoa mới.
Cuối tháng 9/2020, nhiều phụ huynh chia sẻ "đau đầu" khi thấy chương trình học quá nặng, con không thể theo kịp. Liền sau đó, hàng loạt "sạn" trong sách giáo khoa, đặc biệt là sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều được chỉ ra. Con cũng đang học sách Cánh Diều ở trường, bản thân dạy con học ở nhà thì bị chê là khác với cô giáo, trong khi con chưa từng học chữ hồi mầm non, anh Thạch không biết phải làm thế nào. Lo lắng con không thể đọc thông viết thạo khi hết lớp 1, anh cho con đi học thêm một giáo viên ngoài trường, 4 buổi một tuần.
Học được hai buổi, con trai về mếu máo "Con sợ đi học", ông bố đành cho nghỉ. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ thôi đến đâu thì đến chứ để con sợ học không phải cách hay", anh Thạch chia sẻ. Đến tháng 11/2020, anh Thạch thấy con bắt nhịp nhanh với các bài học. Thậm chí ở lớp, con được giao cùng học và hỗ trợ một bạn chậm hơn. Anh bắt đầu yên tâm và tin tưởng việc con đọc thông viết thạo sau lớp 1.
"Cô giáo thật giỏi", anh Thạch nhận xét, hy vọng sang học kỳ II cô kèm để con viết chữ sạch, đẹp hơn.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) trong giờ học Tiếng Việt sáng 19/1. Ảnh: Dương Tâm.
Nhận kết quả kiểm tra hết học kỳ I của con gái với điểm 9 và 10 môn Tiếng Việt và Toán, chị Ngọc Linh, 37 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, tỏ rõ bất ngờ. "Nếu nhìn vào khả năng tiếp thu của con những ngày đầu năm, chắc không ai nghĩ con có thể đọc, hiểu được đoạn văn dài gần nửa trang vở", chị Linh nói.
Khi con gái vào lớp 1 cũng là lúc gia đình chị Linh chuyển từ miền Nam ra Hà Nội. Vợ chồng chị vừa phải ổn định cuộc sống, vừa kèm cặp, chăm sóc con gái lớn lớp 5, con thứ hai vào lớp 1 cùng một bé trai hơn 1 tuổi. Những ngày đầu, chị Linh thường xuyên nhận được tin nhắn phản ánh của giáo viên, đề nghị gia đình sát sao chuyện học của con gái lớp 1 do bé hay mất tập trung. Người mẹ cũng "choáng" vì cho rằng chương trình và sách giáo khoa nặng hơn so với trước kia, dùng nhiều từ địa phương. Hai mẹ con phải cùng làm quen với nhiều thứ mới mẻ.
Số lượng buổi tối rảnh rỗi của bé ít lại, thay vào đó phải dành thời gian nhiều hơn để mẹ dạy đọc và viết. "Nhưng dạy mãi mà con vẫn tiếp thu chậm, lúc đó tôi thật sự nghĩ có lẽ cần cho con đi học thêm thì mới mong đọc, viết và theo kịp các bạn", chị Linh bộc bạch. Tuy nhiên, chồng chị động viên không nên sốt ruột, phối hợp với giáo viên kèm cặp con rồi đợi hết kỳ I xem sao.
Bất ngờ đầu tiên đến với chị Linh vào giữa tháng 12/2020 khi bé đọc vanh vách tên biển hiểu, nhãn hàng lúc cùng chị đi siêu thị. Chị phấn khởi, mua thêm truyện cho con đọc thì cứ một tuần, bé lại báo "đọc xong rồi" và xin mua thêm. Dần dần, những buổi tối "đánh vật" học chữ của hai mẹ con giảm xuống, thay vào đó chị Linh tăng thêm thời gian vui chơi, giải trí cho con.
Khi thông báo kết quả học kỳ I tới gia đình chị Linh, cô giáo cũng nhận xét con gái chị là một trong những học trò gây bất ngờ nhất vì bắt nhịp có phần chậm hơn các bạn, thời gian đầu cô trò "vật vã" nhưng đã bật hẳn lên trong giai đoạn cuối kỳ. "Theo sát và chứng kiến con tiến bộ, tôi thật sự rất phấn khởi khi con có thể đọc thông, viết thạo chỉ sau vài tháng", chị Linh chia sẻ.
Học sinh trường Tiểu học Võ Văn Tần, quận 6, TP HCM trong buổi học ngày 20/1. Ảnh: Lê Nam
Chị Đặng Thị Kim Chi, ở quận 2, TP HCM, cũng nhận kết quả tích cực sau khi con gái út hoàn thành kỳ học đầu tiên lớp 1. Người mẹ thừa nhận khi năm học bắt đầu, chị cũng lo lắng như nhiều phụ huynh, sợ con không học được chữ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ con lớn học lớp 4, chị Chi cho rằng chương trình và sách giáo khoa mới thực sự giúp trẻ năng động, hào hứng học.
"Đứa út học chữ nhanh hơn anh trai, làm phép tính cũng tốt hơn. Chỉ mất khoảng 2 tuần đầu bỡ ngỡ, sau đó bé tiếp thu bài tốt, hoạt bát trong khi bé trước phải mất gần hai tháng", chị chia sẻ.
Người mẹ đánh giá chương trình mới đi nhanh hơn chương trình và sách giáo khoa cũ, nhưng không nặng hơn. Trước đây chị phải cùng xem sách giáo khoa với con thì nay có thể lên mạng để nhận các tài liệu được chia sẻ, hoặc nhiều bài giảng hay ở dạng slide được đăng miễn phí trên trang web các trường uy tín. Nếu quá khó để con hình dụng, người mẹ mở Youtube Kid để minh họa trực quan.
Chị Chi cho rằng nhiều phụ huynh lo lắng, can thiệp nhiều vào chuyên môn sư phạm của giáo viên, gây ra tác dụng ngược, khiến trẻ căng thẳng hơn. Để trẻ đạt kết quả học tập khả quan, người mẹ đánh giá giáo viên mới là người hệ thống kiến thức và truyền đạt một cách bài bản, còn nhiệm vụ của phụ huynh là kèm cặp, khuyến khích con học tập.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1, trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang). Video: Dương Tâm.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.
Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.
Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh". Bộ Giáo dục và Đào yêu cầu 5 bộ sách rà soát, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp, riêng bộ Cánh Diều đã được phê duyệt nội dung điều chỉnh vào cuối tháng 12/2020.
Phụ huynh cùng con lớp 1 'chạy đua' kiểm tra học kỳ Hai tuần nay, chị Dương, 34 tuổi, phụ huynh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9, ôn bài cùng con mỗi tối trước đợt kiểm tra cuối kỳ ngày 7/1/2021. Đầu tuần trước, chị Dương được cô giáo phát nội dung kiểm tra với các yêu cầu cụ thể từng môn, đề nghị cha mẹ hợp tác, giúp con ôn tập. "Năm...