‘Làm mới’ ngoại khóa giáo dục đạo đức lối sống
Giáo dục đạo đức lối sống được triển khai đa dạng qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, gần gũi, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.
Tăng sự tương tác, trao đổi giữa giáo viên và học sinh qua sinh hoạt trải nghiệm.
Bồi đắp giá trị văn hóa, lịch sử
Ngay từ đầu năm học 2022 -2023, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả chủ đề sinh hoạt đầu tuần, ngoại khóa để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Qua đó, tạo hứng thú học tập, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) tiết sinh hoạt ngoại khóa qua vở biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ vừa được tổ chức cuối tuần đã giúp học sinh được khám phá văn hóa dân gian. Đặc biệt, bồi đắp thêm kiến thức lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh.
Cụ thể, vở biểu diễn Tinh hoa Bắc Bộ có thời lượng 55 phút, 6 phần chính gồm: Thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội. Vở diễn đã tái hiện những câu chuyện lao động, học tập của người Việt thông qua các đại cảnh lớn dưới nước, lồng ghép vào đó là tiếng mưa, tiếng ve gọi hè hay tiếng đan lát áo mưa rơm…
Vở diễn có sự tham gia của 300 diễn viên chuyên nghiệp sẽ mang lại một cảm xúc mãn nhãn, đầy tự hào, thêm yêu đất nước con người Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều diễn viên chính là người dân xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Đây cũng là Chương trình Thực cảnh hay nhất do CNN của Mỹ bình chọn.
Xen kẽ vào chương trình Lịch sử ngoại khóa, học sinh trường THCS Giảng Võ còn tham gia các hoạt động gồm: xem biểu diễn Cá heo – Sứ giả truyền tin; tham gia vào các trò chơi dân gian như Múa sạp, ném còn, đi cà kheo…
Một trong những tiết mục qua vở diễn thực cảnh Tinh Hoa Bắc Bộ.
Đại diện Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ đánh giá, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ ngoài việc giúp học sinh thêm tình yêu đam mê với lịch sử cội nguồn dân tộc thì còn giúp các em cân bằng cảm xúc trong học tập. Vở diễn cũng tái hiện lại những nét tinh hoa văn hóa dân tộc giàu truyền thống như dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu…giúp học sinh có thêm kiến thức văn hóa.
Còn tại trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), cô Nguyễn Thanh Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, buổi sinh hoạt dưới cờ chuyên đề “Khởi nguồn ước mơ” vừa được tổ chức. Hoạt động với mong muốn cho học sinh hiểu được và có thêm động lực để kiên trì theo đuổi ước mơ.
“Bất kể đích đến nào từ học tập đến cuộc sống, đều được bắt đầu từ những ước mơ. Khi mỗi học sinh biết ước mơ, các con sẽ có mong muốn đạt được ước mơ đó, và “Khởi nguồn ước mơ” cũng chính là một slogan của Trường THCS Thăng Long.
Khi các con bước chân vào cổng trường, các con đã được nuôi dưỡng những ước mơ của mình. Từ đó, sẽ biết tu dưỡng, rèn luyện, sẽ trau dồi bản thân, có những hành động cụ thể, để đạt được ước mơ của mình.
Chuyên đề cũng hướng đến giáo dục các con tính kiên trì. Kiên trì theo đuổi, thực hiện ước mơ thì sẽ dẫn đến thành công. Nhà trường cũng luôn có các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và ở các hoạt động khác…”, cô Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Video đang HOT
Giáo dục đạo đức từ truyện ngụ ngôn
“Động lực học tập” là chủ đề của tiết sinh hoạt ngoại khóa vừa được trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức. Theo cô Nguyễn Thị Thảo – giảng viên đến từ Trung tâm đào tạo Vietfuture cho biết, buổi sinh hoạt giúp học sinh có thêm nhiều cảm hứng hơn trong việc học. Bởi, thay vì để những người xung quanh tác động, các em sẽ tự tìm ra động lực để tự học, học vì mình, vì ước mơ, thậm chí là vì đam mê của bản thân.
Trong buổi học, các em có thể thoải mái nêu ra quan điểm, ý kiến của bản thân về việc học. Các em được tham gia những trò chơi khác nhau để hiểu được rằng học tập không chỉ trên ghế nhà trường mà học tập là ở mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào cũng có thể học tập được.
