Lan tỏa “văn hóa đọc” trong cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nam
Gần 18h, ghé qua phòng đọc sách của Công an tỉnh Hà Nam, chẳng ngạc nhiên khi chúng tôi nhìn thấy bên những dãy bàn, nhiều chiến sĩ trẻ vẫn say sưa, miệt mài bên trang sách. Thi thoảng có tiếng rì rầm khe khẽ phát ra từ dãy bàn đọc nơi một tốp chiến sĩ trẻ đang túm tụm cùng nhau tra cứu tài liệu.
Thường xuyên có mặt trong phòng đọc sau mỗi buổi chiều hết giờ làm việc, Thượng úy Nguyễn Trọng Tuân, cán bộ Phòng tham mưu, Công an tỉnh Hà Nam từ nhiều năm nay đã trở thành người bạn thân thiết của phòng đọc sách Công an tỉnh Hà Nam này. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh Tuân vẫn không quên dành thời gian cho niềm đam mê đọc sách. Niềm đam mê đọc sách đã giúp anh Tuân rèn cho mình kỹ năng tư duy, phương pháp khoa học để tìm và sưu tầm tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuân cho biết, bản thân anh vốn thích đọc sách. Từ lâu, sách đã trở thành “người bạn” thân thiết với anh. Mặt khác cũng do yêu cầu công tác chuyên môn, đòi hỏi phải thường xuyên bổ sung các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bởi vậy sau giờ làm việc, anh và đồng đội luôn dành thời gian xuống phòng đọc để nghiên cứu tích lũy kiến thức xã hội, chuyên môn nhằm phục vụ hiệu quả công tác…
Có thể khẳng định, từ nhiều năm nay, phong trào đọc sách trong CBCS luôn được Công an tỉnh Hà Nam quan tâm duy trì. Để văn hóa đọc trở thành việc làm thường xuyên trong CBCS, nhất là đội ngũ cán bộ chiến sĩ trẻ, Công an tỉnh Hà Nam đã đưa nội dung xây dựng văn hóa đọc là một trong những nội dung của phong trào thi đua “Tự học, tự rèn” trong đoàn viên thanh niên và phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.
Trong các buổi giao ban đơn vị, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn hay giao ban công tác Hội phụ nữ, lãnh đạo đơn vị, Ban chấp hành chi đoàn luôn chú trọng việc tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể CBCS, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của văn hóa đọc, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật… đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác.
Theo Trung tá Phan Trọng Nhân, Phó trưởng Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Nam, hiện tại phòng đọc sách Công an tỉnh Hà Nam có khoảng gần 5.000 đầu sách các loại, gồm: tài liệu, báo, tạp chí trong đó chủ yếu là các tài liệu nghiệp vụ, pháp luật, sách có giá trị về chính trị, văn hóa xã hội và sách nghiệp vụ Công an nhân dân. Hàng ngày, phòng đọc mở cửa từ 16h đến 18h, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập cho CBCS.
Một góc phòng đọc sách của Công an tỉnh Hà Nam.
Video đang HOT
Để duy trì và phát triển văn hóa đọc trong CBCS, đội ngũ cán bộ thư viện Công an tỉnh Hà Nam đã luôn quan tâm đến nhu cầu tìm đọc của CBCS, để từ đó chủ động bổ sung nguồn tài liệu, số lượng đầu sách, đồng thời bố trí cán bộ phục vụ hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho CBCS đến đọc, tìm và nghiên cứu tài liệu.
Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại, đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt. Các Mác từng nói “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa Cộng sản”. Trong thời đại phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, văn hóa đọc đang dần dần mai một.
Mục đích phát triển văn hóa đọc là củng cố duy trì và thúc đẩy thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc, qua đó tìm kiếm thông tin, chắt lọc tri thức để vận dụng vào công tác thực tiễn. Xây dựng văn hóa đọc trong toàn lực lượng Công an tỉnh Hà Nam đã thực sự trở thành một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, ngày càng phát triển mạnh, có chiều sâu. Đọc sách, báo đã trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi CBCS.
Để niềm đam mê đọc sách trở thành phong trào, các đơn vị Công an trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mỗi CBCS có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc đọc sách. Đọc sách thực sự trở thành nhu cầu, là thói quen của mỗi người để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm xây dựng đội ngũ CBCS Công an Hà Nam vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.
Tâm Phạm – Phương Thảo
Theo cand
Phát triển văn hóa đọc: Nhiều dự án đẹp đến khó tin
Giữa hàng loạt lời "kêu cứu" bởi sự xuống dốc của văn hóa đọc thì những mô hình, dự án điển hình được nhắc đến tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần qua lại khiến người nghe hoàn toàn tin tưởng về sức sống và sự tồn tại không thể thay thế của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy xem trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến học của các thư viện
Có thể kể đến những chương trình, dự án đã được triển khai trong thời gian qua như: Sách ơi mở ra, Dự án sách hóa nông thôn, chương trình "Bán trái cây xây tủ sách"... Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ.
