Kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi và trình lên Chính phủ. Có thể thấy cả xã hội đang chờ đợi những thay đổi tích cực của ngành Giáo dục. Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình xung quanh vấn đề này.
Bà có quan điểm như thế nào về việc: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này cũng bổ sung vào Điều 29 nội dung “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” trong khi chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước?
- Theo tôi, đây là một chủ trương đúng, nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm theo hướng này từ rất nhiều năm trước. Điều quan trọng là cách thức tổ chức, quản lý và triển khai như thế nào để nó thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Tuy vậy, để các trường và giáo viên có thể chủ động nội dung giảng dạy sinh động và phù hợp với tình hình thực tiễn lại là một việc không đơn giản, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý rất rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung
Vấn đề mấu chốt ở đây là Bộ GD&ĐT phải ban hành chương trình cho từng môn học để có những định hướng chung và cơ bản. Trên cơ sở này, các đơn vị tham gia biên soạn có căn cứ thống nhất để làm sách.
Song song với đó, Bộ GD&ĐT cũng cần phải ban hành kèm theo các quy định về quy trình đăng ký, quy trình thẩm định, tiêu chuẩn thẩm định SGK.
Các quy định này phải được công khai rộng rãi để xã hội theo dõi, giám sát; đồng thời việc thẩm định, công bố kết quả phải rõ ràng, minh bạch, hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về chất lượng thẩm định.
Để đáp ứng nhu cầu trước mắt, Bộ GD&ĐT có thể phát hành các SGK nhất định, sau đó việc xuất bản SGK có thể chuyển giao cho các NXB. Bộ GD&ĐT phải đảm bảo khâu thẩm định và công bố kết quả.
Video đang HOT
Việc nhiều NXB cùng làm sách sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh, việc đảm bảo uy tín và thị trường sẽ giúp chất lượng sách ngày càng tốt hơn cả về hình thức và nội dung. Theo đó các địa phương, các trường có thể lựa chọn bộ SGK nào phù hợp với mình để triển khai giảng dạy.
Là ĐBQH, bà có kỳ vọng gì từ việc sửa đổi Luật GD lần này?
- Chúng tôi kỳ vọng việc bổ sung, sửa đổi Luật GD lần này sẽ loại bỏ được những bất cập trong hệ thống giáo dục về chương trình, phương pháp giáo dục, chất lượng giáo dục, chính sách chế độ cho giáo viên… Nhờ đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để làm cơ sở xây dựng những chính sách về GD&ĐT phù hợp với tình hình mới của đất nước và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
“Giáo dục THCS được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp. Việc miễn học phí cho cấp THCS hoàn toàn phù hợp với tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung
Châu Anh (ghi)
Theo giaoducthoidai.vn
Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới: Đảm bảo HS được học những tác phẩm có chất lượng
Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực trong quá trình dạy và học. Theo đó, học sinh sẽ được phát triển theo hướng phát huy năng lực một cách chủ động, sáng tạo. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Mạnh Hùng Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP TPHCM xung quanh vấn đề này.
Kỹ năng giao tiếp làm trục chính xuyên suốt
* Chương trình Ngữ văn mới sẽ lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình (CT) theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Xin ông chia sẻ kỹ về hiệu quả tích cực khi HS được dạy và học theo chương trình này?
Với môn Ngữ văn, mục tiêu chủ yếu là giúp HS hình thành và phát triển những phẩm chất đặc thù và năng lực chuyên môn, trong đó có những năng lực cốt lõi như năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ và cảm thụ văn học. Việc lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học là nhằm đáp ứng mục tiêu đó của môn học. Với đặc thù của mình, tất cả những phẩm chất và năng lực trong môn Ngữ văn đều chỉ có thể hình thành và phát triển thông qua đọc, viết, nói và nghe. Đánh giá kết quả dạy học trong môn học này cũng chỉ có thể thông qua đọc, viết, nói và nghe.
Theo kinh nghiệm quốc tế thì cách thiết kế CT như vậy bảo đảm triển khai, lồng ghép được tất cả những gì cần giáo dục trong môn học Ngữ văn. Cách thiết kế đó nhất quán với quan niệm về năng lực là khả năng chỉ có thể phát triển và thể hiện ra thông qua hoạt động. Trong môn Ngữ văn, nếu HS không có kỹ năng đọc, viết, nói và nghe thì không có kết quả giáo dục nào hết. Chúng tôi tin rằng CT Ngữ văn mới sẽ góp phần thay đổi căn bản cách dạy và học của GV và HS, giúp môn học này hoàn thành được sứ mạng của nó trong nhà trường.
*Chương trình Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Điều này tạo sự linh hoạt như thế nào cho GV và HS trong quá trình dạy và học thưa ông?
