Làm rõ nhiều bất cập của ngành giáo dục
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều địa phương xảy ra tình trạng bổ nhiệm thừa cấp phó, người thiếu tiêu chuẩn chức danh tại các cơ sở giáo dục
Cơ quan thanh tra đánh giá việc thực hiện chế độ đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, ảnh hưởng chất lượng công tác của viên chức giáo dục Ảnh: MINH CHIẾN
Ngày 12-1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tại Bộ GD-ĐT, Bộ Công Thương và 9 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Đắk Lắk, Đà Nẵng, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.
Bộ GD-ĐT có nhiều khuyết điểm
Theo kết luận của TTCP, tại Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 2013-2016, công tác xây dựng và rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật trong GD-ĐT chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, cơ cấu không hợp lý, trình độ không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Với vai trò quản lý nhưng Bộ GD-ĐT chưa hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, trong đó có các trường sư phạm. Việc tham mưu cho Chính phủ và ban hành bổ sung chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác, đặc biệt chế độ ưu đãi với giáo viên (GV), giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục còn chậm.
TTCP khẳng định biên chế thuộc lĩnh vực GD-ĐT tại các địa phương tồn tại việc giao chỉ tiêu biên chế chưa đúng quy định về định mức số người làm việc. Đáng chú ý là không tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục trong thời gian dài. Việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đời sống, tâm lý, chất lượng công tác của viên chức giáo dục. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các cơ quan đơn vị trực thuộc có liên quan.
Quá trình thanh tra công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT tại Bộ Công Thương, phát hiện một số đơn vị trực thuộc bộ này bổ nhiệm người không thuộc diện quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn chức danh, thực hiện công khai không đúng quy định.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm; giải quyết khiếu nại, xử lý dứt điểm việc khiếu nại, tố cáo tại một số cơ sở giáo dục.
Video đang HOT
Kiểm điểm nhiều lãnh đạo địa phương
TTCP phát hiện nhiều địa phương bổ nhiệm thừa cấp phó, người thiếu tiêu chuẩn chức danh tại các cơ sở giáo dục như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương… Tình trạng thừa GV cục bộ ở nhiều trường tại các địa phương (thuộc diện thanh tra) chưa được giải quyết. Có nơi nhiều năm không tổ chức tuyển GV mà chỉ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), có đơn vị ký hợp đồng với GV, nhân viên thừa so nhu cầu, thậm chí thừa nhưng vẫn ký hợp đồng tiếp với số lượng lớn. Tại Hải Phòng, một số cơ sở giáo dục thu tiền phụ huynh đóng góp đối với những trường hợp học sinh trái tuyến sai quy định. Tỉnh Thanh Hóa điều động GV THCS và tiểu học xuống dạy mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
TTCP kiến nghị chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm trách nhiệm của giám đốc Sở Nội vụ của TP này (nhiệm kỳ 2010-2015 và 2016-2020) do không tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với giám đốc Sở GD-ĐT, chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý chưa đúng quy định.
TTCP cũng kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, hiệu trưởng 2 trường ĐH Hồng Đức và ĐH Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong việc bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn. TTCP cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm của giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về HĐLĐ tại UBND huyện Krông Pắc, để xảy ra trong thời gian dài; kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (nhiệm kỳ 2015-2020) do tiếp tục ký hợp đồng với GV khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nói chấp nhận kết luận của TTCP nhưng khi kiểm điểm, ông sẽ nói lại cho rõ. “Việc này từ nhiệm kỳ trước khi tôi chưa làm giám đốc Sở Nội vụ. Tuyển dụng thì trái văn bản này mà được văn bản kia. Sẽ có kiểm điểm nhưng nói lại cho rõ” – ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, văn bản mới nhất của Chính phủ về tuyển dụng GV, hướng dẫn tuyển dụng GV theo chế độ HĐLĐ chứ không phải hợp đồng làm việc. HĐLĐ là theo chế độ của viên chức, còn hợp đồng làm việc theo Luật Lao động. “Do cách hiểu thôi. Mình chấp nhận kiểm điểm nhưng cũng nói do văn bản pháp luật có những quy định trái ngược nhau nên dẫn đến tổ chức thực hiện khác nhau” – ông Đồng nói.
Thực hiện nghiêm kết luận thanh tra
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố được thanh tra thực hiện các kiến nghị của TTCP nêu tại kết luận; đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vi phạm, khuyết điểm. Phó Thủ tướng yêu cầu TTCP kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra, báo cáo Chính phủ trước ngày 1-4.
Theo NLĐ
Sửa đổi quy định về trường đại học tư thục: 'Phân biệt đối xử' để làm gì?
Theo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục phân định cơ cấu của trường đại học tư thục dường như đang "phân biệt đối xử", cần phải được xem xét cẩn trọng.
VCCI cho rằng, không nên quy định phân biệt đối xử về cơ cấu tổ chức bắt buộc giữa trường đại học tư thục có vốn đầu tư nước ngoài hay trong nước, lợi nhuận hay phi lợi nhuận
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Giáo dục đại học) thì: Trường đại học công lập, học viện công lập có cơ cấu theo quy định của Luật;
Trường đại học tư thục có cơ cấu tương tự như trường đại học công lập (trừ Hội đồng trường) và có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có cơ cấu tổ chức tương tự như trường đại học tư thục ở trên nhưng không có đại hội đồng cổ đông. Cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức. Cơ sở giáo dục đại học có dưới 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài có cơ cấu tổ chức tương tự như đại học tư thục có/không có lợi nhuận.
