Lạm phát khu vực Eurozone tiếp tục xu hướng giảm nhẹ
Theo số liệu ngày 1/2 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) trong tháng 1/2024 đã giảm nhẹ xuống 2,8%, so với mức 2,9% trong tháng 12/2023, chủ yếu nhờ xu hướng tăng giá cả lương thực thực phẩm có phần chững lại.
Biểu tượng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Eurostat, mức lạm phát trong tháng 1 vừa qua vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cao hơn so với mức dự đoán 2,7% mà giới phân tích đưa ra trong khảo sát của hãng Bloomberg và công ty dữ liệu tài chính FactSet. Mặc dù vậy, chỉ số này đã thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% trong tháng 10/2022 – thời kỳ giá các mặt hàng năng lượng tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Peter Vanden Houte thuộc tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia ING Bank thận trọng: “Vẫn còn quá sớm để tuyên bố về chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát”.
Với tỷ lệ lạm phát tháng 1 như trên, ECB yên tâm với chính sách thận trọng về lãi suất, theo đó chưa vội cắt giảm lãi suất, sau thời gian tạm ngừng chuỗi tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ nhằm “ghìm cương” lạm phát. Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn hy vọng ECB có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào trước mùa hè này.
Cụ thể, trong “rổ” hàng hóa để tính chỉ số lạm phát, chỉ số giá lương thực thực phẩm và đồ uống trong tháng 1 vừa qua đã giảm xuống còn 5,7% so với mức 6,1% trong tháng trước đó. Chỉ số giá các mặt hàng năng lượng giảm xuống 6,3% so với mức 6,7% trong tháng 12/2023.
Chỉ số lạm phát lõi, không tính giá năng lượng, lương thực thực phẩm, thuốc lá và đồ uống có cồn, cũng giảm xuống 3,3% trong tháng 1, từ mức 3,4% trong tháng 10/2023. ECB quan tâm nhiều hơn đến lạm phát lõi và ECB cho rằng chỉ số này giảm chậm trong tháng 1 sẽ vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát dai dẳng.
Video đang HOT
Hồi tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông làm gia tăng rủi ro đối với lạm phát, đồng thời nhấn mạnh ECB sẽ không sớm thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất, mặc dù tỷ lệ lạm phát đang có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian này.
EU nỗ lực thúc đẩy con tàu kinh tế
Năm 2023 kết thúc với bức tranh ảm đạm của nền kinh tế các nước Liên minh châu Âu (EU), trong khi viễn cảnh cho năm mới 2024 cũng chưa mấy sáng sủa.
Ám ảnh lạm phát vẫn còn
Ngày 14/12/2023, trong phiên họp cuối năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để quyết định chính sách tiền tệ của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong quý đầu năm 2024, Hội đồng quản trị ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ sở ở mức 4% trong ít nhất 3 tháng nữa. Quyết định làm nản lòng giới đầu tư sau khi họ mong ECB giảm lãi suất nhằm khởi động lại nền kinh tế đang "ốm yếu" của khu vực. Đây là lần thứ hai ECB giữ nguyên lãi suất sau một giai đoạn dài tăng liên tiếp. Động thái này cho thấy, ECB vẫn hết sức thận trọng với nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.
Thúc đẩy các FTA mới là cách để EU mở thêm những cánh cửa.
Thực tế, ECB hoàn toàn có lý khi tiếp tục giữ nguyên lãi suất, bởi các thống kê cho thấy lạm phát chung của cả năm 2023 vẫn ở mức cao là 5,4%. Tháng 11/2023, mức lạm phát của eurozone đã kéo về mức 2,7% (thấp nhất trong 2 năm qua) nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra đầu năm. Giữ nguyên lãi suất cho thấy, ECB cũng chấp nhận giữ "kỳ vọng" tăng trưởng thấp trong thời gian tới. Cũng trong cuộc họp này, ECB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 về mức 0,6 và 0,8%, đều thấp hơn 0,1% so với những dự báo trước đó vào tháng 9/2003.
