Lạm dụng đồ uống có đường là ‘con đường tắt’ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm
Tiêu thụ đồ uống có đường quá nhiều được xem là “con đường tắt” dẫn đến nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu.
Các chuyên gia đề nghị cần có giải pháp kiểm soát tiêu thụ loại đồ uống này.
Trên thế giới, cứ 10 người trưởng thành lại có 1 người mắc bệnh đái tháo đường, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường type 2. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy hiện nay có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Trong đó, hơn 55% bệnh nhân đã bị biến chứng về tim mạch, tim mạch, thần kinh, thận.
“Bệnh đái tháo đường là một thách thức toàn cầu đối với sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và xã hội. Sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng và lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thực sự là một hồi chuông báo động”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói trong lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường vừa qua.
Mối liên hệ của đồ uống có đường và bệnh đái tháo đường
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, một nghiên cứu cho thấy trẻ em uống hơn 1 phần nước ngọt/ngày làm tăng 0,24 chỉ số khối cơ thể (BMI).
Trẻ 2-5 tuổi thường xuyên uống nước ngọt tăng 43% nguy cơ béo phì. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến hàng loạt bệnh tật khác, bao gồm đái tháo đường.
Các chuyên gia cũng chỉ ra có mối liên hệ thuận chiều giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường với tăng tỷ lệ đề kháng insulin ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một nghiên cứu cho thấy với mỗi 250g (hoặc 250ml) đồ uống có đường được tiêu thụ thêm thì một dấu hiệu kháng insulin ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng 5%.
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Anh, Quyền điều hành Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện An Bình (TP.HCM), đa số đồ uống có đường (nước ngọt, nước tăng lực, trà uống liền…) chứa đường nhưng không chứa những vitamin để chuyển hoá đường. Do đó, cơ thể bị hao hụt một lượng vitamin để cung cấp cho quá trình này.
Điều quan trọng là đồ uống có đường sẽ làm tăng lượng đường và carbohydrate hấp thụ nhanh dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Từ đó, dẫn đến các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2 như viêm, kháng insulin…
“Khi tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường, vấn đề cốt lõi là quá trình tăng đường huyết nhanh nên sẽ tăng nhanh insulin, từ đó kéo theo hàng loạt hậu quả phía sau: tim mạch, thận, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu”, bác sĩ Phương Anh phân tích.
Bác sĩ Phương Anh cũng bày tỏ lo ngại về nếu như trước đây, mắc bệnh đái tháo đường ở tuổi 40 được xem là trẻ, thì nay, người 20-30 tuổi mắc bệnh này ngày càng phổ biến.
“Kết cục là hàng loạt hệ luỵ về sức khoẻ, chất lượng sống, kinh tế với cá nhân, gia đình, an sinh xã hội, kéo dài đến suốt đời người bệnh”, bác sĩ nói.
Do đó, bác sĩ Phương Anh đề xuất cần sớm có các giải pháp hiệu quả để kiểm soát việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường. Điều này đặc biệt quan trọng với đối tượng trẻ nhỏ, học sinh, giới trẻ.
Video đang HOT
Tăng nhận thức, hạn chế quảng cáo, áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo bác sĩ Phương Anh, quan sát thực tế cho thấy thể tích đựng đồ uống có đường hiện nay đã tăng gấp đôi, gấp ba thậm chí hơn thế, so với trước đây. Nhu cầu tiêu thụ đồ uống này rất cao có lý do của tâm lý, nhận thức, thói quen…
Để giảm lượng tiêu thụ, bác sĩ Phương Anh cho rằng cần nhắm đến người cung cấp với các quy định cụ thể để giảm thể tích đồ uống có đường bán ra cho mỗi người mua (ví dụ giới hạn các loại ly, chai, lon đựng đồ uống có đường tối đa 500ml..).
Tại nơi bán đồ uống có đường cần có những khuyến cáo vì sức khoẻ người tiêu dùng: thông báo hàm lượng đường có trong chai/lon/ly đồ uống bán ra; khuyến cáo về lượng đường tối đa mà cơ thể nên tiêu thụ mỗi ngày…
“Những cảnh báo giúp tăng nhận thức của người tiêu dùng về sức khoẻ và giới hạn được lượng tiêu thụ. Tất nhiên, đó là một quá trình lâu dài”, bác sĩ Phương Anh nói. Thực tế, trung bình một người Việt đang tiêu thụ 46,5g đường một ngày, gần gấp đôi mức khuyến nghị để có lợi hơn cho sức khỏe của WHO.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các quốc gia cần kết hợp 3 giải pháp để kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường: giáo dục truyền thông, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em và áp thuế đối với đồ uống có đường.
