“Là thầy giáo, tôi không phô tô phao thi!”
“Là thầy giáo dạy học trò thi cử phải nghiêm túc mà lại đi làm tài liệu cho đứa khác dù không phải là sinh viên của mình thì coi sao được?”.
Ảnh minh họa
Hồi mới bắt đầu đi làm, do chưa mua máy in nên tôi thường xuyên phải vào tiệm phô tô đối diện cổng trường để in và phô tô tài liệu. Dần dần, khi đã trở thành khách quen của tiệm, tôi thân luôn với anh Sơn chủ tiệm. Anh là giáo viên ở trường Trung cấp nghề gần đó thuê nhà mở tiệm để kiếm thêm thu nhập. Tính anh hiền lành, dễ chịu lại sửa rất cẩn thận nên tôi thích ghé tiệm của anh dù có cả chục cửa hàng phô tô nằm sát nhau. Có bữa tôi in 1, 2 trang anh không lấy tiền mà bảo để đó mai mốt in nữa rồi trả luôn.
Một lần, tôi ghé tiệm anh nhờ sửa bài để in. Trong lúc anh đang sửa cho tôi thì có một cậu sinh viên vào muốn phô tô thu nhỏ một tập giấy A4 viết kín chữ, chắc để đem vào phòng thi làm tài liệu.
Anh Sơn lắc đầu nói: Anh không làm đâu, lo về mà học bài cho đàng hoàng, đừng có đem tài liệu vô phòng thi làm gì.
Cậu sinh viên “đứng hình” mất vài giây, có lẽ do lần đầu tiên bị từ chối phô tô như vậy. Cậu sinh viên không nói câu nào, quay sang tiệm phô tô ngay bên cạnh một hồi lâu mới thấy ra.
Tôi hỏi anh: Sao anh không làm cho người ta? Anh không làm thì cũng có người khác làm chứ có phải ai cũng như anh đâu?
Anh Sơn cười: Biết vậy nhưng lương tâm không cho phép em à. Là thầy giáo dạy học trò thi cử phải nghiêm túc mà lại đi làm tài liệu cho đứa khác dù không phải là sinh viên của mình thì coi sao được? Tiền cũng cần nhưng quan trọng hơn là lòng thanh thản, không thấy áy náy thì mới ăn ngon ngủ yên được. Trước giờ mấy đứa sinh viên vào làm tài liệu nhỏ để đi thi thì anh đều đuổi hết.
Tôi nghe anh nói tự nhiên thấy mắc cỡ quá. Mình cũng là giáo viên nhưng nhiều lần thấy sinh viên đi mua phao thi cũng mặc kệ, chuyện của nó không phải việc của mình. Tôi chỉ biết nếu tôi làm giám thị thì sinh viên nào dùng tài liệu tôi sẽ lập biên bản xử lý đúng theo quy chế. Chưa một lần tôi lên tiếng khi vô tình thấy những sinh viên xa lạ đang tìm cách ghi tài liệu lên những miếng giấy bé xíu nếu có nói thì chỉ là “Em đang làm gì đấy?”.
Hành động nhỏ của anh Sơn chắc phải có lần làm thay đổi suy nghĩ của một em sinh viên nào đó. Càng nghĩ càng thấy hổ thẹn cho mình vì đã luôn tự cho rằng một mình mình liệu có thay đổi được gì không? Sao không làm tốt phần việc nhỏ bé của mình để lòng thanh thản thay vì phải đắn đo để rồi không làm được điều gì cho cuộc sống tốt đẹp hơn?
Bẵng đi một thời gian, tôi đi học xa nên ít có dịp ghé tiệm của anh Sơn. Đến khi học xong quay về, có lần tôi ghé tiệm anh in mấy trang giấy, anh lại không chịu lấy tiền hẹn lần sau. Tuần sau tôi ghé thì tiệm anh đóng cửa. Cả một tuần liền không thấy mở cửa, tôi đoán anh bận đi dạy, thằng nhỏ làm thuê chắc kiếm được việc ở đâu nên nghỉ luôn không có ai giữ tiệm. Vô tình mấy hôm sau, tôi gặp một anh bạn làm cùng trường với anh Sơn mới biết tin anh mới mất vì bệnh tim. Nghe tin dữ lòng tôi bỗng nhiên nhói đau như vừa mất một người thân. Đồng nghiệp của anh kể: Anh nằm viện có 1 tuần rồi ra đi. Tội nghiệp, anh mới hơn 30 tuổi, vợ trẻ, con nhỏ bơ vơ! Chỉ nghe kể thôi đã rớt nước mắt rồi.
Tháng sau, tiệm phô tô của anh Sơn đổi chủ. Chủ mới có lẽ không muốn tốn tiền thay bảng hiệu nên vẫn giữ cái tên cũ. Cứ mỗi ngày đi qua tiệm phô tô tôi lại nhớ dáng người nhỏ bé ngồi lúi húi sửa máy của anh, nhớ cả đôi bàn tay lấm lem mực in và cả những lần anh “đuổi” khách sinh viên chứ không chịu làm tài liệu. Cuộc đời nhiều bất ngờ, bệnh tật chẳng ai đoán được, không ai biết trước liệu mình có sống được đến già không? Chỉ là sống này nào thì hãy cứ làm việc gì mà lòng thấy bình an thanh thản thôi phải không anh Sơn?
Lại Thị Ngọc Hạnh
Theo Dân trí
Video đang HOT
Cảm ơn Thầy đã đánh con, Thầy ơi!
Thầy tôi đã mất, tôi vẫn tiếc nuối chưa một lần được khấu đầu trước mặt Thầy. Cảm ơn Thầy đã đánh con! Thầy ơi.
LTS: Từ câu chuyện thật của cuộc đời mình, với mong muốn giúp cho mọi người và các bạn đồng nghiệp có cái nhìn khác về việc giáo dục học sinh bằng đòn roi, tác giả Sơn Quan Huyền đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhà tôi có hai chị em, hơn kém nhau đúng ba tuổi. Ngày chị đi học "vỡ lòng" tôi cũng đi học ké, ngồi cạnh chị. Cô giáo xếp chị ngồi ngoài cùng bên phải của bàn để tiện "trông em".
Tôi học đọc, học viết cùng chị, kể từ đó có thói quen viết tay trái, tay "không thuận" của mình.
Đủ tuổi, tôi được học "vỡ lòng", cô giáo dạy tôi cũng là cô giáo dạy chị.
Lên lớp một, tôi đọc thông, làm toán thạo, duy chỉ có "cái chữ" nó không theo ý tôi, vẫn cực kỳ "đẹp".
Bài chính tả đầu tiên, tôi được "nêu gương" về thành tích ấy.
Hôm sau, thầy giáo gọi tôi lên bảng, thầy cầm cây bút giơ về phía tôi:
- Con cầm lấy.
Tôi giơ tay phải ra cầm cây viết. Thầy lại hỏi:
- Con thuận tay phải à?
- Dạ, vâng ạ.
- Vậy từ nay trở về sau con phải tập viết tay phải nhé.
Tôi hứa với thầy nhưng rồi cũng đâu vào đấy, lại viết tay trái. Một hôm thầy gọi tôi lên, bảo đặt tay trái lên bàn.
- Từ nay trở đi nếu còn viết tay trái thầy sẽ đánh tay em cho chừa.
Cùng với tiếng "chừa" là cây thước lim trên tay thầy vung xuống, hai đầu ngón trỏ và ngón giữa tay tôi tóe máu.
Mọi đứa trẻ ở tình huống như vậy đều đã rụt tay lại, riêng chị em tôi được giáo dục từ nhỏ nên chấp nhận, vì vậy "lãnh đủ" đòn hù dọa của thầy.
- Sao con không rút tay lại như các các bạn?
Hành hung học trò chỉ có thất bại!
Thầy rút vội sợi dây thun quần của mình, quấn quanh hai ngón tay tôi cho bớt chảy máu, cõng tôi băng cánh đồng trước trường đến trạm xá.
Lưng thầy túa mồ hôi, thở hổn hển, tôi thích chí không chịu xuống mà vẫn ở trên lưng bắt thầy cõng để "trả thù".
Băng bó xong, thầy đưa tôi về nhà, vừa đến ngõ đã thấy bố tôi cầm cái roi mây "gia pháp", tôi nghĩ phen này thầy ăn roi là cái chắc. Thầy vào ngõ, bố tôi khoanh tay, cúi người:
- Chào thầy ạ, con xin lỗi thầy, để cháu làm khổ thầy.
Té ra thằng bạn hàng xóm đã phóng như bay về nhà báo cho bố tôi biết.
Bố tôi đã nấu một nồi khoai và ấm trà xanh để đón thầy vào trưa hôm đó nhưng không ngờ thầy đã đưa tôi về ngay.
Tôi bị phạt đứng vào góc nhà vì tội "bắt thầy đánh" và "bắt thầy cõng".
Ngón trỏ và ngón giữa móng tay mọc vẹo sang phải kể từ ngày ấy (Ảnh: tác giả cung cấp).
Tôi giận bố tôi lắm vì không bênh con, mà lại bênh thầy.
Thầy về, bố cầm cái tay băng trắng của tôi lên xem, bố ôn tồn bảo:
- Bố biết con đau, bố cũng đau lắm, nhưng thầy đánh là muốn con nên người, muốn sau này bố còn có con mà nhờ, phải cảm ơn thầy con ạ.
Cũng từ lần đấy, tôi không thấy thầy dùng cây thước lim nữa.
Nhờ vậy tôi chuyển sang viết tay phải, chữ ngày một đẹp dần lên. Đôi lúc nhớ chuyện cũ, nhìn hai ngón tay "bị tật" của mình tôi lại thầm cảm ơn thầy.
Số phận run rủi, lớn lên, đi bộ đội tôi lại làm "thầy giáo quân hàm xanh", ra quân tôi chọn nghề dạy học.
Đã ba mươi năm đứng lớp, tôi chưa hề dùng đến một hình phạt nào cho học trò của mình. Mỗi khi quá giận, tôi lại nhớ đến lời thầy nói với bố tôi:
- Với thầy không có học trò dốt, mà chỉ có học trò chưa học. Không có học trò hư, mà chỉ tại mình chưa tìm ra phương pháp dạy thích hợp.
Thầy chỉ dọa thằng Cu nhà con thôi, nhưng mà nó không rụt tay lại như những đứa khác.
Trong dạy học, tôi luôn cố gắng tìm ra những ưu điểm dù nhỏ nhất của học sinh mình, chan hòa nhưng không quá trớn với chúng.
Với bọn trẻ cũng như mọi người lớn, được khen thưởng thì vui vẻ mà phấn đấu, mà dấn thân, mà hy sinh.
Khen thưởng đúng, là "hình phạt" tốt nhất trong dạy học.
Mỗi đứa con là một báu vật của cha mẹ, thế nhưng cha mẹ không nên biến con thành "vua con", cha mẹ hãy làm gương "tôn sư, trọng đạo" thì lúc đó con cái mình mới "học đạo" để sau này có "hiếu" với mình được.
Thầy tôi đã mất, tôi vẫn tiếc nuối chưa một lần được khấu đầu trước mặt Thầy. Cảm ơn Thầy đã đánh con! Thầy ơi.
Sơn Quang Huyền
Theo giaoduc.net.vn
Trung Quốc: Hôn nữ sinh học kèm, thầy giáo mất việc Một thầy giáo Trung Quốc, 47 tuổi, đã bị sa thải sau khi đăng tải đoạn video ông ta ôm eo và hôn một nữ sinh, 17 tuổi, trong lúc dạy kèm cô bé, South China Morning Post (SCMP) đưa tin ngày 22-3. Hình ảnh phản cảm thầy giáo hôn nữ sinh trong lúc dạy kèm. Ảnh: AsiaWire Theo trang tin The Paper.cn...