Làm sao có Luật, người ta thích làm chủ tịch Hội đồng trường hơn hiệu trưởng
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Ngày 24/8, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Hội nghị tập trung thảo luận về 4 nhóm chính sách lớn của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đào tạo; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần cuối cùng Ủy ban xin ý kiến góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật này trước khi xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội và toàn bộ thành viên Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đánh giá, các ý kiến phát biểu đều nhấn vào việc là làm sao bật ra được cái lõi của vấn đề tự chủ trong các trường đại học.
Trong đó, hội đồng trường có vai trò rất lớn
Lần này, hội đồng trường được giao 3 quyền lớn: chuyên môn, tài chính, tổ chức.
“Rõ ràng là làm sao Luật này ra đời thì người ta phải thích làm chủ tịch hội đồng trường hơn là hiệu trưởng”, ông Phan Thanh Bình nói.
Tiếp đó, theo ông Phan Thanh Bình, giáo dục đại học là lõi trong quá trình chuyển chất của đất nước.
“Theo tôi, lần sửa này là cần thiết để chuyển chất của giáo dục đại học.
Hai nhánh đại học là công và tư phải làm động lực cho việc chuyển chất của nguồn nhân lực đất nước.
Vì thế, chúng tôi cố gắng để thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Còn vấn đề một số đại biểu cho rằng, Luật Giáo dục cần chín hơn chưa thông qua nhưng Luật Giáo dục Đại học lại thông qua. Tôi xin nhấn mạnh, các nguyên tắc của Luật Giáo dục đã được đặt ra trong luật này.
Theo tôi không nên để chậm luật này nữa”, ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.
Về vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập, theo ông Phan Thanh Bình, tự chủ phải gắn với điều kiện, gắn với nhà nước như thế nào.
Video đang HOT
Luật cần xem xét điều kiện tự chủ, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, giải trình ra sao? phải làm rõ hơn vấn đề tự chủ, trách nhiệm giải trình.
Trách nhiệm của nhà nước phải cụ thể hơn trong việc đầu tư với các trường công, trường tư.
Góp ý tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, chúng ta cần phải có quy định một trường đại học phải đáp ứng diện tích ra sao, số lượng giảng viên như thế nào…
“Trường có vài giảng viên, sáng một giảng đường, chiều chạy sang nơi khác thì sao gọi là trường đại học được.
Nếu như vậy được gọi là trường đại học thì đại học Việt Nam rẻ rúng quá”, Giáo sư Vũ Văn Hóa nói.
Về tổ chức hội đồng trường, Giáo sư Vũ Văn Hóa cho biết, ông tìm hiểu mấy chục hội đồng trường đang tồn tại thấy rất hình thức.
Hội đồng trường hoạt động rất lu mờ, không có dấu ấn gì cả.
Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, bà có tiếp xúc với các trường mạnh đã được giao tự chủ hoàn toàn và thấy họ rất lo.
“Vì vậy mức độ tự chủ, lộ trình giải quyết việc hậu tự chủ ra sao phải quan tâm trong quá trình quản lý, phải có chính sách rõ ràng nếu không sẽ rất khó cho các trường đại học”, Phó Giáo sư Trần Thị Tâm Đan nêu quan điểm.
Một điểm nữa, Phó Giáo sư Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh, nền giáo dục mở là như thế nào, xây dựng giáo dục mở là như thế nào, gồm những cái gì?
Nếu đã có giáo dục mở thì phải nói rõ để các trường người ta biết thực hiện.
Dù còn một số ý kiến đóng góp nhưng đại diện một số trường đại học có mặt tại hội nghị đánh giá cao dự án Luật Giáo dục Đại học và mong muốn dự án luật sẽ sớm được thông qua để các trường có cơ sở tự chủ thành công
.Theo giaoduc.net.vn
Ai đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch Hội đồng trường?
Tiêu chuẩn người được bầu làm chủ tịch hội đồng trường không thể chỉ chung chung có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học 5 năm.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học để xin ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia và đội ngũ thầy cô.