Ông Mark Goodchild, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, cho biết gánh nặng y tế của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang ngày càng gia tăng do các bệnh không lây nhiễm. Một trong các nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Theo ông Mark, đường tự do trong đồ uống có đường hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Các sản phẩm này lại được tích cực quảng bá và tiếp thị cho giới trẻ, nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn trong tương lai.
Do đó, ông khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, giải pháp được xem là mạnh mẽ và hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ đồ uống này. Hiện, 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
“Việt Nam có cơ hội ngăn chặn nhiều bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống trong tương lai. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sẽ là một phần trong gói can thiệp đó”, ông Mark Goodchild nói.
Đi bộ đúng cách cho người bệnh tiểu đường
Với người bệnh tiểu đường, tập thể dục giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tăng khả năng hoạt động của insulin.
Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường băn khoăn không biết có nên đi bộ không, đi bộ thế nào thì tốt?
Lợi ích của đi bộ với người bệnh tiểu đường
Bên cạnh kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp và thay đổi thói quen sinh hoạt, luyện tập thể dục cũng có vai trò quan trọng đối với người bệnh tiểu đường. Trong đó, đi bộ là một trong những lựa chọn tốt nhất bởi các nghiên cứu chứng minh cho thấy lợi ích đi bộ tốt trong việc kiểm soát đường huyết.
Người cao tuổi nên đi bộ hay đạp xe
Tuy nhiên, có thể phải mất vài tháng tập thể dục thường xuyên bạn mới có thể nhận ra sự thay đổi trong sức khỏe của mình.
Các nghiên cứu chỉ ra, đi bộ đúng cách tốt cho bệnh nhân tiểu đường, cụ thể là việc đi bộ thường xuyên giúp cải thiện độ nhạy insulin. Nếu đi bộ từ 20-30 phút sẽ giúp giảm đường huyết trong 24 giờ, bởi đi bộ giúp giảm nguồn dự trữ glycogen, tiêu hao glucose và đưa lượng đường trong máu về mức bình thường.
Sau khi ăn khoảng một giờ, vận động sẽ giúp lượng đường máu trong máu không tăng nhiều trong 1-2 giờ sau ăn. Đi bộ còn có thể giảm cân, kiểm soát cân nặng và mỡ máu tốt hơn, từ đó ngăn ngừa các biến chứng của căn bệnh này.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra, đi bộ thường xuyên, đều đặt còn giúp lưu thông máu tốt hơn, ngăn ngừa tăng huyết áp, cải thiện lượng đường trong máu. Đáng chú ý, đi bộ còn kích kích cơ thể sản sinh cholesterol tốt, có lợi cho gan, tim mạch. Việc đi bộ đúng cách cũng giải tỏa bớt tâm lý căng thẳng của người mắc bệnh, giúp người bệnh khỏe và vui hơn.
Ngoài giúp ích cải thiện lượng đường trong máu cho người bệnh đái tháo đường, đi bộ còn có thể cải thiện: Sức mạnh của xương và cơ bắp; Sự cân bằng; Huyết áp; Sự tập trung...
Đi bộ là một trong những lựa chọn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường cần đi bộ đúng cách
Trước khi đi bộ hay tập luyện bất kỳ môn thể thao nào người bệnh tiểu đường cần đến bác sĩ để được tư vấn một chương trình tập thể dục phù hợp. Đôi khi, bác sĩ sẽ làm một số bài test để đảm bảo có thể tập thể dục an toàn mà không gây hại cho tim mạch.
Nếu người bệnh tiểu đường đang dùng thuốc cần thông báo với bác sĩ điều trị để điều chỉnh thuốc phù hợp khi luyện tập thể dục hoặc cách điều chỉnh liều thuốc để phòng ngừa hạ đường máu. Và tốt nhất người bệnh cũng nên khám mắt trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới để đảm bảo an toàn.
Theo khuyến nghị người bệnh tiểu đường cần tập thể dục khoảng 30 phút (từ cường độ trung bình đến mạnh) ít nhất 5 ngày/tuần. Nếu tình trạng sức khỏe không tốt, hãy bắt đầu đi bộ 5-10 phút mỗi ngày.
Cố gắng tập thể dục vào cùng một thời điểm mỗi ngày, với khoảng thời gian và cường độ tương tự nhau sẽ giúp kiểm soát đường máu tốt hơn.
Người bệnh nên cố gắng đạt mục tiêu đi bộ nhanh 30-45 phút, ít nhất 5 ngày trong tuần. Nếu muốn giảm cân, cần tăng tổng thời gian luyện tập. Mục tiêu tuần đầu có thể là 10 phút mỗi ngày và tăng dần. Những tuần tiếp theo nên tăng thêm 3-5 phút cho đến khi đạt được mục tiêu.
