Làm thế nào để giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ?
Khi trẻ đặt câu hỏi liên quan đến giới tính mà cha mẹ lúng túng hoặc phải nghe cha mẹ quát mắng thì trẻ sẽ không hỏi người lớn nữa mà quay sang hỏi bạn bè, hoặc tìm hiểu từ internet, phim ảnh…Điều này có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch nguy hiểm cho trẻ.
Người lớn “đỏ mặt” trước thắc mắc của trẻ
Không ít thắc mắc về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản của con nhỏ làm phụ huynh phải rối bời không biết trả lời thế nào. Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, con còn nhỏ chưa biết gì nên nghe con hỏi, họ bị sốc hoặc không biết cách đối diện nên quay sang quát con hỏi bậy bạ, vớ vẩn rồi tìm cách đánh lạc hướng.
Chị Hồ Trang Lê, nhà ở Q.4, TPHCM cho hay, cô con gái 5 tuổi của chị gần đây hay hỏi rất nhiều chuyện liên quan đến giới tính, sinh sản. Cháu hỏi tại sao gái đi tè phải ngồi, con trai lại đứng; con sinh ra ở đâu… làm chị phải lôi ngay chuyện khác để đánh lạc hướng con. Thế nhưng cháu vẫn đeo mẹ để hỏi bằng được “Con sinh ra ở đâu?”. Bí quá, người mẹ trả lời: “Con sinh ra ở bệnh viện Từ Dũ”.
Nhiều phụ huynh ngắc ngứ khi con nhỏ thắc mắc về giới tính. Trong ảnh: Phụ huynh tại TPHCM tham gia chương trình “Nói chuyện giới tính cùng con”.
Tại chương trình giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, người mẹ tên Mai chia sẻ, cậu con trai của mình gọi rõ tên các bộ phận trên cơ thể trừ bộ phận sinh dục nên cháu rất tò mò, luôn chỉ tay hỏi: “Vậy cái này gọi là gì mẹ?”. Nhiều lần tránh không xong, chị Mai đáp: “Nó là con thằn lằn”.
“Hôm đó, ông xã nhà tôi trong nhà tắm nhờ cháu mang khăn vô. Chẳng hiểu ổng sơ hở thế nào mà cháu nhìn thấy, cháu chạy ra hét toáng lên với mẹ: “Mẹ xạo quá, con thằn lằn nỗi gì, con khủng long thì có”, chị Mai ngượng ngùng kể và thú nhận chị không phải nói với con về vấn đề này sao cho phải.
Tình huống chị Mai gặp chẳng khác nào chuyện phiếm nhưng trong thực tế không ít trường hợp người lớn phải “đỏ mặt” trước những thắc mắc của trẻ nhỏ như vậy.
Video đang HOT
Giáo viên tại một trường tiểu học ở Q.1, TPHCM cho hay, cô từng “chết điếng” khi một học cô học trò thủ thỉ: “Làm “chuyện ấy” khi đứng thì không dính bầu phải không cô?”. Sau những phút bần thần, cô giáo nhẹ nhàng nói với học trò, tuổi của các em là tuổi học, tuổi vui chơi, dần dần các em sẽ được học tìm hiểu rõ hơn. Sau đó, cô trao đổi với gia đình để mắt với cháu hơn.
Giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ: Khó mà dễ
Theo ThS xã hội học Phạm Thị Thúy (Phó GĐ Công ty Kỹ năng sống TPHCM), phụ huynh thường gặp phải những tình huống trục trặc liên quan đến vấn đề về giáo dục giới tính (GDGT) của con là do lượng kiến thức của họ về lĩnh vực này cũng rất ít. Vì không biết và cũng không được hướng dẫn cách nói chuyện về vấn đề được xem là “nhạy cảm” nên họ bị lúng túng khi nghe con hỏi.
Bà Thúy cho rằng, mục tiêu của GDGT thật ra chính là giáo dục để trẻ làm người, giúp trẻ sống đúng với giới tính của mình. Đặc biệt là giáo dục con biết trân trọng giá trị của bản thân, từ đó sẽ biết quý trọng người khác. Trẻ hiểu bản thân, trân trọng con người mình, giới tính của mình thì mới biết bảo vệ mình khỏi những cám dỗ, xâm hại bên ngoài cũng như biết tôn trọng thân thể người khác. Đó chính là quá trình giúp con hoàn thiện nhân cách.