Trong 3,5 tiếng đồng hồ của cuộc hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học diễn ra tại Hà Nội, các ý kiến góp ý đa số tập trung nhiều vào các vấn đề liên quan đến Hội đồng trường, quy định giảng viên cơ hữu, nghiên cứu khoa học, mở ngành, đào tạo tiến sĩ; phân tầng, xếp hạng đại học; chính sách đầu tư; xã hội hóa giáo dục; văn bằng; thời gian đào tạo...
Một số nội dung còn trao đổi, băn khoăn liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội đồng trường, quan hệ hội đồng trường với ban giám hiệu; cơ cấu tổ chức bên trong của đại học, trường đại học; quản lý đào tạo; sử dụng tài sản, tài chính của nhà trường.
Nên đưa đại diện sinh viên vào hội đồng trường?
Điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục đại học là quy định để đại diện sinh viên tham gia vào Hội đồng trường:
"Hội đồng trường phải có ít nhất 17 người và là số lẻ. Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên... phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa/bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường... Những quy định này nhằm bảo đảm Hội đồng trường có thẩm quyền cao nhất trong trường đại học".
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên - đối tượng vừa là "khách hàng", vừa là "sản phẩm" của trường đại học có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường.
Với dự thảo này, Phó giáo sư Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tình với quy định thành viên Hội đồng trường tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có thành phần là sinh viên do Hội sinh viên tổ chức bầu.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Thắng thông tin:
"Khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia kiểm định quốc tế của HCERES, họ có ý kiến ngay là hội đồng trường không có sinh viên. Mặc dù chúng tôi đã trả lời là theo Luật hiện hành, hội đồng trường không có sinh viên, nhưng đã có Bí thư đoàn thanh niên là đại diện.
Tuy vậy, họ cho rằng, Bí thư đoàn thanh niên vẫn là cán bộ trẻ nên không thể đại diện cho sinh viên.
Như vậy, có thể thấy, sinh viên tham gia hội đồng trường là rất quan trọng đối với thế giới. Sinh viên là bên liên quan quan trọng nhất trong trường đại học, cần phải được đóng góp tiếng nói. Cần coi họ là những người có quyền và trách nhiệm tham gia vào quyết nghị những vấn đề phát triển nhà trường".
Ai đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch Hội đồng trường? (Ảnh minh họa dẫn từ nguồn Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)
Nếu không đưa đại diện sinh viên vào thì nguy cơ trường không qua kiểm định quốc tế, trong khi chúng ta đang đặt kế hoạch tăng hạng trong xếp hạng quốc tế.
Hơn nữa, sinh viên vào hội đồng trường không phải chỉ vì bàn đến học phí mà còn là chương trình đào tạo và các ngành đào tạo, các chính sách cho sinh viên, chính sách đảm bảo chất lượng.
"Tôi cho rằng, chúng ta phải đặt niềm tin vào sinh viên, tạo cho họ cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển nhà trường.
Sinh viên không còn là học sinh mà đã là những công dân với đầy đủ quyền công dân và ý thức trách nhiệm của mình.
Đưa sinh viên vào hội đồng trường cũng chính là làm cho họ nhận thức được đúng và thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện hết năng lực và sự sáng tạo của tuổi trẻ, điều rất cần được khơi dậy trong xã hội hiện nay.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã coi sinh viên là chủ thể, trung tâm của các hoạt động của nhà trường.
Sau khi được kiểm định HCRES, trường đã thống nhất quy định đại diện cho sinh viên là thành viên không chính thức trong hội đồng trường, được mời tham dự các phiên họp và đóng góp ý kiến, nhưng không tham gia biểu quyết (tuân thủ luật hiện hành) trong quy chế tổ chức hoạt động của trường vừa được ban hành" - Phó giáo sư Lê Minh Thắng nhấn mạnh.
Thành viên bên ngoài tham gia vào Hội đồng trường: Bao nhiêu là đủ?
