Kỳ vọng dè dặt trước giờ Mỹ-Trung đàm phán thương mại
Chính Tổng thống Donald Trump cũng đã nói rằng ông không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này…
Sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa xuống thang được cuộc chiến thương mại song phương.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ nối lại cuộc đàm phán thương mại căng thẳng giữa hai nước vào ngày thứ Tư tại Washington. Chính Tổng thống Donald Trump cũng đã nói rằng ông không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này.
Theo hãng tin Reuters, đây là vòng đàm phán giữa các quan chức cấp thấp hơn, nhằm mở đường cho việc tiếp tục đàm phán ở cấp cao hơn. Vòng đàm phán này bắt đầu ngay trước khi Bắc Kinh và Washington dự kiến triển khai kế hoạch mới về áp thuế quan lên hàng hóa của nhau vào ngày thứ Năm.
Tuy nhiên, điểm tích cực nằm ở chỗ đây là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi cuộc đàm phán chính thức về thương mại Mỹ-Trung bị gián đoạn vào tháng 6, sau khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington.
Sau vòng đàm phán hồi tháng 5, Bắc Kinh tưởng như đã nhận được sự đảm bảo của Mỹ về rút lại các kế hoạch áp thuế quan. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, Nhà Trắng tuyên bố vẫn sẽ triển khai kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc.
Trước vòng đàm phán lần này ở Washington, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ đạt “kết quả tốt trên cơ sở bình đẳng, công bằng và tin tưởng lẫn nhau”.Phát biểu ngày 22/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói: “Chúng tôi hy vọng các bên có thể bình tĩnh ngồi lại với nhau và thảo luận thẳng thắn nhằm đạt kết quả có lợi cho cả đôi bên”.
Tuy nhiên, vào hôm thứ Hai tuần này, ông Trump nói với hãng tin Reuters rằng ông “không kỳ vọng nhiều” vào vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới. Ông nói việc giải quyết xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ “mất thời gian vì Trung Quốc đã hưởng quá nhiều lợi ích trong thời gian quá dài, và họ đã bị &’hư’ mất rồi”.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ để giảm tác động của hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đối với hàng Trung Quốc. Ông kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hỗ trợ cho ông trong cuộc chiến thương mại và trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Giới phân tích cũng tỏ ra dè dặt khi nói về triển vọng cuộc đàm phán chuẩn bị diễn ra.
Ông Scott Kennedy, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng vòng đàm phán này chỉ có tính thăm dò. “Kỳ vọng của cả hai bên có lẽ đều ở mức thấp”, ông Kennedy nói.
Các vòng đàm phán trước đều do các bộ trưởng cấp nội các chủ trì, gồm Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Ross. Tuy nhiên, cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ được dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen.
“Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ sẽ không được trao thẩm quyền đưa ra đề xuất lớn… Tôi cho rằng khả năng họ lãng phí thời gian là 80-90%”, học giả về Trung Quốc Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa kỳ (AEI) nhận xét. Theo ông Scissors, sẽ đến lúc Tổng thống Trump phải trực tiếp đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết vấn đề.
Theo kế hoạch, bắt đầu vào ngày thứ Năm theo giờ Mỹ, Washington sẽ chính thức áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên 16 tỷ USD hàng Mỹ. Hiện hai bên đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Mỹ đang có kế hoạch đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc đã lên danh sách 60 tỷ USD hàng Mỹ để áp thuế trả đũa. Ông Trump thậm chí từng tuyên bố sẽ đánh thuế 500 tỷ USD hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chịu thay đổi các chính sách công nghiệp và bảo vệ tài sản trí tuệ theo yêu cầu của Mỹ.
Theo vneconomy
Brexit: "Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha"
Các cuộc đàm phán liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cho dù đang gây mâu thuẫn trong nội bộ Vương quốc Anh và mâu thuẫn với EU, tuy nhiên người ta đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi một tài liệu tiết lộ 85% nội dung của thỏa thuận đã được hoàn tất.
Cả hai bên đều lo ngại rằng, những vấn đề khó khăn nếu không được giải quyết, khi Brexit sụp đổ, cả nước Anh và EU đều thiệt hại. Việc nhanh chóng rời đi giờ là yếu tố sống còn với cả hai.
Trong tuần qua, những thông tin giật gân về việc một triệu phú người Anh là Julian Dunkerton tuyên bố sẽ trao tặng 1 triệu bảng Anh để ủng hộ sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân lại về Brexit. Triệu phú Julian Dunkerton, tuyên bố sẽ tài trợ 1 triệu bảng Anh cho tổ chức "Lá phiếu của nhân dân" nhằm vận động tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit. Và lần đầu tiên kể từ sau sự kiện Brexit, số lượng cử tri mong muốn tổ chức trưng cầu dân ý về các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận Brexit đã vượt qua số cử tri nói không.
Cả nước Anh, EU đều đang bị mắc kẹt với các tiến trình chính trị và theo khung chính trị và pháp lý. Ảnh: EPA.
Nguy cơ về một nước Anh có thể "hỗn loạn" với tiến trình Brexit đã khiến EU đứng ngồi không yên. Từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit, các cuộc đàm phán đã đi theo chiều hướng quá quen thuộc. Châu Âu lên chương trình nghị sự, nước Anh thúc đẩy để châu Âu có những nhượng bộ hoặc đạt được thỏa thuận đặc biệt, trong khi cố gắng thực hiện được điều họ thực sự muốn. Châu Âu nói không và tỏ ra cứng rắn.