Học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt hào hứng trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
“Tôi đưa các câu chuyện ngụ ngôn vào tiết học để các em hiểu được rằng cần phải vượt qua rất nhiều quá trình rèn luyện khổ cực, vất vả thì mới có thể đến được với thành công. Trong học tập cũng vậy, sẽ có những lúc các con cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng để thực hiện được ước mơ và mục tiêu của mình thì các con phải tự mình vượt qua được…”, cô Thảo thông tin.
Giảng viên Thảo cũng cho hay, thông điệp muốn nhắn gửi tới học sinh trong buổi học là giảng viên sẽ giúp các em đi trên con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Vì vậy, các em cần phải cố gắng, nỗ lực không ngừng để thực hiện được ước mơ của bản thân.
Từ các trò chơi, bài học thực tiễn hay câu chuyện ngụ ngôn giảng viên Thảo đã đưa được các kiến thức cần thiết cho học sinh một cách đơn giản và dễ hiểu. Đặc biệt là giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ việc hướng dẫn giúp học sinh THCS biết tự quản lý tiền và trân quý sức lao động, tiền bạc. Sẵn sàng tham gia lao động cùng bố mẹ, giúp đỡ bố mẹ làm các việc nhỏ hàng ngày như nấu cơm, rửa bát hay dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp…
“Tự tin là chính mình khi bước vào tuổi dậy thì, thấu hiểu tâm lý, sự khác biệt giới tính và không kì thị giới tính thứ 3. Can đảm và mạnh mẽ khi đứng trước nỗi sợ hãi và những khó khăn. Ngoài ra, các em sẽ biết yêu thương gia đình, cha mẹ và những người xung quanh…”, đó là những thông điệp bài giảng đến từ Trung tâm đào tạo Vietfuture.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thu Hương, chủ nhiệm lớp 5A5, Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) đánh giá, tiết ngoại khóa với chương trình “thiếu nhi đột phá” được nhà trường phối hợp với Trung tâm đào tạo Vietfuture rất bổ ích.
Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh thêm kiến thức về văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Chương trình với câu chuyện ngụ ngôn gần gũi, khơi gợi hứng khởi học tập cho các con, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.
Cô Hương tâm sự, nhiều tiết học trên lớp có kiến thức tương đối nặng nên học sinh phải tập trung, giữ trật tự tránh làm ảnh hưởng bạn bè. Tuy nhiên, tiết ngoại khóa, ngược lại, rất sôi động vì các em có thể liên tục trả lời, đặt câu hỏi với giảng viên đứng lớp.
Cô Hương cũng bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền thí điểm 1-2 tiết/tháng về ngoại khóa kỹ năng sống để các em có thể thư giãn, vận động sau các giờ học chính khóa căng thẳng.
Nói về các hoạt động ngoại khóa, cô Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, Nhà trường nỗ lực để chọn các địa điểm phù hợp với hoạt động thực tế và gắn kết với chương trình học của học sinh từng khối lớp, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.
Đơn cử, tổ chức học sinh đi tham quan các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, vở biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ… Từ đó, thêm yêu quý trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc, có thêm những hiểu biết về lịch sử của cha ông. Góp phần quan trọng vào hình thành và phát triển năng lực giúp cho việc học tập hiệu quả và tích cực hơn.
Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ: Cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện
Quyết định số 1895 vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực nhằm thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.
Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1895 phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030". Với những mục tiêu cụ thể, Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến tích cực nhằm thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ. Để có thêm thông tin, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Quyết định số 1895 về Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030 vừa được Chính phủ ban hành?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản đồng bộ để triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030.
Chương trình 1895 là một trong số nhiệm vụ nhằm tiếp tục cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện, hướng tới cân bằng việc "Dạy chữ" và "Dạy người" trong các nhà trường. Việc "dạy chữ" cuối cùng cũng là để "dạy người" và việc "dạy người" cũng cần được thực thiện thông qua "dạy chữ".
Chương trình đã được nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá của các chuyên gia, các bộ, ngành và đặc biệt là Trung ương Đoàn. Những nội dung trong Chương trình bám sát các quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; bảo đảm sự kế thừa và phát triển những ưu điểm của Đề án giai đoạn 2015-2020 và kết quả, bài học kinh nghiệm của 5 năm đổi mới.
