Lạng Sơn tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và thứ hạng giáo dục
Hai năm đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã linh hoạt, chủ động các phương án dạy và học, để dù dừng đến trường nhưng không ngừng học.
Đây là tiền đề vững chắc để ngành GD-ĐT tự tin bước vào năm học mới.
Cô giáo mầm non ở Trường Mầm non xã Đồng Thắng trong một giờ học. Ảnh: Ngô Chuyên
Đưa ra nhận định trên, ông Dương Xuân Huyên – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng thời cho biết, Lạng Sơn huy động tối đa nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Không để thầy dạy chay, trò học chay
- Tỉnh Lạng Sơn đã làm những gì để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, thưa ông?
- Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2022 – 2023, trong đó quy định thời gian tựu trường, thời gian học tập của các cấp học. Trong khung kế hoạch năm học chúng tôi lưu ý ngành Giáo dục linh hoạt điều chỉnh sao cho phù hợp để thích ứng với diễn biến của dịch bệnh, thiên tai.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Giáo dục tập trung chuẩn bị điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị, SGK, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 ở các cấp học; chỉ đạo ban hành văn bản về công tác giáo dục và đào tạo (chỉ thị nhiệm vụ năm học 2022 – 2023); tháo gỡ khó khăn, vương mắc để có phương án xử lý kịp thời trước khi bước vào năm học mới.
Ông Dương Xuân Huyên phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022 và triển khai năm học 2022 – 2023. Ảnh: Ngô Chuyên
- Năm nay, Chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 3, 7 và 10. Lạng Sơn đã chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ra sao để tránh tình trạng dạy chay, học chay?
- Để đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu quy định tại Thông tư số 37, 38, 39 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở GD&ĐT, khảo sát nhu cầu, tổng hợp xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch mua sắm theo quy định.
Chúng tôi cũng chỉ đạo ngành Giáo dục phải đảm bảo đủ SGK, thiết bị dạy học tối thiểu cho học sinh, các trường trước khi bước vào năm học mới, không để tình trạng học sinh thiếu SGK, dụng cụ học tập; cơ bản đáp ứng nhu cầu trang thiết bị dạy và học trong các nhà trường và phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018.
Đối với trường ở xã đặc biệt khó khăn, tỉnh luôn lưu ý ngành Giáo dục quan tâm, có tham mưu, đề xuất để kịp thời hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “dạy chay, học chay”.
Lãnh đạo tỉnh tham gia kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: NVCC
Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
- Tình trạng thiếu GV diễn ra ở nhiều nơi và càng trầm trọng khi thực hiện Chương trình mới. Lạng Sơn có giải pháp, phương án khắc phục ra sao?
Video đang HOT
- Hiện, Lạng Sơn vẫn thiếu trên 1.000 GV. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh giao chỉ tiêu và yêu cầu sở GD&ĐT phải tổ chức tuyển dụng xong trước ngày 10/10/2022 để ổn định việc dạy và học.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo sở GD&ĐT, UBND các huyện/thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp lại cơ sở giáo dục theo hướng giảm trường, điểm trường; tiếp tục thực hiện điều động, bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, phân công dạy liên trường,…
Trước đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ học phí đối với giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 để thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 – 2025. UBND tỉnh giao cho sở GD&ĐT chủ trì triển khai đề xuất đào tạo văn bằng 2 đối với giáo viên giảng dạy các môn học chưa thực hiện đủ định mức giờ dạy. Đồng thời, sử dụng nguồn giáo viên dư thừa tại chỗ.
Tỉnh cũng yêu cầu sở GD&ĐT rà soát, xác định nhu cầu đào tạo giáo viên, thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 40 sinh viên (mầm non: 20; tiểu học: 12; sư phạm tiếng Anh: 2; sư phạm Tin học: 3; sư phạm Công nghệ: 3).
Theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lạng Sơn được giao bổ sung 257 biên chế giáo viên (mầm non: 117 giáo viên; tiểu học: 100; THCS: 26; THPT: 14). Với số biên chế này, tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng theo quy định để đảm bảo bổ sung kịp thời biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục. Do vậy, bài toán thiếu giáo viên đã có phương án tháo gỡ.
