Làm đặc sản bánh giá lạ miệng cho ngày thu
Độc giả Phạm Thúy Quyên (TP.HCM) chia sẻ với Zing công thức làm món bánh giá nổi tiếng chợ Giồng, Tiền Giang.
Chị Quyên cho biết trong một lần đặt chân đến đất Tiền Giang đã được đồng nghiệp người Gò Công mời ăn thử hương vị mộc mạc, lạ miệng này. Cũng từ đó mà bản thân chị yêu thích và tìm hiểu công thức để thực hiện món bánh giá, thành phẩm gần giống bản gốc.
Thoạt nhìn, bánh giá khá giống bánh cống của Sóc Trăng, lại có nét tựa bánh tôm Hồ Tây. Tuy nhiên, nhân bên trong cực kỳ phong phú, có vị giòn mát của giá, bùi béo của gan, thịt, hương thơm phảng phất nhờ đậu phộng và đậu xanh. Người thưởng thức nhâm nhi bánh khi còn ấm nóng kèm chút nước mắm chua ngọt và rau sống. Khẩu phần khá chất lượng, chỉ cần ăn tầm 2 bánh là no.
Mùa dịch, nhiều gia đình trồng giá đỗ tươi ngon tại nhà và thu hoạch chỉ sau vài ngày. Đây cũng là dịp phù hợp để bạn thử trổ tài làm món ngon này đổi vị.
Nguyên liệu
60 g bột bắp
200 g bột gạo
1 quả trứng
Video đang HOT
200 ml nước cốt dừa
250 ml nước lọc
100 g gan heo
200 g tôm (loại vừa, có thể dùng tôm đất, tôm bạc hoặc tôm thẻ)
100 g thịt nạc dăm
250 g giá sống
Hành lá cắt nhuyễn
1 nắm đậu phộng
1 nắm đậu xanh
1 thìa cà phê tỏi băm nhuyễn
1 thìa cà phê hành khô băm nhuyễn
Cách làm
Dùng chiếc vá lớn, sâu lòng làm khuôn.
Trộn đều hỗn hợp bột bắp, bột gạo, trứng. Sau đó cho từ từ nước cốt dừa và nước vào, vừa cho vừa khuấy đều, khi hỗn hợp sền sệt là đạt. Tiếp theo cho hành lá cắt nhuyễn cùng chút muối vào trộn đều và để bột nghỉ khoảng 30 phút.Cắt gan heo miếng nhỏ vừa ăn, nêm 1 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê tiêu xay, 1/2 thìa cà phê tỏi băm, 1/2 thìa cà phê hành băm rồi trộn đều. Để 15 phút cho thấm gia vị.Cho gan heo lên bếp xào nhanh tay với lửa lớn, khi cạn nước và gan chín tái là được.
Cắt nhỏ thịt nạc dăm, nêm vào 1 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê tiêu xay và 1/2 thìa cà phê tỏi băm, hành băm rồi trộn đều. Để thấm 15 phút, sau đó đem xào sơ cho thịt chín tái.Rửa sạch tôm, có thể lột vỏ hay để vỏ đều được, để ráo nước.Rửa sạch đậu phộng và luộc chín.Với đậu xanh, chọn loại nguyên hạt, không cần đãi vỏ, đem luộc chín.Rửa sạch giá sống, để ráo nước.
Cắt cho cọng giá ngắn bớt.Cho dầu vào chảo chiên (mỗi lần chỉ chiên 1 cái và phải chiên ngập dầu nên không cần chảo quá to, dùng chảo sâu lòng hay nồi đều được). Dầu sôi già mới bắt đầu chiên.Làm nóng vá trong chảo dầu, cho một ít giá sống vào chiếc vá, thêm vài miếng gan và thịt lên (lượng nhân này khoảng 2/3 vá). Sau đó, cho bột vào đầy chiếc vá, thêm ít đậu phộng và đậu xanh lên trên, cuối cùng để 1-2 con tôm lên.
Giữ vá bánh trong nồi dầu sôi, khi bánh được chiên vàng sẽ tự động tách khỏi vá, vớt bánh ra để ráo dầu là hoàn thành.
Bánh giá - đặc sản nổi tiếng của Gò Công, Tiền Giang
Nếu ai đã từng có dịp đặt chân tới Gò Công, Tiền Giang thì chắc hẳn không còn xa lạ với bánh giá, đặc sản nổi tiếng xuất xứ từ chợ Giồng.
Bánh giá là một món ăn đặc sản nổi tiếng xuất xứ từ chợ Giồng (Gò Công Tây) ở vùng Gò Công, Tiền Giang. Cũng vì xuất xứ đó mà người ta thường gọi là bánh giá Chợ Giồng. Theo lời truyền miệng của cư dân, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt ở vùng đất này vào thế kỷ XVII.
Loại bánh này có sức ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa vùng Chợ Giồng nói riêng và vùng Gò Công, Tiền Giang nói chung. Cái vá (muôi) là vật dụng dùng định hình cho loại bánh này, người địa phương đọc trại "vá" thành "giá" từ đó trở thành tên gọi của bánh là bánh giá.
Bánh giá có ngoại hình tương tự như bánh tôm hồ Tây, tuy nhiên thành phần có phần phong phú hơn. Các nguyên liệu chính gồm: Thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm rơm, nấm mèo (mộc nhĩ), cải bắc thảo, bột gạo, bột đậu nành, óc heo, dầu thực vật hoặc mỡ heo.
Bánh giá. Ảnh minh họa.
Đầu tiên, trộn chung bột gạo với đậu nành theo tỷ lệ 1:1 và óc heo rồi ủ khoảng 2 - 3 giờ, sau đó mới đem chiên. Bắc chảo dầu lên bếp than đun cho dầu sôi. Kế tiếp, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào vá và nhúng vá ấy vào chảo đến khi chiếc bánh có màu vàng sậm là vừa chín tới.Thông thường, mỗi chảo chiên từ 4 - 5 vá. Người làm bánh khéo sẽ chiên sao cho con tôm nằm trọn vẹn trên mặt bánh đỏ au. Bánh giá ăn nóng kèm với rau thơm xắt nhỏ, nước mắm tỏi ớt và bún.
Bánh giá Chợ Giồng không chỉ là món ăn bình dân mà còn được sử dụng một cách trang trọng trong các bữa tiệc thịnh soạn và nghiêm túc như cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp... Nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh thường nhắc đến món ăn này trong các quyển tiểu thuyết của mình. Người Việt Nam cũng có câu ca dao đề cập tới bánh giá: "Một mai em gái theo chồng/Còn đâu bánh giá chợ Giồng mời anh".
Ăn bánh giá Chợ Giồng nhớ công người gìn giữ Sự đa dạng về vùng miền không chỉ tạo nên bức tranh đầy màu sắc trong phong tục tập quán mà còn ẩn hiện trong cả văn hoá ẩm thực. Cứ mỗi vùng miền người ta lại bắt gặp những món ăn mang phong vị khác nhau. Với phần lớn diện tích là đồng bằng cùng sự bồi đắp của những dòng chảy...