Tổng thời gian đi bộ có thể được chia nhỏ, ví dụ như 10 phút đi bộ ra siêu thị, 10 phút đi bộ sang nhà bạn hay đến nơi nào đó và 10 phút làm việc nhà, trồng cây, tưới cây. Điều quan trọng là phải di chuyển liên tục trong mỗi khoảng thời gian 10 phút đó.
Uống nhiều nước trước, trong và sau khi luyện tập. Cố gắng tập thể dục vào cùng một thời điểm mỗi ngày, với khoảng thời gian và cường độ tương tự nhau. Điều này sẽ giúp kiểm soát đường máu tốt hơn. Nếu như không có thời gian, thì việc tập thể dục vào các thời điểm khác nhau trong ngày sẽ tốt hơn là không tập gì cả.
Lựa chọn các hình thức đi bộ ở bệnh nhân tiểu đường
Đi bộ là bài tập đơn giản nhưng lại có hiệu quả cao, giúp giãn gân cốt, thông kinh mạch. Người tiểu đường nên đi bộ ở những địa hình bằng phẳng, không khí trong lành, yên tĩnh. Mới đầu nên đi với tốc độ 60-100 bước/phút, sau có thể đi với quãng đường dài hơn, thời gian lâu hơn. Sau mỗi 100m nghỉ từ 2-3 phút. Người bệnh đái tháo đường có thể lựa chọn hình thức chạy chậm, đi bộ lùi, đi bộ nhanh,...Tùy thuộc vào ý thích của mỗi người mà lựa chọn cho phù hợp.
Đối với chạy chậm là bài tập thể dục chữa tiểu đường hiệu quả. Bài tập này đơn giản lại không tốn quá nhiều sức nhưng vẫn giúp cơ thể được vận động. Ngoài ra, chạy chậm còn giúp giảm lượng mỡ trong máu, tăng cường trao đổi chất, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường quá trình tiêu hóa...
Chạy với tốc độ 100-200m/phút và chạy trong khoảng thời gian 10 phút. Trong lúc chạy người hơi đưa về phía trước, cơ bắp thả lỏng, thẳng lưng, giữ cơ thể cân bằng, chân tiếp đất nhẹ nhàng. Mắt nhìn về phía trước, khuỷu tay hơi gập lại, thả lỏng toàn thân.
Vừa chạy vừa phải phối hợp điều chỉnh hít thở. Chạy chậm dần khi muốn kết thúc tập, không dừng đột ngột. Thở đều, hít thở sâu vài lần, dùng tay xoa mặt, tai để máu dễ lưu thông. Nên chạy mỗi ngày một lần hoặc chạy cách ngày. Nên chạy vào buổi sáng.
Bệnh nhân tiểu đường nên chọn giày vừa vặn khi đi bộ.
Người bệnh tiểu đường nên chuẩn bị gì trước khi đi bộ?
Trước khi đi bộ, người bệnh tiểu đường nên chuẩn bị:
Nên chọn giày thoải mái nhưng bít mũi, vừa vặn với chân để tránh các tổn thương ở chân ngăn ngừa mụn nước hoặc vết loét. Nên chọn loại tất thể thao hoặc tất dành cho người tiểu đường được làm bằng sợi polyester thấm mồ hôi.
Luôn kiểm tra giày và bàn chân xem có vấn đề gì xảy ra trước và sau khi tập không, vì có thể sẽ không cảm thấy đau hay phát hiện ra vết phồng rộp khi có biến chứng bàn chân tiểu đường.
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào trên đôi chân của mình, bởi vì một vấn đề nhỏ sẽ có thể trở nên nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời và phù hợp. Ngoài ra, tìm một đôi giày thoải mái và phù hợp với đôi chân của mình.
Mặc dù luyện tập thể lực là điều vô cùng cần thiết, nhưng bệnh nhân tiểu đường cần phải được hướng dẫn các bài tập phù hợp với bản thân mình. Cần phải biết cách luyện tập đúng đắn để vừa đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết, vừa tăng cường sức khỏe và giải tỏa những căng thẳng tinh thần.
Phẫu thuật khối bướu khổng lồ gây biến dạng vai gáy cho bệnh nhân Mang khối u mỡ ở vai gáy cách đây 10 năm, bà N.T.H (trú tại phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cứ để vậy, cho đến 3 năm nay, khối u phát triển khổng lồ, biến dạng cơ thể, thành kiểu cushing béo mặt, tay chân, rậm lông tó thì mới tới viện. Bà H vào Bệnh viện Nội tiết...