Như vậy có thể thấy, cơ cấu tổ chức của trường đại học sẽ được quyết định dựa vào nguồn gốc vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số vấn đề cần được xem xét làm rõ.
Phân biệt đối xử trường tư thục "trong nước" và "nước ngoài"?
Theo nhận định của VCCI, việc Dự thảo cho phép cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức trong khi đó các trường đại học tư thục khác lại không được, dường như chưa hợp lý, gây bất bình đẳng ngược và không rõ mục tiêu quản lý.
Xét bản chất thì hai loại cơ sở giáo dục này đều có nguồn gốc vốn từ tư nhân, chỉ khác về quốc tịch của chủ sở hữu vốn (là nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước).
Theo quy định của pháp luật đầu tư và DN, nguồn gốc vốn sở hữu không phải là căn cứ để phân biệt về cơ cấu tổ chức hay hình thức hoạt động, các nhà đầu tư khi đầu tư dưới dạng thành lập tổ chức đều phải tuân theo cơ cấu tổ chức như nhau tương ứng với loại hình DN đã lựa chọn.
Trên thực tế, pháp luật liên quan tới DN nếu có phân biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thì chỉ phân biệt ở điều kiện về tỷ lệ vốn (nhà đầu tư nước ngoài có thể bị giới hạn ở một tỷ lệ vốn nhất định phù hợp với cam kết quốc tế) và hoạt động được phép (cơ sở của nhà đầu tư nước ngoài có thể bị giới hạn ở một số hoạt động).
Hơn nữa, trong mọi trường hợp thì quyền của nhà đầu tư trong nước cũng rộng hơn hoặc ít nhất là bằng quyền của nhà đầu tư nước ngoài, với mục tiêu chính sách là để bảo hộ hợp lý nhà đầu tư trong nước hoặc vì các lý do an ninh quốc phòng trật tự xã hội nhất định. Chưa có trường hợp nào hạn chế quyền của nhà đầu tư trong nước hơn so với nhà đầu tư nước ngoài (trừ một số dịch vụ rất đặc thù như casino...).
"Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không phân biệt đối xử về cơ cấu tổ chức bắt buộc giữa các trường đại học tư thục, không phân biệt về nguồn gốc vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước..." - văn bản của VCCI gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.
Vì lợi nhuận hay không, vẫn cứ phải có tổ chức đại diện cổ đông
Theo quy định tại Dự thảo thì trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không có đại hội đồng cổ đông như trường tư thục vì lợi nhuận. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Giáo dục) thì sự khác nhau giữa hai trường đại học tư thục này chỉ là ở việc sử dụng phần lợi nhuận có được từ hoạt động đào tạo. Với tiêu chí phân biệt như vậy mà quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không có đại hội đồng cổ đông trong khi trường hoạt động vì lợi nhuận có cơ quan này dường như chưa hợp lý.
Thông thường, với tính chất là đơn vị tập hợp/đại diện của tất cả các cổ đông, Đại hội đồng cổ đông được xem là bộ phận có quyền lực nhất trong trường đại học tư thục, với thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của trường, trong đó không chỉ có việc quyết định phân chia lợi nhuận mà còn đưa ra các quyết sách quan trọng khác liên quan đến sự phát triển của trường.
Hội đồng quản trị bản chất không phải chủ sở hữu, không đại diện cho các cổ đông, chỉ là đơn vị thực hiện các nghị quyết do Đại hội đồng cổ đông quyết định, không thể thay thế cho Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, dù trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận không phải quyết định về việc phân chia lợi nhuận thì vẫn cần có tổ chức tập hợp/đại diện các cổ đông để quyết định về các vấn đề quan trọng khác của trường.
Do đó, VCCI cho rằng, để đảm bảo tính hợp lý, cần sửa đổi quy định, cơ cấu tổ chức của tổ chức đại học tư thục là như nhau, không phân biệt vì mục đích lợi nhuận hay không.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà cộng đồng DN đề nghị xem xét cẩn trọng trong dự thảo, là về mô hình tổ chức của trường đại học tư thục. Theo quy định tại Dự thảo thì trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận có cơ cấu tổ chức tương tự như một công ty cổ phần, cũng bao gồm các bộ phận như: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Tuy nhiên, trường không phải là công ty cổ phần hoạt động theo Luật DN, mà là chủ thể hoạt động theo Luật này.
VCCI cho rằng, cách tiếp cận này dường như là chưa hợp lý, bởi xét về bản chất, hoạt động của trường là một "sản phẩm" dịch vụ có lợi nhuận của các chủ sở hữu đã bỏ vốn. Như vậy đối với chủ sở hữu (cổ đông bỏ vốn thành lập trường) thì đây là một hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận, do đó việc quản lý, kiểm soát phải tương tự như việc tổ chức của một DN. Tuy nhiên, đối với giảng viên, học viên thì đây là cơ sở đào tạo chuyên môn, do đó hoạt động quản trị lại phải đảm bảo tính chuyên môn của ngành giáo dục, tức là theo mô hình một trường đại học (có hội đồng trường, Ban giám đốc, văn phòng, các khoa...).
Theo Phapluatvn.vn
Cách nào thu hút học sinh, sinh viên du học "tại chỗ"? TP.HCM đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường giáo dục hiện hành nhằm giữ chân người học, tiến tới thu hút du học sinh nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại nhiều trường đại học tại TPHCM đã chủ động cập nhật chương trình đào tạo quốc tế để thu hút sinh viên Trước tình trạng ngày càng...