Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội: Trường học không được “tự quyết” chọn sữa học đường
“Không thể giao quyền cho các trường tự chọn sữa học đường vì không thể đủ năng lực. Đồng thời, chương trình cần có tính thống nhất trên địa bàn toàn thành phố”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.
“Trẻ thành phố béo phì nhưng thiếu chất”
PGS. TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Chẳng hạn, bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200ml. Sau 40 năm áp dụng, người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới.
Tại Thái Lan, chỉ số này là 170,3cm với nam và 159cm với nữ, ở Mỹ là 175,9cm với nam và 162,1cm với nữ, ở Trung Quốc là 172,1cm với nam và 160,1cm với nữ. Trong khi đó, ở Việt Nam chiều cao trung bình của nam mới đạt 163,9cm và 153,7cm với nữ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, khẩu phần canxi của người Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu khuyến nghị về canxi. Tỷ số canxi/phospho của khẩu ăn hiện thấp làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa canxi trong xương, gây ra tình trạng thấp còi.
Trong khi đó, một ly sữa dạng lọc 100ml chưa 100mg hàm lượng canxi. Vì vậy, việc uống sữa là một trong những cách để hấp thụ canxi, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ.
Tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 25/9, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các trường không đủ năng lực để tự thực hiện sữa học đường. (Ảnh: Đ.T)
Bà Nhung cho hay, hiện nay, trẻ em thành phố có tỉ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì mà sẽ bổ sung các vi chất để tăng chiều cao, bổ sung chất đúng như kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
“Khi thấy con béo phì, nhiều phụ huynh cắt sữa. Tuy nhiên, thực tế, các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi đều có lượng kalo nhiều hơn sữa. Trẻ béo phì không phải do sữa mà bởi nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn chiếc bánh quy, bánh giò hay bánh rán.
Video đang HOT
Việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm. Trẻ thừa cân béo phì vẫn cần canxi và thừa cân béo phì không phải do sữa mà là do chế độ ăn uống”, bà Nhung nói.
Các trường không được tự chủ
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc, hiện tại, đơn vị thực hiện đã tiến hành khảo sát năng lực triển khai chương trình sữa học đường của các trường trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là trường công lập, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, các trường tùy theo năng lực để có thể lưu trữ. Các trường lớn có thể lưu trữ sữa trong ngày và theo tuần với các trường nhỏ.
Đơn vị này cũng cho hay, đây là chủ trương đã được HĐND TP thông qua, nếu tỷ lệ phụ huynh đăng ký chỉ khoảng 50%, đề án vẫn được triển khai.
Theo đó, Bộ Y tế đặt hàng riêng sữa học đường với các công ty, chứ không phải sữa chọn ngẫu nhiên. Chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, vì sức khoẻ của học sinh, đảm bảo mọi thứ tốt nhất về chất lượng, giá cả… Sữa học đường có thành phần cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng để phụ huynh kiểm tra.
Hiện nay, trẻ em thành phố có tỉ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. (Ảnh minh họa)
Về tiêu chuẩn sữa, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: “Ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào. Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở GD&ĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống”.
Trước câu hỏi về việc có nên giao quyền tự chủ cho các trường học quyết định loại sữa học đường, ông Tiến cho rằng, không thể giao quyền cho các trường được vì không thể đủ năng lực cũng như chương trình cần có tính thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Hà Nội đã chủ động vào cuộc để triển khai một Đề án nhằm nâng cao tầm vóc, trí tuệ của học sinh mẫu giáo, tiểu học, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt để tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện.
Chương trình được triển khai hoàn toàn tự nguyện nên cần tuyên truyền để các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ, từ đó tham gia chương trình theo đúng tinh thần của Đề án.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Hà Nội: Ưu tiên phổ cập bơi cho học sinh Tiểu học
Hè năm 2018, Hà Nội sẽ có 232 bể bơi phục vụ học sinh tham gia Chương trình phổ cập bơi với số lượng học sinh gần 110.000 em.
Ngày 24/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác phổ cập bơi năm 2018 và công tác bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong trường học.
Tại hội nghị, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để đẩy mạnh công tác phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước trong dịp nghỉ hè của học sinh, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác phổ cập bơi, trong đó ưu tiên học sinh tiểu học.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10/2017, toàn TP có 728 trường tiểu học, 617 trường THCS với tổng số hơn 1,1 triệu học sinh. Trong số này có nhiều học sinh chưa biết bơi và cần được phổ cập trong thời gian tới.
Từ năm 2016 Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai công tác giáo dục tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.
Sở cũng đã đề nghị các các quận, huyện triển khai mô hình "Bể bơi thông minh" lắp đặt tại nhà trường để dạy bơi cho HS tiểu học. Công tác đào tạo bồi dưỡng cũng được Sở chú trọng.
Theo kế hoạch, năm 2018, thành phố sẽ có 232 bể bơi phục vụ học sinh tham gia Chương trình phổ cập bơi với số lượng học sinh gần 110.000 em.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với UBND các địa phương đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây dựng bể bơi mini hoặc lắp đặt bể bơi thông minh.
Bên cạnh đó, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả.
Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì hội nghị
Năm 2017, toàn thành phố có 26 bể bơi mini, 107 bể bơi thông minh được xây dựng và lắp đặt trong nhà trường và 94 bể bơi đóng trên địa bàn được phòng GD-ĐT phối hợp dạy bơi cho học sinh. Kết quả thành phố đã tổ chức dạy bơi cho hơn 100.000 học sinh với tỷ lệ biết bơi đạt hơn 90%.
Nhiều đơn vị làm tốt công tác phổ cập bơi cho học sinh như các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Trì...
Một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa tuy không có bể bơi trong trường học do diện tích của các trường còn hạn chế, nhưng các đơn vị đã chủ động tìm giải pháp nhằm thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh bằng cách phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn để dạy bơi cho học sinh.
Nhằm hạn chế những tai nạn thương tích cho học sinh, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới các phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND quận, huyện đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây bể bơi mini hoặc "Bể bơi thông minh" để dạy bơi cho học sinh trong dịp hè.
Thêm vào đó là việc tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi để tự đảm nhiệm việc dạy bơi cho học sinh, rà soát số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh, coi đây là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai.vn
Hà Nội: Ăn bớt khẩu phần của học sinh, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất! "Nếu ăn bớt khiến khẩu phần ăn của các cháu không đủ lượng dinh dưỡng và calo theo yêu cầu hoặc không đảm bảo định lượng mà phụ huynh học sinh bỏ tiền ra để mua cho con, nguồn gốc không rõ ràng, đó là tội ác. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất..." Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở...