Lan tỏa giá trị hạnh phúc trong trường học ở Hà Tĩnh
Những tuần đầu tiên của năm học mới, chủ đề xây dựng ‘Trường học hạnh phúc’ ở Hà Tĩnh như một thông điệp truyền đi tín hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực không ngừng đổi mới của ngành GD&ĐT.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Đã đi hết tuần thứ 2 của năm học mới, nhưng dư âm của lễ khai giảng, của ngày hội rước đèn trông trăng ngập tràn niềm vui vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của học sinh (HS) Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ. Mong muốn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi HS đã trở thành mục tiêu lớn nhất của nhà trường. Thế nên, mỗi sự kiện, một sân chơi là thêm một cơ hội để các em được trải nghiệm, được hòa đồng, được thể hiện năng khiếu, sở trường.
Hoạt động trải nghiệm làm đèn lồng nhân dịp tết trung thu của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ.
Em Hoàng Bảo Hiền, HS lớp 3B cho biết: “Trung thu vừa qua, chúng em đã được làm đèn lồng, nặn tò he. Em rất vui khi sản phẩm của mình và các bạn đều được cô giáo khen. Điều đó giúp em tự tin hơn đối với những bài tập thực hành ở lớp”.
Niềm hạnh phúc được đến trường cũng lan tỏa trên những nụ cười, sự hào hứng của mỗi HS trong từng lớp học. Sự đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường sự tương tác giữa cô và trò đã làm cho việc học tập trở nên nhẹ nhàng, đầy cảm hứng.
Những bài hát, múa sôi động giúp cô trò có thêm năng lượng tích cực trong những giờ học.
Cô Trần Thị Tình – giáo viên chủ nhiệm lớp 3B cho biết: “Kiến thức ôn bài được chúng tôi lồng ghép trong những trò đố vui. Quá trình triển khai bài mới, giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ, gợi ý để kích thích sự sáng tạo của HS, đồng thời luôn lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng suy nghĩ của các em. Sau mỗi giờ học nghiêm túc là những bài hát, múa sôi động với sự tham gia của cô và trò, giúp xua tan những mệt mỏi, tạo không khí hào hứng cho HS trong học tập”.
Hoạt động nhóm giúp học sinh phát huy các kỹ năng sống.
Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để mỗi ngày đến trường của giáo viên, HS là một ngày vui, từ năm học 2019-2020, Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ đã triển khai thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc”.
Hoạt động của các câu lạc bộ cũng giúp học sinh phát triển năng khiếu, sở trường.
Cô Phạm Thị Phương Lê – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ chia sẻ: “Đi qua những tháng ngày khó khăn vừa học hỏi, vừa triển khai thực hiện, mô hình “Trường học hạnh phúc” của chúng tôi ngày càng hình thành rõ nét. Đó không chỉ là sự thay đổi của cảnh quan môi trường, mà quan trọng là sự đổi thay trong suy nghĩ, thái độ, hành động của các bậc phụ huynh, của mỗi giáo viên và HS. Trên nền tảng tôn trọng, yêu thương và chia sẻ, niềm hạnh phúc đã trở thành động lực để giáo viên phát huy hết trách nhiệm, tâm huyết, HS tích cực học tập, rèn luyện”.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ được học tập trong môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, việc xây dựng trường học hạnh phúc cũng đã trở thành mục tiêu lớn của các trường trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Cô Võ Thị Huệ – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Hạ chia sẻ: “Xây dựng môi trường hạnh phúc ở trường chúng tôi được bắt đầu bằng việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đó là chú trọng không gian vui chơi phù hợp với lứa tuổi; là việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi; nguồn thực phẩm cho trẻ được lựa chọn, đảm bảo an toàn vệ sinh… Đặc biệt, trẻ phải cảm nhận được sự yêu thương, được đối xử công bằng, có cảm giác an toàn và được tôn trọng”.
Video đang HOT
Mỗi mảng tưởng, góc lớp ở Trường Mầm non Thạch Hạ đều được các giáo viên trang trí trở thành góc học tập của các bé.