Buổi học của cô và trò Trường Tiểu học xã Đồng Thắng. Ảnh: Ngô Chuyên
- Ngoài học sinh diện khó khăn, thời gian qua, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đồng nghĩa trẻ bị cắt tiền hỗ trợ dẫn đến khó khăn trong việc mua SGK, đồ dùng học tập. Tỉnh có phương án ra sao để tránh tình trạng thiếu SGK đầu năm học mới?
- Năm học 2022 – 2023 là năm thứ ba thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ngày 7/4/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn đã công bố quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; danh mục SGK Tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 dùng trong các cơ sở GDPT.
Theo đó, các cơ sở GDPT có cấp tiểu học trên địa bàn đã nghiên cứu và lựa chọn theo danh mục SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 3, Tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 được UBND tỉnh phê duyệt để đăng ký với các NXB. Đồng thời, hướng dẫn nhà trường chọn SGK cho các môn học trên cơ sở danh mục SGK được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với SGK lớp 3, lớp 7 gửi các NXB trong tháng 6/2022. SGK lớp 10 thực hiện muộn hơn do ngày 3/8/2022 Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình GDPT.
Tuy nhiên để tránh tình trạng sách không đến tay học sinh trước năm học mới, chúng tôi yêu cầu các NXB, công ty phân phối sách và thiết bị phải cam kết hoàn thành việc cung ứng SGK các cấp tại tỉnh Lạng Sơn trước ngày 30/8/2022.
Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn kiểm tra tỉnh Lạng Sơn đến điểm thi kiểm tra công tác coi thi. Ảnh: NVCC
Q uan tâm đến người dạy và người học
- Là tỉnh còn nhiều khó khăn, Lạng Sơn có chính sách, chế độ như thế nào hỗ trợ cho nhà giáo đồng thời thu hút đội ngũ giáo viên trẻ, giỏi về các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa công tác?
- Những chính sách chế độ nhà giáo luôn được cả xã hội quan tâm. Đặc biệt là thầy cô đang công tác tại nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh Lạng Sơn đã có chính sách:
Hỗ trợ học phí đối với giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 – 2025.
UBND tỉnh chỉ đạo sở GD&ĐT rà soát, xác định nhu cầu đào tạo giáo viên, thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Những sinh viên sư phạm theo học các môn học mà Lạng Sơn có nhu cầu, cam kết về công tác sau khi tốt nghiệp sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt.
Đặc biệt, tỉnh xây dựng chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa phương cụ thể: Đào tạo trình độ tiến sĩ và tương đương tại nước ngoài 250 triệu đồng/người/khóa học; trong nước 200 triệu đồng/người/khóa học.
Đào tạo trình độ thạc sĩ và tương đương tại nước ngoài: 150 triệu đồng/người/khóa học; trong nước: 100 triệu đồng/người/khóa học; riêng nữ giới hưởng thêm 10% các mức khuyến khích tương ứng.
Mức hưởng chính sách thu hút một lần đối với tiến sĩ là 300 triệu đồng/người; thạc sĩ là: 200 triệu đồng/người. Nữ giới hưởng thêm 10% các mức khuyến khích tương ứng.
Với giáo viên công tác lâu năm ở vùng khó khăn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ngành Giáo dục sẽ rà soát và có chính sách luân chuyển, không để giáo viên phải công tác quá lâu tại vùng khó.
- Là tỉnh còn nhiều khó khăn, Lạng Sơn có chính sách, chế độ như thế nào nhằm hỗ trợ nhà giáo; đồng thời thu hút đội ngũ GV trẻ, giỏi về các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa công tác?
- Nhiều năm qua, Lạng Sơn đang tích cực, tập trung tuyên truyền về các chế độ, chính sách cho học sinh vùng khó; tăng cường vận động trẻ đến trường, thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Chính sách đối với học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn học tại trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú được đảm bảo theo quy định. Các nhà trường thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhất là trẻ mầm non, học sinh bán trú, học sinh nội trú. Thực hiện chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non; Chương trình sữa học đường giúp nâng cao thể trạng cho trẻ.