Việc quy định CT mở trước hết là tạo điều kiện linh hoạt và sáng tạo cho tác giả SGK, bảo đảm triển khai được hiệu quả CT phát triển năng lực và thực hiện chính sách một CT nhiều SGK. Về phía mình, GV được linh hoạt điều chỉnh thời lượng dạy học cho mỗi văn bản hay mỗi hoạt động dạy học. Tuy nhiên, GV vẫn phải dạy học dựa vào SGK. Ngữ liệu trong SGK thì vẫn do tác giả SGK lựa chọn và được hội đồng thẩm định SGK quốc gia thẩm định. CT mở không có nghĩa là GV được toàn quyền quyết định ngữ liệu được dạy học trong lớp.
Theo quy định của CT mới, hằng năm, mỗi HS phải tự đọc thêm một số trang sách ngoài ngữ liệu trong SGK. Quy định này tạo cơ hội cho HS được chọn văn bản đọc trong hoạt động đọc mở rộng nhằm giúp các em có hứng thú, thói quen và kỹ năng đọc sách. Đây cũng là cách để nhà trường hiểu hơn HS và định hướng, kiểm soát được việc đọc sách của các em.
Khắc phục hạn chế trong dạy và học
*Nhiều GV cho biết hiện nay vấn đề mà học sinh hạn chế nhất là kỹ năng đọc văn bản. Chương trình SGK mới cùng sách hướng dẫn cho GV sẽ giúp khắc phục vấn đề này như thế nào cùng với các kỹ năng nghe, nói và viết?
Quả đúng là kỹ năng đọc của HS hiện nay khá hạn chế. Các kỹ năng viết, nói và nghe cũng tương tự như vậy. Tình trạng đó là do cách dạy truyền thụ kiến thức một chiều trong nhà trường lâu nay. CT mới sẽ chú trọng khắc phục tình trạng này. Giải pháp khắc phục trước hết được bắt đầu từ mô hình CT và SGK phát triển năng lực. Nội dung cốt lõi của CT là những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe, được thiết kế xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Mục tiêu của dạy học không phải là HS được học tác phẩm/văn bản nào mà là có được kỹ năng đọc, viết, nói và nghe như thế nào, đạt đến mức độ nào qua việc học những tác phẩm/văn bản đó. Với cách thiết kế mới, CT Ngữ văn yêu cầu HS chuyển từ việc lắng nghe lời giảng, tiếp thu kiến thức, "chân lý" từ các thầy cô một cách thụ động sang đọc hiểu các văn bản thuộc những kiểu loại đa dạng với tư cách là chủ thể có cá tính và năng động; biết viết một cách sáng tạo trên cơ sở học hỏi các kiểu mẫu từ việc đọc; biết nói và nghe một cách tự tin và hiệu quả, trước hết, về những gì đã đọc và viết.
Phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cũng bám sát vào mục tiêu đó. Vì vậy, CT mới chắc chắn sẽ góp phần khắc phục được hạn chế về khả năng đọc của HS hiện nay. Vấn đề khắc phục đến mức độ nào còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác như khả năng đổi mới của GV và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đổi mới phương pháp dạy học...
Đảm bảo chất lượng và tính khoa học
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP TPHCM
*Việc chỉ đưa 6 tác phẩm văn học bắt buộc gồm: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập, có nhiều ý kiến cho rằng không cân xứng về nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại. Với tư cách là người tham gia biên soạn ông có ý kiến như thế nào?
Ban biên soạn CT Ngữ văn quy định 6 tác phẩm bắt buộc nói trên là nhằm bảo đảm những tác phẩm này phải có trong tất cả các bộ SGK khác nhau. Trong bối cảnh triển khai chính sách một CT nhiều SGK thì quy định đó rất cần thiết. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi quan niệm 6 tác phẩm này là đại diện đầy đủ thành tựu của văn học Việt Nam qua các thời kì. Hoàn toàn không phải như vậy! Trong 6 tác phẩm bắt buộc có Truyện Kiều là kiệt tác của văn học dân tộc, không có bất kì tác phẩm văn học Việt Nam nào có thể sánh được. Năm tác phẩm còn lại là những áng hùng văn đánh dấu những điểm mốc trọng đại trong lịch sử đấu tranh sống còn của dân tộc Việt Nam. Đó là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần độc lập, tự chủ của cha ông ta qua các giai đoạn lịch sử. Rõ ràng việc quy định những tác phẩm đó cần phải có trong tất cả các bộ SGK khác nhau thể hiện quan điểm của Ban soạn thảo coi chủ nghĩa yêu nước là chủ điểm ưu tiên hàng đầu, bảo đảm phải được thể hiện trong ngữ liệu.