Chương trình cũng đã cập nhật quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII về "khơi dậy khát vọng cống hiến" cho thế hệ trẻ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ có những hoạt động triển khai thiết thực, hiệu quả, đem lại sự thay đổi về chất cho hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, góp phần xây dựng nguồn sức mạnh nội sinh cho đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.
- Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội với rất nhiều thông tin tiêu cực, thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của thanh niên, ngành giáo dục sẽ có giải pháp như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Không thể phủ nhận những tác động tích cực của mạng xã hội trong việc giao lưu, chia sẻ, kết nối thông tin, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, lối sống của thanh niên.
Để kiểm soát những thông tin này, ngành GD tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức của HSSV khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội; hình thành và phát triển ở HSSV kỹ năng nhận diện, làm chủ thông tin trên mạng xã hội; tăng cường giáo dục nền tảng giá trị sống cho HSSV để HSSV biết lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.
- Mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là "Dạy chữ đi đôi với Dạy người". Bộ GD&ĐT đã và sẽ đổi mới phương pháp dạy các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Lý luận chính trị theo hướng nào để phù hợp?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Đối với các môn học này, Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới đồng bộ từ nội dung, phương pháp, hình thức dạy học đến kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển năng lực người học. Trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản, đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Đồng thời phát huy hiệu quả của phương pháp dạy học tích cực, kích thích tư duy người học, phát huy sự chủ động, sáng tạo của người học, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá khả năng luyện tập, thực hành, vận dụng kiến thức vào việc giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.
Ngoài việc đổi mới các môn học trên, Bộ GD&ĐT tích cực chỉ đạo việc tích hợp GD đạo đức, lối sống trong các môn học khác: Ngữ văn, Lịch sử,... và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Điều này được thể hiện rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sẽ được thực hiện theo lộ trình trong thời gian tới.
Tăng cường kết hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, với giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi.
- Trường học, gia đình, xã hội gắn liền với quá trình trưởng thành của học sinh. Theo Thứ trưởng, cần tăng cường phối hợp ra sao để nâng cao cộng đồng trách nhiệm giữa các tổ chức này trong giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cho thế hệ trẻ?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Nhà trường - gia đình - xã hội là 3 môi trường hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp, củng cố để phát triển nhân cách HS một cách toàn diện. Khi có được sự cộng hưởng của ba môi trường này, HS sẽ có được nền tảng để khẳng định bản thân.
Để nâng cao cộng đồng trách nhiệm của các thành tố này, cần tập trung vào các hoạt động: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục HSSV và xây dựng môi trường GD gia đình, hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện, phát triển tiềm năng; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, chia sẻ, hỗ trợ gia đình, cộng đồng và tổ chức xã hội về phương pháp GD HSSV; nâng cao hiệu quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS; yêu cầu các cấp ngành của địa phương nâng cao trách nhiệm, phát huy thế mạnh của nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác GD HS phát triển toàn diện.
Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là hai đơn vị đồng chủ trì thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2020. Đồng hành với ngành Giáo dục, giai đoạn 2022-2025, Trung ương Đoàn chủ trì Đề án Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trên không gian mạng.
Thông qua các tổ chức Đoàn cơ sở và các tổ chức Đội TNTP, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tích cực phối hợp để tổ chức các chương trình, cuộc thi, hội thi, diễn đàn, phong trào, hành động cách mạng: Tôi yêu Tổ quốc tôi, Học sinh 3 tốt, Sinh viên 5 tốt, tình nguyện vì cộng đồng; kết hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, với giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi.
- Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030" đưa ra những mục tiêu rất cụ thể. Thời gian tới ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh và chú trọng vào những vấn đề gì trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chương trình đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong thời gian tới, ngành giáo dục tập trung vào việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại để kết quả đạt được của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thực sự thuyết phục xã hội. Bộ sẽ tiếp tục ban hành chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá; công tác thi đua, khen thưởng...
Tuy nhiên, nếu chỉ bằng nỗ lực của ngành Giáo dục, kết quả sẽ khó đạt được như những gì mà chúng ta mong đợi cũng như khó đáp ứng được những đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các gia đình và toàn xã hội để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, xứng đáng chủ nhân tương lai của đất nước.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!
Chú trọng dạy đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường Không chỉ chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, mà các trường học hiện nay đặc biệt chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa để nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, ngăn chặn bạo lực học đường. Các trường chú trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ảnh...