Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa
Xã hội đang hy vọng sau những sự cố dẫn đến việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xin lùi thời gian trình QH đề án Đổi mới chương trình – sách giáo khoa sẽ là dịp để bộ này có được một đề án xứng tầm hơn, không còn những chuyện ‘hậu trường’ viết sách giáo khoa không giống ai như tìm hiểu của Thanh Niên.
Quá trình viết SGK hiện nay có nhiều điểm yếu dẫn tới tình trạng không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng người học không có lựa chọn nào khác – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Quan điểm Bộ GD-ĐT phải tham gia làm sách giáo khoa (SGK) đã dẫn đến nhiều hệ lụy và những câu chuyện khó tin trong quá trình viết SGK ở VN từ trước đến nay.
Viết một lèo 12 tiếng
Video đang HOT
Cố GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn (chương trình nâng cao), có lần kể chuyện về “một lần chữa cháy SGK”. Số là một tác giả đã nhận phân công từ trước đến 3 tháng để hoàn thành bản thảo nhưng sát nút ngày nộp, quá bận công việc, ông ta thông báo là không viết kịp và đành thất hứa. Thế là tổng chủ biên phải ngồi viết 12 tiếng đồng hồ liền cho kịp nộp bản thảo đúng kỳ hạn rất khắt khe của nhà xuất bản.
Khi viết SGK hiện hành đã xảy ra tình trạng thế này: viết xong xuôi đâu đấy rồi mới cho đi nước ngoài học, đào tạo vuốt đuôi. Không chỉ có một đoàn mà đến mấy đoàn, đoàn thì đi Đức, đoàn đi Thụy Điển… Người ta kháo nhau: chủ yếu là để tiện giải ngân tiền dự án mà thôi Tiến sĩ Nguyễn Huy Đoan
Do việc viết sách là “công việc tay trái” của các giảng viên nên theo GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội), các khâu viết, thẩm định sách… đều tiến hành vội vàng cho đúng kế hoạch đón đầu năm học, đúng kế hoạch của nhà xuất bản nên không phải bộ SGK nào ra đời tác giả của nó cũng hài lòng.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay: “Lần biên soạn trước công việc kéo dài và SGK có nhiều sai sót là vì các tác giả đều vẫn làm việc chính tại đơn vị công tác của mình, cố tranh thủ sắp xếp thời gian để dành cho việc viết SGK. Thỉnh thoảng các tác giả của một cuốn sách mới gặp nhau để trao đổi và không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ”.
Viết xong mới đi nước ngoài “học tập”
Quy trình làm sách không những thiếu chuyên nghiệp mà còn hình thức và lãng phí đến mức vẽ ra những chuyến đi nước ngoài, mà chính những người tham gia làm SGK cũng thừa nhận là để tiêu tiền dự án.
TS Nguyễn Huy Đoan, chủ biên và tác giả của một số SGK toán bậc trung học, kể: “Làm sách theo dự án, có một lượng tiền khá lớn dùng cho việc đào tạo cán bộ, tức là những người viết sách. Nhưng khi viết SGK hiện hành đã xảy ra tình trạng thế này: viết xong xuôi đâu đấy rồi mới cho đi nước ngoài học, đào tạo vuốt đuôi. Không chỉ có một đoàn mà đến mấy đoàn, đoàn thì đi Đức, đoàn đi Thụy Điển… Người ta kháo nhau: chủ yếu là để tiện giải ngân tiền dự án mà thôi”.
Trong khi đó, có những khoản thiết thực hơn cần chi cho những khâu trực tiếp đến chất lượng SGK thì lại rất eo hẹp. GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên một số SGK, cho rằng: “Tiền đổ vào các khâu nào đó có thể lớn nhưng tiền thù lao cho các tác giả, thành viên hội đồng thẩm định rất ít”. Ông Thuyết lấy ví dụ, một PGS được giao viết 2 tiết khái quát về văn học VN. Người này đã phải sửa đi sửa lại bài viết tới 6 lần trong khi thù lao (khoảng năm 2005 – 2006) là 300.000 đồng/tiết.
