Kỳ vọng gì vào chương trình giáo dục phổ thông mới?
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP HCM), chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được thực hiện từ năm học 2020. Đây có thể nói là cột mốc đáng nhớ không chỉ về thời điểm mà cả sự chuẩn bị mang tính bài bản ít nhất trong 3 năm qua.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.
Theo đó, chương trình GDPT mới chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 – 9 (9 năm) gồm tiểu học và THCS, nhằm trang bị cho học sinh (HS) tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của xã hội tương lai.
Qua đó đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS theo các hướng: Học lên THPT, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm từ lớp 10 – 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng HS, đảm bảo HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau GDPT có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Điểm mới tiếp theo là hệ thống các môn học gồm các môn học bắt buộc (là môn học mà mọi HS đều phải học), môn học bắt buộc có phân hóa (là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần), môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc (là môn học mà HS bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 theo quy định của chương trình GDPT).
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên luôn là lực lượng quan trọng và trực tiếp trong việc biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Theo đó, người thầy trước hết là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh. Nhà giáo dục đòi hỏi phải nhìn nhận người học trong sự tôn trọng, đánh giá đúng năng lực, có xem xét triển vọng và tiềm lực để phát triển. Đó còn chưa kể đến vấn đề cần phải tạo cơ hội đúng nghĩa cho người học.
Video đang HOT
Đồng thời, giáo viên phải thật sự có năng lực nghề đúng nghĩa. Năng lực nghề của giáo viên thể hiện từ việc xây dựng mục tiêu phát triển, cụ thể việc xác định mục tiêu cho chủ đề, bài dạy phải cụ thể và rõ ràng cũng như có thể đánh giá và đo lường được.
Sau đó là năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục hay kế hoạch dạy học, trong đó bao gồm năng lực lựa chọn các hoạt động giáo dục và dạy học, triển khai và tổ chức hoạt động để người học hoạt động tích cực theo yêu cầu học tập chủ động, dạy học gợi mở…
Giáo viên còn phải tổ chức và phát triển năng lực của người học. Người thầy không phải chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà là người thúc đẩy việc học hành…
Trong một nền giáo dục mới, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ giảm đi, nhưng phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần tập trung phát triển về năng lực dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
N.Thương
Theo baophapluat
Đổi mới chương trình, SGK: Giáo viên không thể "một giáo án"
Điều quyết định tính sống còn của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa hiện nay là người thầy phải thay đổi phương pháp và kỹ năng dạy học
Trong định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mục tiêu giáo dục chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân người học, tăng cường phân hóa và tiếp cận cá nhân. Dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực đòi hỏi giáo viên (GV) phải có những phẩm chất, năng lực ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Sao có thể rèn tất cả học trò theo ý thầy (?!)
Như vậy, người GV trong một quốc gia đang phát triển, để thích ứng với nền giáo dục theo định hướng phát triển năng lực có thêm "sứ mệnh" đánh thức, khơi gợi tiềm năng sẵn có ở người học, phát triển năng lực người học dựa trên những giá trị, phẩm chất riêng biệt vốn có, trong đó có sự tôn trọng sự khác biệt của cá nhân người học. Thực tế giảng dạy trong trường phổ thông hiện nay, phần lớn GV đều áp dụng các phương pháp giáo dục tiến bộ trong giờ dạy của mình. Tuy nhiên, GV lại rất ít quan tâm đến học sinh (HS) ở năng lực bẩm sinh, tính khí, sở thích, sở trường cá nhân... - những yếu tố phát triển năng lực ở mỗi cá nhân.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) hào hứng trong tiết học kỹ năng ở sân trường Ảnh: TUẤN SƠN
Thực tế, quan niệm giáo dục phổ biến trong nhà trường phổ thông hiện nay là GV hình dung trong đầu một bản sao về hình mẫu HS mà mình hướng tới rồi áp dụng những biện pháp dạy học đã được học trong trường sư phạm để rèn HS theo "mô hình" sẵn có của thầy. Trong khi đó, đứa trẻ là một thực thể sống động, không thể một sớm một chiều có thể rèn giũa chúng theo chủ quan của thầy, thậm chí cả những người sinh ra đứa trẻ. Vì vậy, thầy cô không thể cứ muốn là nhanh chóng đưa vào đầu HS kiến thức, kỹ năng, thái độ sống... theo "giáo án" định trước. Cách làm như vậy không chỉ không hấp dẫn đối với trẻ ở lứa tuổi thích trò chơi điện tử, thích đi tắm biển, du lịch cùng cha mẹ... mà còn biến việc học tập của trẻ thành nỗi ám ảnh, trường lớp thành nơi chất chứa những hình phạt làm cho trẻ sợ hãi nếu thầy cô cứng nhắc áp dụng những biện pháp giáo dục cực đoan.