Theo đó, việc lan tỏa niềm yêu thương trong nhà trường còn được thể hiện bằng những cái ôm, động tác chào đón của giáo viên khi HS đến lớp, cái vẫy chào tạm biệt vào cuối ngày, hay sự quan tâm, chăm sóc đối với các em trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Sự động viên khích lệ là phương pháp các giáo viên nhà trường dành cho học sinh.
Không gian thân thiện, an toàn; HS mến cô, yêu trường, yêu lớp; phụ huynh tôn trọng, tin tưởng gửi gắm; giáo viên vui vẻ, hạnh phúc, đó là môi trường lý tưởng để chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Lan tỏa hạnh phúc…
Từ chủ trương của Bộ GD&ĐT, công văn của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam và hiệu quả từ những mô hình đầu tiên ở Hà Tĩnh, năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở tất cả các địa bàn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Tĩnh trong việc thực hiện chủ đề của năm học.
Cảnh quan Trường Mầm non Thạch Hạ tạo cảm giác thoải mái, thân thiệ n cho học sinh trong mỗi buổi đến trường.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Để hướng tới mục tiêu tạo môi trường an toàn, thân thiện, tôn trọng, dân chủ trong các nhà trường, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện tại, Sở GD&ĐT cũng đang hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí về xây dựng “Trường học hạnh phúc” để sớm ban hành. Tuy nhiên, xây dựng “Trường học hạnh phúc” không phải là phong trào mà là cả một quá trình, vì thế, việc xây dựng phải có lộ trình, triển khai một cách chắc chắn; các tiêu chí lựa chọn phải phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương. Trước mắt, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ tập trung chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học”.
Với sự quan tâm, vào cuộc của các địa phương, nhiều ngôi trường đã được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Trên tinh thần chỉ đạo của ngành qua hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, các địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đang tiếp cận dần các nội dung, tiêu chí về xây dựng “Trường học hạnh phúc” như: môi trường; dạy và học; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.
“Trước mắt, chúng tôi đã chủ động tham mưu địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Cùng với sự chung tay của các bậc phụ huynh trong việc hỗ trợ nguồn lực, ngày công, các nhà trường tiếp tục tạo khuôn viên, cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, thân thiện để tạo nên sự thư thái, những xúc cảm đẹp, tiếp thêm niềm vui cho HS, giáo viên trong những buổi đến trường”, ông Nguyễn Trường Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn thông tin.
Giáo viên Trường Tiểu học Mai Phụ đã năng đội đổi mới phương pháp, tạo cảm hứng cho học sinh trong những giờ học.
Để lan tỏa niềm hạnh phúc đến với mỗi giáo viên và HS trong xây dựng “Trường học hạnh phúc”, vai trò của hiệu trưởng hết sức quan trọng. Đó là người truyền cảm hứng, tạo điều kiện để giáo viên, HS phát huy năng lực, sáng tạo gắn với các phong trào thi đua của ngành.
Cô Nguyễn Thị Tân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Phụ (Lộc Hà) chia sẻ: “Để tạo môi trường thân thiện, hiện tại, chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Từ việc lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng, mỗi cán bộ, giáo viên, HS đã và đang từng bước điều chỉnh hành vi, ứng xử của mình trong các tình huống. Cứ như thế, ý nghĩa của trường học hạnh phúc sẽ thấm dần vào ý thức mỗi giáo viên, HS, phụ huynh theo cách tự nhiên nhất”.
Trường học hạnh phúc là nơi giáo viên và học sinh đều cảm thấy được lắng nghe, được chia sẻ và tôn trọng.
Quyết tâm xây dựng trường học hạnh phúc đã được tạo động lực bởi sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương. Ngoài hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, lời chúc mừng và niềm hy vọng gửi gắm trong ngày lễ khai trường, ở các trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà, Đức Thọ… còn nhận được những món quà đầy ý nghĩa.
Thay cho các bó hoa tươi rực rỡ là những cây hạnh phúc xanh tươi. Đó không chỉ là tình cảm, là mong muốn góp phần tạo không gian trường học thân thiện mà còn là thông điệp về sự đồng hành của địa phương đối với các nhà trường trong việc chung tay xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc.
Thư viện xanh là không gian lý tưởng tạo cảm hứng cho học sinh Trường Tiểu học Mai Phụ (Lộc Hà) trong hoạt động đọc sách.
