‘Làm lại’ tinh hoàn
Do tai nạn, bệnh lý hoặc dị tật, nhiều người bị mất một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Điều này gây chấn thương tâm lý rất lớn cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết nguyên nhân sự vắng mặt tinh hoàn trong bìu có thể là: Không có do dị tật bẩm sinh bị cắt bỏ do ung thư tinh hoàn (hoặc di căn đến cơ quan này), do có bệnh xoắn tinh hoàn nhưng đến bệnh viện muộn, hay chấn thương, vỡ dập, đứt rời… mà không còn khả năng bảo tồn nữa.
Tình trạng mất tinh hoàn khiến bệnh nhân đau khổ, xấu hổ và mặc cảm, dễ gây ra các chấn thương về tinh thần. Tuy vậy, ít người biết rằng họ có thể “làm lại” nó bằng một phẫu thuật đơn giản, nhằm giải quyết vấn đề thẩm mỹ và tâm lý. Đã có một số bệnh nhân được tái tạo tinh hoàn tại Bệnh viện Việt Đức.
Sau khi gây tê vùng, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở vùng bìu hoặc bẹn. Sau đó, họ tạo một khoang rỗng để đặt tinh hoàn mới, làm bằng vật liệu nhân tạo có tính trơ (hầu như không gây phản ứng với cơ thể) với nhiều loại kích cỡ. Bệnh nhân có thể ra về trong ngày.
Theo bác sĩ Hồng Hà, các ca phẫu thuật tái tạo tinh hoàn đầu tiên đã được thực hiện cách đây gần 50 năm. Với tinh hoàn nhân tạo làm từ chất liệu trơ, nguy cơ có phản ứng không mong muốn rất thấp. Tuy nhiên, như mọi trường hợp cấy ghép vật lạ khác, cơ thể vẫn có khả năng gây phản ứng thải loại (1-3%), dẫn đến đau, kích thích, vùng da ở đó cứng hơn bình thường. Nếu phản ứng nặng, có thể phải lấy tinh hoàn nhân tạo ra. Mặt khác, cũng như mọi ca phẫu thuật, việc cấy tinh hoàn cũng có thể gây chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng…
Nếu có điều kiện, việc tái tạo tinh hoàn có thể được tiến hành cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ cơ quan này (do bệnh lý, chấn thương…). Với trẻ em, có thể làm trong khi sửa chữa các di dạng bẩm sinh. Tuy nhiên, khi trưởng thành, cần phẫu thuật lần nữa để thay tinh hoàn có kích thước lớn hơn.
Tái tạo cả dương vật
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết, không chỉ tinh hoàn mà dương vật cũng có thể tái tạo, tuy việc này phức tạp hơn nhiều, cần đến kỹ thuật vi phẫu.
Nguyên tắc cơ bản là dùng vạt da có mạch máu nuôi ở nơi khác cuốn tại thành hình dương vật rồi chuyển xuống vùng bẹn, dùng vi phẫu nỗi các mạch máu. Bên trong, có thể dùng sụn sườn hoặc chất liệu nhân tạo để tạo độ cứng. Kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam cách đây khoảng 20 năm, do giáo sư Nguyễn Huy Phan, chuyên gia đầu ngành về tạo hình của Việt Nam, đề xuất.
Với dương vật mới, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục, sinh con bởi nó vẫn được nối với niệu đạo và hệ thống dẫn tinh.
Theo Vnexpress