Trẻ cần được giáo dục giới tính để hiểu về bản thân càng sớm càng tốt.
Bà Thúy nhấn mạnh việc GDGT cho con không phải là dành ra một buổi rồi gọi con ngồi nói chuyện là xong mà phải diễn ra hàng ngày, mọi lúc mọi nơi. “Khi ăn uống, khi đi ngủ, khi tắm cho con hay lúc xem phim có cảnh hẹn hò yêu đương, lúc gặp đám cưới, bà bầu… Những tình huống trong cuộc sống chính là lúc cha mẹ có thể trò chuyện với con”.
Đồng tình với ý kiến này, BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM cho rằng tâm lý e ngại cùng kiến thức giới tính hạn hẹp nên cha mẹ bao biện rằng con còn nhỏ, chưa cần phải biết. Trong khi việc GDGT đâu chỉ là việc quan hệ tình dục, sinh con mà một quá trình giúp trẻ hiểu được giá trị cơ thể, bản thân nên phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
“Lúc con còn nhỏ, chúng ta âu yếm, tắm rửa, mặc quần áo cho con… chính là cơ hội giúp trẻ hiểu về các bộ phận cơ thể để biết nâng niu, tôn trọng chứ không nên “phân biệt đối xử”. Cha mẹ hay tạo ấn tượng cho bé cái đó là bậy bạ thì làm sao trẻ biết giữ gìn, quý trọng”, BS Ngọc nói.
Điều cần nhất trong việc GDGT, theo BS Đỗ Hồng Ngọc là phụ huynh cần quan tâm đến quan điểm của trẻ. Trước các thắc mắc của con, nên hỏi lại xem trẻ đã biết gì rồi để các em có cơ hội bày tỏ. Từ đó chúng ta điều chỉnh những cách hiểu sai rồi cung cấp, mở rộng thêm các kiến thức cùng các giá trị sống, giá trị văn hóa cho trẻ.
BS Đỗ Hồng Ngọc khuyến cáo khi trẻ đặt câu hỏi mà cha mẹ lúng túng, bối rối hoặc phải nghe cha mẹ quát mắng, chê bai thì sau này trẻ không hỏi chúng ta nữa mà quay sang hỏi bạn bè, hay tìm các nguồn thông tin khác như qua internet, phim ảnh… Điều này có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.
Hoài Nam
Theo dân trí
Người lớn là... rào cản khi giáo dục giới tính
Theo các chuyên gia, chính sách nói "không" với tình dục tiền hôn nhân và thái độ soi xét của các vị phụ huynh cũng như giáo viên là rào cản trong vấn đề giáo dục sức khỏe giới tính vị thành niên.
Chỉ có đe dọa và cảnh báo
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, hơn 1/3 vị thành niên được hỏi cho biết đã quan hệ tình dục, nhưng đa số xem đó là biến cố bất chợt, ngẫu nhiên và ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
Cũng theo báo cáo trên, việc vị thành niên có người yêu khá phổ biến. Thậm chí 24,27% trong số những vị thành niên đã có người yêu cho biết có đến 3 mối quan hệ trở lên. Tuy nhiên vị thành niên rất mơ hồ về vấn đề tình dục tiền hôn nhân. Đặc biệt, thiếu chủ động bảo vệ khi quan hệ tình dục. Một nửa trong số các em từ 16 đến 18 tuổi đã quan hệ tình dục cho biết lần đầu quan hệ các em không hề áp dụng biện pháp bảo vệ nào, 40% trong số này cũng cho biết lần quan hệ gần đây nhất cũng không sử dụng biện pháp bảo vệ.
Học sinh cần có sự hướng dẫn (chứ không phải lẩn tránh) của phụ huynh và giáo viên về giáo dục giới tính - Ảnh: Như Lịch
Hầu hết trẻ vị thành niên đều có mong muốn tìm hiểu thêm về vấn đề tình dục và quan hệ tình cảm từ cha mẹ và giáo viên. Họ xem giáo dục giới tính là những kiến thức quan trọng trong cuộc đời, muốn được giáo dục về lĩnh vực này ngay từ sớm - trong giai đoạn tiểu học. Tuy nhiên cái họ nhận được chủ yếu là thái độ đe dọa và cảnh báo.