Bứt phá mạnh mẽ
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thuý Ngà, kể từ khi Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hoạt động đã được triển khai, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức có hiệu quả.
Cụ thể, sau hơn một năm thực hiện Đề án, hoạt động thư viện cả nước đã chuyển mình mạnh mẽ, thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước cũng như nhu cầu đọc sách của nhân dân. Đáng chú ý là sự đổi mới trong phương thức hoạt động, ngoài phục vụ tại chỗ, các thư viện đã triển khai phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng; cải cách và đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam...
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện, phát triển các loại hình dịch vụ mới và làm mới những dịch vụ truyền thống, chú trọng các dịch vụ ứng dụng CNTT, dịch vụ hướng đến các đối tượng như thiếu nhi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, phạm nhân... "Việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện đã tạo điều kiện tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, phục vụ học tập suốt đời của nhân dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau"...", bà Ngà nhấn mạnh.
"Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa đọc, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng. Tại Hội thảo phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra phương hướng cho sự phát triển của thư viện trong thời kỳ mới: Ngành Thư viện cần thay đổi nhận thức để thư viện không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu mà còn phải là nơi trao truyền tri thức, thu hút người dân đến với thư viện bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, ứng dụng CNTT để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường liên kết để chia sẻ nguồn dữ liệu số", Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2018 cho các tập thể
Những dự án đẹp đến... khó tin
Không "sung sức" như thời kỳ trước nhưng văn hóa đọc luôn luôn khẳng định vị trí không thể thay thế trong đời sống cộng đồng. Chính bởi vậy mà giữa thời đại 4.0, khi không ít diễn đàn lên tiếng rằng sự phát triển của công nghệ sẽ lấn át và thậm chí làm chết văn hóa đọc truyền thống thì trong cộng đồng vẫn luôn hiện lên những điểm sáng, qua đó bạn đọc hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại theo một cách riêng của văn hóa đọc thời hiện đại. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực chung tay phát triển văn hóa đọc với nhiều mô hình khác nhau: thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, không gian đọc sách, tủ sách dòng họ... Đến năm 2018, cả nước đã có trên 100 thư viện tư nhân. Điển hình như Thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Thư viện thôn Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (TP Hồ Chí Minh)...
Nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa nhân văn cũng đã được các tổ chức, cá nhân triển khai như: Sách ơi mở ra, Dự án sách hóa nông thôn, chương trình "Bán trái cây xây tủ sách"... Chắc hẳn sẽ có nhiều người khó tin rằng vẫn còn có rất nhiều cá nhân tâm huyết đến vậy, với tình yêu với sách đã lặn lội khắp mọi vùng miền, dùng tiền túi để tạo dựng những tủ sách, gây dựng và phát triển các mô hình đọc sách trong cộng đồng. "Những chương trình, dự án đó đã tạo ra nhiều điểm sáng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, mở ra nhiều cơ hội cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội để tiếp cận với sách, báo và văn hóa đọc...", theo bà Vũ Dương Thúy Ngà.
Nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, cùng với những kết quả đạt được thì vẫn còn đó những khó khăn mà văn hóa đọc đang phải đối diện. Nhiều thư viện cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí hoạt động thiếu thốn. Hiện còn 5 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập; khoảng 40% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hằng năm để bổ sung sách báo và tổ chức các hoạt động khác. Thư viện cấp xã, thư viện trường phổ thông chưa được quan tâm.
Hiện đại hóa thư viện đáp ứng yêu cầu cách mạng CN 4.0 còn chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Một số thư viện còn thụ động, thiếu sáng tạo, dẫn đến thu hút bạn đọc còn nhiều hạn chế. "Trong năm 2018, khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, một số địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện yêu cầu và tinh thần của Nghị quyết 19- NQ/TW, chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ sở văn hóa khác như Bảo tàng, Quản lý di tích, Trung tâm Văn hóa... Việc sáp nhập cơ học này đã dẫn đến nguy cơ xóa sổ thiết chế thư viện ở nhiều nơi", theo bà Vũ Dương Thúy Ngà.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đã trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2018 cho 13 tập thể. 6 cá nhân có thành tích tiêu biểu cũng đã được trao thưởng trong dịp này. Đây cũng là lần đầu tiên Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc được Bộ VHTTDL trao tặng cho các cá nhân, tập thể sau khi Bộ trưởng ký quyết định ban hành quy chế giải thưởng.
NGÂN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN
Theo baovanhoa
Trường Tiểu học Nga Lĩnh - Thanh Hoá: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nga Lĩnh luôn tự hào là đơn vị đứng đầu huyện trong công tác giáo dục với những thành tích nổi bật về học tập và rèn luyện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường luôn cố gắng duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao, đổi mới việc dạy và học....