Làm củ cải muối giòn cay chỉ 5 bước đơn giản ăn là ghiền
Nếu bạn chưa biết cách làm củ cải muối giòn cay thì hãy tham khảo ngay công thức dưới đây nhé!
Củ cải là một trong những thực phẩm phổ biến, chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C,… Thực phẩm này còn có khả năng điều chỉnh huyết áp, ngăn ngừa bệnh vàng da, chống táo bón, giúp giảm cân, phòng chống cảm lạnh, ho và giảm nguy cơ ung thư.
Chính vì thế củ cải trở thành nguyên liệu quen thuộc với chị em nội trợ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách để bảo quản củ cải tươi ngon. Với củ cải, bạn nên chọn những củ còn nguyên vẹn, vỏ nhẵn, không bị dập nát, có dáng thẳng, thuôn dài dần về phía đuôi. Không mua củ cải quá to, thân củ phình, mềm, mất cuống lá, lá bị héo úa hay những củ có phần đầu vai to, dày thường nhạt.
Củ cải muối giòn cay là một trong những món ăn ngon, giúp giảm ngấy cho các món nhiều dầu mỡ. Dưới đây là cách làm củ cải muối giòn cay đơn giản.
Nguyên liệu làm củ cải muối giòn cay:
Củ cải
Muối
Xửng hấp
Tấm vải
Bột ớt
Nước cốt gà
Đường
Cách làm củ cải muối giòn cay:
Đầu tiên, bạn nên cắt bỏ phần lá, phần đầu và đuôi của củ cải, sau đó cắt củ cải thành từng đoạn, thái thành lát dày rồi dùng dao cắt thành dải. Không cần thiết phải nạo vỏ củ cải nếu bạn muốn món ăn giòn hơn.
Video đang HOT
Sau khi cắt hết các dải củ cải, bạn cho các dải củ cải vào một cái thau lớn. Sau đó cho một ít muối vào, xóc đều và ướp khoảng 4 tiếng để giảm bớt hơi ẩm trong củ cải cũng như giúp củ cải giòn và tươi lâu.
Sau thời gian ướp, củ cải sẽ ra nhiều nước và mềm. Củ cải đã bị mất nước rất nhiều. Vì vậy, bạn hãy chắt bỏ nước ngâm rồi rửa sạch củ cải. Nếm thử thấy không bị mặn là được, nếu quá mặn thì rửa thêm vài lần.
Tiếp theo, bạn chuẩn bị một chiếc xửng hấp, lót một tấm vải vào rồi đổ củ cải vào xửng. Tiếp đó, trải một miếng vải hấp lên trên, đặt một chậu nước lên trên các dải củ cải, ấn càng mạnh càng tốt, dùng trọng lực đè lên mặt trên để làm khô nước bên trong củ cải.
Bạn đổ củ cải ra rổ và mang ra phơi nắng khoảng 2 ngày cho củ cải khô lại. Sau 2 ngày, hơi ẩm bên trong củ cải đã được ép ra ngoài. Củ cải sẽ khô và “quắt” lại. Sau đó, bạn có thể đổ củ cải ra bát.Sau đó, điều chỉnh gia vị theo sở thích của riêng mình, thêm bột ớt, một lượng nước cốt gà và một chút đường, cuối cùng khuấy đều bằng tay.
Chỉ cần 2 ngày là có thể ăn củ cải khô giòn, sảng khoái mà chất dinh dưỡng trong củ cải cũng không bị mất đi. Bạn có thể ăn ngay món củ cải này hoặc chế biến thành rất nều các món ngon khác nhau.
Chúc bạn thực hiện thành công!
Nhớ bà và món củ cải muối mắm nồng đượm
Vại củ cải muối của bà nội hội tụ đầy đủ ngũ vị ngọt cay mặn bùi chua, thêm cái kiểu dai dai, dẻo dẻo như xơ mít càng làm cho vị Tết quê nhà cứ lai dai không muốn dừng.
Ngày xưa, cứ đến độ tháng 11 Âm lịch, bà tôi lại xắt lát hàng sọt củ cải rồi đem phơi cho thật khô.
Bà bảo rằng, phơi khô để muối ăn cả năm, chứ không đến ngày giáp hạt chỉ có cơm trắng thôi chẳng có thịt ăn đâu. Rồi Tết đến phải có vại củ cải muối mới đúng vị.