Cũng theo GS Thuyết, do quy định máy móc về kinh phí nên hội đồng nào thẩm định càng kỹ, hội đồng đó càng… thiệt về kinh phí. “Bộ SGK THPT ngữ văn chúng tôi thẩm định đến 3 vòng trong khi tiền chỉ chi cho 2 vòng. Thế nên mới có thảm cảnh các ủy viên hội đồng thẩm định phải nằm nghỉ trưa trên băng ghế ngoài hành lang vì không có kinh phí thuê phòng nghỉ, trong đó có những người ngót nghét 80 tuổi như PGS Bùi Duy Tân ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Thù lao thẩm định chỉ được 100.000 đồng/ngày thì cụ Tân đi taxi mất 80.000 đồng/lượt”, ông Thuyết ngậm ngùi.
GS Trần Đình Sử, Tổng chủ biên SGK môn ngữ văn, cũng nhận định do những chương trình này làm theo dự án, họ chỉ cần đủ chứng từ để giải ngân. Họ không quan tâm đến nội dung chương trình. “Toàn bộ chương trình tôi làm gồm 8 người do tôi điều hành, tổng số tiền chúng tôi được 30 triệu đồng, chia ra tức mỗi người được 4 triệu đồng thôi”, GS Sử kể.
Giáo sư nổi tiếng viết, học sinh không hiểu
Năm 2013, tại hội thảo khoa học quốc gia về dạy học ngữ văn ở trường phổ thông, cố GS Phan Trọng Luận có những phát biểu đau đáu về đội ngũ viết SGK. Ông cho rằng SGK là một công trình khoa học tổng hợp liên ngành giữa chuyên môn, giáo dục, tâm lý lứa tuổi, sư phạm học, xã hội học… “Giỏi giang về khoa học văn học nhưng non tay về sư phạm là không làm tốt việc viết SGK”, ông nhận định. Ông Trọng Luận nêu dẫn chứng: “Tôi mời một thầy giáo giỏi nổi tiếng, có uy tín ở một tỉnh gần Hà Nội và là nhà thơ cũng khá quen viết lách tham gia biên soạn SGK, nhưng sau một năm đành phải thay thế tuy thầy có thế mạnh văn chương và kinh nghiệm đứng lớp trên 40 năm”. Tương tự, một GS chuyên sâu về văn học VN khi viết bài khái quát văn học VN cho học sinh phổ thông đã kéo dài đến hơn 30 trang. Vất vả lắm GS mới “hạ tầm” viết để học sinh tuổi 15 có thể tiếp thu được.
Đồng quan điểm này, GS Vũ Dương Ninh cũng cho rằng đội ngũ tác giả là những GS, giảng viên ĐH có trình độ cao song nhiều người không tham gia giảng dạy ở nhà trường phổ thông, không tiếp xúc hằng ngày với học sinh nên tư duy xây dựng chương trình và cách viết SGK đều mang tính kinh viện, lý thuyết nặng nề, lời văn cô đọng không phù hợp với trình độ và tâm lý học sinh phổ thông. Phương pháp biên soạn giáo trình ĐH và phong cách học tập của sinh viên có nhiều điểm khác xa so với SGK và học sinh, nhưng nhiều khi SGK vẫn chỉ là tóm tắt lịch sử của người lớn bắt trẻ con học đồng thời mang đậm dấu vết của giáo trình ĐH bị dồn nén nên các em khó tiếp thu, sinh ra chán.
Nhưng khó khăn còn ở chỗ không nhiều giáo viên phổ thông, người trực tiếp đứng lớp ở nước ta, có thể viết SGK tốt.
GS Trần Đình Sử cho biết, có trường hợp tổng chủ biên mời GS danh tiếng viết sách không được lại mời 4 – 5 giáo viên phổ thông, nhưng rồi cũng đành phải… thôi. “Vì cơ chế của mình khiến xưa nay giáo viên chỉ biết dạy SGK, họ không tự bồi dưỡng để thành chuyên gia, dù họ dạy rất giỏi nhưng cũng chỉ là giỏi khoa nói thôi. Muốn làm được chương trình – SGK phải hiểu biết rất nhiều. Thế thì không có người”, GS Sử nói.
Theo TNO