Nhưng giờ đây, với 85% nội dung của một thỏa thuận đã được hoàn tất và những vấn đề khó khăn nhất đang tồn tại, các quan chức EU lại bày tỏ sự lo ngại rằng Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May nếu bị chia rẽ và mong manh đến mức có thể sụp đổ, điều đó sẽ phá tan cơ hội đạt được một thỏa thuận, và điều này chắc chắn gây thiệt hại cho nền kinh tế các nước EU.
Chính những lo ngại này mà theo lời các quan chức cấp cao của EU, họ đang tìm cách ký một thỏa thuận về Brexit vào cuối năm nay để có thể phê chuẩn vào cuối tháng 3-2019, thời điểm Anh sẽ rời khỏi EU bất kể có đạt được thỏa thuận hay không. Nhưng một số vấn đề khó khăn nhất sẽ được để lại cho giai đoạn đàm phán "quá độ" dự kiến kéo dài thêm 19 tháng nữa, cho đến cuối năm 2020.
Các vấn đề lớn vẫn đang được giải quyết, trong đó vấn đề biên giới Ireland được đặt lên hàng đầu. Châu Âu cho biết họ có thể đồng ý với cách diễn đạt mơ hồ trong tuyên bố chính trị của thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU - cùng với những dòng "tiến tới đàm phán về quan hệ đối tác thân thiết nhất có thể". Mục tiêu là làm giảm những tranh cãi chính trị trong nội bộ nước Anh về việc làm sao để giữ lời hứa không có đường biên giới cứng giữa Ireland, nước vẫn ở trong EU, và Bắc Ireland sẽ rời EU do Brexit.
Tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt mới đây đã có chuyến công du Bắc Âu để vận động hành lang cho lập trường của Anh, cảnh báo về một sự hỗn loạn nếu không đạt được thỏa thuận về Brexit, và thúc giục Brussels "thay đổi cách tiếp cận".
Các nhà đàm phán của Anh và EU trong lần nhóm họp bất thường mới đây, đã khẳng định, điểm mấu chốt lớn là làm thế nào để xử lý các tranh cãi giữa Anh và EU, do bà May, bị thúc ép bởi những người ủng hộ tích cực Brexit, không muốn đưa bất cứ vấn đề nào của Anh ra Tòa dân sự tối cao châu Âu một khi nước này rời EU.
Nhưng vấn đề hóc búa nhất là bản chất của đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland, bởi vì quy chế của đường biên giới này phụ thuộc hoàn toàn vào một số thỏa thuận không chính thức về quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU, hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Đáp lại, về phía Anh, Thủ tướng May đã ủng hộ khái niệm "khu vực thương mại tự do hàng hóa" - không bao gồm dịch vụ - có thể được thực hiện bởi điều mà bà gọi là một "thỏa thuận thuế quan thuận tiện". Các quan chức châu Âu cho biết tuyên bố Chequers ít nhất đã làm rõ, lần đầu tiên, điều mà nước Anh mong muốn, ngay cả khi họ bác bỏ đề xuất về thuế quan của bà May.
Điều khó chịu, các nhà đàm phán của Anh không đề cập "quan hệ đối tác kinh tế" với EU như một phần của thị trường hàng hóa đơn lẻ. Châu Âu đã nói rõ rằng Anh không thể giữ lại những gì họ được hưởng với tư cách một thành viên trong EU mà không thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, đặc biệt là sự tự do lưu thông hàng hóa cũng như vốn, dịch vụ và nhân công.
Theo các quan chức EU, Anh đã không hiểu được rằng chính EU cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài như thế nào kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit - bởi những thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và một số nước lớn mới nổi, cũng như sự nổi lên của các nhà lãnh đạo ở châu Âu và những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy nói chung, phần lớn là chống lại Brussels.
EU rõ ràng cần sự thỏa hiệp. Nếu một liên minh thuế quan chính thức là điều không thể thì giải pháp có thể là một thỏa thuận tự do thương mại với EU cho phép lưu thông hàng hóa không bị gây trở ngại qua biên giới giữa Anh và Ireland. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng một hiệp định thương mại tự do như vậy sẽ nhanh chóng đạt được. Thông thường các hiệp định như vậy phải mất nhiều năm đàm phán.
Cả Anh và EU đều đang bị mắc kẹt với các tiến trình chính trị trong nước và buộc phải tuân theo khung chính trị và pháp lý của họ để đảm bảo sự đoàn kết - điều vẫn được cho là quan trọng hơn nhiều so với những tác hại kinh tế từ một Brexit hỗn loạn.
Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi một nhóm nhỏ những người theo đường lối cứng rắn quả quyết rằng họ thà không có thoả thuận hơn là có một thoả thuận tồi, dù biết chắc đây sẽ là thảm hoạ. EU giờ càng muốn Anh "rời đi" thật sớm để cả khu vực tránh được một sự hỗn loạn đã được trù tính.
Huyền Hoa
Theo cand.com.vn
Thủ tướng Đức không quá kỳ vọng vào cuộc gặp với Putin Thủ tướng Angela Merkel hôm thứ Bảy (18/8) đã cho biết bà không quá kỳ vọng vào cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thủ tướng Đức cho biết bà không hy vọng cuộc gặp với Tổng thống Putin có thể tạo ra những bước đột phá đối với các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria. Thủ tướng Angela Merkel và...