Liên quan đến thành phần ngoài trường trong hội đồng trường, trong dự thảo có đưa ra tỷ lệ các thành viên bên ngoài nhà trường chiếm tối thiểu 30% tổng số thành viên tuy nhiên tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, tỷ lệ này chỉ nên giữ ở mức tối thiểu 20%.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), để xác định rõ vai trò của hội đồng trường thì tỷ lệ cán bộ giảng viên các bộ môn, các khoa phải được tăng lên, thay vì nâng số lượng thành viên bên ngoài lên tối thiểu 30%.
"Các thành viên bên ngoài trường nếu chiếm tối thiểu 30%, tức là gần 1/3, tôi cho là quá nhiều nhiều và tôi nghĩ hợp lý chỉ nên quy định tối thiểu 20%.
Hội đồng trường bám sát các hoạt động, mục tiêu của nhà trường và thậm chí đề xuất các hoạt động rất cụ thể của nhà trường trong từng năm một.
Bởi vậy số lượng các cán bộ, giảng viên trong các khoa, bộ môn cần tăng lên chứ không chỉ như dự thảo đưa ra là chỉ tối thiểu 25% tổng số thành viên", ông Nội kiến nghị.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ 30% trong dự thảo tuy có tăng lên so với luật hiện hành nhưng như vậy là còn ít hơn thế giới (nhiều trường trên thế giới là 50%).
Điều quan trọng là phải chọn những đại diện của cộng đồng xã hội thực sự tâm huyết và có trách nhiệm với nhà trường. Đó là những lãnh đạo của các doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt là các cựu sinh viên thành đạt của trường.
Họ yêu trường và có trách nhiệm với trường, sẵn sàng đóng góp cho hoạt động của nhà trường không vì lợi ích kinh tế, mà đó chính là niềm vinh dự, sự cống hiện cho xã hội, vì nâng cao chất lượng của nhà trường, cũng chính là nâng cao chất lượng đội ngũ lao động tương lai của họ.
Không những thế họ còn thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, mở rộng cơ hội tìm kiếm các kênh đầu tư cho nhà trường.
Do đó, theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để hội đồng trường có thực quyền, ngoài việc quyết nghị về nhân sự, hội đồng trường cần quyết nghị về vấn đề tài chính...
Để quản trị tốt một trường đại học tự chủ, chúng ta nên theo cách quản trị của doanh nghiệp, có thể tham khảo rõ hơn và chi tiết trong luật doanh nghiệp.
Và Hội đồng trường còn cần Tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ. Điều này, một trường đại học khá gần với Việt Nam là đại học Chulalongkom (Thái Lan) đã thực hiện. Ngoài ra, Hội đồng đại học cũng cần tuân thủ theo quy định như hội đồng trường.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì cho rằng, nếu Hội đồng trường muốn mạnh lên thì vai trò bộ chủ quản phải giảm đi.
"Tiêu chuẩn người được bầu làm chủ tịch hội đồng trường cũng phải đạt được tầm nào đó chứ không thể chỉ chung chung có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học 5 năm.
Cấp bộ môn, cấp khoa hay cấp trường? Tôi nghĩ cần ít nhất như trải qua 1 nhiệm kỳ hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu thì tầm nhìn mới vĩ mô được", bà Lan nói.
Bởi lẽ, theo bà Lan, nếu quy định chung chung sẽ không chọn được con người dẫn đến hội đồng cũng không thực hiện được hoặc sẽ không có quyền lực.
Theo GDVN
Tự chủ đại học vẫn là bài toán khó Nhiều trường đại học tại TPHCM và chuyên gia giáo dục phấn khởi với khái niệm tự chủ đã dần rõ ràng hơn, cơ chế đã thoáng hơn, nhưng vẫn còn những bất cập Tỏ ra khá ngạc nhiên trước những thay đổi liên quan đến vấn đề tự chủ của các trường đại học trong dự thảo lần này, Giáo sư, Tiến...