Hiểu thực tế việc nuôi dạy trẻ hiện nay trong gia đình để thấy rõ thêm tình hình thầy cô dạy HS ở trong nhà trường. GV không thể áp dụng "một giáo án" cho tất cả HS. Nghĩa là GV lên lớp không nên có sẵn định kiến và xếp vào danh sách HS cá biệt chỉ vì chúng khác biệt với số đông HS khác.
GV có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển tự nhiên của HS có khuynh hướng bộc lộ khả năng bẩm sinh một cách mạnh mẽ, rõ nét, nếu nhìn từ bề ngoài, cá nhân HS có vẻ "dị biệt", không chấp nhận các biện pháp giáo dục có tính khuôn mẫu, áp đặt. Không thể lấy một thước đo chung về học lực và hạnh kiểm để bắt buộc một HS thực hiện theo quy chuẩn đó một cách cứng nhắc, máy móc, bất chấp sự mâu thuẫn giữa khả năng, tính cách và công việc mà HS phải thực hiện.
Không còn chỗ cho bài giảng buồn tẻ, chiếu lệ
Như vậy, hiệu quả giáo dục không nên chỉ đánh giá ở quy chuẩn HS đã hoàn thành công việc hay chưa. Trong trường hợp này, mức độ hoàn thành cần được soi chiếu ở góc độ công việc mà HS được giao có phù hợp khả năng, kinh nghiệm và sự hứng thú hay chưa.
GV không nên đóng vai một người đầy uy quyền để bắt buộc HS phải thực hiện và tuân thủ mọi yêu cầu của mình. GV cần nhập vai người hướng dẫn, người quan sát, người điều khiển lớp học, trong đó ưu tiên sự tự do sáng tạo và tự tin của người học. Trong lớp học, chủ nhân phải là HS với những hoạt động tích cực, nhiều chọn lựa phù hợp với cá nhân người học. Ở một lớp học được đo bằng giá trị nhân cách, niềm tin, sự hứng thú..., GV không thể có bài giảng buồn tẻ, chiếu lệ, máy móc; GV càng không thể chỉ dựa vào kiến thức chuyên môn và kỹ thuật giảng dạy.
Người thầy hiện đại chỉ đóng vai trò định hướng, gợi mở, kích thích người học chủ động tìm kiếm, tiếp nhận tri thức, kỹ năng, tạo môi trường học tập tích cực, chủ động cho người học. HS tự đi tìm câu hỏi và trả lời cho những vấn đề mà GV nêu ra, có động lực tìm hiểu, khám phá lượng tri thức không nằm trong giới hạn người thầy cung cấp.
GV với việc đa dạng hóa các phương pháp, hình thức, kỹ thuật dạy học tích cực như: hướng dẫn HS tự học, thuyết trình, thảo luận nhóm, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tình huống, làm dự án, hội thảo, diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa, trò chơi, câu lạc bộ, tham quan, dã ngoại, hoạt động xã hội... chính là tạo môi trường và không gian học tập có tính thực tiễn sinh động, phong phú, tạo điều kiện khách quan thuận lợi để HS phát triển đúng, phù hợp từng cá nhân về sức khỏe, trí lực, tâm lý, tư chất...
Xu thế đổi mới phương pháp dạy học trên thế giới đặt trọng tâm ở người học, cơ bản nhất ở các yếu tố: phát triển tư duy, năng lực vận dụng, giải quyết được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; đòi hỏi người học tích cực, độc lập, sáng tạo, làm chủ kiến thức, kỹ năng; có niềm vui, hứng thú học tập; tự giác và có ý chí tự học; vận dụng được những gì đã học vào thực tế cuộc sống.
Phát hiện thiên hướng nghề nghiệp
Chỉ khi HS được tạo cơ hội hoạt động, tự giác và say mê, hứng khởi chinh phục nội dung bài học thì mới bộc lộ khả năng, thiên hướng nghề nghiệp trong tương lai. Những phẩm chất, thái độ, phản ứng và cách thức giải quyết vấn đề của mỗi HS trong hoạt động học sẽ giúp GV nhận diện chuẩn xác và định hướng nghề nghiệp cho HS một cách hợp lý. GV cần có năng lực định hướng và tư vấn nghề nghiệp cho HS bởi với một HS phổ thông, nghề nghiệp được chọn đúng trong tương lai quyết định sự thành bại của cả đời người.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM)
Theo nguoilaodong
Xây dựng trường học hạnh phúc: Cách làm riêng của mỗi trường Với khoảng 2.000 học sinh, Trường TH Phan Đình Giót nằm trong top trường đông nhất quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy học, giữ vững niềm tin của phụ huynh trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà trường. Xây...