Tôi thì không ưng món củ cải luộc cho lắm, vị ngọt của nó không giống như đường cũng chẳng như ngọt thịt, mà cứ ngai ngái kiểu mì chính, kho cá dừ dừ thì tôi ăn tạm. Còn nói đến củ cải khô rồi chế món này, món nọ thì tôi càng chẳng hy vọng về một món ngon nào đó mà bà đang nói.
Ấy vậy, bà vẫn quả quyết bảo rằng món củ cải muối mắm là món chủ đạo của ngày Tết, quan trọng không kém gì thịt, giò, bánh chưng, nem rán cả. Bà tôi thường nói: "Tết phải có đồ muối ăn cho dễ tiêu hóa, củ cải muối mắm ngon chẳng kém hành dưa muối đâu, tụi bay cứ ăn thử đi là mê hết à".
Củ cải muối mắm ngày tết gợi lại bao kỷ niệm của tôi với bà nội.
Những củ cải trắng muốt, nõn nà, căng dài được bà xắt thành hình vuông, dài chừng nửa gang tay, rồi bà dải đều ra nia, phơi trong cái nắng hanh hao của tiết trời thu xứ Bắc. Tôi được bà giao nhiệm vụ canh gác mẻ phơi trong mấy chiều liền, nhỡ "ông ù" đến bất chợt là phải vội vã dọn nia vào ngay, vì lỡ dính nước mưa là củ cải sẽ bị hỏng.
Để có được nguyên liệu muối ngon hết tầm, trước đó, bà chọn lựa rất kỹ càng. Những củ cải được bà "chọn mặt gửi vàng" phải có bề mặt nhẵn mịn, nắn vào thấy rắn đanh, lá vẫn còn tươi và có mùi thơm đặc trưng.
Ngoài ra, bà nhấc củ cải lên rồi tung nhẹ để kiểm tra độ xốp, củ to mà bên trong phần ruột xốp thì muối sẽ không ngon nên bà sẽ loại ngay. Bà còn dặn, chọn củ cải trắng không quá non cũng không quá già, đặc biệt những củ nhũn mềm phải bỏ ngay vì đã bị ủng.
Phơi được mấy nắng, củ cải tươi căng mọng đã trở thành dạng khô, xoăn tít và chuyển sang màu xam xám. Hồi đó, tôi chẳng tin món củ cải muối của bà ngon như bà kể chút nào, người già thường dễ ăn vì họ sinh ra trong đói khổ.
Tôi cò mạo muội nghĩ rằng, có lẽ bà không trồng được dưa hành nên muối củ cải để thay thế thôi, chứ tôi thấy người ta chuộng món dưa hành hơn cả. Hoặc rằng, củ cải muối là "kẻ đóng thế" một món ăn chống đói của người quê được hình tượng hóa lên một cung bậc.
Củ cải tươi trước khi được sao khô.
Bà tôi có thói quen ăn trầu. Đôi môi bà lúc nào cũng đỏ au au, hàm răng đen kìn kịt, đều tăm tắp. Bà vừa đóng củ cải khô vào bao tải vừa kể chuyện ngày xưa ông bà lên duyên đôi lứa. Rồi bà vẫn nhai trầu, ấy mà nước trầu không bao giờ bà để rơi vãi xuống củ cải. Củ cải được bà lèn chặt trong bao, cất vào góc nhà và muối dần.
Độ cách Tết nửa tháng, bà bắt đầu bỏ củ cải khô ra muối bằng kinh nghiêm truyền đời truyền kiếp từ các cụ. Trước lúc muối, bà đun sẵn một ấm nước sôi bằng bếp rơm rồi sau đó trần qua củ cải và vắt sao cho kiệt nước. Bà gọi công đoạn đó là "đánh thức" sợi củ cải tỉnh dậy.
Gia vị để muối củ cải phức tạp hơn hành, dưa vì có cả thêm nước mắm và ớt. Bà khéo léo cho tất cả mắm, dấm, đường vào đun sôi, sau đó bà thả sợi củ cải vào rồi tắt bếp, thêm ớt, thêm tỏi theo đúng tỷ lệ "bí kíp gia truyền", trộn đều.
Bà lọ mọ cả một chiều đông. Đến khi nước nguội thì bà cho củ cải vào vại, ngâm nửa buổi củ cải ngấm vị là có thể ăn được. Nhưng tôi vẫn thắc mắc vì sao bà không gọt vỏ củ cải mà cứ để nguyên. Bà bảo "ngon là ở cái vỏ, vị đăng đắng chính là ở vỏ mà ra".
Bà thường muối đến 5-6 vại củ cải để cho gia đình các cô chú, hàng xóm láng giềng cùng thưởng thức. Tôi thì chẳng tỵ bà cho ai, chỉ muốn bà cho hết vì tôi nghĩ mình sẽ chẳng ăn đâu, cho dù trông cái mã vàng màu cánh gián khá bắt mắt.
Gian bếp ấm áp của bà ngày cận Tết.
Rồi Tết đến, giao thừa rộn vang tiếng pháo. Mâm cơm cúng của nhà tôi hiện lên không thể thiếu đĩa củ cải muối mắm vàng ươm, nồng đượm. Lúc hạ lễ giao thừa, bố tôi thường nhâm nhi chút rượu nhắm với đôi chân gà, mẹ tôi và tôi thì ăn mứt, chỉ riêng bà là khoái món củ cải muối, từ tốn ăn trong tiết xuân đang về.
Sáng mùng 1, bà nội khẽ khàng đi xuống bếp, mở vại củ cải ra và gắp đầy một đĩa, đặt ngạo nghễ giữa mâm cơm. Tôi còn nhớ lần đầu tiên ăn củ cải muối, không ngon tẹo nào, tôi suýt ói.
Bà tôi cứ mời mãi, "công sức của bà cháu mình đó, cháu ăn đi", tôi vẫn lắc đầu, dỗi hờn tranh nhau chiếc đùi gà với anh trai. Nhưng đến lúc đã ăn thịt, giò ngây ngấy, tôi bèn gắp lấy một vài miếng củ cải "tráng miệng" thì bỗng thấy ngon lạ lung, đập tan cái sự đầy hơi trong bụng và từ đó tôi nghiện luôn... củ cải muối mắm của bà.
Giờ, bà nội đã đi xa về miền cực lạc, về theo cánh thiên di. Quê tôi cũng chẳng còn nhà ai trồng củ cải nữa, Tết đến xuân về theo một cách thật khác lạ, rất hững hờ. Mọi thứ đều có thể mua sẵn, chỉ có những công đoạn làm ra sản phẩm thì chẳng mấy ai được chứng kiến nữa và chẳng thể mua được dẫu có nhiều tiền đến đâu.
Mẹ tôi là dâu cả nhưng mẹ vụng. Mẹ lại bận rộn chợ búa đến tận sát giờ giao thừa nên không thừa hưởng được kỹ nghệ muối củ cải của bà nội. Chỉ còn những hình ảnh khắc khoải về dáng bà lưng còng, nụ cười hiền dịu cứ lọ mọ trong bếp gọi đứa cháu phụ bếp, đôi lúc hiện về trong miền ký ức của tôi.
Đôi lần vào trong siêu thị, thấy hũ củ cải muối mắm được bày biện tinh tươm, tôi lại nhớ đến khung cảnh ngồi ngoài sân với nia, với thúng thủng thẳng cùng bà xắt củ cải, sao cho khô, rồi muối lên vàng ruồm ruộm.
Có lần mua củ cải sẵn về ăn thử, vị vẫn như xưa nhưng cảm xúc trong tôi thật trống vắng, tan nát. Có lẽ, vì củ cải còn thiếu mùi đôi bàn tay đầy đồi mồi của bà quyện vào hay mùi trầu thơm thoang thoảng bà nhai cứ đỏ au áu...
Nắng thu khẽ tắt, gió hanh hao thoang thoảng mùi hoa sữa, đông chợt đến vội vã, Tết rầm rập trên từng nóc nhà tranh. Ai rắc nỗi buồn tương tư, ai gieo nỗi nhớ thao thiết trong miền ký ức, còn đâu nữa bồi hồi, còn đâu nữa ngóng chờ từng đợt khói bếp lên lảng bảng?
Tôi chợt nhớ ra mấy ngày nữa cũng là ngày giỗ bà lần thứ 7, chừng đó cái Tết cũng chẳng còn thấy đĩa củ cải muối mắm nồng đượm trên mâm cỗ phút giao mùa rộn vang tiếng pháo.
Loại củ được ví là "nhân sâm đất" nấu chung với thịt bò có ngay món bổ, ăn 3 lần mỗi tuần khỏe lên thấy rõ Sự kết hợp của thịt bò với loại củ này không những tạo thành món ngon mà còn có rất nhiều công dụng cho sức khỏe. Loại củ được nhắc đến là củ cải. Theo y học cổ truyền, củ cải rất nhiều công dụng. Nó không chỉ giúp khử khí, giữ ẩm cho phổi, giải độc, lợi tiểu mà còn hỗ trợ...