Làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non: Lo học phí cao, chất lượng thấp
Nhiều người cho rằng, Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT (ban hành chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non, có hiệu lực từ 31/3) đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm.
Tuy nhiên, các trường mầm non hiện không có vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh, muốn dạy học đều phải liên kết với các trung tâm, nên lo ngại vấn đề học phí cao, chất lượng thấp.
Theo Thông tư 50, các trường có thể dạy tiếng Anh cho trẻ bé nhất từ 3-4 tuổi
Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, chuẩn bị cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.Theo Thông tư 50, các trường có thể dạy tiếng Anh cho trẻ bé nhất từ 3-4 tuổi.
Ở phần hướng dẫn thực hiện, Thông tư không bắt buộc tất cả các trường mầm non phải dạy học tiếng Anh mà còn tùy điều kiện từng trường, nhu cầu (gia đình trẻ mong muốn, tự nguyện cho con học) và khả năng của trẻ để dạy học. Bộ chỉ quy định, việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đạt 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút. Trong đó, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp thông qua kĩ năng nghe và nói. Theo dõi và kịp thời hỗ trợ trẻ giao tiếp, tương tác bằng tiếng Anh.
Khó đánh giá chất lượng?
Chị Đặng Thị Thu Hương (có con học lớp 1) nói rằng, chị từng cho con theo học tiếng Anh ở trường mầm non 3 năm nhưng không hiệu quả. Đầu tiên, con học ở một trường tư, nhà trường liên kết với một trung tâm dạy tiếng Anh ở ngoài thu phí 420.000 đồng/tháng, trong đó 1 buổi giáo viên nước ngoài, 1 buổi giáo viên Việt Nam đứng lớp. Sau hơn 1 năm, chị chuyển con về học trường bán công lập; trường này liên kết với một trung tâm khác dạy liên kết thu phí hơn 600.000 đồng/tháng.
Trung tâm cử giáo viên nước ngoài dạy 2 buổi/tuần, mỗi giờ 40 phút, nhưng trung tâm không cho phép trẻ mang giáo trình về nhà. Khi phụ huynh thắc mắc và bày tỏ mong muốn được dự giờ không báo trước, đại diện trung tâm không đồng ý.
Chị Hương nói rằng, sau 3 năm làm quen với tiếng Anh, con chị chủ yếu đọc được một số từ, không nói được câu nào. “Ngán ngẩm với cách dạy học tiếng Anh ở trường mầm non, nhưng chị sợ phiền đến giáo viên đứng lớp nên đành nộp tiền cho con học và đăng ký học thêm trung tâm ở ngoài”, chị nói.
Video đang HOT
Nhiều phụ huynh cho trẻ học tiếng Anh từ 3-4 tuổi. Do đó, Thông tư 50 nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, các trường mầm non vùng khó khăn không dễ triển khai dạy tiếng Anh vì thiếu giáo viên ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh băn khoăn, khi liên kết với các trung tâm, ngoài mức phí cao, việc kiểm soát chất lượng cũng sẽ khó đảm bảo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở Hà Nội, dạy học tiếng Anh trong trường mầm non đều phải thực hiện liên kết với một trung tâm ngoại ngữ. Bà Vũ Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm (Hà Nội), cho biết, sau nhiều năm triển khai liên kết dạy học tiếng Anh cho trẻ, đến nay, các lớp nhà trẻ không học, các lớp thực hiện chương trình Montessori học 100% và các lớp khác học theo tinh thần tự nguyện.
“Khi dạy liên kết, nhà trường đánh giá giáo trình, dự giờ và đánh giá cả chất lượng để đảm bảo. Tuy nhiên, khi đăng ký học tự nguyện, không phải tất cả phụ huynh đều đăng ký”, bà Ánh nói. Một số trường mầm non khác như Trường Mầm non Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), các trường mầm non chất lượng cao Hà Nội… đều đã dạy tiếng Anh cho trẻ.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non – Bộ GD&ĐT, cho biết, hiện có khoảng 30% số trẻ trên toàn quốc được làm quen tiếng Anh. Thông tư 50 sẽ là hành lang pháp lý cho các cơ sở có điều kiện tổ chức việc dạy và học ngoại ngữ hiệu quả, chất lượng.
Bà Hoàng Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non – Sở GD&ĐT Hà Nội, nói: “Vấn đề nằm ở chỗ, các trường mầm non hiện nay không có tiêu chuẩn, vị trí việc làm cho giáo viên ngoại ngữ. Do đó, muốn thực hiện cho trẻ làm quen ngoại ngữ, các trường đều phải dạy liên kết”. Theo bà Hương, trước đây, khi chưa có Thông tư 50, một số trường có dạy tiếng Anh nhưng không có quy định cụ thể về mục tiêu.
Ví dụ, sau khi hoàn thành chương trình học, trẻ 3-4 tuổi phải đạt kỹ năng nghe, nói nào; trẻ 4-5 tuổi phải nghe nói một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn; nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp lứa tuổi…
Nay Bộ GD&ĐT đã quy định khung để các cơ sở giáo dục bám vào thực hiện. Bất kỳ trường nào, trung tâm nào thực hiện dạy học, cuối kỳ, cuối năm phải có khảo sát, đánh giá để xem trẻ đạt được những gì. “Những trẻ học tiếng Anh sẽ được đưa đến phòng riêng để học, với những trẻ không học, trường phải bố trí giáo viên trông. Như vậy, sẽ không có chuyện ép phụ huynh cho con học, ở đâu có chuyện này sẽ bị xử lý”, bà nói.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ông Vũ Thế Hưng, cho rằng, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm sẽ rất tốt, thuận lợi hơn khi trẻ lên tiểu học. Tuy nhiên, hiện nay giáo viên mầm non, tiểu học, THCS còn thiếu, bậc mầm non không có định biên, nên không huy động được đội ngũ cho các cơ sở mầm non.