Những xã đặc biệt khó khăn, sau khi học sinh học xong cấp 1 được ưu tiên chuyển ra trường nội trú huyện học tập. Các trường PTDTNT có chế độ cộng điểm ưu tiên, khuyến khích và xét tuyển thẳng học sinh THCS học ở trường PTDTNT vào học THPT đối với học sinh nghèo, học sinh vùng 3 khó khăn. Quan tâm rà soát, thực hiện tốt chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn, để học sinh thấy được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Năm nay, ngành Giáo dục Lạng Sơn tiếp tục phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, qua đó xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn cho học sinh; thay đổi mô hình, cách thức giáo dục dập khuôn, máy móc, lạc hậu; hướng tới mục tiêu cao nhất của giáo dục là: “hạnh phúc và chất lượng”. Đồng thời, chú trọng thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025″.
- Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Lạng Sơn đặt mục tiêu và kỳ vọng gì trong năm học mới, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn?
- Chủ đề năm học 2022 – 2023 của Lạng Sơn là “đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Tôi kỳ vọng ngành Giáo dục Lạng Sơn đảm bảo an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; nỗ lực vượt qua khó khăn để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các cấp học.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, thực hiện thành công phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT.
Nâng cao số lượng, chất lượng giải các kỳ thi quốc gia; phấn đấu tăng thứ tự xếp hạng điểm thi tốt nghiệp THPT lên ít nhất 5 đến 7 bậc so với năm trước; thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong GD-ĐT của tỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Lai Châu: Học trò đồng bào dân tộc Mông háo hức ngày tựu trường
Ngày tựu trường đến gần, thầy và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng (Lai Châu) với chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông theo học đến nay cơ bản hoàn thành các công tác chuẩn bị, sẵn sàng chào đón năm học mới.
Chỉ 2 ngày nữa là đến ngày tựu trường, không khí tại khu vực trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) những ngày qua đều cho thấy sự hân hoan của những ngày cận kề năm học mới, cả bản làng vùng cao biên giới trở lên rộn ràng hơn bao giờ hết.
Điều kiện sinh hoạt vùng núi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cùng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, năm nay sẽ là một năm học thật đặc biệt đối với thầy và trò nơi đây.
Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng có tổng số 854 học sinh (trong đó 380 học sinh bán trú) chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông trải dài trên 12 bản trên địa bàn xã. Toàn trường có 31 lớp ở tất cả các cấp học và 58 giáo viên.
Ngoài điểm trường chính đóng tại trung tâm xã với 25 lớp học được xây dựng khang trang, trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng hiện còn có 4 điểm trường ở các bản với 6 lớp học.
Các điểm trường bản có 3 lớp (gồm: Lớp dành cho học sinh mầm non, lớp 1 và lớp 2). Khi các em lên lớp 3 sẽ về điểm trường chính học và được ở bán trú. Mỗi học sinh ở bán trú còn được nhà nước hỗ trợ 596.000 đồng tiền ăn/tháng, gạo được cấp riêng. Chế độ dinh dưỡng được bảo đảm, trường có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho học sinh và giáo viên.
Năm học mới đến gần, các em học sinh của trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) dành cả tháng vừa qua để chuẩn bị những tiết mục văn nghệ cho ngày khai giảng.
Thầy, cô giáo mỗi người mỗi chân, mỗi tay cũng đang hối hả chăng cờ, kết hoa, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp.
Thầy Lê Quốc Phòng, Phó hiệu trưởng Nhà trường, cho biết, đối với trường vùng sâu, vùng xa như Tà Tổng, trang thiết bị hỗ trợ việc học trực tuyến không bảo đảm, thì việc năm nay các em được trực tiếp đến trường khiến cả thầy và trò đều rất vui mừng.
Năm nay, được sự hỗ trợ của Quân khu 2, trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng đã có 16 phòng bán trú kiên cố, khang trang để học sinh có chỗ ăn ở, yên tâm học tập.
Tại Lai Châu, việc đi lại còn nhiều khó khăn, hành trình theo đuổi con chữ dường như còn biết bao gian nan. Mỗi năm học mới về, thầy cô với nỗ lực "đến từng nhà, rà soát từng bản" đã vận động được các em học sinh đến trường đầy đủ.
Có lẽ, đối với mỗi người thầy, đặc biệt là những người thầy nơi biên cương, niềm vui đơn giản chỉ là mỗi ngày đứng trên bục giảng, là mỗi ngày nhìn thấy các em học sinh đến trường đẩy đủ và ngày càng trưởng thành.
Năm học mới 2022-2023 là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục phổ thông Năm học mới 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu toàn ngành cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục...