Lạ miệng món tép trấu rim tỏi
Tép trấu có thể chế biến nhiều món ngon hấp dẫn như nấu cùng với canh rau tập tàng, hay lăn bột chiên giòn rồi ăn kèm với bún, rau sống v.v… Nhưng để thay đổi khẩu vị, bạn còn có một món ngon dân dã khác nữa, đó là: Tép trấu rim tỏi.
Sông rạch ở miền Tây đâu đâu cũng có tép. Tùy theo hình dạng và kích cỡ mà người dân nơi đây có tên gọi khác nhau như: Tép bạc đất (mình tròn, vỏ dày, màu xám xanh), tép bạc trắng (mình dài, dẹp, vỏ mỏng) và con tép bé xíu nhỏ bằng đầu mút đũa ăn, được gọi là tép trấu (cũng có tên gọi khác là tép riu, tép rong).
Tép trấu còn tươi sống (Ảnh: BCT)
Nhắc đến con tép trấu, tôi nhớ lại tuổi thơ nơi quê nhà cùng lũ bạn rủ nhau đi xúc tép. Chỉ cần mang theo 1 chiếc rổ, 1 thùng nhựa và chờ con nước dưới sông rút cạn là nhảy ùm xuống xúc tép. Nếu may mắn “trúng luồng”, trong vài giờ, có thể kiếm được cả ký tép dễ dàng. Nhìn những con tép bé tí ti nhảy tanh tách trong thùng, tôi nghĩ chỉ có cách là cho vào chảo rang với muối xong rồi nấu nồi cháo nhừ, ăn cùng với tép là xong!.
Nhưng, má tôi lại nói, ăn như thế là một sự phí phạm những sản vật của thiên nhiên ban tặng cho con người. Tép trấu có thể chế biến nhiều món ngon hấp dẫn như: Nấu canh rau tập tàng, lăn bột chiên giòn (ăn kèm với bún, rau sống) v.v… Nhưng, để thay đổi khẩu vị, má sẽ chế biến cho con thưởng thức món ngon dân dã khác, đó là: Tép trấu rim tỏi.
Video đang HOT
Đĩa tép trấu rim tỏi với màu sắc bắt mắt và mùi thơm quyến rũ. (Ảnh: BCT)
Chế biến món ăn này rất dễ dàng, nhưng để có món ngon, vừa miệng, nhìn bắt mắt cũng cần có những bí quyết riêng của nó. Trước hết, tép trấu bắt được (hay mua ở chợ) về phải chọn những con tép còn tươi (màu trong xanh) và lựa bỏ những tạp chất (rác, rong, ốc nhỏ…) lẫn trong tép. Dùng kéo bén cắt bỏ đầu, râu, đuôi, rửa sạch để ra rổ cho ráo. Tiếp đến, tỏi lột vỏ (để nguyên tép) rửa sạch, để ráo. Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn cùng hạt điều (liều lượng vừa đủ) vào (Đây là bí quyết cho món tép trấu rim có màu đỏ bắt mắt). Khi hạt điều ra màu, tắt bếp, vớt bỏ hạt. Cuối cùng, bật lửa lên, cho tỏi, tép trấu cùng gia vị (muối đường) vào chảo, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Dùng xạng xào đều các nguyên liệu cho tới khi nước gia vị rút cạn sền sệt là chín, nhắc xuống múc ra dĩa là xong!…
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng đã bới ra chén. Gắp miếng tép trấu cùng tép tỏi đưa lên miệng nhai chầm chậm. Vị béo, ngọt của tép, deo dẻo, bùi bùi và mùi thơm đặc trưng của tỏi như lan tỏa khắp giác quan. Và miếng cơm nóng gạo mới thơm thơm có chan vài muỗng nước canh rau tập tàng vào nữa. Cảm giác ấy thật tuyệt vời!…
Patê ốc, món ăn dân dã mà sang
Cũng chỉ là món ốc dân dã với gia vị toàn cây nhà lá vườn, nhưng qua bàn tay khéo léo của người dân miền Tây, món patê ốc đã trở thành món ngon hấp dẫn đến bất ngờ.
Patê ốc đã hấp chín - Ảnh: Hoài Vũ
Ốc bươu, ốc lát tuy là món ăn dân dã, nhưng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, thịt ốc có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn không thua gì sơn hào hải vị, chẳng hạn như ốc luộc mẻ, ốc nấu tiêu, ốc hấp lá cách, ốc xào dừa, ốc bún riêu.
Gần đây người dân đồng bằng sông Cửu Long còn biến tấu thịt ốc thành món patê ốc vừa ngon, vừa lạ miệng.
Chị bếp trưởng một nhà hàng cho biết cách làm patê ốc cũng giống như patê thịt nhưng nguyên liệu chính là thịt ốc. Trước hết người thực hiện phải chọn cho được loại ốc bươu đẹm về ngâm với nước ớt độ 30 phút cho ốc nhả hết chất bùn dơ trước khi luộc.
Ốc sau đó móc lấy thịt, chỉ lấy phần đầu của con ốc, xong trộn chung vời thịt bằm, da heo cùng các loại gia vị như đường, bột ngọt, muối, nước mắm, tiêu, hành, sả, tỏi, ớt...
Đợi cho thịt thấm đều, dồn tất cả hỗn hợp trên vào một bong bóng heo làm thật sạch, dùng dây buộc thành nhiều vòng để giữ cho bong bóng nguyên vẹn. Xong đem hấp cách thủy, giữ lửa cháy đều độ hơn một giờ cho thịt chín mềm.
Patê ốc có thể ăn lúc còn nóng nhưng ngon nhất là để tủ đông và có thể dùng trong nhiều ngày.
Một đĩa patê ốc thơm ngon nhờ chế biến công phu và không kém phần tinh tế. Đây là món ăn khai vị. Khi ăn, có thể xắt miếng mỏng giống như patê thịt và ăn chung với bánh mì, kèm thêm các loại hương đồng cỏ nội như dưa leo, cà chua, tía tô, mò om, rau răm...
Tất cả đều là những hương liệu gần gũi quanh nhà và rất dễ kích thích tiêu hóa. Đặc biệt, rau răm và tía tô sẽ giúp thịt ốc tăng thêm mùi vị.
Nước chấm dùng cho các món ốc hấp dẫn nhất là nước mắm sả, tương ớt, muối tiêu chanh nhưng tuyệt nhất vẫn là cơm mẻ, một thứ nước chấm dân gian không có gì sánh được.
Khi thưởng thức, nhai từ từ sẽ cảm nhận hết cái hương vị đậm đà của chất quê. Món này không những thơm ngon, giòn, dai dai mà còn có vị beo béo nhờ kết hợp ốc với thịt heo.
Đặc biệt gia vị toàn cây nhà lá vườn tạo nên một mùi vị đặc trưng, hoàn toàn không giống với bất cứ hương vị loại thịt nào khác.
Ốc bươu đã lễ lấy thịt - Ảnh: Hoài Vũ
Thịt ốc bươu trộn chung với thịt heo và gia vị - Ảnh: Hoài Vũ
Thịt ốc dồn vào bong bóng heo trước khi đem hấp thành patê - Ảnh: Hoài Vũ
Dân dã bún đậu chả cốm Bún đậu chả cốm là món ngon dân dã thường được thưởng thức ở vỉa hè trên đường phố Hà Nội. Món bún giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn; bạn có thể làm ở nhà rất nhanh gọn, không tốn nhiều thời gian với nguyên liệu dễ kiếm.. Nguyên liệu: 1kg bún lá; 5 bìa đậu phụ; 300g giò sống; 150g...