Bất chấp giới đầu tư không hài lòng vì quyết định giữ nguyên lãi suất thì các chuyên gia kinh tế vẫn có lý do để bảo lưu quan điểm của mình. Những con số thống kê được đưa ra đã chứng minh cho sự bi quan của những chuyên gia chính sách tiền tệ của khối khi GDP của eurozone trì trệ từ quý 4/2022 cho tới quý 3/2023, với mức tăng trưởng bằng 0. Chỉ số sản xuất (PMI) do S&P Global công bố cũng cho thấy các nhà máy eurozone vừa trải qua năm 2023 ảm đạm, khi hoạt động chế tạo đã suy giảm tháng thứ 18 liên tiếp.
Thành công duy nhất của các nền kinh tế eurozone trong năm 2023 là đã kéo được lạm phát từ mức đỉnh 10,6% vào năm ngoái về mức 2,7% như hiện nay và dự đoán sẽ về sát mức 2% trong thời gian tới. Thêm vào đó, trong cuộc họp cuối năm diễn ra trước đó 1 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tổ chức này cũng quyết định giữ nguyên lãi suất, bất chấp nền kinh tế Mỹ đang có đà phục hồi tốt hơn eurozone khá nhiều.
Trong phát biểu mới nhất, bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB tái khẳng định "quyết tâm đảm bảo lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu trung hạn 2%".
Triển vọng kinh tế Eurozone chưa mấy sáng sủa.
Hồi phục "yếu ớt"
Đồng quan điểm với các chuyên gia của ECB, trong một khảo sát mới nhất do Thời báo Tài chính (FT) thực hiện với 48 chuyên gia hàng đầu thế giới đều nhất trí cho rằng triển vọng kinh tế của eurozone "yếu ớt". Dù các chuyên gia tin rằng nền kinh tế khu vực đã "xuống đáy", sẽ tăng trở lại nhưng chỉ dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của cả 20 quốc gia eurozone ở mức 0,6% trong năm 2024. Mức thấp hơn nhiều so với triển vọng chung của toàn cầu bất chấp những tín hiệu tích cực từ các khu vực khác trên thế giới. Thậm chí, 2/3 trong số các nhà kinh tế được khảo sát cho biết họ tin rằng eurozone hiện đang suy thoái. "Đây không phải là một cuộc suy thoái toàn diện, mà là một giai đoạn trì trệ của tăng trưởng", nhà kinh tế trưởng về châu Âu của Ngân hàng BNP Paribas, ông Paul Hollingsworth cho biết.
Những diễn biến chính trị thế giới cũng có thể làm xấu đi triển vọng hồi phục của EU. Một số chuyên gia nói rằng, khả năng ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và Ukraine thua trong cuộc xung đột với Nga là 2 trong số những rủi ro có thể kéo eurozone quay lại suy thoái. Nhà kinh tế Holger Schmieding nhận định, nếu thắng cử, ông Trump sẽ "ngừng hỗ trợ Ukraine và lặp lại chiến tranh thương mại với EU". Trong khi cựu Phó Chủ tịch ECB, ông Vitor Constancio nói rằng "một cuộc suy thoái kinh tế ở Đức hoặc Italy và một chiến thắng của ông Trump sẽ là những rủi ro lớn đối với châu Âu".
Một số nhà kinh tế như Mahmood Pradhan hay Mark Wall thì cảnh báo "chính sách tài khóa thắt chặt hơn ở Đức" sẽ là một nguy cơ cho eurozone vì quốc gia này chiếm 25% quy mô kinh tế toàn khối. Một phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang ức cuối tháng 11/2023 đã "ép buộc" chính phủ nước này phải cắt giảm ngân sách thêm nữa để không vi phạm trần nợ công 60%. Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế lo lắng giá năng lượng, lương thực không ổn định và thị trường lao động kém khiến tâm lý người dân bị ảnh hưởng khiến nhu cầu tiêu dùng và các chỉ số kinh tế khác của châu Âu đều suy yếu.
Chuyên gia kinh tế Rolf Brkl của Viện Nghiên cứu thị trường Nuremberg nhận định: "Các cuộc khủng hoảng, giá lương thực tăng và các cuộc thảo luận về ngân sách quốc gia năm 2024 tiếp tục gây nhiều bất ổn. Do đó, mức độ tâm lý của người tiêu dùng hiện vẫn cực kỳ thấp". Một vòng luẩn quẩn của tăng trưởng - lãi suất và lạm phát tiếp tục bủa vây trong bối cảnh những xung đột địa chính trị phức tạp khiến triển vọng của kinh tế châu Âu thực sự không lấy gì làm sáng sủa.