Cách xử lí ngữ liệu có phần bắt buộc (với số lượng văn bản hạn chế) và có phần mở (tác giả SGK lựa chọn theo tiêu chí do CT quy định) như vậy là được tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn phần ngữ liệu. Vì vậy, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc để điều chỉnh. Bên cạnh những tác phẩm bắt buộc, chúng tôi dự kiến sẽ quy định thêm tác phẩm lựa chọn, chẳng hạn với mỗi tác giả có tầm ảnh hưởng lớn, vẫn thường được gọi là "tác gia", có thể quy định SGK cần chọn ít nhất một tác phẩm. Việc quy định cần phải có một số tác phẩm văn học dân gian (của người Việt và của đồng bào dân tộc thiểu số) trong SGK cũng đang được cân nhắc.
Dự kiến ban đầu của chúng tôi là phương án lựa chọn tác phẩm/văn bản nên giải quyết ở cấp độ SGK, chứ không cần phải ở cấp độ CT quốc gia. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm ở việc kiểm soát chất lượng ngữ liệu vì các nhóm tác giả SGK đều là những nhà chuyên môn và nhà sư phạm, có bản lĩnh và kinh nghiệm để chọn ngữ liệu thích hợp.
Việc kiểm soát chất lượng ngữ liệu ở cấp độ CT quốc gia hay SGK, theo tôi, chủ yếu là vấn đề kĩ thuật. Tuy nhiên, nếu giải quyết ở cấp độ SGK thì thuận lợi hơn vì theo mô hình CT phát triển năng lực, ngữ liệu phải phù hợp với yêu cầu cần đạt được thiết kế trong CT. Nếu ngữ liệu bắt buộc được quy định quá nhiều thì khả năng tương thích giữa ngữ liệu được phép dùng và ngữ liệu cần dùng (để qua đó HS có được những kỹ năng mà CT kì vọng) có thể là thách thức lớn đối với người soạn SGK. CT theo định hướng nội dung/kiến thức như lâu nay chủ yếu chỉ quan tâm cái gì HS được học, cần học nên dù có quy định ràng buộc tất cả ngữ liệu thì tác giả SGK cũng không gặp khó khăn gì để "thi công" CT. Nếu lấy kinh nghiệm với CT theo mô hình cũ mà đề ra các quy định ràng buộc cho CT mới thì sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc.
*Để các GV có thể thực hiện tốt vai trò của mình, ông có gợi ý gì đối với các thầy cô giáo về chương trình Ngữ văn mới này?
Để dạy học hiệu quả CT mới, trước hết GV cần nắm vững được định hướng đổi mới CT và SGK. Kiến thức trong CT và SGK mới không tăng thêm đáng kể. Chúng tôi tin rằng ngữ liệu trong các SGK mới sẽ được kế thừa đáng kể từ CT hiện hành. Xét về một số phương diện thì kiến thức còn được giảm bớt. Tuy nhiên, CT và SGK mới đòi hỏi người GV phải thay đổi căn bản phương pháp dạy học, giúp HS có cơ hội tham gia vào hoạt động học của chính các em với tư cách là những chủ thể tích cực, sáng tạo của quá trình học tập, thông qua đó các em hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà chúng ta mong muốn các em có được.
Thay vì truyền đạt kiến thức có sẵn trong SGK thì sắp tới, GV cần phải tổ chức các hoạt động dạy học trong lớp để HS từng bước có được kỹ năng đọc, viết, nói và nghe về những văn bản thuộc những kiểu loại khác nhau. Nhiệm vụ mới đó đòi hỏi GV cũng phải có kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Nếu GV không có hứng thú, thói quen và kỹ năng đọc, viết, nói và nghe thì rất khó có thể giúp HS phát triển được những kỹ năng đó.
"Nội dung chương trình hiện hành được hình thành trên cơ sở xác định những gì học sinh cần phải học, chứ không phải những gì HS có thể làm được từ việc học. Chương trình này tiêu biểu cho mô hình chương trình định hướng nội dung/kiến thức. Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương chuyển nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp cho HS phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Để thực hiện chủ trương này, CT GDPT phải chuyển từ mô hình chương trình định hướng nội dung/kiến thức sang mô hình CT phát triển năng lực, lấy mục tiêu giáo dục của môn học làm xuất phát điểm để thiết kế nội dung chương trình."
Hồng Vân (thực hiện)
Theo giaoducthoidai.vn
Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Hướng tới yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Từng có thời gian dài đứng lớp, thầy Nguyễn Văn Sỹ, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn quản lý Chương trình Moet (Bộ GD&ĐT) tại Hệ song ngữ - Hệ thống Trường Quốc tế Canada (quận 7, TPHCM), cho biết rất đồng tình với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo. Yêu cầu cấp...