Lâm Đồng: Hiệu trưởng nhận phụ cấp dạy học gần 100 triệu đồng dù không giảng dạy
Dù không tham gia dạy học nhưng hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn được chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đứng lớp, với số tiền gần 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Thanh tra thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, qua kiểm tra việc thực hiện chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo là cán bộ quản lý Trường THCS Hùng Vương (Bảo Lộc), đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm về tài chính.
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2017, ông Nguyễn Quang Minh (Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, Bảo Lộc) không tham gia giảng dạy. Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cũng không cung cấp được các hồ sơ, tài liệu để chứng minh có thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp hoặc dạy phụ đạo, dạy bồi dưỡng.
Tuy nhiên, nhà trường đã chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đứng lớp và nhận tổng số tiền 99,3 triệu đồng.
Cũng theo Thanh tra thành phố Bảo Lộc, liên quan đến hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, đoàn thanh tra cũng kiểm tra nội dung tố cáo của tập thể giáo viên Trường THCS Hùng Vương, tố cáo hiệu trưởng vi phạm quy định trong quản lý tài chính, lập hợp đồng làm việc với bà Nguyễn Thị Bảo Thu (con gái của hiệu trưởng).
Cụ thể, theo xác nhận của ông Nguyễn Quang Minh (hiệu trưởng) và bà Nguyễn Thị Liễu (kế toán Trường THCS Hùng Vương) thì trong thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2018, Trường THCS Hùng Vương đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với bà Nguyễn Thị Bảo Thu (công việc là thủ quỹ), tuy nhiên bà Thu không làm việc tại trường trong thời gian nêu trên.
Video đang HOT
Từ hợp đồng này, Trường THCS Hùng Vương đã thực hiện kê khai, xác lập hồ sơ và lấy ngân sách để đóng toàn bộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho bà Thu với tổng số tiền 48,2 triệu đồng là sai phạm căn cứ theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2012.
Hiện, vụ việc cũng được Thanh tra thành phố Bảo Lộc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an thành phố Bảo Lộc để tiếp tục điều tra xử lý.
Minh Anh
Theo Dân trí
Quảng Trị: Nhiều trường mầm non thiếu cô nuôi, giáo viên đứng lớp kiêm... "đứng bếp"
Tình trạng thiếu nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non tại Quảng Trị thời gian qua khiến một số trường phải bố trí giáo viên đứng lớp vào bếp, vì chưa tuyển được hợp đồng.
Ghi nhận tại các trường mầm non ở các vùng khó khăn Quảng Trị, các trường vẫn chưa bố trí nhân viên nuôi dưỡng (cô nuôi). Theo quy định tại thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV: "Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn".
Để duy trì bữa ăn cho trẻ, một số trường tự xoay sở bằng cách động viên giáo viên đứng lớp kiêm "đứng bếp".
Nhiều cô giáo vừa dạy học vừa vào bếp nấu ăn cho trẻ
Trường Mầm non A Xing (xã A Xing, huyện Hướng Hóa) có 5 điểm trường với 235 trẻ, nhưng chưa được bố trí cô nuôi.
Nhiều năm nay, để giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, nhà trường đã thực hiện công tác bán trú cho trẻ. Từ đó, nhân viên Y tế của trường và các giáo viên vừa làm chuyên môn, vừa vào bếp nấu ăn...
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non A Xing cho biết, trường phải vận dụng sao cho vừa đảm bảo công tác chuyên môn, vừa đảm đương tốt nhiệm vụ của cô nuôi. Nhưng thực tế đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập.
Tương tự, Trường Mầm non A Túc (xã A Túc, huyện Hướng Hóa), có hơn 250 cháu nhưng cũng chưa bố trí được nhân viên nuôi dưỡng.
Chính vì vậy, việc nấu ăn cho trẻ cũng do nhân viên Y tế và giáo viên đảm nhận. Bếp nấu ăn được bố trí ở trường chính, đến bữa các điểm trường cử giáo viên về chở thức ăn.
Tình trạng thiếu nhân viên nuôi dưỡng xảy ra tại nhiều địa phương.
"Học sinh ở trường là con em đồng bào dân tộc nên nhà trường không thể thỏa thuận thu tiền nấu ăn với phụ huynh để trả tiền hợp đồng các cô nuôi như các trường ở vùng có điều kiện như đồng bằng", cô Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường Mầm non A Túc cho hay.
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 152 trường mầm non công lập, chăm sóc nuôi dưỡng 35.121 cháu. Nếu theo thông tư 06/2015, thì cần tối thiểu 747 nhân viên nuôi dưỡng.
Nhưng nhân viên được các trường mầm non tự hợp đồng, tự trả lương hiện chỉ có 485 người với mức lương từ 1,9 đến 2,9 triệu đồng (tùy vào sự đóng góp của phụ huynh).
Liên quan đến vấn đề này, từ các năm trước, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã có kiến nghị cần bố trí hợp đồng đối với cô nuôi ở các trường mầm non, nhưng chưa được thông qua.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị - cô giáo Lê Thị Hương, cho biết: "Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã được UBND tỉnh giao xây dựng đề án thực hiện chế độ chính sách cho cô nuôi trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019- 2025. Hiện đang hoàn thiện đề án để trình các cấp xem xét".
Đ. Đức
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Vụ hiệu trưởng xúc phạm giáo viên vì xin công khai tài chính: Sở Nội vụ đề nghị huyện làm rõ Liên quan đến việc bà Thiều Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thanh (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) dù có nhiều sai phạm về tài chính và chửi bới xúc phạm giáo viên nhưng vẫn được UBND huyện Đông Sơn tiến hành làm quy trình bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng, Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị làm rõ....