Nỗ lực "cởi trói"
Trong bối cảnh các yếu tố thị trường kém như vậy, các nhà lập pháp châu Âu cũng không thể ngồi yên. Trong nỗ lực mở rộng mạng lưới hợp tác kinh tế, EU đã và đang đẩy nhanh quá trình ký kết thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác mới. Sau hàng thập niên bị đình trệ, năm 2023, EU đã khởi động lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Thái Lan, nền kinh tế năng động lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Vòng đàm phán vào cuối tháng 1/2024 được cho là bước quyết định để một FTA mới nữa được ra đời. Đây sẽ là FTA thứ ba của EU với các nước trong khu vực này.
Trước đó, trong năm 2023, EU đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế với Kenya vào tháng 6. Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên giữa EU và một quốc gia châu Phi kể từ năm 2016, tạo đà để EU thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Phi. Một thỏa thuận về đầu tư bền vững cũng được ký kết giữa EU và Angola, tạo đà bứt phá cho hợp tác kinh tế giữa hai bên. Một loạt hiệp định khác với Nigeria, Rwanda, Senegal, Nam Phi, Ai Cập cũng được triển khai trong thời gian ngắn cho thấy EU đang rất quan tâm tới khu vực này.
Tại diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu diễn ra cuối tháng 10/2023 tại Brussels (Bỉ), EU đã mời hơn 40 nguyên thủ quốc gia từ các nước đang phát triển chủ yếu là ở châu Á và châu Phi tới để bàn thảo về những chương trình hành động chung. Hàng chục bản cam kết tài trợ đã được ký mở ra cơ hội hợp tác của EU với các đối tác này. Những động thái chính trị này không chỉ gia tăng ảnh hưởng của EU mà còn giúp thắt chặt sợi dây kết nối kinh tế giữa các bên. Ủy viên châu Âu phụ trách hợp tác quốc tế, bà Jutta Urpilainen không quên nhấn mạnh "EU hiện là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn nhất vào châu Phi".
Cuối tháng 11/2023, EU đã kịp thời thông qua FTA với New Zealand, đồng thời tuyên bố hiệp định này có thể có hiệu lực ngay đầu năm 2024. Đây là bước đi nhanh chóng của EU để mở ra một cánh cửa mới đến với khu vực kinh tế Thái Bình Dương trước đây còn nhiều "xa cách". Với FTA mới nhất này, EU ước tính sẽ giảm khoảng 140 triệu euro tiền thuế mỗi năm cho các doanh nghiệp của mình, đồng thời thúc đẩy thương mại song phương tăng 30% trong vòng 10 năm tới. EU cũng đang khởi động lại các cuộc đàm phán FTA với Australia và Ấn ộ sau thời gian trì hoãn.
Ở góc nhìn khác, việc kiên trì theo đuổi chính sách "cai nghiện khí đốt Nga" của EU đã mang lại hiệu quả. Mùa đông năm 2023, lượng khí đốt Nga chỉ còn chiếm 12% tổng nhu cầu của khối. Việc "thích nghi" với tình trạng này sẽ giúp cho các doanh nghiệp châu Âu ổn định sản xuất trong thời gian tới. Chính sách công nghiệp mới chú trọng phát triển nội khối cũng như thúc đẩy công nghiệp xanh là những chủ trương được EU kiên trì theo đuổi. Cùng với chuyển đổi xanh, đảm bảo an ninh kinh tế và kỷ luật tài chính là những mục tiêu đã được EU vạch ra cho cả năm 2024.
Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng được ký hôm 20/12/2023 là thỏa thuận của cả khối nhằm củng cố giá trị đồng tiền chung và hạn chế vay mượn để tránh các cuộc khủng hoảng tài chính như từng xảy ra ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha trước đây. Những chủ trương này đều sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng, nhưng đây được coi là bước đi quyết định để nền kinh tế EU có thể lấy lại vị thế của mình
Nền kinh tế Mỹ đối mặt với loạt thách thức trước cuộc bầu cử 2024 Trong khi một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể chứng kiến "cú hạ cánh nhẹ nhàng" vào năm tới, tờ The Epoch Times lại dự đoán người Mỹ nên chuẩn bị cho năm 2024 gập ghềnh. Ảnh minh hoạ: Sputnik Hầu hết các phương tiện truyền thông Mỹ đều nhận định rằng quốc gia này đã tránh được...