Theo phản ánh của học sinh, các phụ huynh và giáo viên không đối xử công bằng với vị thành niên và không xem xét vấn đề tình yêu, tình dục của vị thành niên một cách nghiêm túc. Trong các cuộc thảo luận dành cho phụ huynh và giáo viên, thái độ này cũng được bày tỏ một cách thẳng thắn. Có phụ huynh nói: "Nếu tôi phát hiện trong túi con tôi có thuốc tránh thai, tôi sẽ nói rằng nếu con muốn trở thành con người thì nên dừng lại. Còn nếu nó muốn trở thành một người hư hỏng thì tôi sẽ để cho nó đi". Trong các cuộc thảo luận này, thái độ dứt khoát, không khoan nhượng đó của người lớn ngày càng phổ biến.
Giáo dục giới tính còn khô cứng, hàn lâm
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản không chỉ là vấn đề của trẻ độ tuổi 16 - 18 mà cần phải bắt đầu sớm hơn, từ tuổi 12.
Bác sĩ Trần Thị Hoa, một bác sĩ của Hà Nội, cho biết phòng khám nhi của chị có rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám nhưng không phải vì các bệnh thông thường trẻ con hay mắc phải mà lại là các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bác sĩ Hoa cho rằng chị rất ủng hộ việc mở một triển lãm về giáo dục giới tính cho vị thanh thiếu niên nhưng các nhà chuyên môn phải nghĩ cách biểu đạt hiệu quả, ấn tượng, và đặc biệt nên tận dụng những hình ảnh thật. "Qua báo chí tôi được biết gần đây ở ta có ít nhất 2 trường hợp sinh con ở tuổi 15. Triển lãm phải ghi nhận được những hình ảnh thực tế như vậy để qua đó các em cần phải nhận thức người ta có thể có con ở tuổi 15 nhưng điều đó rất là không tốt, cần phải phòng tránh nó", bác sĩ Hoa nói.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay khô cứng, giáo điều, mang tính hàn lâm, thiếu hấp dẫn... Thực trạng giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục giới tính (được lồng ghép với một số môn học khác) không có kiến thức đầy đủ về giới tính, thậm chí còn đỏ mặt khi nói về những bộ phận sinh sản là khá phổ biến. "Các trường phổ thông không hề có nhân viên xã hội trong khi nguồn đào tạo không thiếu. Theo tôi biết, hiện nay cả nước có khoảng 40 đơn vị đào tạo có ngành công tác xã hội", ông Nguyễn Hiệp Thương, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thông tin.
Nhiều sinh viên cũng chia sẻ nhiều ví dụ sinh động nhằm kiến nghị Bộ GD-ĐT tìm cách thay đổi thực trạng giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay. Ngô Thành Đ., sinh viên Trường CĐ Y tế Hà Nội kể về một câu chuyện có thật chứng kiến khi còn là học sinh THCS. Hôm đó một bạn nữ trong lớp Đ. lần đầu có kinh nguyệt, máu loang ra quần. Không chỉ bạn nữ đó mà các bạn đều lúng túng không biết xử lý thế nào. Mặc dù hồi đó (và cả bây giờ) học sinh THCS đã được học về giới tính, nhưng giáo viên chỉ cầm tài liệu đọc, học sinh ngồi dưới thì nói chuyện riêng nên học xong chẳng có gì vào đầu. Đến khi đối mặt với thực tiễn thì cuống lên. "Tại sao không ai dạy cho các bạn nữ phải trang bị sẵn băng vệ sinh trong cặp sách?", bạn Đ. đặt câu hỏi. Tâm đắc với câu chuyện trên, bác sĩ Trần Thị Hoa kiến nghị: "Cần phải có ngay biện pháp can thiệp thay vì chỉ tác động vào nhận thức như hiện nay. Trang bị băng vệ sinh cho nữ sinh chớm tuổi dậy thì, dặn dò các em luôn để sẵn trong cặp sách là một trong các biện pháp can thiệp tuy nhỏ nhưng rất thiết thực".
Hiên Lê
Theo thanh niên
Giáo dục giới tính: Học sinh khó cởi tấm lòng Học sinh nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nữ sinh cấp 3 đau đẻ tại lớp... Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về việc giáo dục giới tính cho học sinh đang có nhiều lỗ hổng. Giáo dục hời hợt Theo khảo sát mới đây của Tổng cục Dân số kế hoạch hoá gia đình: Chỉ có 19%...