Hà Tĩnh đang bước vào một năm học tràn đầy khí thế và quyết tâm mới, trong đó, chủ đề xây dựng “Trường học hạnh phúc” đang được các nhà trường nỗ lực thực hiện, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học, quan tâm chia sẻ nhiều hơn đến HS. Tuy nhiên, để lan tỏa những giá trị yêu thương để HS được an toàn và tôn trọng, thì sự quan tâm, đồng hành của các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương là động lực, yếu tố quan trọng góp phần cùng ngành giáo dục xây dựng nên những ngôi trường hạnh phúc.
Ứng dụng công nghệ thông minh vào dạy học
Đổi mới phương pháp, đưa ứng dụng công nghệ thông minh vào dạy học đã mang lại nhiều hứng thú cho học sinh...
Cô Nguyễn Thị Mai trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên tại lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa).
Đổi mới phương pháp dạy để đáp ứng với Chương trình mới
Giờ học môn Khoa học tự nhiên của lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) không đơn thuần chỉ có phấn trắng, bảng xanh mà trở nên sinh động, lôi cuốn hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông minh vào việc dạy và học.
Tự tin thuyết trình trước lớp bài báo cáo đã chuẩn bị ở nhà, em Đỗ Hiển Vinh (lớp 6C) trình bày một cách ngắn gọn, súc tích chỉ trong vòng 5 phút. Điều đặc biệt, dù chỉ là cậu học sinh lớp 6 nhưng Vinh đã sử dụng thành thạo thiết bị tương tác thông minh trên màn hình ti vi.
Lý giải về điều này, nam sinh lớp 6 cho rằng, nhờ được thực hành nhiều lần nên không còn quá bỡ ngỡ. "Giờ học môn Khoa học tự nhiên vô cùng thú vị, nó không chỉ giúp em có thêm kiến thức mà còn hiểu biết hơn về công nghệ. Với việc chăm chỉ tìm tòi kiến thức cùng sự hỗ trợ của gia đình, em đã có bài báo cáo, thuyết trình có thể gọi là thành công trước lớp", Vinh bộc bạch.
Giảng dạy môn Khoa học tự nhiên từ thời điểm về trường nhận công tác hồi tháng 9/2021, cô giáo Nguyễn Thị Mai không khỏi vui mừng trước sự đổi thay, tiến bộ vượt bậc của học trò, đặc biệt là từ khi nhà trường mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào dạy và học.
Theo cô Mai, Khoa học tự nhiên là môn học nằm trong Chương trình GDPT 2018, với sự tích hợp giữa ba phân môn gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học. Vì vậy, cả thầy và trò gặp không ít khó khăn khi mới tiếp cận với môn học.
Giờ học đầy hứng thú của học sinh lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan.
"Hầu hết các trường đều gặp khó khăn về nhân lực, bởi không phải giáo viên nào cũng có đủ khả năng dạy một lúc cả 3 phân môn. Thật may mắn với Trường THCS Cù Chính Lan, đó là hầu hết giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên đều có thế mạnh ở ít nhất 2 phân môn.
Với sự hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp cùng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chúng tôi có thể tự tin đảm trách môn học", cô Mai cho hay.
Cũng theo cô Mai, việc Ban giám hiệu nhà trường mạnh dạn đầu tư công nghệ dạy học, tương tác thông minh U-Pointer3 kết hợp ti vi màn hình cường lực với phần mềm trực quan như I-Pro5, MozaBoook và thí nghiệm ảo 3D,... đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
"Khoa học tự nhiên là môn học gắn liền với đời sống, những sự vật, hiện tượng xung quanh cuộc sống chúng ta. Vì vậy, tôi không bó khung cố định ở một phương pháp, mà linh hoạt theo từng nhóm học sinh và bài giảng cụ thể.
Với từng nội dung có thể áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp nhưng trọng tâm vẫn là đổi mới công nghệ, sử dụng phần mềm dạy học trực quan. Chẳng hạn, với các thí nghiệm nếu triển khai thực tế sẽ khá nguy hiểm, chúng tôi sẽ triển khai thí nghiệm ảo 3D mang lại kết quả rất chính xác, học sinh cũng dễ dàng quan sát, đọc kết quả", cô Mai nói.
Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ, học sinh được chủ động tìm tòi và chắt lọc kiến thức, rèn luyện được nhiều kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình một cách thường xuyên.
Gắn bó với nghề từ những năm 2010, cô giáo Nguyễn Thị Mai luôn tâm huyết với bậc học. Nữ nhà giáo luôn nhắn nhủ với học trò rằng, học không chỉ để thi mà còn để biết và vận dụng vào cuộc sống của mình.
"Tôi từng bỏ ngành Tài chính để đến với Sư phạm, bởi tôi chỉ có tình yêu duy nhất với nghề dạy học. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được đứng trên bục giảng, được ngắm nhìn học trò phát triển và trưởng thành từng ngày", cô Mai bộc bạch.
Dạy học theo hướng phát triển năng lực
Giờ học môn Sinh học của cô và trò trường vùng cao Thanh Hóa - Trường THPT Quan Hóa cũng không chỉ có kiến thức, mà còn rất thực tiễn với những kỹ năng quan trọng, cần thiết trong cuộc sống.
Cô Hoàng Thị Thanh Hà cùng học trò bên mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ kế hoạch nhỏ".
Đảm nhận môn Sinh học tại trường từ năm 2010, cô Hoàng Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Quan Hóa không ngừng tự học, bồi dưỡng bản thân để giúp học trò dễ dàng tiếp cận với môn học, phù hợp với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số.
"Tôi chú trọng đổi mới phương pháp theo hướng phát triển năng lực của học sinh, kết hợp phương pháp dạy học tích cực để tăng hứng thú. Đồng thời nhìn nhận môn học gần gũi với đời sống thường ngày", cô Hà chia sẻ.
Bên cạnh truyền tải kiến thức, nữ nhà giáo vùng cao còn lồng ghép kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên giúp học trò nâng cao nhận thức về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như cách phòng tránh bệnh tật truyền nhiễm.
Các hoạt động ngoại khóa cũng được cô Hà triển khai trong những năm học vừa qua. Đặc biệt, năm học 2021-2022, nữ giáo viên đã kết hợp cùng học sinh tham gia hoạt động dạy học theo dự án nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm chất thải trắng (túi ni lông) tại địa phương.
"Khi tham gia dự dự án, học sinh có thể phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết và thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, các em vừa chủ động trong học tập vừa nhận thấy kiến thức mình đã học hoàn toàn không xa lạ, mà rất gần gũi với cuộc sống. Từ đó, các em có thể vận dụng những gì đã học vào phát triển nền kinh tế địa phương, góp phần làm giàu cho quê hương", cô Hà nói.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà (áo vàng), tâm nguyện của nữ nhà giáo là trường học vùng cao được đầu tư hơn về cơ sở vật chất, học sinh được vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.
13 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, nữ nhà giáo xứ Thanh luôn trăn trở về chất lượng đại trà cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. "Không chỉ riêng tôi, mà với giáo viên đang công tác tại miền núi đều mong muốn chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, cơ sở vật chất được đầu tư hơn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ngành giáo dục", cô Hà chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, những năm qua tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Sinh học cũng như dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên ngày càng tăng lên. Đây cũng là một sự khích lệ không nhỏ đối với đội ngũ nhà giáo.
"Trong năm học này, chúng tôi phấn đấu sẽ có nhiều học sinh đạt từ điểm 8 trở lên. Với các em học Chương trình mới sẽ phát huy được năng lực và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống", nữ giáo viên bộc bạch.
"Việc sử dụng công nghệ dạy học tương tác thông minh U-Pointer3 mang lại hiệu quả cao trong việc dạy và học. Thông qua đó, học sinh được rèn luyện được kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm một cách thường xuyên", thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan nhận xét.
Trường tiểu học phải... mượn giáo viên Để đáp ứng yêu cầu của chương trình 2018 - bắt buộc dạy tiếng Anh và tin học cho học sinh từ lớp 3, nhiều trường tiểu học tại TP HCM phải tính đến phương án mượn giáo viên từ các bậc học khác Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, hiện thành phố còn thiếu 5.939 giáo viên (GV)...