Tại Hà Nội, để dạy tiếng Anh bắt buộc chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 3 (4 tiết/tuần), cần tới 1.500 giáo viên, trong khi thực tế mới chỉ có khoảng 800 giáo viên. Để đáp ứng chương trình mới bắt buộc từ tiểu học, Hà Nội phải tuyển dụng thêm và ưu tiên bậc học này.
Thu học phí học trực tuyến: Bảo đảm quyền lợi cho học sinh
Từ ngày 2-3-2021, trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ học trực tiếp ở trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Dù không phải là vấn đề "nóng" ở thời điểm này, song việc thu học phí như thế nào trong thời gian học trực tuyến vẫn được phụ huynh học sinh quan tâm.
Cô và trò Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kép năm học 2020-2021.
Trường ngoài công lập chủ động
Bà Nguyễn Thu Hiền, phụ huynh học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai - một trường ngoài công lập ở quận Hà Đông, cho biết: "Thời gian vừa qua, ngoài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các con tạm dừng học trực tiếp một thời gian và chuyển sang học trực tuyến. Hình thức này đã được triển khai từ năm học trước nên hầu như cô và trò không còn nhiều bỡ ngỡ.
Gia đình cũng đã đóng học phí cả năm học 2020-2021 cho con từ tháng 9-2020. Việc thanh quyết toán có lẽ cần chờ đến cuối năm học, bởi tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường. Gia đình hoàn toàn yên tâm, tập trung hỗ trợ tối đa cho con có điều kiện học tập tốt trong mọi hoàn cảnh. Riêng năm học trước, mức thu học phí học trực tuyến của trường là 50% so với mức học phí học trực tiếp".
Liên quan đến vấn đề học phí ở trường ngoài công lập, ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, ngay khi có thông báo của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tình hình phức tạp của dịch Covid-19 và yêu cầu cho học sinh nghỉ học tập trung, ngày 1-2-2021, nhà trường đã chủ động triển khai các công việc cần thiết để tổ chức việc dạy học trực tuyến cho toàn bộ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.
"Nội dung dạy là các bài mới, theo phân phối chương trình và bảo đảm chất lượng. Vấn đề thu học phí trong thời gian học trực tuyến đã được nhà trường thông tin tới phụ huynh học sinh từ đầu năm học 2020-2021 và nhận được sự đồng thuận. Theo đó, nhà trường quyết định mức thu học phí trực tuyến bằng 50% mức thu học phí học trực tiếp. Nhà trường trân trọng sự hỗ trợ, sẻ chia của các bậc phụ huynh học sinh và cam kết quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ", ông Nguyễn Viết Cẩn chia sẻ.
Tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép"
Theo ghi nhận ở khối các trường công lập trên địa bàn Hà Nội, vấn đề thu học phí trực tuyến chưa được đề cập ở thời điểm này. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ thông tin: "Phòng chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Hà Nội năm học 2020-2021 theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố Hà Nộ"i.
Cụ thể, cấp mầm non thu 217.000 đồng/tháng/trẻ (đối với nhà trẻ, mẫu giáo), 155.000 đồng/tháng/trẻ (đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi); cấp trung học cơ sở thu 155.000 đồng/tháng/học sinh. Các trường tiểu học không thu học phí.
Thời gian vừa qua, các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh theo đúng phân phối chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, được phụ huynh đồng thuận. Nếu có hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc thu học phí trực tuyến, các nhà trường sẽ thông tin cụ thể tới phụ huynh học sinh.
Theo thông tin từ Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai), mức thu học phí năm học 2020-2021 được thực hiện theo quy định chung; chưa triển khai nội dung thu học phí trực tuyến.
"Nhà trường tập trung hoàn thành tốt "nhiệm vụ kép" là bảo đảm an toàn cho học sinh và dạy học chất lượng, đúng tiến độ; quan tâm hỗ trợ học sinh lớp 12 về mọi mặt để các em tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định Lê Việt Dương chia sẻ.
Thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị, nhà trường tập trung cao độ để vừa tổ chức dạy học đồng thời với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về vấn đề thu học phí học trực tuyến, đối với các trường công lập, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố để có hướng dẫn cụ thể. Các chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được áp dụng theo quy định hiện hành, bảo đảm để mọi học sinh đều yên tâm học tập.
Riêng các trường ngoài công lập, trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, nếu không tổ chức học trực tuyến thì không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Nếu đã thu thì sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, trong trường hợp nhà trường có tổ chức dạy học trực tuyến, căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy học, thời gian thực tế học trực tuyến..., nhà trường xác định mức thu hợp lý trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa nhà trường và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học.
Các nhà trường cần lưu ý có chính sách giảm mức thu, thực hiện mức thu phù hợp với điều kiện thực tế của học sinh; quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi quyền lợi tốt nhất cho học sinh.
Trường mầm non tư thục đua nhau luyện chữ, học toán trước lớp 1 Dù không nằm trong chương trình giáo dục của bậc mầm non, nhưng để thu hút và giữ chân trẻ, không ít trường mầm non tư thục tại TP.HCM dạy chữ trước cho trẻ. Trẻ một trường mầm non tư thục tại TP.HCM đang được học chữ - ẢNH: NGUYỄN LOAN Trẻ lớp chồi đã bắt đầu học chữ Trong vai phụ huynh...